Việt Nam không đứng về phe Mỹ để chống Trung Quốc (Nian Peng, Chi Phương)
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ không thành công trong việc chia rẽ quan hệ Việt – Trung. Tờ báo do Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát khẳng định rằng tuy Washington có cố gắng kéo Hà Nội lại gần, thông qua các hợp tác kinh tế, an ninh trong thời gian gần đây, nhưng Việt Nam sẽ không vì thế mà rời xa Trung Quốc.
Lời giới thiệu : Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng vừa kết thúc chuyến công du Trung Quốc từ ngày 30/10 đến ngày 02/11/2022. Theo nhà phân tích Nian Peng, giám đốc trung tâm ngiên cứu về Châu Á (RCAS), sự kiện này không chỉ đơn giản nhằm phô diễn mối quan hệ hữu nghị đặc biệt giữa hai đảng cầm quyền mà còn là dấu hiệu chỉ ra rằng Việt Nam không đứng về phía Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc.
RFI tiếng Việt xin giới thiệu bài phân tích đăng trên The Diplomat ngày 29/10/2022.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước truyền thông tại Hà Nội, Việt Nam, 23/05/2021. AP-Hau Dinh
Hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng đã không gặp nhau kể từ hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017. Không chỉ vì sức khỏe của ông Trọng suy yếu từ sau hội nghị mà còn vì Đảng cộng sản Việt Nam cũng đang bận rộn lo cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 tổ chức vào tháng 01/2021. Thêm vào đó còn có những hạn chế di chuyển do đại dịch Covid-19. Ông Trọng không có cơ hội công du Trung Quốc mãi cho đến nay.
Gần đây, ông Trọng đã tham gia vào hàng loạt các cuộc họp ở Việt Nam. Đây được cho là thông điệp của chính phủ Việt Nam nhằm chỉ rõ rằng sức khỏe của tổng bí thư đã được cải thiện. Do vậy, chuyến công du gần, sang ngay nước láng giềng có thể thực hiện được.
Hơn nữa, Đại hội lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam đã được tổ chức thành công vào năm ngoái. Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu lại làm tổng bí thư. Điều này chỉ ra rằng, ông Trọng đã củng cố quyền lực trong Đảng và trong Chính phủ. Với những gì đã đạt được, chuyến thăm của ông Trọng đến Trung Quốc được đưa vào chương trình nghị sự.
Mối quan hệ đặc biệt giữa hai đảng cộng sản
Có ít nhất hai dấu hiệu được gửi đi từ chuyến thăm Trung Quốc của ông Trọng lần này. Đầu tiên, ông Trọng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên công du Trung Quốc sau Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 20. Là lãnh đạo của Đảng cộng sản, ông Trọng muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng Đảng cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ đặc biệt với Đảng cộng sản Trung Quốc, hai đảng cộng sản lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, tổng thống Mỹ Joe Biden có thể thăm Việt Nam trong khuôn khổ các cuộc họp đa phương diễn ra tại Đông Nam Á vào tháng 11/2022, bao gồm họp thượng đỉnh G-20, thượng đỉnh Đông Á và APEC. Ông Trọng cần đến thăm Trung Quốc trước chuyến thăm của Biden. Như vậy là để thuyết phục Trung Quốc rằng mối quan hệ Việt–Trung vẫn là ưu tiên ngoại giao của Việt Nam.
Trước chuyến thăm đến Trung Quốc, ông Trọng đã gửi điện chúc mừng ông Tập, ca ngợi sự thành công của Đại hội Đảng lần thứ 20. Ông viết : "Tôi mong sớm được gặp lại đồng chí để chúng ta cùng nhau đi sâu trao đổi những vấn đề chiến lược, góp phần tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị, đề ra những định hướng lớn cho tương lai phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước".
Việt Nam hiện đang ở trong vòng xoáy cạnh tranh gay gắt giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, nếu không muốn đối đầu thì phải cẩn trọng trong quan hệ với hai cường quốc. Một mặt, duy trì mối quan hệ gần gũi với Trung Quốc vẫn luôn là ưu tiên ngoại giao của Việt Nam. Mặt khác, Việt Nam nỗ lực phát triển hơn nữa quan hệ với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Hà Nội cần xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh về mối quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đang phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, đặc biệt là về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng ở Biển Đông.
Chính sách ngoại giao 4 không
Trên thực tế, Việt Nam từ lâu đã duy trì chính sách 4 không : Việt Nam chủ trương không tham gia và bất cứ liên minh quân sự nào, không liên kết với nước này để chống nước kia, không cho nước ngoài đặt cơ sở quân sự ở Việt Nam hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Để tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và tạo nền tảng tin cậy vững chắc cho sự phát triển của quan hệ Việt – Trung, ông Trọng tái khẳng định lập trường này và cố gắng trấn an Trung Quốc rằng quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sẽ không gây tổn hại đến quan hệ Trung-Việt.
Cả Việt Nam và Trung Quốc đều tự nhận thấy rằng đang phải đối mặt với sự xâm nhập ý thức hệ từ Hoa Kỳ. Đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc đều thấy bị đe dọa bởi các giá trị phương Tây, giống như bầu cử dân chủ, quyền tự do ngôn luận. Vì vậy, cả hai bên đã tăng cường trao đổi giữa hai đảng và sử dụng những cách hữu ích để bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa và quyền lãnh đạo của hai đảng cộng sản.
Cuối cùng, Việt Nam kỳ vọng sẽ học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc về phát triển kinh tế và ổn định xã hội, đồng thời tiếp thu nhiều hơn nữa đầu tư và công nghệ của Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội. Về phần mình, Trung Quốc sẽ cố gắng thúc đẩy quan hệ hữu nghị Trung-Việt và duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, để đạt được các mục tiêu hiện đại hóa và trẻ hóa quốc gia, nhiệm vụ chính trong nhiệm kỳ thứ ba của ông Tập.
Washington không thể lôi kéo Hà Nội về cùng phe
Chuyến thăm của ông Trọng kết thúc vào thứ Tư, ngày 02/11. Tờ Hoàn Cầu Thời Báo kết luận rằng Hoa Kỳ sẽ không thành công trong việc chia rẽ quan hệ Việt – Trung. Tờ báo do Đảng cộng sản Trung Quốc kiểm soát khẳng định rằng tuy Washington có cố gắng kéo Hà Nội lại gần, thông qua các hợp tác kinh tế, an ninh trong thời gian gần đây, nhưng Việt Nam sẽ không vì thế mà rời xa Trung Quốc. Phải kể đến chuyến thăm của phó tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đến Việt Nam vào tháng 8/2021 nhằm lôi kéo Hà Nội tham gia vào Chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương để kiềm chế Trung Quốc. Trước khi bà Harris hạ cánh, thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc họp với đại sứ Trung Quốc Hùng Ba (Xiong Bo) và cho biết Việt Nam không liên kết với một nước nào để chống lại nước khác.
Ngoài ra, Việt Nam và Hoa Kỳ có quá nhiều khác biệt về mặt tư tưởng. Là một quốc gia do Đảng cộng sản cai trị, Việt Nam phải đối mặt với nguy cơ bị Hoa Kỳ can thiệp dưới hình thức "các cuộc cách mạng màu". Trong khi đó, Trung Quốc và Việt Nam, không chỉ có chung đường biên giới mà còn là các nước xã hội chủ nghĩa, cũng như nhiều điểm tương đồng khác trong phát triển đất nước. Đây chính là nền tảng trong các cuộc trao đổi về quản lý đất nước cũng như ngoại giao giữa hai bên.
Việt Nam dè dặt với Trung Quốc vì an ninh Biển Đông
Tuy nhiên, không giống với các nước Đông Nam Á khác, Việt Nam không nhập khẩu bất cứ loại vũ khí nào từ Trung Quốc kể từ năm 1974, mà thay vào đó phụ thuộc lớn vào vũ khí từ Nga, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), do trang eurasiareview trích dẫn. Đối với Hà Nội, việc Bắc Kinh đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông là một rủi ro an ninh. Trong tuyên bố chung mà Việt Nam công bố sau chuyến thăm, hai bên cho biết đã trao đổi thẳng thắn về vấn đề trên biển, đồng thời đã "nhất trí xử lý ổn thỏa" vấn đề này để "duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông".
Nian Peng
Nguyên tác : Nguyen Phu Trong’s Trip Highlights Special Relationship Between China and Vietnam, The Diplomat, 29/10/2022
Chi Phương lược dịch
Nguồn : RFI, 04/11/2022