Đạo đức là tên gọi của văn minh (Chu Văn)

Theo dõi hay bình luận về tình hình chính trị tại Hoa Kỳ hiện nay, nhiều người nói đến sự chia rẽ trầm trọng trong xã hội hay cuộc khủng hoảng về hiến pháp. Riêng tôi cho rằng nếu có một cuộc khủng hoảng, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thì cuộc khủng hoảng đó trước tiên phải là một cuộc khủng hoảng về đạo đức.



Mỹ là nơi tôi có nhiều bạn bè nhứt. Bạn đồng môn, bạn đồng thuyền (tức những người đã từng sống chết với nhau trong cùng một chuyến vượt biên), bạn đồng hương, bạn đồng đạo... Có những người bạn thân thiết còn hơn cả người thân trong gia đình. Nhưng trong những năm gần đây, "kẻ mà ai cũng biết là ai đó" (1) bỗng dưng xen vào tình bạn của chúng tôi. Sự có mặt vô hình của "kẻ đó" hẳn phải có sức đe dọa khủng khiếp đến độ tôi không dám nhắc đến tên của "kẻ đó" trong  bất cứ cuộc trao đổi nào với bạn bè của tôi. Lạ quá, hầu như người bạn nào của tôi ở Mỹ cũng đều tôn thờ, sùng bái "kẻ đó" !

kedo0

Hầu như người bạn nào của tôi ở Mỹ cũng đều tôn thờ, sùng bái "kẻ đó" !

Mới đây, tôi có liên lạc với một ông bạn chí cốt ở quận Cam. Chúng tôi cùng mài đũng quần trên cùng một băng ghế ở tiểu học và trung học. Ra đời, dù mỗi người một ngã, chúng tôi vẫn thường xuyên liên lạc với nhau. Biết bạn tôi tôn sùng "kẻ đó", mỗi lần thăm hỏi, tôi chỉ đề cập đến gia đình hay ôn lại chuyện "cây đa cũ, bến đò xưa" ở quê nhà mà thôi. Lần này, với những lý do rất riêng tư có liên hệ với một số người bạn khác, tôi có nhờ bạn tôi "điều tra" về một nhà báo người Việt khá nổi tiếng và có lẽ cũng có uy tín trong cộng đồng người Việt tại quận Cam và nhiều nơi khác tại Mỹ cũng như ở những nước khác. Bạn tôi trả lời như có sẵn bản lý lịch của nhà báo đó trước mặt : "Tên (này) là VC (Việt Cộng) đi du học đâu bên Đông Âu, sau LX (Liên Xô) sụp đổ làm sao mà qua Mỹ và hiện nay là chủ báo (của một tờ báo Việt Nam) tại Cali". Bản lý lịch "trích ngang" của nhà báo do bạn tôi cung cấp khiến tôi chưng hửng, bởi vì tôi biết rõ nhà báo này "sinh năm 1954. Theo gia đình vào miền Nam, học xong trung học. Sau 1975, bị cộng sản bắt vì tham gia Mặt Trận Dân Tộc Tiến Bộ, in và phổ biến tờ báo bí mật Toàn Dân Vùng Dậy. Vượt biên năm 1984, đến Đảo Galang-Indonesia. Sang Mỹ định cư cuối năm 1984, kiếm sống bằng các nghề đánh cá, cắt cỏ, nhà in, lau nhà, giao hàng, lái taxi. Làm việc một thời gian tại các trại tỵ nạn Hongkong ; lang thang các nước Đông Âu và Nga khi khối cộng sản sụp đổ năm 1989" (2). Tội nghiệp nhà báo : bị bạn tôi chụp cho cái mũ "Việt Cộng" mà không trưng ra bất cứ bằng chứng đáng tin cậy nào !

Thật ra, tôi không ngạc nhiên chút nào về cách mà một người sùng bái "kẻ đó" như bạn tôi đánh giá về một người khác, nhứt là khi người khác đó không những không chịu ủng hộ mà còn lên án "kẻ đó". Hình như đó là một trào lưu hiện đang rất thịnh hành tại Mỹ. Người ta tin và khẳng định rất nhiều điều mà không cần dựa vào bất cứ một bằng chứng nào.

Kết quả của các cuộc thăm dò về nhiều chủ đề khác nhau cho thấy người Mỹ chỉ tin những gì họ muốn tin, ngay cả không có bất cứ một bằng chứng nào. Một cuộc thăm dò do Sáng hội Khoa học Quốc gia (National Science Foundation) thực hiện hồi năm 2014 đã tìm thấy có 26 phần trăm dân Mỹ tin rằng mặt trời quay xung quanh trái đất. Trong khi ngay từ Thế kỷ 16, nhà toán học kiêm thiên văn học Nicolaus Copernicus đã dùng những phương trình toán học và các quan sát khoa học của mình để chứng minh rằng trái đất mới là hành tinh quay xung quanh mặt trời, thì ngay cả khi đã bước vào Thế kỷ 21 này vẫn còn những người, nhứt là những người đang sống trong  một đất nước được xem là văn minh nhứt thế giới, lại chỉ tin vào mắt mình để khẳng định rằng chính mặt trời mới quay xung quanh trái đất.

Về hình thù của trái đất, năm 2018, hãng thăm dò YouGov đã đặt câu hỏi : "Theo bạn trái đất tròn hay phẳng ?".  Vẫn có những người tin rằng trái đất bằng phẳng và ít nhứt 16 phần trăm cho biết họ không chắc là trái đất tròn hay bằng phẳng.

Riêng về cơn đại dịch Covid-19 vốn đã cướp đi mạng sống của trên 1 triệu người Mỹ, mới đây kết quả của một cuộc thăm dò do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện cho thấy có 71 phần trăm người Mỹ nói rằng họ có nghe nói đến một thuyết âm mưu theo đó "những người có thế lực đã cố tình tạo ra cuộc bùng nổ của đại dịch". Theo cuộc thăm dò, có ít nhứt 20 phần trăm người Mỹ tin rằng đây là điều có thể có thật và 5 phần trăm tin chắc là có thật. Dĩ nhiên, trình độ học vấn ảnh hưởng đến kết quả của cuộc thăm dò. Một nửa những người Mỹ chỉ mới học xong trung học hay thấp hơn, tức 48 phần trăm tin rằng thuyết âm mưu về đại dịch trên đây "có lẽ đúng" hay "chắc chắn đúng" trong khi đó chỉ có 38 phần trăm những người tốt nghiệp cao đẳng tin như thế. Số người có bằng cử nhân tin như thế chỉ có 24 phần trăm. Riêng trong số những người có bằng hậu đại học, tỷ lệ này chỉ có 15 phần trăm. Kết quả này cho thấy trình độ học vấn càng cao càng giúp gia tăng óc phán đoán (critical thinking) và khả năng chắt lọc và kiểm chứng thông tin. Tuy nhiên, khuynh hướng chính trị cũng ảnh hưởng rất nhiều đến cách tiếp cận các thuyết âm mưu của người Mỹ. Số người theo Đảng Cộng Hòa và độc lập nhưng nghiêng về Cộng Hòa tin vào thuyết âm mưu "về những kẻ có thế lực cố tình tạo ra cuộc bùng nổ của đại dịch" cao gấp hai lần so với những người theo Đảng Dân Chủ và thiên về Dân Chủ.

Mới đây, các cuộc thăm dò về ảnh hưởng của khuynh hướng chính trị cũng cho thấy người Mỹ vẫn tiếp tục không tin ở kết quả của cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Theo hãng thăm dò Axios-Momentive, có khoảng 40 phần trăm người Mỹ nói chung không tin rằng Tổng thống Joe Biden đã thắng cuộc bầu cử năm 2020. Nhưng theo hãng Morning Consult, có đến 68 phần trăm những người theo Đảng Cộng Hòa cho rằng ông Joe Biden không phải là một tổng thống có chính danh.

Sở dĩ có sự nghi ngờ như thế là bởi vì ngay từ năm 2016, "kẻ mà ai cũng biết là ai đó" đã tung ra "thuyết âm mưu" cho rằng cuộc bầu cử trong đó, mặc dù "kẻ đó" đã đánh bại đối thủ Hillary Clinton, vẫn là một cuộc bầu cử gian lận. Rồi trong cuộc bầu cử năm 2020, biết mình đã bị đánh bại và mặc dù cuộc kiểm phiếu chưa hoàn tất, "kẻ đó" vẫn cứ tuyên bố mình đã chiến thẳng và yêu cầu chấm dứt cuộc kiểm phiếu. Dĩ nhiên, đó là một lời tuyên bố gian lận hay "Một lời Dối Trá Vĩ Đại" (A Big Lie). Kết quả của trên 60 vụ kiện tại các tòa án ở mọi cấp, kể cả Tối Cao Pháp Viện, đều chứng minh rằng những cáo buộc về gian lận bầu cử của "kẻ đó" là hoàn toàn vô căn cứ (2). Cho tới nay, "kẻ đó" vẫn cứ ra rả tuyên bố cuộc bầu cử đã bị đánh cắp và lời dối trá đó vẫn tiếp tục được nhiều người Mỹ tin, mặc dù không trưng ra được bất cứ một bằng chứng nào về sự gian lận.

Trong lịch sử cận đại, không có bất cứ một nhà độc tài nào, từ Stalin đến Hitler, Mao Trạch Đông, Polpot, Hồ Chí Minh và nay  Tập Cận Bình và Putin... có đủ ba đầu sáu tay để phạm tội ác. Xung quanh họ, dưới chân họ lúc nào cũng có cả một lũ lâu la hò hét,  sẵn sàng bán đứng lương tâm, sẵn sàng chà đạp các giá trị đạo đức, sẵn sàng sống chết cho họ. "Lời Dối Trá" của "kẻ mà ai cũng biết là ai đó" sẽ chỉ là tiếng kêu trong sa mạc nếu không được hà hơi tiếp sức bởi cả một đám theo đóm ăn tàn.

Trong các nhân chứng được Ủy ban Điều tra của Quốc hội Mỹ về cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng năm 2021 mời hay tống trát đòi ra điều trần, tôi đặc biệt chú ý đến ông Rusty Bowers, Chủ tịch Hạ viện của Tiểu bang Arizona hiện đang được Đảng Cộng Hòa kiểm soát. Ông làm chứng rằng chính "kẻ đó" và một thuộc hạ nòng cốt của "kẻ đó" là Rudy Giuliani đã yêu cầu ông lật ngược kết quả bầu cử tại Arizona. Ông đã khẳng khái trả lời rằng lời hứa trung thành với Hiến Pháp và luật của tiểu bang không cho phép ông làm điều đó. Trong lời khai hữu thệ, ông cũng đã thẳng thừng lên án "Lời Dối Trá Vĩ Đại" của "kẻ đó".  Vậy mà, chỉ một ngày sau đó, trong một cuộc phỏng vấn dành cho hãng thông tấn AP, ông lại tuyên bố  rằng nếu "kẻ đó" ra tranh cử tổng thống năm 2024, ông sẽ bỏ phiếu cho "kẻ đó". Thế là thế nào ?

Ông Bowers không phải là người đầu tiên lên án cuộc bạo loạn do "kẻ đó" kích động và vẫn ủng hộ "kẻ đó" trong cuộc bầu cử năm 2024. Lãnh tụ thiểu số của Cộng Hòa tại Thượng viện Liên bang là ông Mitch McConnell là người đã tuyên bố rằng "kẻ đó" là người phải chịu trách nhiệm về cuộc bạo loạn ngày 6 tháng Giêng, vậy mà sau đó lại loan báo cũng sẽ ủng hộ "kẻ đó" nếu "kẻ đó" được Đảng Cộng Hòa đề cử làm ứng cử viên trong cuộc bầu cử năm 2024.

Một nhân vật nổi tiếng khác của Đảng Cộng Hòa là ông Kevin McCarthy, lãnh tụ khối thiểu số Cộng Hòa tại Hạ viện Liên bang, cũng giương cao cùng một ngọn cờ như ông McConnell. Lên án cuộc bạo loạn và quy trách cho "kẻ đó", nhưng liền sau đó McCathy xuống thẳng Mar-a-Lago để phủ phục dưới chân "kẻ đó" để bày tỏ lòng trung thành của kẻ bày tôi !

Một nhân chứng mà lời khai trước Ủy ban Điều tra của Hạ viện hẳn phải có một trọng lượng đáng kể hẳn phải là cựu Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr. Gọi thẳng "Lời Dối Trá" của "kẻ đó" là "Bullshit" và từ chức vì "Lời Dối Trá" ấy, vậy mà Bill Barr lại tuyên bố cũng sẽ bỏ phiếu cho "kẻ đó" nếu "kẻ đó" được Đảng Cộng Hòa đề cử vào năm 2024 (4).

Tôi hiểu được tại sao rất đông người Mỹ, trong đó có hầu hết những người bạn của tôi, đã tin "Lời Dối Trá Vĩ Đại" của "kẻ đó" và đặt "kẻ đó" lên bàn thờ, đứng trên Hiến Pháp Mỹ và nhứt là những giá trị đạo đức. Tin vào những lời dối trá mà không dựa vào bất cứ một bằng chứng nào và nhứt là không màng đến những giá trị đạo đức, một thái độ như thế đã được phản ảnh và vun trồng qua một bài phát thanh trên mạng trong mục "Houston Nhật Ký" mà tôi đã nghe được cách đây vài hôm. Sau khi đã trích dẫn các cuộc thăm dò cho thấy hiện nay "kẻ đó" đang dẫn trước đương kim Tổng thống Joe Biden, nhà bình luận trong chương trình đi đến kết luận : "năng lực là cái nơi người dân Mỹ tin tưởng, chứ không phải con người. Năng lực của người đó ra sao chứ không phải con người của người đó ra sao" (5). Điều đó có nghĩa là : bất kể nhân cách của con người đó có tồi tệ đến đâu, bất kể con người đó có lươn lẹo, dối trá, độc ác, tàn bạo, vô đạo đến đâu... miễn là người đó làm được việc thì cứ ủng hộ và sùng bái người đó !

Theo dõi hay bình luận về tình hình chính trị tại Hoa Kỳ hiện nay, nhiều người nói đến sự chia rẽ trầm trọng trong xã hội hay cuộc khủng hoảng về hiến pháp. Riêng tôi cho rằng nếu có một cuộc khủng hoảng, ở bất cứ nơi nào trên thế giới, thì cuộc khủng hoảng đó trước tiên phải là một cuộc khủng hoảng về đạo đức. Bởi lẽ "chính trị là đạo đức ứng dụng vào trong cuộc sống" (6). Thước đo của văn minh không chỉ là sự giàu có hay những tiện nghi vật chất, mà trước hết chính là những giá trị đạo đức. Xét cho cùng đạo đức cũng là tên gọi của văn minh.

Chu Văn

(05/07/2022)

Chú thích :

1. Tên của nhân vật phản diện Voldemort trong tập truyện Harry Potter của nhà văn Anh J.K Rowling.

2. Văn Hải ngoại sau 1975... Về một chuyến đi Nga, Văn Việt.

3. Kyle D.Killian, Ph.D, Scary Polls : Americans’ Belief in Things Without Evidence, Psychology Today June 28, 2022.

4. David A.Graham, The comment that reveals the depths of the Republican Party’s moral collapse, The Atlantic June 23, 2023.

5. Houston Nhật Ký P2 1/7/2022

6. Việt Hoàng, Thành công trong hoạt động chính trị là gì ?