Lại tăng cường điện than tới 2030 (Mỹ Hằng)

Theo đó, than vẫn sẽ là nguồn năng lượng quan trọng nhất của Việt Nam cho tới 2030, với công suất hơn 36GW. 11 nhà máy điện than mới sẽ được xây dựng trong những năm tới.


'Cú giáng' của Việt Nam vào mục tiêu năng lượng sạch ?

Việt Nam lại vừa lên kế hoạch tăng công suất sử dụng điện than từ nay tới năm 2030, theo một dự thảo kế hoạch phát triển năng lượng được Bộ Công thương sửa đổi mới đây.

dienthan1

Việt Nam lại vừa lên kế hoạch tăng công suất sử dụng điện than từ nay tới năm 2030 - Ảnh minh họa

Giới quan sát cho rằng đây có thể là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực của các quốc gia giàu có muốn tài trợ để giúp Việt Nam chuyển sang năng lượng sạch.

Khoảng 8,5 tỷ USD đã được Vương quốc Anh, Liên minh Châu Âu và nhóm G7 đề xuất hỗ trợ cho Việt Nam, chủ yếu dưới dạng cho vay, để chuyển đổi sang năng lượng sạch (gọi là Just Energy Transition Partnership - JETP).

Nhưng Việt Nam đã không chấp thuận thỏa thuận này. Và ngay sau đó, tiếp tục kế hoạch tăng điện than để đảm bảo nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao.

Dự thảo nói trên được Bộ Công thương Việt Nam sửa đổi ngày 11/11, và ban hành ngay sau hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu COP27 ở Ai Cập mới đây.

Theo đó, than vẫn sẽ là nguồn năng lượng quan trọng nhất của Việt Nam cho tới 2030, với công suất hơn 36GW. 11 nhà máy điện than mới sẽ được xây dựng trong những năm tới.

Việt Nam hiện chỉ đứng sau Trung Quốc về điện than trong số các quốc gia thuộc tiểu vùng sông Mekong.

dienthan2

Lượng khí thải ở Việt Nam theo đó dự kiến sẽ tăng lên theo cấp số nhân, nhất là khi kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng.

Hiện đã có hai quốc gia ký JETP là Nam Phi và Indonesia. Các nước này sẽ nhận được các khoản hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD từ G7 và các nước phát triển khác để chuyển dần sang năng lượng sạch.

Giới chức EU và các nhà đàm phán phương Tây khác đã hy vọng Việt Nam sẽ trở thành nước thứ ba ký JETP tại COP27, và theo đó sẽ chấp thuận khoản hỗ trợ hơn 8 tỷ USD nói trên.

Nhưng các nguồn tin ngoại giao cho hay Việt Nam muốn có thêm các khoản tài trợ và có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với cách giải ngân, theo Reuters.

Một số quan chức EU hi vọng rằng họ sẽ đạt được một thỏa thuận khác với Việt Nam tại hội nghị thượng đỉnh với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào giữa tháng 12 tại Brussels.

Năm 2021, tại COP26, Việt Nam cam kết đưa chỉ số phát thải CO2 về 0 (net zero) vào năm 2050 và một trong những tiêu chí hàng đầu để đạt mục tiêu này là loại bỏ dần điện than.

Đến năm 2020, điện than của Việt Nam đã tạo ra năng lượng nhiều bằng tất cả các nguồn khác cộng lại. Điện than cũng thải ra 126 triệu tấn CO2, tương đương một nửa lượng khí thải của Việt Nam.

Việt Nam phải bắt đầu thực hiện cam kết từ bây giờ'

dienthan3

Trao đổi với BBC News tiếng Việt, bà Flora Champenois, nhà nghiên cứu tại Global Energy Monitor nói rằng "Mặc dù Chính phủ Việt Nam đã cam kết rõ ràng rằng sẽ đạt net zero vào năm 2050, nhưng họ vẫn chưa có bất kỳ động thái quan trọng nào để làm như vậy hoặc có chút tích cực lên kế hoạch nào cho việc loại bỏ điện than nhanh chóng".

Trả lời câu hỏi liệu bà có nghĩ rằng Việt Nam thực sự quyết tâm để đạt được cam kết net zero, bà Flora Champenois nhắc đến "một làn sóng đàn áp xã hội dân sự mới ở Việt Nam", trong đó nổi bật là các vụ bắt giữ các nhà hoạt động môi trường gần đây bao gồm 'anh hùng khí hậu' Ngụy Thị Khanh - người đã tích cực vận động để Việt Nam loại bỏ điện than - Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách "đang gây nguy hiểm cho tiến bộ trong giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu".

Bà nhấn mạnh : "Chính phủ Việt Nam phải duy trì các tiêu chuẩn nhân quyền cao nhất để củng cố và đạt được các cam kết của mình".

dienthan4

Bà Flora Champenois, nhà nghiên cứu tại Global Energy Monitor

"Việc đáp ứng các cam kết sẽ không dễ dàng nhưng vẫn có thể thực hiện được. Ví dụ, Việt Nam có thể theo đuổi nhiều cách hơn để giảm sự căng thẳng về nhu cầu năng lượng trong tăng trưởng kinh tế, cải thiện lưới điện quốc gia, đảm bảo nguồn vốn cho năng lượng tái tạo, v.v. Bằng cách chính thức hóa việc chấm dứt các chính sách tập trung vào than và nhiên liệu hóa thạch trước đây, Việt Nam sẽ cho thấy rằng mình sẵn sàng và có thể đạt được những tiến bộ hướng tới 'net zero'.

Theo bà, "Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi với mặt trời và nguồn gió ổn định trên bờ. Với việc lập kế hoạch cẩn thận, cũng như sự tham gia của các bên liên quan trong nước và quốc tế, Việt Nam có thể trở thành nước dẫn đầu và dần dần xóa bỏ than khỏi lưới điện trong khi vẫn tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, trở ngại nằm ở chỗ các nước cam kết net zero chủ yếu dựa trên tinh thần tự nguyện.

"Không có cơ chế thực sự nào để buộc các nước thực thi cam kết nào hoặc trừng phạt họ nếu không thực hiện đúng cam kết này. Đây là lý do tại sao Việt Nam cần xác định các mục tiêu ngắn hạn, tạm thời để tiếp tục đi đúng hướng. Các công việc cơ bản nằm đáp ứng cam kết net zero năm 2050 cần phải bắt đầu trong thập kỷ này", bà Flora Champenois nói với BBC.

Không lâu trước khi Việt Nam sửa đổi kế hoạch tăng cường điện than cho tới 2030, ngành điện lực Việt Nam - do nhà nước độc quyền - đã ngưng mua điện mặt trời từ nhà máy Trung Nam - Thuận Nam ở tỉnh Ninh Thuận.

Việc cắt giảm một nửa công suất tiêu thụ điện mặt trời có hiệu lực từ ngày 1/9 đã khiến tập đoàn Trung Nam đứng trước nguy cơ phá sản, theo một bức thư Tập đoàn Trung Nam gửi Bộ Công thương mà Reuters được tiếp cận.

Đầu tư của Trung Quốc

Trung Quốc là các nhà đầu tư chính cho điện than Việt Nam, sau đó đến Anh, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản....

dienthan5

Vào tháng 9/2021, ông Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ chấm dứt xây dựng mới các dự án than ở nước ngoài, theo Energy Economics and Financial Anlysis.

Nói với BBC, bà Flora Champenois nhận định rằng, "dù vậy, tài trợ cho điện than có thể vẫn đến thông qua nhiều kênh khác nhau".

"Để kỷ nguyên điện than kết thúc, tất cả các kênh này phải đóng lại.

"Từ nay cho đến lúc đó, vẫn tiềm ẩn rủi ro của việc Việt Nam lập kế hoạch năng lượng để thúc đẩy các nhà máy điện than mới, làm trì hoãn quá trình chuyển đổi cần thiết sang các nguồn năng lượng sạch hơn".

Danh sách các dự án than tiềm năng khác nhau ở Việt Nam do Trung Quốc đầu tư mà hiện chưa bị hủy bỏ rõ ràng do bà Flora Champenois cung cấp cho BBC, bao gồm :

1. Nhà máy điện than Anh Khanh tại Bắc Giang

2. Nhà Máy Công Thanh

3. Nhà máy Nam Định

4. Nhà máy Sông Hậu

5. Nhà máy Vĩnh Tân

Việt Nam là nước nhận nhiều tiền đầu tư nước ngoài nhất cho phát triển điện than, theo sau là Bangladesh, Indonesia, Ấn Độ...

Mỹ Hằng

Nguồn : BBC, 25/11/2022