Dân Chủ Và Độc Tài – Thể Chế Nào Tốt Hơn? (Bàn Việc Nước)

 

Mới đây, khi đang đọc một bài đăng về chính trị trên mạng xã hội, tôi thấy có người trích dẫn một câu nói đáng chú ý: “Chế độ độc tài hoạt động tốt khi nhà lãnh đạo có tài. Chế độ dân chủ hoạt động tốt khi quần chúng có hiểu biết.” Mới nghe qua thì câu này có vẻ có lý nhưng thật ra nó không có gì mới. Nó chỉ là cách diễn đạt khác của hai luận điệu cũ. Luận điệu thứ nhất là một xã hội muốn tiến nhanh cần một chế độ độc tài sáng suốt, cần đình hoãn xây dựng dân chủ và hy sinh một số tự do căn bản. Luận điệu thứ hai là muốn có dân chủ thì trước tiên phải nâng cao dân trí. Vậy hôm nay chúng ta sẽ thảo luận bản chất của chế độ độc tài và dân chủ để xem câu nói kia là đúng hay sai.

Độc Tài

Trước hết, chế độ độc tài xuất phát từ niềm tin rằng con người sinh ra không bình đẳng. Có một người hoặc một nhóm người được cho là có trí tuệ và đạo đức hơn hẳn phần còn lại của dân tộc. Đó có thể là một dòng họ, một chủng tộc, một tôn giáo, hay một giai cấp. Chỉ có họ mới biết điều gì là tốt cho người dân. Họ cũng tin rằng mình không bao giờ phạm sai lầm nên không cho phép ai lên tiếng chỉ trích. Do đó họ phải có quyền lực tuyệt đối để toàn quyền quyết định trong mọi vấn đề và độc quyền cai trị đất nước trong thời gian vô hạn định.

Đây cũng chính là tư tưởng của đảng cộng sản. Họ tự ý phân chia xã hội Việt Nam thành các giai cấp, rồi tự coi mình là đội tiên phong của giai cấp lãnh đạo. Họ coi chủ nghĩa Mác-Lênin là “đỉnh cao của trí tuệ loài người”. Bộ máy tuyên truyền của đảng nói rằng chính sách của đảng không bao giờ sai mà chỉ có những cá nhân làm sai. Bất cứ ai phát biểu trái với quan điểm của đảng đều bị cho là thế lực thù địch. Họ còn khuyên rằng mọi chuyện đã có đảng và nhà nước lo, người dân chỉ nên lo kiếm sống, đừng quan tâm đến chính trị.

Một thí dụ về sự tăm tối của Đảng Cộng Sản là mới đây bộ chính trị đã ban hành nghị quyết số 681 tuyên bố kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng nhất của nền kinh tế. Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao phải tới năm 2025 Đảng Cộng Sản mới nhận ra một vấn đề mà thế giới đã biết từ thế kỷ 18? Adam Smith đã viết về thị trường tự do hơn 200 năm trước. Và đáng lẽ vào ngày 30/4/1975, cách đây 50 năm, Đảng Cộng Sản đã phải thấy nền kinh tế thị trường ở miền Nam ưu việt hơn hẳn nền kinh tế tập thể ở miền Bắc khi họ tiến vào Sài Gòn.

Một câu hỏi khác là với việc nhìn nhận kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế2, Đảng Cộng Sản có hành động gì để xin lỗi hay bồi thường thiệt hại cho những nạn nhân của chính sách cải tạo công thương nghiệp ở miền Bắc và đánh tư sản ở miền Nam không? Rất tiếc câu trả lời là không bởi vì đảng cộng sản không bao giờ nhìn nhận sai lầm cũng như không thấy mình phải có bổn phận nào đối với nhân dân Việt Nam.

Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng không thể có những chế độ độc tài sáng suốt bởi vì nền tảng của mọi chế độ độc tài là sự kiêu căng bệnh hoạn của một người hay một nhóm người tự nghĩ rằng họ đủ thông minh để suy nghĩ thay cho cả một dân tộc. Họ không nhìn thấy sự phức tạp của các vấn đề và cũng không nhìn thấy sự nông cạn của chính mình. Người độc tài trước hết là một kẻ u mê. Vả lại, nếu quan sát, ta có thể thấy hầu hết các tập đoàn độc tài đều thiếu văn hóa.

Dân Chủ

Ngược lại, chế độ dân chủ xuất phát từ niềm tin rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng. Mỗi người đều có tiếng nói và chỗ đứng ngang nhau. Chế độ dân chủ cũng hiểu rằng đã là con người thì ai cũng có thể mắc sai lầm và do đó không người nào được phép nắm giữ quyền lực tuyệt đối. Vì không ai có quyền lực tuyệt đối nên xã hội vận hành dựa trên đối thoại và thoả hiệp. Và để có đối thoại thì không ai bị trừng phạt chỉ vì không đồng ý với chính quyền. Chính trị được coi là việc chung, hay việc nước, và mọi người đều được khuyến khích tham gia. Các định chế được tạo ra để phân phối, giám sát và cân bằng quyền lực.

Khi nói đến dân chủ là người ta nghĩ ngay đến các cuộc bầu cử tự do và công bằng được tổ chức định kỳ để không ai có thể nắm giữ quyền lực vô thời hạn. Mọi người được khuyến khích tham gia sinh hoạt chính trị bằng cách bầu ra những người lãnh đạo đất nước hoặc tự ứng cử vào vai trò lãnh đạo. Lịch sử của nước Mỹ đã thể hiện quá trình đấu tranh cho quyền tự do bầu cử của các thành phần khác nhau trong xã hội. Ban đầu chỉ có đàn ông da trắng được quyền bỏ phiếu. Sau đó đến đàn ông da đen. Cuối cùng phụ nữ cũng có quyền bầu cử.

Đã có bầu cử tự do thì phải có đa đảng. Để có đa đảng thì mọi người phải có quyền tự do kết hợp. Những người cùng chia sẻ với nhau một tư tưởng chính trị thì kết hợp lại thành một tổ chức chính trị. Những người không thích làm chính trị nhưng chia sẻ với nhau các mối quan tâm khác thì kết hợp với nhau thành những tổ chức xã hội dân sự để bảo vệ lẫn nhau và giúp nhau thăng tiến. Dưới các chế độ độc tài, mọi kết hợp độc lập với chính quyền đều bị cấm. Một thí dụ là hai thanh niên yêu nước Trần Khắc Đức và Quách Gia Khang đã bị chính quyền cộng sản bắt giam chỉ vì đã tham gia Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, một tổ chức đấu tranh cho nền dân chủ đa nguyên tại Việt Nam bằng phương pháp bất bạo động trong tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc.

Nền tảng của dân chủ là đối thoại và thỏa hiệp bởi vì không ai có quyền lực tuyệt đối. Và muốn có đối thoại thì người dân phải được quyền tự do phát biểu ý kiến và tiếp cận thông tin qua các phương tiện truyền thông. Trong các chế độ độc tài, vấn đề đối thoại và thỏa hiệp không đặt ra bởi vì quyền quyết định chỉ nằm trong tay một nhóm người còn quần chúng thì bị coi là thiếu hiểu biết.

Nói tóm lại, một chế độ được coi là dân chủ nếu có ít nhất ba quyền tự do sau đây. Thứ nhất là quyền tự do ứng cử và bầu cử. Thứ hai là quyền tự do thành lập và tham gia các tổ chức (hay còn gọi là quyền tự do kết hợp). Thứ ba là quyền tự do ngôn luận và báo chí.

Như vậy chúng ta thấy rằng dân chủ không đòi hỏi một mức độ dân trí tối thiểu nào mà trái lại, chính dân chủ đã giúp nâng cao dân trí thông qua quyền tự do thảo luận và tiếp cận thông tin. Hoa Kỳ và Pháp đã có dân chủ từ thế kỷ 18, vào lúc đại đa số người dân không biết chữ cũng như chưa có máy tính và internet. Do đó, nói rằng “Chế độ dân chủ hoạt động tốt khi quần chúng có hiểu biết” chỉ là lẫn lộn giữa nguyên nhân và kết quả.

Nhân tiện đây cũng xin nói về khoa học công nghệ. Chính quyền Việt Nam hiện nay đang muốn thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ thông qua nghị quyết 57 do Bộ Chính Trị ban hành. Nhưng họ nên biết rằng bản chất của khoa học là nỗ lực khám phá ra sự thật về thế giới. Sở dĩ các nước dân chủ có khoa học kỹ thuật tiến bộ là vì mọi người được tự do tìm kiếm và nói lên sự thật. Ngược lại, trong các chế độ độc tài thì nhà nước giữ độc quyền chân lý. “Sự thật” dưới chế độ cộng sản là chủ nghĩa Mác-Lênin là đỉnh cao trí tuệ, luật pháp là công cụ bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị, hay một ký rau muống có giá trị dinh dưỡng bằng một ký thịt bò. Thử hỏi có nhà khoa học nào muốn làm việc trong một chế độ như vậy không?

Nguyễn Trần Đặng

(17/05/2025)

Chú thích

  1. Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về Phát triển kinh tế tư nhân ↩︎
  2. Bộ Chính trị: Kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế ↩︎