Vượng Vin "tới số" chưa ? (Đồng Phụng Việt - Lê Hoàng)

Việc bộ Công an bác tin là một đảm bảo, tuy nhiên, người dân Việt Nam thì dường như không tin ở lời nói của Bộ Công an. Họ theo dõi từ đó đến nay đã hơn 3 tháng nhưng chẳng thấy hình ảnh ông Phạm Nhật Vượng ở nước ngoài.  


Vingroup không tì vết ?

Đồng Phụng Việt, RFA, 31/10/2022

Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng kiêm Phát ngôn viên Bộ Công an – vừa khẳng định : Ông Phạm Nhật Vượng không có tên trong danh sách bị cấm xuất cảnh và hoạt động của Vingroup ổn định, bình thường.

vingroup2

Bộ Công an cho biết đã yêu cầu chính quyền hàng chục tỉnh, thành phố báo cáo về việc chọn lựa khách sạn, resort làm chỗ cách ly và chuỗi cơ sở lưu trú của Vingroup đã được chính quyền nhiều địa phương cùng chọn

Ngoài việc khẳng định như vừa kể tại cuộc họp báo định kỳ do Chính phủ tổ chức mỗi tháng, ông Tô Ân Xô còn thay mặt Bộ Công an loan báo đã khởi tố 68 bị can liên quan đến 63 vụ án, xử phạt hành chính 455 đối tượng, gọi hỏi răn đe khoảng 1.500 đối tượng về các hành vi tung tin thất thiệt. Đồng thời tuyên bố lực lượng chức năng sẽ tiếp tục xử lý các vụ việc đăng tin sai sự thật, tung tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế (1).

Theo ông Tô Ân Xô thì "những thông tin sai trái vừa qua đã làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của các doanh nghiệp". Tuy nhiên ngoài ông Phạm Nhật Vượng và Vingroup, viên tướng này không kể thêm tên doanh nhân hoặc doanh nghiệp nào nữa !

***

Trọng tâm cuộc họp báo định kỳ của Chính phủ diễn ra hôm 29/10/2022 buộc người ta phải thắc mắc : Vì lẽ gì mà Chính quyền, đặc biệt là Bộ Công an lại quan tâm đặc biệt tới ông Phạm Nhật Vượng - Vingroup và bảo vệ tận tình như vậy ? 

Trước đó bốn ngày - hôm 25/10/2022 – ở một cuộc họp báo khác, ông Tô Ân Xô bác bỏ thông tin cho rằng : Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn bởi đó là những "tin giả, sai sự thật" (2). 

Việc tổ chức họp báo để bác bỏ thông tin vừa dẫn diễn ra ngay sau khi báo chí, bao gồm cả tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam – đồng loạt lên tiếng, giúp "cơ quan chức năng" giải thích : Những hình ảnh xuất hiện trên mạng xã hội hôm 24/10/2022, ghi lại cảnh cảnh sát tụ tập "trước cổng Tập đoàn Vingroup tại khu đô thị Vinhomes Riverside (quận Long Biên, Hà Nội) là ảnh cũ, chụp hồi tháng trước, lúc Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat đến thăm Vingroup (3). 

***

Song song với nỗ lực "giải độc dư luận" về ông Vượng – Vingroup, sau khi bắt thêm một số doanh nhân vì bị cho là có liên quan đến vụ án "đưa – nhận hối lộ" và "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" khi phối hợp cùng chính quyền thực hiện khoảng 2.000 chuyến bay đưa người Việt từ nhiều nơi trên thế giới hồi hương lúc Covid-19 lan rộng trên toàn cầu, Bộ Công an cho biết đã yêu cầu chính quyền hàng chục tỉnh, thành phố báo cáo về việc chọn lựa khách sạn, resort làm chỗ cách ly.

Yêu cầu của Bộ Công an cho thấy số bị can dính líu đến chiến dịch "giải cứu" sẽ sớm tăng rất nhanh. Lựa chọn địa phương để đưa những người Việt hồi hương đến cách ly rồi chỉ định địa điểm để cưỡng bức họ phải trả chi phí ăn, ở với giá rất cao rõ ràng là bất thường, mở rộng điều tra là hoàn toàn hợp lý (4). Vấn đề nằm ở chỗ trong quá trình "mở rộng điều tra", Bộ Công an có làm rõ và công bố lý do vì sao chuỗi cơ sở lưu trú của Vingroup lại được chính quyền nhiều địa phương cùng chọn như đã biết hay không ?

Vào thời điểm này, vẫn còn khá nhiều chỗ trên Internet cung cấp thông tin về chi phí cách ly mà những người Việt được "giải cứu" phải trả cho các cơ sở lưu trú của Vingroup ở Quảng Nam, Đà Nẵng, Nha Trang, Lạng Sơn, Hải Phòng, Tây Ninh. Tại sao sau khi hồi hương, những người Việt được "giải cứu" phải ở trong hệ thống lưu trú của Vingroup và phải trả chi phí lưu trú tối thiểu từ 1.200.000/ngày đến 2.375.000/ngày, chưa kể chi phí xét nghiệm, chi phí vận chuyển, phụ thu khi có trẻ con (5) ?

Đối chiếu thời điểm Bộ Công an minh định Vingroup "hoạt động bình thường, ổn định" với thời điểm Bộ Công an tuyên bố "mở rộng điều tra" việc chính quyền một số tỉnh, thành phố lựa chọn, chỉ định địa điểm cưỡng bức người hồi hương cách ly, ắt sẽ phải tự hỏi, vì sao chính quyền những tỉnh, thành phố dính líu đến khâu cách ly những người Việt hồi hương trong đại dịch, chưa gửi báo cáo, thậm chí chưa kịp tổ chức thẩm tra mà Bộ Công an đã loại Vingroup ra khỏi vòng điều tra ?

Vì Vingroup "đóng thuế rất lớn cho nhà nước" và nằm trong số "các doanh nghiệp làm ăn chân chính", tình trạng của Vingroup "ảnh hưởng tới nền kinh tế" trong khi cần "bảo đảm an ninh, an toàn, thị trường" (1) hay vì gì khác ? 

Đồng Phụng Việt

Nguồn : RFA, 31/10/2022

Tham khảo

(1) https://nld.com.vn/thoi-su/trung-tuong-to-an-xo-ong-pham-nhat-vuong-khong-nam-trong-danh-sach-cam-xuat-canh-20221029181925278.htm

(2) https://vietnamnet.vn/trung-tuong-to-an-xo-thong-tin-bo-cong-an-xu-ly-tiep-tap-doan-lon-la-tin-gia-2073741.html

(3) https://nhandan.vn/xe-canh-sat-113-truoc-cong-tap-doan-vingroup-de-bao-dam-an-ninh-trat-tu-cho-lanh-dao-nuoc-ngoai-toi-tham-post721515.html

(4) https://vnexpress.net/bo-cong-an-yeu-cau-nhieu-tinh-cung-cap-ho-so-vu-chuyen-bay-giai-cuu-4527178.html

(5) https://travelhow.com.vn/bang-gia-cach-ly-tai-cac-co-so-khach-san-vinpearl/

*********************

Bộ Công an lại bác tin chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh

RFA, 29/10/2022

Đại diện Bộ Công an Việt Nam vào chiều ngày 29/10 lại lên tiếng bác bỏ thông tin trong công luận về việc chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh.

vingroup2

Ông Phạm Nhật Vượng (áo đỏ) vào tháng 4/2022 - Reuters

Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn của Bộ Công an Việt Nam, khắng định tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ rằng "Hầu hết các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn của chúng ta hoạt động ổn định, bình thường. Ví dụ, tôi khẳng định, đến giờ phút này, ông Phạm Nhật Vượng không nằm trong danh sách cấm xuất cảnh, chắc chắn là như thế. Vingroup vẫn hoạt động bình thường. Vingroup là một trong những doanh nghiệp đóng thuế rất lớn cho nhà nước. Chúng ta nên có trách nhiệm bảo vệ và tôn trong pháp luật, đừng lan thông tin sai trái, sai sự thật".

Vào ngày 11/7 vừa qua, bản tin ngắn trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công an cho biết, "một số tài khoản mạng xã hội lan truyền thông tin về cá nhân đứng đầu doanh nghiệp có ảnh hưởng nhất định đối với thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bị áp dụng một số biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật".

Ông Tô Ân Xô khẳng định, những thông tin do một số tài khoản mạng xã hội nêu trên là tin đồn thất thiệt, không chính xác.

Bản tin ngắn ký tên "Ban biên tập" cũng cho hay, các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đang tiến hành xác minh, làm rõ người có hành vi tung tin đồn thất thiệt để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Từ ngày 9/7, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh vì trước đó Vingroup đã thoái vốn ở các công ty và chuyển tài sản ra nước ngoài. 

Trước đó chỉ bốn ngày, Vinhomes - công ty con của Vingroup cho biết đã có quyết định chuyển nhượng toàn bộ vốn góp với giá trị hơn 1.600 tỉ đồng tại Công ty cổ phần Vinpearl Landmark 81.

Sau khi hoàn tất thương vụ, Vinhomes sẽ không còn sở hữu cổ phần và không còn là công ty mẹ của Vinpearl Landmark 81.

Ngoài ra, chỉ trong mấy tháng đầu năm nay Vingroup đã thoái vốn khỏi các công ty như GeneStory, One Mount Group.

Một công ty con của tập đoàn lừng danh là Vinfast lập công ty ở Singapore, sau đó dự tính đầu tư khoảng bốn tỷ đô la vào Mỹ để xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện ở bang North Carolina và đang có kế hoạch bán xe ở các thị trường như Bắc Mỹ hay Châu Âu. 

Báo Dân Trí trong ngày 11/7 cũng cho biết, mã cổ phiếu của Vingroup là VIC trên sàn chứng khoán Việt Nam giảm hơn 26% so với đầu năm khiến tài sản ông Phạm Nhật Vượng giảm hơn 48.500 tỷ đồng.

Đến chiều cùng ngày, Bộ Công an nêu rõ tin đồn là liên quan đến ông chủ của tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng và cho biết đã xác minh, làm rõ, chuyển hồ sơ sang Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Hà Nội xử lý theo quy định của pháp luật đối với Tô Vĩ Hoàn ở Hà Nội vì có hành vi đưa thông tin thất thiệt.

Ông Hoàn (sinh năm 1984) bị cáo buộc là có hành vi đưa thông tin thất thiệt liên quan đến Tập đoàn Vingroup, ảnh hưởng đến uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tác động xấu đến thị trường chứng khoán.

Đồng thời, Bộ Công an cũng tiến hành xử lý với chín cá nhân tại bảy tỉnh thành khác bị cho là đưa thông tin thất thiệt về ông Vượng bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm xuất cảnh.

Hồi tháng 3/2022, Bộ Công an cũng bác bỏ tin đồn cấm xuất cảnh đối với chủ tịch của FLC là tỷ phú Trịnh Văn Quyết, nhưng chỉ một ngày sau đó đã thi hành lệnh bắt tạm giam ông này với cáo buộc "thao túng" và "che giấu thông tin chứng khoán".

Em trai của ông Vượng là ông Phạm Nhật Vũ hồi năm 2019 chỉ bị tuyên 3 năm tù với tội danh "Đưa hối lộ" dù trước đó đã đưa hàng triệu đô la cho các quan chức để đạt được thương vụ 'Mobifone mua AVG" để hưởng lợi hàng ngàn tỷ đồng cùng với đồng bọn.

Nguồn : RFA, 29/10/2022

***********************

Giải mã bí ẩn lực lượng bao vây Vin Group

Lê Hoàng, Thoibao.de, 28/10/2022

Hiện nay Vin Group là một thế lực rất mạnh. Hồi tháng 7/2022, mạng xã hội cũng rộ lên tin đồn ông Phạm Nhật Vượng bị cấm xuất cảnh. Ngay sau đó là ông Trung tướng Tô Ân Xô – Chánh Văn phòng Bộ Công an xác nhận, lực lượng chức năng của Bộ Công an đã xác minh, đấy là tin đồn thất thiệt. Điều đáng nói là lực lượng công an đã truy bắt người được cho là tung tin ông Vượng bị cấm xuất cảnh.

vingroup1

Phạm Nhật Vượng và Tập đoàn VinGroup - Ảnh minh họa

Việc bộ Công an bác tin là một đảm bảo, tuy nhiên, người dân Việt Nam thì dường như không tin ở lời nói của Bộ Công an. Họ theo dõi từ đó đến nay đã hơn 3 tháng nhưng chẳng thấy hình ảnh ông Phạm Nhật Vượng ở nước ngoài. Vì thế, người dân chưa thể tin Bộ Công an. Vì còn có khả năng Bộ Công an ban hành lệnh miệng.

Mà ông Phạm Nhật Vượng ở trong nước càng lâu thì người ta càng nghi, mà càng nghi thì lời đồn càng phát tán mạnh. Đó là nguyên nhân ngày 24 Tháng Mười trên mạng lan truyền một bức ảnh với tốc độ ánh sáng, đó là bức ảnh cảnh sát 113 đang tụ tập rất đông trước trụ sở của Vin Group. Cả xã hội xôn xao chờ đợi tin chính thức. Tuy nhiên, khoảng 18 giờ 30, đồng loạt các tờ báo lên tiếng đính chính. Theo tin đính chính thì, hình ảnh lan truyền về sự xuất hiện của cảnh sát 113 tại Vingroup đã diễn ra từ ngày 13/9, liên quan đến buổi làm việc giữa lãnh đạo Singapore với những người đứng đầu tập đoàn này.

Hình ảnh chụp lực lượng Cảnh sát 113, đứng trước khu vực trụ sở chính của tập đoàn Vingroup tại khu đô thị Vinhomes Riverside ở quận Long Biên, Hà Nội. Thời điểm đó, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat tại Việt Nam có sự kiện làm việc với Tập đoàn Vingroup vào lúc 9 giờ 30 phút sáng ngày 13/9/2022. Theo quy định, đoàn cần xe dẫn đường, lực lượng chứng năng (bao gồm cả cảnh sát 113) đã tham gia đảm bảo an ninh trật tự cho chuyến thăm.

Như vậy thì đã rõ, lực lượng này bảo vệ cho quan chức nước ngoài thăm Vin Group. Không có sự bắt bớ nào cả. Tuy nhiên, chúng tôi dùng từ khóa "Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat thăm vingroup" thì Google hiện ra toàn bộ là thông tin đính chính. Hoàn toàn không có một bản tin nào nói rằng ông Phó thủ tướng Singapore Heng Swee Keat thăm vingroup tại trụ sở tập đoàn Vin Group tại khu vực khu đô thị Vinhomes Riverside, Long Biên, hà Nội. Chỉ thông tin phó Thủ tướng Singapore thăm thăm cửa hàng WIN của Masan tại chung cư New City, phường Bình Khánh, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và thăm Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore I (VSIP I) – Bình Dương.

Như vậy đến giờ, nguồn của chuyến thăm vẫn không rõ. Nếu thông tin báo chí đính chính là sự thật thì tại sao không thể tìm được nguồn bằng công cụ Google. Vậy nên, thông tin này vẫn còn là đang mơ hồ chưa rõ đúng sai. Có thể đối với những người nhẹ dạ cả tin thì họ tin lời đính chính nhưng đối với những người cẩn thận thì vẫn chưa xua tan được sự nghi ngờ.

Báo chí Việt Nam đã nhiều lần cho đọc giả ăn quả lừa nên lần này cũng khó mà thuyết phục được là bức ảnh đó là sự thật như báo chí thanh minh. Việc Vingroup đang nợ khủng là có thật, việc Vingroup đang khát vốn cũng là thật. Với tập đoàn có mối quan hệ chính trị trong và ngoài nước như Vạn Thịnh Phát còn bị tóm thì Vingroup cũng khó mà an toàn. Với danh sách 156 bất động sản tại những nơi đắc địa Sài Gòn thì mức độ to lớn của Vạn Thịnh Phát không thua gì Vingroup.

Có hai nghi ngờ chưa được giải quyết là tại sao đến nay người ta chưa thấy ông Vượng đặt chân ra nước ngoài và nguồn bài báo có đăng tấm ảnh cảnh sát 113 tại Vingroup vào giữa tháng 9 vẫn chưa thấy thì phía Vin lẫn phía Chính quyền vẫn chưa thể xua tan được mối nghi ngờ. Câu hỏi liệu Vượng Vin tới số chưa thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Sự thật thế nào thì chỉ có chờ đợi mới biết, còn thông tin trên báo chí thì vẫn không đáng tin cậy.

Lê Hoàng (Tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 28/10/2022