Tại sao đấu tranh cho nhân quyền vẫn còn gian truân ? (Nhiều tác giả)
Eleanor Roosevelt (1884-1962) là người đóng vai trò rất quan trọng cho sự ra đời của Tuyên ngôn. Bà đọc bài diễn văn này tại trường đại học Sorbonne, Pháp vào ngày 28 tháng Chín, 1948 ngay trước khi Tuyên ngôn ra đời để bàn về nhân quyền và tự do mà mọi người trên hành tinh chúng ta phải có quyền được hưởng.
Những người đi theo lương tâm mình
Trần Quốc Việt, 03/07/2022
Họ là những blogger Việt Nam. Họ đã và đang khẳng định những quyền tự do phổ quát của mình và từ đấy mở ra con đường mới, độc đáo, hiện đại, và chứa chan hy vọng để đấu tranh cho những quyền tự do cho bản thân và cho tất cả những công dân khác trong xã hội.
Ông Lê Văn Dũng, hay còn được biết đến với cái tên Lê Dũng Vova, tại phiên toà ngày 23/3/2021. Ảnh : TTXVN
Trước họ, nhiều người nói về các quyền tự do phổ quát và căn bản mà toàn thế giới khẳng định qua Bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền. Nhưng đa số nói để mà nói với nhau hay nói qua những kiến nghị đến chính quyền. Những kiến nghị này nhanh chóng rơi không một tiếng vang vào lỗ đen quyền lực.
Hai mục tiêu đầu tiên của họ là truyền bá Bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền và lên tiếng đòi bãi bỏ điều 258 mà phản lại quyền tự do tư tưởng và biểu đạt đã ghi trong Bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền. Hai mục tiêu này đều thành công lớn ở điểm nhờ nỗ lực và dấn thân của họ phong trào đấu tranh cho tự do và tôn trọng pháp luật đã vượt qua bước đầu tiên quan trọng nhất - khởi động phong trào hình thành xã hội dân sự ngoài vòng cương tỏa của chính quyền.
Họ là ai ? Đa số họ là những người trẻ. Họ không bước ra từ bóng đè của quá khứ. Họ không bước ra từ tầng lớp dân oan. Họ không bước ra từ hàng ngũ ngày càng thưa dần của những người đối lập trung thành. Họ không bước ra từ phong trào đấu tranh giải thể chế độ. Họ bước ra từ chính lương tâm mình.
Cụ thể hơn, họ làm tất cả những gì luật pháp không cấm. Họ làm những gì đã được tuyên bố trong Bản Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân quyền. Từ bàn phím máy tính họ xuống đường trên không gian ảo để đòi quyền lợi của mình, và từ trên không gian ảo họ xuống phố phân phát Bản Tuyên Bố Quốc Tế Nhân quyền. Giá trị biểu tượng của nỗ lực tập thể của họ rất lớn vì hành động của họ khẳng định công khai hai điều: các công dân đã vượt qua sự sợ hãi để tìm về nương trợ tinh thần với nhau và truyền hơi ấm và nhiệt tình cho nhau, và quan trọng hơn, cùng nhau thảo ra những tuyên bố chung, và vạch ra những chiến thuật để đạt mục tiêu chung. Và từ Việt Nam họ mang thông điệp tự do truyền ra khắp thế giới. Và một thế giới của những tâm hồn tự do mở lòng ra đón nhận họ và truyền tiếp cho họ sinh lực tinh thần mới cho chặng đường kế tiếp. Họ thành công !
Khác với những thế hệ trước, họ không nuôi ảo vọng về một chế độ toàn trị có thể tự thay đổi. Họ tin chỉ có sức mạnh của mỗi công dân và mọi công dân kết hợp lại mới tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.
Khác với những thế hệ trước, họ không muốn tiếp tục sống trong dối trá, giả vờ tham dự vào trò chơi chính trị dối trá kéo dài qua nhiều thế hệ mà từ đấy tạo ra chế độ này với hy vọng mình và gia đình được sống yên thân và tiến thân. Cho nên họ coi những chữ ký của chính quyền vào các văn kiện quốc tế về nhân quyền là những chữ ký thực. Từ đấy họ chỉ muốn làm những gì mà chính quyền đã cam kết. Không hơn không kém. Với những blogger bạn họ nói hãy cùng nhau tạo ra tương lai tốt đẹp cho tất cả. Với chính quyền dựng lên trên nền tảng bạo lực và dối trá, họ tuyên bố : game over !
Game over ! là tiếng kèn lên đường của những thế hệ trẻ tiến bước vào tương lai.
Tương lai khởi đi từ đây và từ họ - những người dựng tương lai cho mọi người.
Trần Quốc Việt
*************************
Cuộc đấu tranh cho Nhân quyền
Eleanor Roosevelt - Trần Quốc Việt dịch
Lời người dịch : Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc Tế được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào ngày 10 tháng Mười Hai 1948 tại Paris, qua Nghị Quyết 217 A(III). Có bốn mươi tám phiếu thuận, không có phiếu chống, và tám phiếu trắng (Bạch Nga, Tiệp Khắc, Ba Lan, Ả Rập Saudi, Ukraine, Liên Xô, Nam Phi, và Nam Tư).
Eleanor Roosevelt (1884-1962) là người đóng vai trò rất quan trọng cho sự ra đời của Tuyên ngôn. Bà đọc bài diễn văn này tại trường đại học Sorbonne, Pháp vào ngày 28 tháng Chín, 1948 ngay trước khi Tuyên ngôn ra đời để bàn về nhân quyền và tự do mà mọi người trên hành tinh chúng ta phải có quyền được hưởng.
Cuộc đấu tranh vì nhân quyền và tự do là cuộc đấu tranh liên tục và bền bỉ của từng nước và của từng thế hệ cho tới khi nào ánh sáng của tự do và nhân phẩm sáng ngời trên khuôn mặt của từng người ở mọi nơi.
Trần Quốc Việt
Tối nay tôi đến để nói với quý vị về một trong những vấn đề lớn lao nhất của thời đại chúng ta-đó là vấn đề gìn giữ quyền tự do của con người. Tôi đã chọn để thảo luận vấn đề này tại đây ở nước Pháp, tại trường Sorbonne, vì ở đây từ xa xưa cội rễ của quyền tự do của con người đã đâm mạnh và sâu vào lòng đất này và từ đất này những cội rễ ấy đã hút được dồi dào chất bổ dưỡng. Chính ở đây bản Tuyên ngôn các Quyền của con người được công bố, và những khẩu hiệu cao quý của cuộc Cách mạng Pháp - tự do, bình đẳng, bác ái - đã kích thích trí tưởng tượng của con người. Tôi đã chọn để thảo luận vấn đề này tại Châu Âu vì nơi đây là nơi diễn ra những trận chiến lịch sử lớn nhất giữa tự do và chuyên chế. Tôi đã chọn để thảo luận vấn đề này trong những ngày đầu tiên của Đại Hội đồng vì vấn đề tự do của con người quyết định đến sự giải quyết những khác biệt chính trị tồn đọng và đến tương lai của Liên Hiệp Quốc.
Những người sáng lập Liên Hiệp Quốc ở San Francisco đã nhận thức rất rõ tầm quan trọng của vấn đề này. Quan tâm đến sự gìn giữ và phát huy nhân quyền và các quyền tự do cơ bản là trọng tâm của Liên Hiệp Quốc. Hiến chương Liên Hiệp Quốc nổi bật nhờ quan tâm sâu sắc đến các quyền và phúc lợi của những cá nhân nam và nữ. Liên Hiệp Quốc đã tuyên bố rõ ràng ý định ủng hộ nhân quyền và bảo vệ phẩm giá nhân cách con người. Ý chính của Hiến chương được nêu ra ngay trong lời mở đầu khi Hiến chương tuyên bố : "Chúng tôi nhân dân của Liên Hiệp Quốc quyết tâm... tái khẳng định niềm tin vào nhân quyền cơ bản, vào nhân phẩm và giá trị của con người, vào các quyền bình đẳng giữa nam và nữ và giữa các quốc gia lớn và nhỏ, và... phát huy tiến bộ xã hội và chuẩn mực sống tốt hơn trong nền tự do rộng rãi hơn". Lời tuyên bố này phản ánh tiên đề căn bản của Hiến chương là hòa bình và an ninh của nhân loại phụ thuộc vào sự tôn trọng lẫn nhau các quyền và tự do của tất cả mọi người.
Một trong những mục đích của Liên Hiệp Quốc được tuyên bố trong điều 1 là: "đạt được sự hợp tác quốc tế trong việc giải quyết những vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, hay nhân đạo, và trong việc phát huy và khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ, hay tôn giáo".
Tư tưởng này được lập lại nhiều nơi trong Hiến chương và đáng chú ý trong điều 55 và 56 các Thành viên cam kết hành động chung và riêng để hợp tác với Liên Hiệp Quốc nhằm thúc đẩy "sự tôn trọng và thực thi phổ quát nhân quyền và các quyền tự do cơ bản của tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, giới tính, ngôn ngữ hay tôn giáo".
Nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất được giao cho Ủy ban Nhân quyền là soạn Luật Nhân quyền Quốc Tế. Đại hội đồng khai mạc khóa họp thứ ba tại Paris cách đây vài ngày sẽ nhận được thành quả lao động đầu tiên của Ủy ban trong nhiệm vụ này, đó là bản Tuyên ngôn Nhân quyền Quốc tế.
Sau nhiều công sức bản Tuyên ngôn này cuối cùng được hoàn tất trong khóa họp vừa qua của Ủy ban Nhân quyền ở New York vào mùa xuân 1948. Hội đồng Kinh Tế và Xã Hội đã gởi đến Đại hội đồng bản Tuyên ngôn này mà không kèm theo ý kiến, cùng với các văn kiện khác được Ủy ban Nhân quyền đệ trình.
Chúng tôi đã quyết định trong Ủy ban của mình rằng Luật Nhân quyền nên gồm có hai phần :
1. Tuyên ngôn có thể được chấp thuận qua hành động của các nước thành viên của Liên Hiệp Quốc trong Đại hội đồng. Tuyên ngôn này sẽ có sức mạnh đạo đức rất lớn, và sẽ nói với các dân tộc trên thế giới "chúng tôi hy vọng đối với tất cả mọi người đây chính là ý nghĩa của nhân quyền trong tương lai". Chúng tôi ghi lại ở đây những quyền mà chúng tôi coi là căn bản và phải có cho những cá nhân con người trên khắp thế giới. Không có những quyền này, chúng tôi tin sự phát triển nhân cách cá nhân trọn vẹn là điều không tưởng.
2. Phần thứ hai của Luật Nhân quyền, mà Ủy ban Nhân quyền chưa kịp hoàn tất do thiếu thời gian, là công ước dưới dạng hiệp ước sẽ được trao cho các nước trên thế giới. Mỗi nước, sau khi đã sẵn sàng phê chuẩn, sẽ phê chuẩn công ước này và sau đó công ước sẽ trở nên ràng buộc với những nước nào tham gia công ước. Mỗi nước đã phê chuẩn lúc đó sẽ có bổn phận phải thay đổi bất kỳ những điều luật nào của mình không phù hợp với những điểm trong công ước.
Công ước này, tất nhiên, sẽ phải là văn kiện đơn giản hơn. Công ước không thể bày tỏ các nguyện vọng, mà chúng tôi nghĩ có thể cho phép trong Tuyên ngôn. Công ước chỉ có thể khẳng định những quyền được luật pháp đảm bảo và công ước phải gồm có những phương pháp thi hành, và không có nhà nước nào đã phê chuẩn công ước lại có thể được phép coi thường nó. Chúng tôi vẫn chưa đồng ý về những phương pháp thi hành, Ủy ban cũng không xem xét đầy đủ và kỹ lưỡng những phương pháp này trong bất kỳ cuộc họp nào của Ủy ban. Chắc chắn nên có cuộc thảo luận về toàn bộ vấn đề Luật Nhân quyền thế giới này và Hội đồng này có thể chấp nhận Tuyên ngôn nếu họ đạt được sự đồng ý về nó. Việc chấp nhận Tuyên ngôn, tôi nghĩ, nên khuyến khích mỗi quốc gia thảo luận ý nghĩa của Tuyên ngôn với nhân dân mình vào những tháng sắp tới để họ sẽ sẵn sàng chấp nhận công ước hơn với sự am hiểu sâu sắc hơn về những vấn đề liên quan khi công ước được đệ trình, chúng tôi hy vọng, vào khoảng một năm nữa và, chúng tôi hy vọng, được chấp nhận.
Tuyên ngôn từ Ủy ban Nhân quyền đã được toàn thể các nước thành viên chấp nhận ngoại trừ bốn phiếu trắng : Liên Xô, Nam Tư, Ukraine, và Byelorussia. Lý do cho điều này là sự khác biệt cơ bản về khái niệm nhân quyền như chúng tồn tại ở những nước này và ở các nước thành viên khác trong Liên Hiệp Quốc.
Khi thảo luận trước Hội đồng, tôi nghĩ chúng ta nên bày tỏ rất rõ ràng và dễ hiểu những khác biệt này là gì và tối nay tôi muốn dành ít thời gian giải thích rõ ràng những khác biệt này với quý vị. Theo tôi có lý do hợp lý để dành ra thời gian suy nghĩ chín chắn và rõ ràng về chủ đề phải chăng nhân quyền, tức sự chấp nhận và tuân theo những quyền này, là nguồn gốc, tôi tin, của cơ hội hòa bình trong tương lai, và của cơ hội củng cố tổ chức Liên Hiệp Quốc cho tới lúc nó có thể duy trì hòa bình trong tương lai.
Chúng ta phải hiểu rõ ràng tự do là gì. Nhân quyền căn bản vốn đơn giản và dễ hiểu : tự do ngôn luận và tự do báo chí ; tự do tôn giáo và thờ phượng ; tự do hội họp và quyền kiến nghị ; quyền của con người được an toàn trong nhà mình và không bị lục soát và bị bắt giữ vô lý và không bị bắt giam và bị trừng phạt độc đoán.
Chúng ta không được để cho các thế lực phản động lừa dối chúng ta qua việc họ ra sức làm hoen ố những lời cao cả của truyền thống tự do của chúng ta để từ đấy làm rối cuộc đấu tranh. Dân chủ, tự do, nhân quyền cuối cùng đã có ý nghĩa rõ ràng đối với mọi người trên thế giới. Vì thế chúng ta không được cho phép bất kỳ quốc gia nào thay đổi ý nghĩa ấy để làm cho các từ này đồng nghĩa với áp bức và độc tài.
Có những khác biệt căn bản xuất hiện ngay cả trong cách dùng từ giữa nước dân chủ và nước toàn trị. Chẳng hạn "dân chủ" đối với Liên Xô có nghĩa này nhưng lại có nghĩa khác đối với Mỹ và, tôi biết, tại Pháp. Tôi đã phục vụ từ buổi họp đầu tiên của ủy ban trù bị cho Ủy ban Nhân quyền, nên tôi nghĩ điểm này rõ ràng rất dễ nhận thấy.
Các đại diện Liên Xô khẳng định họ đã đạt được nhiều điều mà chúng ta, ở các nước họ gọi là "dân chủ tư sản", không thể đạt được vì chính quyền họ làm chủ những thành tựu này. Còn chính quyền chúng ta dường như bất lực so với họ vì, xét cho cùng, chính quyền chúng ta do nhân dân làm chủ. Họ không diễn đạt như vậy- họ thường nói nhân dân ở Liên Xô làm chủ chính quyền bằng cách cho phép chính quyền có những quyền tuyệt đối nào đấy. Chúng ta, ngược lại, tin rằng những quyền nào đấy có thể không bao giờ được trao cho chính quyền, mà phải được giữ trong tay nhân dân.
Chẳng hạn, Liên Xô nhất định khẳng định báo chí họ tự do vì nhà nước cho báo chí tự do bằng cách cung cấp máy móc, giấy in, và cả tiền lương cho những người làm việc ở báo. Họ tuyên bố rõ ràng không có sự kiểm soát về bài vở ở nhiều tờ báo mà họ trợ cấp theo cách này, chẳng hạn như báo công đoàn. Nhưng chuyện gì xảy ra nếu như tờ báo đăng những ý kiến chỉ trích các chính sách và giáo điều căn bản của chính quyền cộng sản? Tôi chắc chắn họ sẽ tìm ra lý do chính đáng để dẹp tờ báo ấy.
Cũng đúng là có nhiều trường hợp báo chí ở Liên Xô đã chỉ trích các quan chức cùng những việc làm của họ khiến các quan chức đó bị cách chức, nhưng khi chỉ trích như thế, báo chí không chỉ trích đến bất kỳ điều gì được coi là nền tảng đối với giáo điều cộng sản. Họ chỉ được chỉ trích phương pháp làm việc, cho nên ta phải phân biệt giữa những điều có thể được cho phép, chẳng hạn như chỉ trích cá nhân hay cách làm việc, với sự chỉ trích về giáo điều mà sẽ được coi là sinh tử đối với sự chấp nhận chủ nghĩa cộng sản.
Còn những khác biệt gì, chẳng hạn, giữa các công đoàn trong các nhà nước toàn trị và trong các nước dân chủ? Trong nhà nước toàn trị công đoàn là công cụ được chính quyền sử dụng để áp đặt nghĩa vụ, chứ không phải để khẳng định các quyền. Những tài liệu tuyên truyền nào mà chính quyền muốn công nhân có đều được cấp cho các công đoàn để từ đó được phân phát đến các đoàn viên.
Các công đoàn của chúng ta, ngược lại, hoàn toàn là công cụ của chính các công nhân. Những công đoàn này đại diện cho các công nhân trong các mối quan hệ với chính quyền và với chủ và công đoàn tự do phát triển quan điểm riêng của mình mà không cần chính phủ giúp đỡ hay can thiệp. Nhũng khái niệm của các công đoàn chúng ta và của các công đoàn ở các nước toàn trị khác nhau một trời một vực. Rất ít có sự tương đồng.
Ví dụ điển hình nhất về sự khác biệt căn bản này trong cách dùng từ, tôi nghĩ ta có thể nêu ra, là "quyền làm việc". Liên Xô khẳng định đây là quyền căn bản mà chỉ mình Liên Xô mới có thể bảo đảm được vì chỉ mình Liên Xô mới tạo việc làm toàn thời gian cho tất cả mọi người thông qua chính quyền. Nhưng quyền làm việc ở Liên Xô có nghĩa công nhân phải làm bất kỳ công việc nào do chính quyền giao mà không có cơ hội cho họ tham gia vào quyết định phân bổ này của chính quyền. Xã hội mà mọi người đều có việc làm không nhất thiết là xã hội tự do mà thực chất có thể là xã hội nô lệ; ngược lại, xã hội có sự bất ổn kinh tế lan rộng có thể biến tự do thành quyền sáo rỗng và vô vị cho hàng triệu người. Chúng tôi ở Hoa Kỳ cuối cùng nhận thức tự do nghĩa là tự do chọn công việc của ta, tự do làm việc hay không làm việc tùy ta muốn. Tuy nhiên, chúng tôi, ở Hoa Kỳ, cuối cùng cũng nhận thức rằng người dân có quyền yêu cầu chính quyền của họ không được để cho dân đói vì có khi những cá nhân không thể tìm được công việc họ quen làm và đây là quyết định được tạo ra bởi công luận thành hình từ cuộc khủng hoảng kinh tế mà đã khiến nhiều người thất nghiệp, nhưng chúng tôi ở Hoa Kỳ sẽ không coi chúng tôi đạt được bất kỳ tự do nào nếu chúng tôi bị bắt buộc tuân theo sự phân công công việc độc đoán hay chúng tôi bị sai bảo phải làm việc ở đâu và khi nào. Quyền chọn lựa đối với chúng tôi có vẻ như là một tự do cơ bản, quan trọng.
Tôi rất cảm thông với nhân dân Nga. Họ yêu nước mình và luôn luôn dũng cảm chống lại những kẻ xâm lược để bảo vệ nước mình. Họ đã trải qua thời kỳ cách mạng, cho nên có một dạo họ bị cô lập với thế giới bên ngoài. Do đấy họ không mất đi sự nghi ngờ về các nước khác và khó khăn rất lớn ngày nay là chính quyền họ khuyến khích sự nghi ngờ này và dường như tin rằng chỉ có vũ lực mới tạo cho họ sự tôn trọng.
Chúng tôi, ở các nước dân chủ, tin ở điều giống như sự tôn trọng và hành động quốc tế hỗ tương. Chúng tôi nghĩ người khác không nên đối xử với chúng tôi khác với cách họ muốn được đối xử. Chính sự can thiệp vào các nước khác đặc biệt kích động sự thù địch chống lại Chính phủ Xô Viết. Nếu chính phủ Xô Viết muốn cảm thấy yên ổn để phát triển các lý thuyết kinh tế và chính trị trong lãnh thổ của họ, thì họ phải cho người khác chính sự yên ổn ấy. Chúng tôi tin con người có quyền tự do sai lầm. Chúng tôi không xen vào chuyện của họ thì họ không nên xen vào chuyện của người khác.
Vấn đề căn bản đối mặt với thế giới ngày nay, như tôi đã nói lúc đầu, là sự gìn giữ quyền tự do của con người cho cá nhân và sau đó cho xã hội trong đó cá nhân là một phần. Ngày nay chúng ta đang đánh trận chiến này một lần nữa như ngày xưa nhân dân đánh trận chiến này lần đầu vào thời Cách Mạng Pháp và vào thời Cách Mạng Mỹ. Vấn đề tự do của con người có tính chất quyết định bây giờ như vấn đề tự do của con người có tính chất quyết định vào thời đó. Tôi muốn nói với quý vị khái niệm của tôi về tự do của cá nhân có nghĩa gì ở nước tôi.
Cách đây đã lâu tại Luân Đôn trong một cuộc thảo luận với ông Vyshinsky (1), ông ta bảo tôi trên thế giới không có những thứ như tự do cho cá nhân. Tất cả tự do của cá nhân đều bị các quyền của những người khác chi phối. Điều đó, tất nhiên, tôi thừa nhận. Tôi đã nói : "Chúng tôi tiếp cận vấn đề từ quan điểm khác ; chúng tôi ở đây tại Liên Hiệp Quốc đang cố gắng bắt đầu hình thành những lý tưởng mà sẽ rộng rãi hơn về quan điểm, mà sẽ xem xét trước tiên các quyền của con người, mà sẽ xem xét điều làm cho con người tự do hơn: không phải các chính quyền, mà con người".
Nhà nước toàn trị thường đặt các sắc lệnh do một vài người bên trên ban ra cao hơn ý muốn của nhân dân.
Tất nhiên ta phải luôn luôn xem xét đến các quyền của người khác ; nhưng trong nước dân chủ điều này không phải là sự hạn chế. Thật vậy, trong các nước dân chủ của mình chúng ta làm cho các quyền tự do của chúng ta vững chắc vì mỗi người trong chúng ta đều được mong đợi tôn trọng các quyền của những người khác và chúng ta được tự do làm ra luật pháp của chính mình.
Tự do đối với nhân dân chúng ta không chỉ là quyền mà còn là công cụ. Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do hội họp - những quyền tự do này đối với chúng ta không chỉ là những lý tưởng trừu tượng ; chúng còn là các công cụ nhờ đấy chúng ta sáng tạo ra nếp sống, trong nếp sống ấy chúng ta có thể tận hưởng tự do.
Đôi khi những quá trình dân chủ diễn ra chậm, và tôi biết một số nhà lãnh đạo chúng ta từng nói chế độ độc tài nhân từ sẽ đạt được cứu cánh mong muốn trong thời gian ngắn hơn nhiều so với thời gian phải mất khi trải qua những quá trình thảo luận dân chủ và qua sự hình thành công luận chậm chạp. Nhưng không có cách nào bảo đảm chế độ độc tài sẽ vẫn còn nhân từ hay quyền lực một khi rơi vào tay của một vài người sẽ được trả lại cho nhân dân mà không cần đến đấu tranh hay cách mạng. Qua kinh nghiệm chúng ta đã học được điều này cho nên chúng ta thà chấp nhận những quá trình dân chủ chậm chạp vì chúng ta biết những con đường tắt thỏa hiệp những nguyên tắc mà không thể nào thỏa hiệp được.
Với chúng ta ý dân cuối cùng thể hiện qua các cuộc bầu cử tự do và trung thực, với những chọn lựa hợp lý về những vấn đề cơ bản và về những người ra ứng cử. Bỏ phiếu kín là điều cốt yếu đối với các cuộc bầu cử tự do nhưng ta phải có sự chọn lựa ở trước mặt mình. Tôi nghe chồng tôi nhiều lần nói người ta không bao giờ phải mất tự do của mình nếu họ giữ được quyền bỏ phiếu kín và nếu họ sử dụng lá phiếu kín đó một cách tốt nhất.
Những quyết định căn bản của xã hội chúng ta đều được thực hiện qua ý muốn được bày tỏ rõ ràng của nhân dân. Vì thế khi chúng ta thấy những quyền tự do này bị đe dọa, thay vì tan rã, quốc gia chúng ta lại trở nên đoàn kết và các nước dân chủ sát cánh bên nhau thành nhóm đoàn kết cho dù chúng ta có những hoàn cảnh khác biệt và có nhiều căng thẳng về chủng tộc.
Ở Hoa Kỳ chúng tôi có nền kinh tế tư bản. Đó là vì công luận ủng hộ hình thái kinh tế đó trong hoàn cảnh chúng tôi sống. Nhưng chúng tôi đã áp đặt những giới hạn nào đấy ; chẳng hạn, chúng tôi có những luật chống độc quyền. Những luật này là chứng cứ pháp lý về sự quyết tâm của nhân dân Mỹ nhằm duy trì nền kinh tế tự do cạnh tranh và không cho phép các công ty độc quyền cướp đi tự do ấy của nhân dân.
Các công đoàn của chúng ta phát triển vững mạnh hơn vì nhân dân cuối cùng tin đây là cách thích hợp nhằm bảo đảm các quyền của công nhân và tin quyền tổ chức và mặc cả tập thể duy trì cân bằng giữa nhà sản xuất thực sự và người đầu tư tiền bạc với người đứng đầu trong công nghiệp bảo vệ người lao động tay chân và cũng là người sản xuất ra của cải vật chất thực sự.
Ở Hoa Kỳ chúng tôi đủ khôn lớn để không tuyên bố mình hoàn thiện. Chúng tôi thừa nhận chúng tôi có vấn đề kỳ thị nhưng chúng tôi nghĩ chúng tôi đang đạt được những tiến bộ không ngừng trong việc giải quyết những vấn đề này. Qua các quá trình dân chủ bình thường chúng tôi cuối cùng đang hiểu ra những nhu cầu của mình và hiểu cách chúng tôi có thể đạt đến sự bình đẳng hoàn toàn cho tất cả mọi người chúng tôi. Mọi người được phép thảo luận tự do về chủ đề này. Mới đây Tòa án Tối cao của chúng tôi đã ban hành những quyết định nhằm làm rõ một số luật để bảo đảm các quyền của tất cả mọi người.
Liên Xô tuyên bố đã đạt đến thời kỳ khi tất cả các dân tộc trong biên giới nước họ chính thức được coi là bình đẳng và có các quyền bình đẳng và họ quả quyết họ không có sự kỳ thị đối với người thiểu số.
Đây là mục tiêu đáng khen ngợi nhưng sự phát triển tự do cho cá nhân có những khía cạnh khác rất quan trọng và cần thiết trước khi cái việc không có sự kỳ thị có giá trị nhiều, nhưng những khía cạnh này không có ở Liên Xô. Nếu người ta không được phép hưởng các quyền tự do họ muốn mà họ thấy người khác có, thì người ta thường không phàn nàn về sự kỳ thị. Chính những quyền tự do khác này-những quyền tự do ngôn luận căn bản, tự do báo chí, tự do tôn giáo và lương tâm, tự do hội họp, tự do được xử án công bằng và tự do không bị bắt giam và trừng phạt độc đoán, những quyền tự do này chính quyền toàn trị không thể nào an tâm mà ban cho nhân dân họ nhưng những quyền tự do này mới thật sự ban ý nghĩa cho quyền tự do không bị kỳ thị.
Niềm tin của tôi, và tôi chắc chắn cũng là niềm tin của quý vị, là cuộc đấu tranh cho dân chủ và tự do là cuộc đầu tranh rất quan trọng, vì sự gìn giữ tự do và dân chủ là cần thiết cho mục tiêu cao cả của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Trong xã hội những người tự do cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện. Chúng ta đều biết những mô hình của chủ nghĩa toàn trị-độc đảng chính trị, kiểm soát trường học, báo chí, truyền thanh, nghệ thuật, khoa học, và tôn giáo để củng cố quyền lực chuyên chế; đây là những mô hình lâu đời mà con người đã đấu tranh chống lại trong suốt ba ngàn năm. Những mô hình này là dấu hiệu của phản động, lạc hậu, và thoái hóa.
Liên Hiệp Quốc phải bám chặc vào di sản tự do đã giành được từ cuộc đấu tranh của các dân tộc mình ; Liên Hiệp Quốc phải giúp chúng ta chuyển giao di sản ấy cho các thế hệ tương lai.
Sự hình thành lý tưởng tự do và những ứng dụng của lý tưởng ấy vào thực tiễn cuộc sống hàng ngày ở nhiều vùng bao la trên trái đất là thành quả của công sức của nhiều dân tộc. Đó là thành quả của truyền thống tư duy tích cực và hành động can đảm lâu đời. Không có chủng tộc nào và không có dân tộc nào có thể tuyên bố đã làm hết tất cả mọi việc để đạt được nhân phẩm lớn lao hơn cho con người và tự do lớn lao hơn để phát triển nhân cách. Trong mỗi thế hệ và trong mỗi nước phải có cuộc đấu tranh liên tục không ngừng và phải đạt được những bước tiến mới vì đây rõ ràng là chiến trường nơi đứng im là thoái lui.
Lĩnh vực nhân quyền không phải là một lĩnh vực có thể thỏa hiệp những nguyên tắc cơ bản. Công việc của Ủy ban Nhân quyền minh họa điều này. Tuyên ngôn Nhân quyền quy định : "Mọi người đều có quyền rời khỏi bất kỳ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình". Đại diện Xô Viết nói ông ta sẽ tán thành quyền này nếu thêm vào nhóm từ - "phù hợp với thủ tục được ghi thành luật của nước đó". Rõ ràng là chấp nhận điều này sẽ không chỉ thỏa hiệp mà còn vô hiệu hóa quyền đã được ghi rõ. Trường hợp này minh họa hùng hồn tầm quan trọng của lời tuyên bố chúng ta phải luôn luôn cảnh giác không thỏa hiệp những nhân quyền cơ bản chỉ vì để đạt được sự nhất trí vì như thế đánh mất đi những quyền này.
Theo tôi hiểu, thật không dễ dàng đạt đến sự nhất trí về những khái niệm khác nhau của chúng ta về chính quyền và nhân quyền. Cho nên cuộc đấu tranh nhất định sẽ khó khăn và trong cuộc đấu tranh này chúng ta phải cương quyết nhưng kiên nhẫn. Nếu chúng ta luôn luôn trung thành với những nguyên tắc của mình tôi nghĩ chúng ta có thể duy trì tự do và duy trì tự do một cách ôn hòa mà không dùng đến vũ lực.
Tương lai phải chứng kiến việc mở rộng nhân quyền ra trên toàn thế giới. Những ai đã nhìn thấy dù thoáng qua tự do nhất định không bao giờ bằng lòng cho tới khi nào họ đã đạt được tự do cho chính họ. Nhân quyền, theo ý nghĩa đích thực, là mục tiêu cơ bản của luật pháp và chính quyền trong xã hội công bằng. Nhân quyền tồn tại tới mức độ nhân quyền được tôn trọng bởi mọi người trong mối quan hệ lẫn nhau và bởi chính quyền trong mối quan hệ với công dân.
Thế giới nói chung ý thức những hậu quả bi kịch cho những người sống dưới ách cai trị của các chế độ toàn trị. Nếu chúng ta nghiên cứu việc Hitler lên nắm quyền, chúng ta thấy cách họ rèn ra những xiềng xích để trói buộc cá nhân vào cảnh nô lệ và chúng ta có thể thấy những xiềng xích tương tự đang được rèn ra ở những nước khác. Về chính trị con người phải được tự do để thảo luận và để đạt đến càng nhiều sự thật càng tốt và phải có ít nhất chế độ hai đảng trong nước vì khi chỉ có một đảng chính trị, quá nhiều thứ có thể lệ thuộc vào quyền lợi của độc đảng đó rồi đảng biến thành độc tài chứ không thành công cụ của chính quyền dân chủ.
Tuyên truyền chúng ta chứng kiến trong quá khứ mới đây, giống như tuyên truyền chúng ta nhận thức trong những ngày nay, luôn tìm cách gieo rắc sự nghi ngờ, tìm cách phá hoại, và tiêu diệt tự do và độc lập của các dân tộc. Tuyên truyền như thế đặt cho tất cả các dân tộc vấn đề nên hoài nghi di sản các quyền của họ và vì thế thỏa hiệp những nguyên tắc mà họ đã sống theo, hay cố gắng chấp nhận thử thách, nâng cao cảnh giác hơn nữa, và luôn luôn vững vàng trong cuộc đấu tranh duy trì và mở rộng các quyền tự do của con người.
Những ai tiếp tục bị tước đoạt danh dự họ có quyền được hưởng với tư cách con người nhất định không bao giờ cam phận mãi mãi trong cảnh tước đoạt ấy.
Hiến chương Liên Hiệp Quốc là ngọn hải đăng soi sáng suốt trên con đường đưa đến thành tựu nhân quyền và những quyền tự do cơ bản trên toàn thế giới. Thử thách trước mắt không chỉ là mức độ nhân quyền và các quyền tự do đã đạt được, mà còn là hướng đi của thế giới hiện nay. Phải chăng có sự tuân theo trung thành các mục tiêu của Hiến chương nếu một số quốc gia giới hạn nhân quyền và các quyền tự do thay vì phát huy sự tôn trọng và thực thi phổ quát nhân quyền và các quyền tự do cho tất cả mọi người như Hiến chương kêu gọi?
Nơi thảo luận vấn đề nhân quyền là tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc. Liên Hiệp Quốc đã được lập ra làm nơi gặp gỡ chung cho các nước, nơi chúng ta có thể cùng nhau xem xét những vấn đề chung và tận dụng những khác biệt của chúng ta về kinh nghiệm. Chính nhờ gắn bó bền chặc với dân chủ và tự do nên chúng ta tự nhiên luôn luôn sẵn sàng dùng những thủ tục dân chủ cơ bản của thảo luận và thương lượng trung thực. Như thường lệ bây giờ hy vọng của chúng ta là dù trong thế giới ngày nay chúng ta đối diện với những sự khác biệt lớn về phương pháp, nhưng với thiện ý dành cho lẫn nhau chúng ta có thể đạt đến cơ sở đồng ý chung. Chúng ta có mặt ở đây để tham gia vào những cuộc họp của Hội đồng quốc tế cao cả này mà nhóm họp tại thành phố Paris xinh đẹp của quý vị. Tự do cho cá nhân là phần không thể tách rời của những truyền thống trân quý của nước Pháp. Với tư cách là một Đại Diện đến từ Hoa Kỳ, tôi cầu nguyện Đức Chúa Toàn Năng rằng chúng ta có thể thắng một chiến thắng mới nữa tại đây cho nhân quyền và những quyền tự do của tất cả mọi người.
Eleanor Roosevelt
Nguyên tác : "The Struggle for Human Rights", September 28, 1948
Trần Quốc Việt dịch
Chú thích :
(1) Andrei Y. Vyshinsky là Đại diện của Liên Xô tại Liên Hiệp Quốc (chú thích của người dịch)
*********************
Nhân quyền là di sản của Eleanor Roosevelt
Richard N. Gardner - Trần Quốc Việt dịch
Vào lúc 3 giờ sáng ngày 10 tháng Mười Hai, 1948 Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, họp tại Paris, đã thông qua Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, mà cho đến ngày này vẫn là tuyên bố được thừa nhận ở nhiều nơi nhất về những quyền mà tất cả mọi người trên hành tinh chúng ta phải được hưởng.
Bà Eleanor Roosevelt cầm bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền - Ảnh minh họa
Rồi một chuyện hy hữu chưa từng bao giờ diễn ra ở Liên Hiệp Quốc đã diễn ra. Các đại biểu đứng lên vỗ tay khen ngợi một đại biểu duy nhất, một phụ nữ đứng tuổi, rụt rè, vẻ mặt hơi trang nghiêm nhưng nụ cười rất thân thiện. Tên bà, tất nhiên, là Eleanor Roosevelt.
Bản Tuyên ngôn Quốc tế không phải là một hiệp ước ràng buộc, chỉ là "tiêu chuẩn thành tựu" các nước nên cố gắng đạt đến. Nhưng hiện nay bản tuyên ngôn đã được xuất bản bằng tiếng mẹ đẻ của tất cả các quốc gia, và là ngọn cờ tập hợp cho những nạn nhân rất khác nhau của áp bức như Lech Walesa ở Ba Lan và Nelson Mandela ở Nam Phi. Bản tuyên ngôn là chuẩn mực được cả các tổ chức Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ dùng để đánh giá sự thực thi của chính quyền. Bản tuyên ngôn đã ảnh hưởng đến những hiến pháp và lập pháp của nhiều nhà nước và là nguồn khích lệ chính cho hơn 20 hiệp ước nhân quyền ràng buộc về pháp lý và cho những tổ chức nhân quyền ở Châu Âu và Châu Mỹ La tinh.
Vào tháng Giêng năm 1947, khi Ủy ban về Nhân quyền Liên Hiệp Quốc được thành lập, bà Roosevelt, người năm trước đấy được Tổng thống Harry S. Truman bổ nhiệm làm đại biểu Liên Hiệp Quốc, lập tức được bầu làm chủ tịch.
Chẳng ngạc nhiên là bà Roosevelt chẳng bao lâu thấy mình bị lôi cuốn vào những cuộc đối đầu gay gắt với người Nga. Họ hiểu những từ "tự do" và "dân chủ" theo nghĩa rất khác. Họ muốn thêm vào sau mỗi điều khoản của bản tuyên ngôn một điều nói nhà nước có thể tùy ý quyết định quyền cụ thể nào đấy được thực thi hay không. Và họ đòi đưa vào bản tuyên ngôn những quyền về xã hội và kinh tế - quyền làm việc, giáo dục, y tế - mà họ nói không kém phần quan trọng hơn những quyền chính trị. Sau nhiều thảo luận, bà Roosevelt đã thuyết phục Bộ Ngoại giao chấp nhận thêm vào những quyền về kinh tế. Dù sao, chẳng phải Tổng thống Roosevelt đã đề ra mục tiêu hậu chiến là "thoát ra khỏi cảnh đói nghèo" - "ở khắp nơi trên thế giới" hay sao ? Cho dù hành động này đáp ứng phần nào yêu cầu của họ, nhưng người Nga vẫn cương quyết cản trở. Họ quyết định Bản Tuyên ngôn Quốc Tế chính là thứ họ không thích. Họ chỉ trích kịch liệt và rất ác ý về sự kỳ thị chủng tộc và thất nghiệp tại Hoa Kỳ.
Khi đại biểu Nga chuyển sang chủ đề về tình cảnh của người Mỹ da đen, bà Roosevelt đề nghị người Nga có thể cử một phái đoàn đến Mỹ để quan sát các vấn đề chủng tộc ở Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ có thể làm như thế ở Liên Xô. Tờ New York Times nhận xét, "Người Nga có vẻ như đã gặp phải bà Roosevelt kỳ phùng địch thủ của họ".
Quyết tâm thúc đẩy đến cùng sự hoàn thành của bản Tuyên ngôn, bà Roosevelt ép các đồng nghiệp làm việc rất cật lực. Có nhiều ngày họ làm việc đến mười bốn, mười sáu tiếng và nhiều đại biểu có thể đã kín đáo thì thầm lời cầu nguyện được cho là của Tổng thống Roosevelt : "Chúa ơi, hãy làm cho Eleanor mệt !". Đại biểu từ Panama xin bà Rooselvet hãy nhớ rằng các đại biểu Liên Hiệp Quốc cũng có nhân quyền như ai.
Vào mùa hè 1948 Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cuối cùng đã thành hình. Được soạn thảo ra như bà mong muốn, qua lời văn mộc mạc nhưng hùng hồn, bản tuyên ngôn đã tham khảo rất nhiều bộ Luật về Quyền Công dân Mỹ (Bill of Rights), Đại hiến chương Magna Carta của Anh và Tuyên ngôn về Quyền Con Người của Pháp. Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền gồm có lời mở đầu và 30 điều khoản bày tỏ minh bạch những quyền và tự do căn bản.
Điều 1 nêu ra triết lý căn bản : "Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Họ được phú cho lý trí và lương tâm và nên đối xử với nhau trong tinh thần bằng hữu". Điều 2 bày tỏ minh bạch nguyên tắc không phân biệt trong sự thụ hưởng nhân quyền. Điều 3 đến điều 21 khẳng định mạnh mẽ những quyền dân sự và chính trị, bao gồm quyền sống, tự do và tài sản ; không bị tra tấn hay bị đối xử, trừng phạt một cách hạ thấp nhân phẩm ; không bị bắt bớ, giam giữ, hay lưu đày một cách độc đoán ; quyền được tòa án độc lập và vô tư xét xử công bằng và công khai ; tự do tư tưởng và tôn giáo ; tự do ngôn luận ; quyền hội họp và lập hội ôn hòa.
Điều 22 đến điều 27 đặt ra những quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Những quyền này bao gồm quyền làm việc, quyền an sinh xã hội, quyền được hưởng lương như nhau cho cùng công việc ; quyền nghỉ ngơi và giải trí ; quyền được hưởng mức sống đầy đủ ; quyền giáo dục ; và quyền tham gia vào sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.
Khi Đại Hội đồng nhóm họp ở Paris vào mùa thu năm 1948, Liên Xô đang phong tỏa Berlin. Phát biểu bằng tiếng Pháp ở đại học Sorbonne, bà Roosevelt nói việc người Nga không tôn trọng nhân quyền hiện nay là trở ngại chính đối với nền hòa bình thế giới. Khi Bản Tuyên ngôn cuối cùng được thông qua, đại sứ Charles Malik của Lebanon tuyên bố : "Tôi không hiểu làm sao chúng ta có thể thực hiện được điều chúng ta đã thật sự thực hiện được nếu không có sự hiện diện của bà".
Mặc dù bà Roosevelt tự hào về vai trò của mình trong sự thành hình Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, nhưng bà luôn luôn là người thực tế. Bà biết lời lẽ trong bản tuyên ngôn không tự thực thi được. Những năm về sau bà thích nói với các đại biểu Liên Hiệp Quốc rằng thách thức thật sự là thách thức của "thực sự sống và hoạt động cho tự do và công lý cho mỗi người ở các nước chúng ta".
Đấy là thách thức bà đã sẵn sàng chấp nhận, và tấm gương của bà là tấm gương khích lệ chúng ta hôm nay.
Richard N. Gardner
Nguyên tác : Eleanor Roosevelt Legacy Human Rights, New York Times, 10/12/1988
Trần Quốc Việt dịch
Richard N. Gardner, giáo sư luật quốc tế ở đại học Columbia, là đại sứ Mỹ tại Ý từ năm 1977 đến 1981.
********************
Vinh danh Nhân quyền
Elie Wiesel, Baywood Publishing Company, Inc., New York, 1999
Bảo vệ nhân quyền, trong năm mươi năm qua, đã trở thành gần như là tôn giáo thế tục khắp thế giới. Tôn giáo này thu hút hàng triệu tín đồ và người ủng hộ. Tôn giáo này thường là phi chính trị, mặc dù bối cảnh của nỗ lực của họ là chính trị. Sứ mạng của tôn giáo này là bảo vệ những nạn nhân của bất công và tuyệt vọng, và trong lĩnh vực liệu pháp để chữa lành những ai bị tổn thương tâm hồn, cho dù họ tồn tại ở đâu và cho dù họ là ai. Trẻ và già, trắng hay đen, công dân đã thành đạt hay người tỵ nạn mới đến : cứ để cho những quyền của họ với tư cách con người bị vi phạm, thì sẽ luôn luôn có người hay tổ chức sẵn sàng đứng ra bảo vệ họ.
Giải nhân quyền Martin Ennals 2022 vinh danh tên Phạm Đoan Trang
Tại sao quá muộn ? Phải chăng không có những tù chính trị, những con người của lương tâm bị áp bức, những cộng đồng dân tộc hay tôn giáo bị ngược đãi ở bất kỳ nơi đâu vào trước 1948 ? Thật ra, những nhóm nhỏ các trí thức và những nhà hoạt động chính trị ở vài nơi đã làm hết sức để đánh động công luận trước những thảm họa con người trên quy mô lớn, nhưng phạm vi của họ cũng như tác động cụ thể của họ lên những người đưa ra quyết định đều hạn chế.
Ngày nay, mọi sự đã thay đổi. Nhờ nhịp độ nhanh chóng của dòng thông tin, ý thức của mọi người đã được nâng cao. Ngày nay mối quan tâm cho nhân quyền thuộc về chính sách của chính quyền ở tại nhiều nơi, quan trọng nhất ở đất nước chúng ta. Các chính khách, viên chức cấp cao, và nhà ngoại giao đều là những người bảo vệ đạo đức, mỗi người trong phạm vi trách nhiệm cụ thể của mình. Họ cố gắng biết và để cho những người khác biết mỗi lần một thành viên đối lập bị trừng phạt, một nhà báo bị bịt miệng, một người tù bị tra tấn. Đàn áp chính trị và xã hội không còn liệm kín trong màn bí mật. Những tội ác chống lại nhân loại thuộc về lĩnh vực chung. Rồi bắt đầu lên tiếng phản đối, bắt đầu nghĩ đến trừng phạt.
Nhưng cho dù các cuộc phản đối không có kết quả, chúng cũng không phải là vô ích ; chúng là thông điệp gởi đến các nạn nhân : các bạn sẽ không bị bỏ rơi, các bạn đã không bị lãng quên. Đối với người tù, không có gì quan trọng bằng. Đối mặt với sức mạnh đe dọa, cưỡng bức, và khủng bố của kẻ tra tấn, người tù chỉ sợ bạn bè bỏ rơi, xã hội bỏ mặc.
Về phương diện này, trận chiến phải tiếp tục. Hãy đọc các báo cáo của chính phủ của chúng ta và của Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Helsinki, hay của nhiều ủy ban khác nhau của Luật sư, và rồi bạn sẽ không phải không buồn mà biết chắc chắn rằng vẫn còn có nhiều người tù lương tâm trên thế giới, và tra tấn vẫn còn đang được dùng đến ở nhiều nơi.
Cho nên các nạn nhân vẫn còn cần đến đồng minh và bằng hữu chẳng hạn như những người biên tập và các tác giả có bài viết trong sách này. Qua việc bảo vệ họ, chúng ta tuyên bố rằng nhân quyền bao gồm không chỉ quyền tự do và nhân phẩm, mà còn cả quyền đoàn kết.
Elie Wiesel
Nguyên tác : "The Universal Declaration of Human Rights : fifty years and beyond", Editors : Yael Danieli, Elsa Stamatopoulou, Clarence J. Dias, Baywood Publishing Company, Inc., New York, 1999, p.3-4.
Trần Quốc Việt dịch
Elie Wiesel (1928-2016) là nhà văn và giáo sư người Mỹ gốc Romania. Ông đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1986.
*************************
Hoàng đế ở truồng
Vaclav Havel, Kluge Center Appoints Scholars for Fall 2004
Cách đây hơn mười lăm năm trong dịp viếng thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên với tư cách tổng thống, thay mặt quốc gia mình tôi đã nhận tại đây ở Washington một món quà quan trọng. Đó là bản thảo gốc của bản Tuyên ngôn Độc lập Tiệp Khắc từ năm 1918. Văn kiện hiếm có và giá trị này thuộc sở hữu thư viện này cho đến 1990. Vị tổng thống đầu tiên của chúng tôi, Tomas Garrigue Masaryk, người có công lớn tạo ra nước Tiệp Khắc độc lập và người đã làm việc mật thiết với Tổng thống Wilson trong thời gian sống lưu vong ở Hoa Kỳ, đã chép tay bản thảo tiếng Tiệp này. Khi viết bản Tuyên ngôn này, Masaryk rất có thể lấy cảm hứng từ bản Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ.
Tổng thống đầu tiên của Tiệp Khắc, Tomas Garrigue Masaryk tiến vào Praha, 1918. Alamy/ Ảnh minh họa
Trong lịch sử hiện đại có vài văn kiện như thế mà có ý nghĩa tương tự như ý nghĩa mà bàn Tuyên ngôn Độc lập Mỹ có cho tới ngày nay. Chẳng hạn, tôi chỉ cần nhắc đến bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc thông qua sau Đệ nhị Thế chiến, hay Hiệp ước Helsinki năm 1975. Những văn kiện này rất thành công vì đã được viết bằng ngôn ngữ giản dị, rõ ràng, và hùng hồn, ước gì nhờ đấy học sinh lại càng dễ học chúng thuộc lòng hơn, để những văn kiện này trở thành kiến thức bền vững của các em về công dân và hệ thống các giá trị.
Tất nhiên, cùng với sự chính xác và cao quý của những văn kiện căn bản như thế, có một điều khác đóng vai trò cực kỳ quan trọng: phải có những người sẵn sàng, như người ta thường nói, "chấp nhận hiểm nguy" vì những văn kiện này; nghĩa là, những bản tuyên bố này phải được coi trọng; những nguyên tắc chung của chúng phải được cụ thể hóa; những tuyên bố này phải thật sự được thực thi, và sự thực thi những tuyên bố này phải là điều cụ thể.
Không may, trên thế giới có những chế độ hay chính quyền làm ra vẻ rất tự hào về những văn kiện này, nhưng rõ ràng chẳng coi trọng chúng. Đối với những chế độ như thế, những tuyên bố này chỉ là một trong những hình thức cao hơn của nghi lễ chính thức mà có một mục đích duy nhất : che đậy hiện thực xấu xa. Chức năng của những hình thức này giống như chức năng của nhiều lễ hội, vẫy cờ, diễu hành, những tuyên bố hay diễn văn tán dương : không phải để phơi bày sự thật, mà để che giấu sự thật.
Trong hoàn cảnh như thế ta có thể làm được gì một cách đúng đắn và hợp lý ?
Chắc chắn, ta không nên đáp lại những sự gian trá về từ ngữ, văn bản, tuyên ngôn, hiến pháp hay luật pháp như thế bằng chỉ sự chế giễu hay phản kháng ở chốn riêng tư. Có một cách khác, cách tuy nguy hiểm hơn, nhưng có kết quả hơn. Cách ấy có thể không áp dụng được ở khắp mọi nơi, nhưng nó đã chứng tỏ thành công trong hầu hết mọi trường hợp, đặc biệt trong thế giới hiện đại với những sự tập trung quyền lực chưa từng có và với những ảnh hưởng chưa từng có của những từ ngữ được xử dụng một cách giả dối. Cách ấy chính là sự cố gắng kiên trì tin tưởng vào lời nói của những người tuyên bố thực thi những tuyên ngôn này, và cố gắng kiên trì yêu cầu rằng lời nói của họ không phải chỉ là những lời nói suông trống rỗng. Cách như thế thường khiến những kẻ cai trị rất kinh ngạc và tức tối vì họ quen với chuyện không ai tin tưởng lời nói của họ, và quen với chuyện không ai có can đảm đòi hỏi ý nghĩa thật của lời nói của họ. Nhưng điều ấy hoàn toàn là bình thường.
Đây chính xác là điều chúng tôi đã làm trong suốt thời kỳ phản kháng bất đồng chính kiến chống lại quyền lực toàn trị cộng sản. Chúng tôi rất coi trọng hiến pháp, luật pháp của nước chúng tôi, và các hiệp ước quốc tế -nhất là Hiệp ước Helsinki cho nên chúng tôi bắt đầu yêu cầu chính quyền phải tôn trọng chúng. Không chỉ Hiến chương 77 ở Tiệp Khắc mà Đoàn Kết ở Ba Lan, các Ủy ban Helsink ở Liên Xô, và các nhóm đối lập khác ở các nước cộng sản đều làm theo cách này. Những kẻ cầm quyền đã ngạc nhiên và bất ngờ, nhưng họ thật khó biện minh cho việc trấn áp những người mà không yêu cầu gì khác hơn là nhà cầm quyền phải tôn trọng những luật lệ do chính họ đặt ra. Và như thế chỉ đòi hỏi sự thật thôi đã bắt đầu thắng công an và quân đội.
Tôi tin chắc rằng bằng mọi cách có thể chúng ta phải ủng hộ những người đương đầu với các chế độ độc tài bằng sự tin tưởng của họ vào lời nói của chế độ và ủng hộ những người kêu gọi công luận lưu tâm đến tất cả những mâu thuẫn giữa lời nói và hành động mà là đặc trưng của thực tế hàng ngày trong những chế độ này. Những người rất can đảm đang sống ở Bắc Hàn, ở Trung Quốc, ở Belarus, ở Cuba, ở Miến Điện, và cũng ở nhiều nước khác. Tất cả chúng ta đều khâm phục Aung San Suu Kyi, người tin tưởng vào dân chủ và lên tiêng ôn hòa chống lại sự đàn áp dân chủ thô bạo. Vinh danh cũng dành cho cuộc đấu tranh phi thường của những nhà bất đồng chính kiến Cuba, những người-chỉ nêu ra một trong những sáng kiến của họ- đã thu thập được hàng chục ngàn chữ ký ủng hộ kế hoạch Varela, mà coi trọng luật pháp và, một cách hợp pháp, yêu cầu tôn trọng những nguyên tắc đã công bố chính thức. Tương tự như thế, những người Belarus chỉ trích chế độ cai trị của Lukashenko xứng đáng sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất. Nhiều công dân như thế đương đầu với các chế độ độc tài theo những cách ôn hòa hiện đang tích cực ở trong nước; nhiều người khác đang hoạt động ở nước ngoài, và rất nhiều người khác đang ngồi tù.
Tôi vui mừng khi thấy hiện diện cùng với chúng ta trong buổi tối này có nhiều người đại diện nhiều nhóm và tổ chức đang đấu tranh cho nhân quyền ở những nước nơi nhân quyền bị vi phạm với nhiều mức độ khác nhau và tôi vui mừng khi chúng ta có thể nghe tiếng nói của họ ở đây. Vì dù sao, một mặt chính nhân quyền phải cần thiết hiện diện trong các tuyên ngôn chính thức hay trong các văn kiện cơ bản của những nước có những chế độ rất khác xa nhau, nhưng mặt khác các chế độ áp bức bắt buộc vi phạm thường xuyên nhất với hy vọng sẽ không ai tố cáo những vi phạm như thế và hy vọng sẽ không ai dám la to rằng hoàng đế ở truồng vì áo quần đẹp nhất của hoàng đế chỉ là ảo tưởng. Đồng thời nhân quyền cũng bị vi phạm ở các nước lớn và mạnh như Trung Quốc chẳng hạn, nơi cho đến ngày nay vẫn còn những trại tập trung giam giữ những người bị cáo buộc là kẻ thù của chế độ, giam giữ những người chỉ vì họ suy nghĩ khác. Điều khiến tôi rất bất an là các nước dân chủ- không có bằng chứng thực sự về sự thay đổi trong các chính sách cai trị của Trung Quốc- đang thậm chí nghĩ đến chuyện bãi bỏ cấm vận về vũ khí mà nước này bị áp đặt sau cuộc thảm sát những thanh niên có suy nghĩ độc lập tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và bãi bỏ cấm vận này sẽ có nghĩa là những nguy cơ mới đối với chính quyền dân chủ ở Đài Loan. Và cuối cùng, ngay cả các đại diện của Tây Tạng ngày nay yêu cầu không gì khác hơn là nhân quyền phải được tôn trọng trong nước họ, trong đó bao gồm quyền hành chánh thực sự và tự trị, quyền tôn giáo riêng của họ, quyền văn hóa riêng của họ, và quyền tôn trọng truyền thống và lịch sử riêng của họ.
Không chỉ chính trách nhiệm đạo đức, mà còn chính vì quyền lợi thiết yếu của mọi người sống trong hoàn cảnh dân chủ hay tự do là không được thờ ơ với số phận của những người không có được sự may mắn như thế, là sẵn sàng giúp đỡ tất cả cho những ai dù trong hoàn cảnh mất tự do vẫn có can đảm hành xử tự do và phục vụ sự thật dưới ách cai trị dối trá. Cho nên nghĩa vụ bình thường của những chính quyền dân chủ là phải biết thực trạng ở các nước như thế, và phải công khai nói về nó ở trong nước mình, ở trên trường quốc tế, và trong các buổi họp với các đại diện của tất cả các nước nơi có những lý do đáng quan ngại cho dù những nước ấy có hùng mạnh thế nào chăng nữa. Nếu những nước như thế đặt quan hệ quốc tế của họ trên ý tưởng rằng những quốc gia mà họ có quan hệ nên làm ngơ trước những khuyết điểm nào đấy, hay họ không được nói về những khuyết điểm này, thì ngược lại những chính phủ dân chủ thực sự nên đặt tất cả các mối quan hệ quốc tế của mình trên sự thật, và trên sự công khai lẫn nhau.
Chúng ta đang sống trong thời đại khi một nền văn minh duy nhất bao trùm lên toàn hành tinh của chúng ta, và khi số phận của mỗi người và mỗi xã hội hơn bao giờ hết là số phận của tất cả chúng ta. Nếu chúng ta quan tâm đến người khác, tức chúng ta đồng thời quan tâm đến mình và con cái mình.
Là người cách đây nhiều năm đã trực tiếp kinh qua ách cai trị chuyên chế của chế độ độc tài, nhưng rồi sống để thấy thời kỳ tốt đẹp hơn-phần lớn nhờ sự đoàn kết quốc tế dành cho chúng tôi- tôi khẩn thiết kêu gọi tất cả những ai có cơ hội hãy chống lại hành vi chuyên chế như thế và hãy bày tỏ đoàn kết với nhân dân và các quốc gia mà cho đến ngày nay vẫn còn sống trong tình trạng mất tự do.
Vaclav Havel
Nguyên tác : 'Unexpected Discovery and Delight',
Kluge Center Appoints Scholars for Fall 2004, The Library of Congress, The John.W. Kluge Center. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
Trần Quốc Việt dịch
Vaclav Havel (1936-2011) đọc bài diễn văn sau tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ vào ngày 24 tháng 5 2005.
**********************
Người ta chỉ sống cuộc đời trọn vẹn dưới ánh sáng nhân quyền
UN Chronicle, bộ 25, số 1, tháng Ba, 1988
Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là ánh sáng của rất nhiều cuộc đời, cực kỳ quan trọng cho mọi người trong tất cả những gì họ làm. Lời văn mộc mạc của bản Tuyên ngôn nêu ra những quyền bất khả xâm phạm- về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa-mà tất cả mọi người đều có quyền có. Những tín điều của Tuyên ngôn làm sáng tỏ tình cảnh con người và làm cho cuộc đời đẹp hơn bằng cách cho chúng ta thấy thế giới mà nên như là một nơi nhân từ, tự do, và học thức. Chúng ta không được để cho ánh sáng ấy leo lét hay mờ dần. Chỉ sáng hơn thôi.
Bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền là sự kiện rất quan trọng trong lịch sử con người và pháp lý. Lần đầu tiên, chính phủ các nước đồng ý về tiêu chuẩn để đánh giá cách họ đối xử với công dân. Mãi cho đến khi thành lập Liên Hiệp Quốc, chính phủ các nước trước đấy cho rằng những vấn đề như thế là mang tính nội bộ, và không phải là mối quan tâm chính đáng của cộng đồng thế giới. Khi thông qua bản Tuyên ngôn, các nước đã cam kết thừa nhận và tôn trọng những nhân quyền như quyền sống, tự do và an sinh của con người ; bình đẳng trước pháp luật; tự do tư tưởng, lương tâm và tôn giáo ; tự do ngôn luận và biểu đạt ; quyền làm việc và tự do chọn công việc ; quyền được hưởng mức sống đầy đủ về y tế và phúc lợi ; quyền giáo dục ; quyền tham gia vào sinh hoạt văn hóa của cộng đồng mình.
Bản Tuyên ngôn ban đầu được cho là bản tuyên bố những mục tiêu mà chính phủ các nước nên đạt được, vì thế không thuộc về luật pháp quốc tế bắt buộc. Nhưng bây giờ 40 năm sau, rất nhiều nước công nhận bản Tuyên ngôn đến độ hiện nay Tuyên ngôn được coi là tiêu chuẩn quốc tế để đánh giá hành vi của họ.
Trong Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các cơ quan khác của Liên Hiệp Quốc, bản Tuyên ngôn được viện dẫn không ngừng. Bản Tuyên ngôn thường xuyên được trích dẫn trong các văn kiện pháp lý quốc tế. Bản Tuyên ngôn được viện dẫn trong nhiều hiến pháp quốc gia. Bản Tuyên ngôn đã khích lệ và đôi khi trở thành một phần của pháp luật quốc gia của các nước; bản Tuyên ngôn cũng được chấp thuận cho trích dẫn trong các tòa án quốc gia.
Hai công ước đã ban sức mạnh pháp luật cho những nguyên tắc của bản Tuyên ngôn-một công ước về các quyền kinh tế và xã hội, công ước kia về các quyền dân sự và chính trị. Hai công ước này được Liên Hiệp Quốc thông qua vào tháng Mười Hai 1966. Ngày nay, hơn một nửa các nước thành viên Liên Hiệp Quốc đã trở thành thành viên của những công ước này, do vậy bắt buộc phải bảo vệ những nhân quyền cụ thể như được giải thích rõ ràng và chi tiết trong hai văn kiện này.
Trong nỗ lực vẫn đang tiếp tục dựa trên những nguyên tắc có trong bản Tuyên ngôn, Liên Hiệp Quốc đã thông qua gần 50 văn kiện pháp lý khác nhau về nhân quyền. Những văn kiện này bao gồm những tuyên ngôn và hiệp định về diệt chủng, nô lệ, tra tấn, kỳ thị chủng tộc, phân biệt chủng tộc, bảo vệ người tỵ nạn và trẻ em và kỳ thị phụ nữ. Qua các nghị quyết của Đại Hội đồng, Liên Hiệp Quốc tập trung sự chú ý của thế giới vào những vi phạm nhân quyền tập thể như chế độ phân biệt chủng tộc ở Nam Phi và sự kỳ thị chủng tộc xảy ra bất kỳ ở đâu.
Ủy ban Nhân quyền - tổ chức nhân quyền chính của Liên Hiệp Quốc-hằng năm đều xem xét hàng ngàn khiếu nại về vi phạm nhân quyền. Ủy ban chỉ định những chuyên gia xem xét các tố cáo về những vụ vi phạm nhân quyền thô bạo. Ủy ban đã bắt đầu đối thoại với chính phủ các nước về những vi phạm nhân quyền, và trong nhiều trường hợp góp phần thành công tạo ra những thay đổi.
UN Chronicle
Nguyên tác : "People only live full lives in the light of human rights", UN Chronicle, Dịch từ tạp chí Liên Hiệp Quốc UN Chronicle, bộ 25, số 1, tháng Ba, 1988.Tựa đề tiếng Anh
Trần Quốc Việt dịch