Chiến tranh Ukraine : Các kịch bản Nga sử dụng vũ khí hạt nhân (Joseph Cirincione, Trọng Thành)

Thông điệp chủ yếu của chuyên gia vũ khí hạt nhân Mỹ là cần phải từ bỏ quan điểm cố hữu về khả năng duy trì vũ khí hạt nhân như một phương tiện "răn đe", để ngăn chặn chiến tranh, nhất là khi chủ nhân của hệ thống vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới có thể là một kẻ "hoang tưởng". Chỉ có giải trừ vũ khí hạt nhân mới là con đường giúp nhân loại giải thoát khỏi nguy cơ hủy diệt lơ lửng.   


Cuộc chiến tại Ukraine do Nga phát động bước sang một khúc quanh mới vào cuối tháng 9, đầu tháng 10/2022. Sau hàng loạt thất bại nặng, chính quyền Nga quyết định động viên bán phần, khẩn cấp trưng cầu dân ý tại các vùng chiếm đóng để nhanh chóng sáp nhập. Moskva đe dọa dùng cả vũ khí hạt nhân, để bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ", ngăn chặn đà tiến của quân đội Ukraine.  

hatnhan2

Một trái bom nguyên tử gọi là "chiến thuật" có thể gây thảm họa tương đương với vụ Hiroshima 1945. Ảnh minh họa một vụ nổ nguyên tử. Ảnh của U.S. Federal Emergency Management Agency. © Wikimedia

Từ đầu chiến tranh đến nay, chính quyền Putin đã nhiều lần đe dọa sử dụng vũ khí nguyên tử. Cho đến nay điện Kremlin vẫn chỉ dừng ở đe dọa. Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, nguy cơ Nga biến đe dọa thành hiện thực lần này cần được xem xét nghiêm túc hơn. Truyền thông phương Tây dường như bắt đầu đề cập nhiều hơn đến các kịch bản sử dụng vũ khí hạt nhân cụ thể của chính quyền Nga trong chiến tranh Ukraine.  

Bên cạnh nhóm các chuyên gia đặt trọng tâm và niềm tin vào chiến lược răn đe và hành xử khéo léo của chính quyền Mỹ và các đồng minh, đủ sức cản Nga dùng vũ khí nguyên tử, nhiều chuyên gia khác lại nhấn mạnh đến xác suất tuy thấp, nhưng một khi đã xảy ra, việc Nga dùng vũ khí hạt nhân kiểu gì, các hậu quả để lại đều sẽ có thể là những thảm họa khôn lường mang tính toàn cầu.  

***

Vụ nổ kinh hoàng giữa không trung 

Đầu tháng 10/2022, tuần báo L’Obs đăng tải bài phỏng vấn chuyên gia Mỹ Joseph Cirincione, người đã 35 năm nay theo dõi vấn đề các hiểm họa hạt nhân quân sự, và dấn thân trong nhiều hoạt động giải trừ hạt nhân. Trong bài phỏng vấn mang tựa đề "Putin và vũ khí nguyên tử : bốn kịch bản kinh hoàng theo Joe Cirincione ", vị chuyên gia nói đến bốn kịch bản.  

Thứ nhất, Putin sẽ cho nổ một tên lửa hạt nhân tại Biển Đen, và để gây ấn tượng hơn thì tại một vùng không có người ở tại Ukraine. Có thể là sẽ không có người chết, không có thiệt hại lớn nào. Nhưng đây sẽ là một cú sốc với toàn thế giới. Thế giới sẽ phải sững sờ, bởi chưa bao giờ một vũ khí hạt nhân được sử dụng kể từ Thế chiến Hai, và lần thử bom nguyên tử ngoài không trung cuối cùng là vào năm 1980, tại Trung Quốc (kể từ sau vụ thử này, mọi vụ thử hạt nhân mới đều được thực hiện dưới lòng đất).  

Kịch bản thứ nhất này không phải là chuyện giả tưởng bởi đã nằm trong một số phát triển mới của học thuyết hạt nhân Nga, đặc biệt với khái niệm "Leo thang để buộc đối phương xuống thang" (dùng vũ khí nguyên tử gọi là chiến thuật để buộc đối phương chấm dứt một cuộc chiến tranh quy ước, bất lợi cho Nga). Hiện tại, chính quyền Putin để một không khí mơ hồ bao phủ lên khái niệm này.  

Vũ khí "hạt nhân chiến thuật" – một Hiroshima thứ hai  

Nếu hành động đe dọa này không khiến các nước phương Tây ngừng ủng hộ Ukraine, chính quyền Putin có thể chuyển sang một kịch bản thứ hai.  

Đó là sử dụng một vũ khí hạt nhân gọi là có "sức công phá thấp" để nhắm vào một mục tiêu quân sự, hay một nơi tập trung quân, một căn cứ không quân, một quân cảng... Một vũ khí hạt nhân như trên thường được gọi là "vũ khí hạt nhân chiến thuật", có sức nổ dưới 10 kiloton đến 100 kiloton. Hiện tại nước Nga sở hữu khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân "chiến thuật" như trên, mà giới chuyên gia nhiều nước Châu Âu gọi là vũ khí hạt nhân "phi chiến lược". Hoa Kỳ đã cắt giảm mạnh kho vũ khí này. Hiện nước Mỹ sở hữu khoảng 200 vũ khí hạt nhân có sức nổ từ 0,3 kiloton đến 170 kiloton (trong số đó có khoảng 100 bom B61 (sức công phá tương đương với vụ Hiroshima) được bố trí tại năm nước Châu Âu, Đức, Ý, Hà Lan, Bỉ và Thổ Nhĩ Kỳ. Cho đến nay Mỹ và Nga không có hiệp định nào liên quan đến loại vũ khí này.

Để so sánh tác giả dẫn ra trường hợp vụ nổ tại Hiroshima (Nhật Bản), năm 1945. Trái bom do Mỹ thả với sức nổ 15 kiloton, ngay lập tức khiến 70.000 người thiệt mạng, chưa kể người bị thương và chết sau đó do phóng xạ. Một vụ nổ 10 kiloton giới chuyên môn thường gọi là "có sức công phá thấp", tương đương với 20.000 trái bom B-52 nửa tấn mỗi trái, thả xuống đồng loạt. Như vậy, người chết sẽ rất nhiều, các thiệt hại vật chất là ghê gớm.  

Một hành động như vậy của chính quyền Nga cũng chắc chắn sẽ nhận được các trả đũa ghê gớm từ Hoa Kỳ. Nga sẽ ngay lập tức bị cô lập hoàn toàn về chính trị, kinh tế, ngoại giao. Nhiều nước vốn trung lập cho đến nay sẽ phải tỏ thái độ. Ukraine có thể được trợ giúp vũ khí dồn dập. Hoa Kỳ và các đồng minh thậm chí có thể tấn công vào đơn vị quân đội Nga nơi phóng tên lửa hạt nhân.  

Kịch bản giả điên 

Để giành lại thế thượng phong, chính quyền Putin có thể đi tiếp kịch bản thứ ba. Sử dụng các loại bom hạt nhân có sức công phá đến 50 kiloton, tức mạnh gấp ba hay bốn lần trái bom tại Hiroshima. Hàng trăm nghìn người có thể thiệt mạng. Mức độ hủy diệt là chưa từng có kể từ sau Thế chiến Hai. Kịch bản này được chuyên gia Joseph Cirincione gọi là "giả điên".  

Kịch bản thứ ba này hướng đến mục tiêu làm phân hóa hàng ngũ của NATO. Đòn hạt nhân này có thể đánh gục tinh thần chính quyền nhiều nước phương Tây, với suy nghĩ : "không nên tiếp tục…, Ukraine không đáng để chúng ta phải hy sinh an ninh quốc gia". Tất nhiên, nước Mỹ sẽ không nhường bước.  

Hoa Kỳ chắc chắn sẽ trả đũa. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, trong những thập niên gần đây, khác với Nga, nước Mỹ đã phát triển rất nhiều hệ thống vũ khí quy ước, chính xác và mạnh, có thể ngay lập tức giáng cho phía Nga những đòn thảm khốc. Vấn đề là chiến tranh còn có thể dừng lại được nữa hay không ?  "Một mô phỏng của Đại học Princeton về cuộc xung đột Mỹ-Nga bắt đầu bằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, dự đoán sẽ leo thang nhanh chóng khiến hơn 90 triệu người chết và bị thương" ("What are Tactical Nuclear Weapons ? " của Union of Concerned Scientists, đăng ngày 01/06/2022).

Kịch bản trực tiếp tấn công NATO

Nếu không khuất phục được các nước phương Tây ngừng ủng hộ Ukraine, theo chuyên gia Joseph Cirincione, chính quyền Putin có thể chọn một kịch bản leo thang liều lĩnh khác. Đó là tấn công ngay một nước Châu Âu, thành viên NATO. Một quốc gia Trung Âu, cụ thể như Ba Lan có thể là một cái đích. Putin có thể đánh vào một căn cứ không quân Ba Lan, nơi thường xuyên có các chuyến bay vận tải đi Ukraine, với một đầu đạn có sức công chẳng hạn phá gấp ba lần Hiroshima. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, nước Mỹ chắc chắn cũng đã tính sẵn đến các phương án đáp trả với kịch bản này. Đòn trả đũa rất có thể sẽ là hạt nhân.  

Vấn đề chủ yếu theo tác giả là, khi đã bước vào cuộc đối đầu bằng vũ khí hạt nhân, hai bên có còn khả năng dừng lại không ? Bước vào vòng xoáy của việc trả đũa hạt nhân là một con đường khó có lối ra. Vị chuyên gia Mỹ dẫn lại câu của cố tổng thống Mỹ Ronald Reagan, trong Hồi ký, đó là ông không chắc mình sẽ bấm nút trả đũa hạt nhân hay không cho dù nước Mỹ và đồng minh bị tấn công hạt nhân đầu tiên. "Làm như vậy được lợi gì ?", Ronald Reagan đặt câu hỏi. Cá nhân tổng thống Mỹ là người có quyền khởi động cuộc tấn công hạt nhân. Đặt mình vào vị trí của một tổng thống Mỹ, ắt hẳn không ít người cũng đặt câu hỏi như vậy. Bởi đằng sau quyết định đó là số phận của cả nhân loại.  

"Răn đe hạt nhân" chỉ có nghĩa khi đối thủ biết cân nhắc thiệt hơn

Chuyên gia Joseph Cirincione đặc biệt chú ý đến thách thức vô cùng nan giải với phương Tây, đó là xác định đúng lãnh đạo tối cao Nga thuộc loại người nào : một người rất duy lý hay là một kẻ hoang tưởng. Theo chuyên gia Joseph Cirincione, nếu là người rất duy lý Putin chỉ coi vũ khí hạt nhân như một phương tiện cần thiết, để dùng khi cần thiết, "nhằm đạt được một ưu thế về quân sự, thậm chí một ưu thế mang tính chiến lược có ý nghĩa quyết định trong cuộc chiến tranh này". Theo cách hình dung này, Putin sẽ cân nhắc kỹ lưỡng việc có dùng vũ khí hạt nhân hay không, và dùng như thế nào. Đây là "một quyết định mà lãnh đạo Nga đã hoàn toàn không coi nhẹ, bằng chứng là bất chấp nhiều thất bại, nhưng ông ta vẫn chưa dùng". Nếu tình hình tồi tệ hơn, ông ta có thể tính đến việc sử dụng, nhưng vẫn theo cách tính toán của một con người lý trí.  

Trong trường hợp thứ hai, Putin là một người khác hẳn. Tác giả dùng đến các tính từ "hoang tưởng", "hoang tưởng tự đại" để nói về lãnh đạo Nga. Căn cứ vào bài diễn văn nói về việc sáp nhập bốn vùng lãnh thổ của Ukraine của lãnh đạo Nga, chuyên gia Joseph Cirincione cho rằng rất có thể "mức độ đoạn tuyệt với hiện thực" hay mức độ hoang tưởng của ông Putin đã ở mức rất cao. Joseph Cirincione nhấn mạnh là trong trường hợp này, "các biện pháp răn đe hạt nhân" hay các đe dọa khác của các cường quốc nguyên tử đối với lãnh đạo Nga sẽ không còn có ý nghĩa thực sự. Chính sách răn đe hạt nhân (hay dùng đe dọa sử dụng vũ khí hủy diệt để buộc đối phương không dám xuống tay) dựa trên giả định là đối tác phải là người duy lý, có khả năng cân nhắc thiệt hơn.  

Cho đến nay, các tính toán của phương Tây vẫn dựa trên khả năng Putin là một người duy lý. Tuy nhiên, nếu kẻ sở hữu vũ khí nguyên tử không phải là một con người như vậy, thì cần phải dự đoán một cách hành xử hoàn toàn khác.  

Vũ khí hạt nhân "chiến thuật" đưa nhân loại vào chiến tranh nguyên tử

Thông điệp chủ yếu của chuyên gia vũ khí hạt nhân Mỹ là cần phải từ bỏ quan điểm cố hữu về khả năng duy trì vũ khí hạt nhân như một phương tiện "răn đe", để ngăn chặn chiến tranh, nhất là khi chủ nhân của hệ thống vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới có thể là một kẻ "hoang tưởng". Chỉ có giải trừ vũ khí hạt nhân mới là con đường giúp nhân loại giải thoát khỏi nguy cơ hủy diệt lơ lửng.  

Cũng như nhiều chuyên gia khác, Joseph Cirincione chỉ trích xu thế coi việc sử dụng các vũ khí hạt nhân gọi là "chiến thuật" trở thành một chuyện tương đối bình thường. Báo chí Mỹ dẫn lời cựu bộ trưởng quốc phòng Mỹ, James Mattis (trong một cuộc điều trần năm 2018), đã nhận định : "Không có cái gọi là vũ khí hạt nhân chiến thuật, mọi vũ khí hạt nhân khi được đưa ra sử dụng đều có thể mang lại thay đổi có ý nghĩa chiến lược" (bài "Putin’s tactical nuclear weapons could pack the same punch as atomic bombs dropped on Japan", CNN 27/09/2022).

Tổ chức Union of Concerned Scientists  (UCS) của giới khoa học hàng đầu nước Mỹ, nổi tiếng về các vận động giải trừ hạt nhân từ nhiều thập niên nay, cũng lên án mạnh mẽ khái niệm vũ khí hạt nhân "chiến thuật", có nguy cơ đẩy nhân loại vào thảm họa chiến tranh hạt nhân.  

Trọng Thành

Nguồn : RFI, 06/10/2022