Roman Abramovich và Phạm Nhật Vũ làm gì giống nhau trong kinh doanh tiền tỷ?

 

Liên bang Nga có tỷ phú Roman Abramovich kiếm lời từ các thương vụ với đối tác là chính phủ Nga, còn Việt Nam có doanh nhân Phạm Nhật Vũ từng bị khởi tố vì làm ăn với một bộ trong chính phủ Việt Nam.

Money
 

Các thương vụ này có sự giống nhau ở chỗ khách hàng của họ là nhà nước, dùng công quỹ mua các sản phẩm, dịch vụ, công ty được định giá nhằm làm cho bên mua kiếm lời lớn.

Đó là vụ Sibneft, tập đoàn dầu mỏ được Roman Abramovich bán cho Gazprom, tập đoàn do nhà nước Nga kiểm soát. 

Còn ở VN, Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu AVG được ông Phạm Nhật Vũ bán cho Mobiphone, tổng công ty do nhà nước Việt Nam kiểm soát.

Hai thương vụ có nhiều đặc điểm giống nhau như các nguồn tổng hợp và phân tích từ thông tin của nhóm phóng viên điều tra của BBC Panorama và báo chí Việt Nam cho thấy.

Roman Abramovich

Getty Images

Chênh lệch giá lớn

Roman Abramovich mua Sibneft với giá khoảng 250 triệu USD, rồi bán lại cho chính phủ Nga với giá 13 tỷ USD vào năm 2005. Giá bán gấp khoảng 52 lần giá mua.

Ông Phạm Nhật Vũ bán cho Mobiphone 95% cổ phần AVG với giá 8.900 tỷ đồng. Trong khi tổng tài sản của AVG lúc đó được nêu là 1.970 tỷ đồng. Giá bán gấp khoảng "15 lần giá trị phần kinh doanh truyền hình hiện có của AVG vào năm 2015". 

Đối chiếu với mức lãi của các ngành nghề dịch vụ có quy mô vốn lớn như dịch vụ tài chính, ngân hàng thì mức lãi trung, dài hạn cũng thường dưới 10%. Trong khi mức lãi gộp của các ngành dịch vụ cũng thường dao động từ 20 đến 35% trên giá bán. 

Nhà nước thua thiệt

Về thương vụ của Abramovich, BBC Panorama số ra ngày 14/3/2022, nói đã thu được một tài liệu được cho là bị tuồn ra khỏi Nga. Nguồn tin mật tiết lộ rằng, nó được bí mật sao chép từ hồ sơ về Abramovich do các cơ quan pháp luật Nga nắm giữ.

BBC không thể xác minh độc lập điều đó, nhưng kiểm tra với các nguồn khác ở Nga sao lưu nhiều chi tiết trong một tài liệu dài năm trang.

Tài liệu nói rằng chính phủ Nga đã bị lừa mất 2,7 tỷ USD trong thương vụ Sibneft, một tuyên bố được xác định bởi một cuộc điều tra của Quốc hội Nga năm 1997. 

Tỷ phú Phạm Nhật Vũ

BỘ CÔNG AN

Doanh nhân Phạm Nhật Vũ trong ảnh trên truyền thông VN hồi xảy ra vụ AVG 2019

Về thương vụ của Phạm Nhật Vũ, VnExpress ra hôm 21/12/2019: "VKSND Hà Nội đã luận tội với 14 bị cáo trong vụ án MobiFone mua 95% cổ phần AVG, gây thiệt hại 6.600 tỷ đồng cho Nhà nước."

Báo này cho biết thêm: "MobiFone và AVG thống nhất mức giá 11.370 tỷ đồng (95% cổ phần AVG, gồm cả khoản đầu tư ngoài truyền hình), trong đó 8.900 tỷ đồng là tiền đầu tư vào kinh doanh truyền hình. Ngày 2/10/2015, giá mua AVG được chốt ở mức 8.900 tỷ đồng gồm cả truyền hình và hai khoản đầu tư."

"Sau khi có thông báo của Văn phòng Chính phủ về việc Thủ tướng chấp thuận chủ trương cho MobiFone mua cổ phần AVG, Bộ Thông tin và Truyền thông ra quyết định 236/QĐ-BTTTT và định luôn giá 8.900 tỷ đồng."

Vì nhà nước chỉ là nơi quản lý ngân sách quốc gia, quan chức đại diện cho nhà nước tiêu tiền ngân sách, tức tiền của nhân dân. 

Vì vậy, có thể nói quan chức tiêu tiền của dân mà gây thua lỗ thì bên thua thiệt chính là người dân. 

Tỷ phủ, quan chức và tham nhũng

Tỷ phú người Nga thừa nhận tại một tòa án ở Anh rằng ông đã chi trả các khoản tiền tham nhũng để giúp thương vụ Sibneft thành công.

Roman Abramovich kể trước tòa về cách đấu giá ban đầu của Sibneft có lợi cho ông và cách ông đưa cho ông Berezovsky 10 triệu USD trả cho một quan chức Điện Kremlin.

Panorama đã lần ra cựu công tố viên trưởng của Nga, người điều tra thương vụ này những năm 1990. Yuri Skuratov không biết về tài liệu bí mật nói trên, nhưng ông đã xác nhận một cách độc lập nhiều chi tiết về vụ mua bán Sibneft.

Tài liệu cho thấy ông Abramovich được cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsin bảo vệ. Hồ sơ pháp lý về ông Abramovich được chuyển đến Điện Kremlin và cuộc điều tra của ông Skuratov đã bị tổng thống ngăn lại.

Undertable

Getty Images

Quay lại thương vụ mua bán AVG và Mobiphone, bóng dáng quan chức Việt Nam tham gia vào vụ việc được truyền thông trong nước đề cập như sau: 

"Nguyễn Bắc Son với tư cách bộ trưởng là người trực tiếp thành lập, đánh giá dự án, định hướng cho MobiFone mua cổ phần AVG, đồng ý bản ghi nhớ, ký quyết định thành lập tổ thẩm định, thống nhất giá mua 95% cổ phần là hơn 8.900 tỉ đồng, thương vụ phải được triển khai ngay trong năm 2015." Báo Tuổi Trẻ, 27/04/2020.

"Nguyễn Bắc Son (SN 1953) - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo cấp dưới cho Mobifone mua 95% cổ phần của Cty nghe nhìn toàn cầu AVG với giá 8.545 tỷ đồng. Việc này trái quy định, gây thiệt hại hơn 6.590 tỷ đồng", Tiền Phong đưa tin ngày 28/12/2019. 

Vẫn theo báo này: "Sau đó, bị cáo Phạm Nhật Vũ - nguyên Chủ tịch AVG đã hối lộ ông Son 3 triệu USD; Trương Minh Tuấn - nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT (thời điểm phạm tội là Thứ trưởng) 200 nghìn USD; Lê Nam Trà - nguyên Chủ tịch Mobifone 2,5 triệu USD và Cao Duy Hải - nguyên Tổng Giám Đốc Mobifone 500 nghìn USD."

Watch

Getty Images

Thực tế cho thấy để đưa ra được quyết định mua hàng với giá vô lý, người mua, ở đây là quan chức, không cần có tiền. Họ chỉ cần có quyền ra quyết định.

Một số nhà phân tích đã đề cập tới nạn "tham nhũng chính sách", hoặc lũng đoạn quan hệ chính trị, thân hữu để trục lợi ở Việt Nam.

Có nghiên cứu gần đây cho rằng: "Chính trị gia có thể thay đổi hoặc đưa ra chính sách có lợi cho các nhóm lợi ích. Ở Việt Nam, các bộ ngành thường ra chính sách trong lĩnh vực họ quản lý, đồng nghĩa với việc họ "vừa đá bóng vừa thổi còi."

Nghiên cứu này kết luận hệ thống tham nhũng ở Việt Nam là một tập hợp chặt chẽ giữa sự sắp xếp và "sự hiểu biết" (xem thêm: Quan chức tham nhũng ở VN 'có ý thức, có tổ chức thành hệ thống' )

Nguồn tin BBC Tiếng Việt