Tổng thống Macron thăm Việt Nam: Bàn về vấn đề gì? (BBC Tiếng Việt)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25-27/5, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của một tổng thống Pháp sau gần một thập kỷ, nằm trong khuôn khổ chuyến công du Đông Nam Á của ông Macron.
Ông sẽ đến Hà Nội vào ngày 25/5, sau đó tới Indonesia vào ngày 27/5 và kết thúc chuyến đi tại Singapore, nơi ông sẽ phát biểu tại Đối thoại Shangri-La thường niên – hội nghị quốc phòng hàng đầu châu Á – bắt đầu vào ngày 30/5, Reuters đưa tin.
Văn phòng Tổng thống Pháp (Điện Élysée) cho hay rằng hàng chục thỏa thuận đang được chuẩn bị và có thể được ký kết trong chuyến thăm.
Một quan chức nắm rõ các cuộc đàm phán tiết lộ với Reuters rằng khoảng 30 hiệp ước đang được thảo luận trước lễ ký kết vào ngày 26/5.
Đây là thời điểm mà Việt Nam đang đối mặt với rủi ro bị Mỹ áp thuế nặng nề ,tuy Tổng thống Trump đã tạm hoãn mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam cho đến tháng 7/2025.
Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đang nỗ lực điều chỉnh mô hình tăng trưởng, tập trung hơn vào chi tiêu chính phủ. Việt Nam đang lên kế hoạch đầu tư lớn vào các lĩnh vực giao thông, thông tin liên lạc và năng lượng.
Chuyến thăm của ông Macron diễn ra sau các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều quốc gia châu Âu khác đã đến thăm khu vực này trong những tuần gần đây. Điều này cho thấy tầm quan trọng chiến lược của Đông Nam Á giữa những bất ổn về chuỗi cung ứng và thương mại toàn cầu.
Bản thân Việt Nam cũng được nhiều chuyên gia nhận định là đang ráo riết tìm các thị trường khác để phòng hộ cho viêc mất đi thị trường Mỹ, nhà nhập khẩu hàng hóa Việt Nam lớn nhất toàn cầu với tổng giá trị năm 2024 - theo số liệu phía Mỹ - đạt 136,6 tỷ USD, tương đương 30% GDP quốc gia Đông Nam Á này.
Theo Tạp chí Tài chính của Bộ Tài chính, Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam trong khu vực châu Âu. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 5,42 tỷ USD.
Về đầu tư, Pháp đứng thứ 16/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với 700 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký đạt 3,95 tỷ USD.
Pháp là nhà tài trợ phát triển chính thức (ODA) song phương hàng đầu của châu Âu cho Việt Nam, cung cấp và cho vay ưu đãi khoảng 16,7 tỷ euro từ 1993-2022, tập trung vào các lĩnh vực then chốt như cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp xanh và tài chính.
Việt Nam là quốc gia hưởng nhiều ODA thứ hai của Pháp, theo Báo Đầu tư, một cơ quan ngôn luận của ngành Tài chính.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm hồi tháng 10/2024, hai nước nâng cấp quan hệ ngoại giao lên Đối tác Chiến lược Toàn diện, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam thiết lập ngoại giao cấp cao nhất với một quốc gia EU.
Ở chiều ngược lại, thông tin về chuyến thăm của ông Macron đã xuất hiện từ tháng 3/2025 và được nhiều người xem như một động thái "kết thân" Hà Nội của các lãnh đạo châu Âu trước cơn bão thuế quan của ông Trump.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng được kỳ vọng sẽ thăm Việt Nam trong thời gian sắp tới nhưng chưa có thông tin cụ thể.
Vệ tinh và năng lượng

Một trong những thỏa thuận đang được đàm phán là việc thay thế vệ tinh quan sát trái đất do công ty tiền thân của Airbus Defence chế tạo và phóng vào quỹ đạo năm 2013.
Một quan chức chia sẻ với Reuters rằng một biên bản ghi nhớ không ràng buộc về vấn đề này có thể sẽ được ký kết trong chuyến thăm của ông Macron. Một quan chức khác tiết lộ thêm rằng các cuộc thảo luận khác về vệ tinh cũng đang diễn ra.
Airbus không trả lời yêu cầu bình luận, nhưng trước đây đã từng cho biết đang làm việc về việc thay thế vệ tinh của Việt Nam.
Điện Élysée không bình luận về thỏa thuận cụ thể này.
Theo cơ quan ngôn luận của Bộ Khoa học và Công nghệ, vệ tinh VNREDSat-1 được phóng vào quỹ đạo năm 2013 nói trên nằm trong khuôn khổ Dự án VNRED Sat-1, do Chính phủ Pháp hỗ trợ, để phục vụ công tác giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường, thiên tai, cùng một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Vào tháng 11/2021, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VAST) và Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ Quốc gia Pháp (CNES) cùng với Airbus đã ký Ý định thư về việc hợp tác triển khai vệ tinh quan sát trái đất - một quyết định tăng cường sự hợp tác trong lĩnh vực không gian giữa Pháp và Việt Nam.
Pháp cũng rất quan tâm đến việc thảo luận hợp tác năng lượng và dự kiến sẽ có những tiến bộ trong các dự án năng lượng tái tạo thuộc khuôn khổ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) do EU hậu thuẫn, hai quan chức nói với Reuters.
Năng lượng hạt nhân cũng sẽ được đưa ra thảo luận, mặc dù một trong những nguồn tin cho rằng không có thỏa thuận nào được kỳ vọng sẽ được ký kết.
Việt Nam đã quyết định khởi động lại chương trình điện hạt nhân của mình khi gặp khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng từ nền kinh tế đang phình to.
Các quan chức cho hay Nga và Nhật Bản dường như đang dẫn đầu trong các cuộc đàm phán hạt nhân ở thời điểm hiện tại. Pháp, Hàn Quốc và Mỹ cũng đã thảo luận về khả năng hợp tác với Hà Nội.
Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã làm việc với Tập đoàn Westinghouse của Mỹ chuyên về điện hạt nhân vào hôm 19/5 (giờ Mỹ) trong khuôn khổ đàm phán thương mại song phương giữa hai nước.
Hai bên đã thống nhất chia sẻ thông tin, tiến tới ký biên bản ghi nhớ (MOU) giữa Westinghouse và Tập đoàn Công nghiệp - Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) trong lĩnh vực phát triển điện hạt nhân.
Pháp cũng bày tỏ sự quan tâm đến các kế hoạch xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Với chi phí ước tính khoảng 67 tỷ USD, đây sẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn nhất từ trước tới nay của Việt Nam.
Công ty VinSpeed của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã chính thức đề xuất làm chủ đầu tư dự án và cho biết đang trong quá trình đàm phán với các đối tác hàng đầu về đường sắt từ những quốc gia có công nghiệp phát triển như Trung Quốc, Đức và Nhật Bản.
Mục tiêu là chuyển giao công nghệ để sản xuất đầu máy, toa xe và hệ thống tín hiệu, điều khiển ngay tại Việt Nam.
BBC Tiếng Việt
21/05/2025