Bầu cử TT Pháp : Phiếu trắng, phiếu không hợp lệ, tỉ lệ vắng mặt và nỗi bất mãn của cử tri - Tạp chí xã hội

"Đối với tôi, dường như trước đây, người ta bỏ phiếu ủng hộ, thể hiện cá nhân họ đi theo một đảng phái chính trị nhất định. Cử tri bầu cho cánh tả hay cánh hữu bởi vì họ tin rằng các chính sách của đảng cánh tả hay cánh hữu phù hợp với xã hội và họ đồng ý với đảng này. Tôi tin rằng hiện giờ đang có sự thay đổi từ lá phiếu ủng hộ sang lá phiếu phản đối, có nghĩa là ngày càng có nhiều người được kêu gọi bỏ phiếu cho ứng viên này chỉ để phản đối ứng viên kia, chẳng hạn trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, những người đã bỏ phiếu ở vòng 2 cho ứng viên Macron thực ra là vì chống lại ứng viên Le Pen hơn là ủng hộ ông Macron thành tổng thống."

Sau bầu cử vòng 1, hai ứng viên lọt vào vòng hai (ngày 24/04) đang tăng tốc chiến dịch vận động, trong bối cảnh theo nhiều thăm dò ý kiến cử tri, kết quả vòng 2 sẽ rất sít sao. Trong khi đó, công tác chuẩn bị cho ngày bỏ phiếu then chốt để chọn người quyền lực nhất nước Pháp cho nhiệm kỳ 5 năm 2022-2027 cũng đang ở giai đoạn nước rút. Trả lời RFI Tiếng Việt, dân biểu cấp tỉnh, tỉnh Loire, Jean-Jacques Ladet, người từng có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức đơn vị bầu cử trên cương vị thị trưởng thành phố Mably, giải thích cụ thể về những quy định liên quan đến lá phiếu của cử tri, mà theo ông là rất chặt chẽ :  


« Các quy định rất rõ ràng, cụ thể. Lá phiếu mà cử tri bỏ vào thùng phiếu phải tuân thủ các quy định, chính xác đến từng milimet về kích thước : 105 milimet x 148 milimet, quý vị thấy đấy phải rất chính xác, cả về định lượng giấy 70-80g/m2. Trên lá phiếu dĩ nhiên là có họ và tên của ứng viên. Phiếu chỉ được in một màu, không được có nhiều màu, chỉ một màu trên giấy trắng, lá phiếu không được có dấu hiệu phân biệt nào khác, không được in biểu tượng của đảng phái hoặc bất cứ dấu hiệu gì khác. Những quy định này rất chặt chẽ.  

Chính quyền đảm trách việc kiểm tra phiếu bầu đã được in ấn, trước tiên là qua một ủy ban được gọi là Ủy ban kiểm tra ở địa phương. Tất cả các ứng viên đều phải qua ủy ban này, các lá phiếu được kiểm tra. Ủy ban cũng kiểm tra bản giới thiệu cương lĩnh tranh cử mà các ứng viên gửi cho cử tri, các áp-phích vận động tranh cử cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cụ thể.  

Khi tôi ra ứng cử, tôi cũng phải qua sự kiểm tra của ủy ban này. Ủy ban được thành lập theo quyết định của tỉnh. Tất cả các tài liệu phục vụ chiến dịch tranh cử của tôi đều được Ủy ban kiểm tra để xem có tuân thủ các quy định hay không. Khi công tác kiểm tra của Ủy ban đã xong, bản giới thiệu cương lĩnh chương trình tranh cử và phiếu bầu được gửi đến từng cử tri. Những lá phiếu này cũng được phát cho chính quyền xã, thị trấn, thành phố bởi chính họ tổ chức các điểm bỏ phiếu : khi cử tri đến phòng phiếu, họ sẽ thấy các chồng phiếu của từng ứng viên ».  

Cử tri không đi bỏ phiếu : xu hướng đáng lo ngại

Trong số hơn 48,7 triệu cử tri có tên trong danh sách bầu cử, chỉ có gần 36 triệu người tham gia bỏ phiếu vòng 1, chiếm gần 72,1%. Về tình trạng cử tri tham gia bỏ phiếu thấp ở mức kỷ lục tính từ kỳ bầu cử năm 2002, có rất nhiều cách lý giải. Với kinh nghiệm nhiều kỳ tổ chức đơn vị bầu cử ở tỉnh Loire, ông Ladet nhận định với RFI Tiếng Việt :  

« Không đi bỏ phiếu là một hiện tượng ngày càng gia tăng. Chẳng hạn kỳ bầu cử cấp xã, thị trấn, thành phố nói chung được theo dõi rất kỹ vì người dân biết các dân biểu, họ biết thị trưởng, thị trưởng mãn nhiệm cũng như vị thị trưởng tương lai, nên nói chung là tỷ lệ cử tri đi bầu khá cao nhưng trong kỳ bầu cử năm 2020 ở vòng 2 tỉ lệ cử tri vắng mặt cũng lên tới 58%. Quả thực, cử tri không tham gia bầu cử là một hiện tượng đáng lo ngại. Tôi tin rằng trước hết phải nhắc cử tri nhớ rằng bầu cử là nhiệm vụ mà các thế hệ đi trước đã phải tranh đấu để có được và rằng bây giờ nếu vắng mặt tức là cử tri không đáp ứng nhu cầu của nền Cộng hòa.  

Đối với tôi, dường như trước đây, người ta bỏ phiếu ủng hộ, thể hiện cá nhân họ đi theo một đảng phái chính trị nhất định. Cử tri bầu cho cánh tả hay cánh hữu bởi vì họ tin rằng các chính sách của đảng cánh tả hay cánh hữu phù hợp với xã hội và họ đồng ý với đảng này. Tôi tin rằng hiện giờ đang có sự thay đổi từ lá phiếu ủng hộ sang lá phiếu phản đối, có nghĩa là ngày càng có nhiều người được kêu gọi bỏ phiếu cho ứng viên này chỉ để phản đối ứng viên kia, chẳng hạn trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, những người đã bỏ phiếu ở vòng 2 cho ứng viên Macron thực ra là vì chống lại ứng viên Le Pen hơn là ủng hộ ông Macron thành tổng thống.  

Hiện nay nhiều người chọn bỏ phiếu kiểu luân phiên, đan xen tùy theo mối quan tâm cá nhân, kiểu như lần này bỏ phiếu cho đảng sinh thái, lần tới sẽ thiên về ủng hộ đảng Cộng Hòa Tiến Bước. Truyền thống theo một đường hướng chính trị, đảng phái nhất định đã giảm do tư tưởng cá nhân, bỏ phiếu kiểu luân phiên. Đối với tôi, việc theo một đảng phái chính trị là văn hóa chính trị, ý thức chính trị nhưng nay, văn hóa chính trị cũng đã có những biến chuyển theo thời gian, dường như văn hóa chính trị đã bị làm loãng đi, kể cả đó là cánh tả hay cánh hữu. Đó là những lý do thuộc về trách nhiệm của mỗi cá nhân.  

Có lẽ cũng có một yếu tố mang tính chỉ trích các chính trị gia. Đề xuất của các đảng phái nhiều khi bị chỉ trích là không còn phù hợp với thực tế cuộc sống thường nhật của người Pháp. Hậu quả là dân chúng bớt quan tâm đến các các hoạt động chung, bớt quan tâm đến lợi ích chung. Chúng ta có thể hiểu được điều đó bởi vì hiện nay ở Pháp có rất nhiều người gặp khó khăn rất lớn về tài chính, xã hội và họ không thể tìm thấy trong các đề xuất chính trị những giải pháp cho cuộc sống hàng ngày vốn rất khó khăn của mình. Điều đó chắc chắn góp phần vào độ vênh giữa các đảng phái, dù là cánh hữu hay cánh tả, với những nhu cầu cơ bản của một số nhóm dân Pháp. 

Lý do thứ ba là chúng ta vẫn đang trong một giai đoạn rất, rất phức tạp với các cuộc khủng hoảng về tấn công khủng bố, phong trào phản kháng Áo Vàng, thời kỳ đại dịch vẫn chưa chấm dứt, những câu hỏi liên quan đến khí hậu, rồi thì chiến tranh Ukraina. Trong 4-5 năm qua, mọi người vẫn chứng kiến những sự kiện rất nghiêm trọng gây tổn thương, khiến người ta sợ hãi. Phải nói rằng một số người biết rõ cách tạo nên nỗi sợ hãi của người khác, phe cực hữu rất hay sử dụng cách này để thu hút phiếu bầu. Và nỗi sợ đó càng thêm nghiêm trọng do các mạng xã hội phát tán thông tin mà các thông tin đó lại lan truyền một cách rất nguy hiểm vì tin tức lan rất nhanh mà lại không được phân tích đầy đủ. Tôi nghĩ rằng cũng cần gợi lên cho các nhà báo trách nhiệm rất quan trọng trong việc truyền bá thông tin để các công dân vượt lên trên lợi ích cá nhân và nhìn đến lợi ích chung của đất nước. » 

Phiếu trắng không phải là phiếu không hợp lệ

Bên cạnh tỉ lệ cử tri vắng mặt là tỉ lệ phiếu trắng, phiếu không hợp lệ. Đây cũng là cách một số cử tri thể hiện thái độ, sự bất mãn với các ứng viên. Số phiếu trắng trong vòng 1 được ghi nhận là 1,12%, hơn cả số phiếu bầu cho hai ứng viên Poutou (0,77%) và Arthaud (0,56%). Số phiếu không hợp lệ là 0,49%. Nếu như trước đây, phiếu trắng và phiếu không hợp lệ thường được tính gộp chung là phiếu không hợp lệ, thì theo quy định mới hồi tháng 02/2014, phiếu trắng và phiếu không hợp lệ, cho dù không được tính vào kết quả bỏ phiếu nhưng được thống kê riêng rẽ trong biên bản kiểm phiếu. Nhưng thế nào là phiếu trắng và phiếu không hợp lệ ? Dân biểu Ladet giải thích :  

« Phiếu trắng và phiếu không hợp lệ là khác nhau. Có rất nhiều lý do khiến một lá phiếu bị xem là không hợp lệ. Tôi xin nêu vài ví dụ mà tôi thường gặp nhất ở các đơn vị bầu cử ở thị trấn của tôi. Nếu một cử tri bỏ vào phong bì hai lá phiếu có tên của hai ứng viên khác nhau thì đó là phiếu không hợp lệ. Nhưng nếu cả hai lá phiếu đều có tên của một ứng viên thì chúng tôi có thể coi là cử tri nhầm lẫn khi chuẩn bị phiếu và tính 1 phiếu. Đôi khi có những lá phiếu bị xé rách, có thể đó là cách cử tri bày tỏ sự bất mãn theo cách riêng của họ. Có những phiếu bầu bị viết lên. Tất cả những phiếu đó bị xếp vào phiếu không hợp lệ. Phiếu không được cho vào phong bì cũng là phiếu không hợp lệ, nhưng tôi chưa gặp trường hợp này bao giờ. Hay cũng có những người đánh dấu ký hiệu nhận diện đặc biệt bên ngoài phong bì  Đó là một vài kiểu phiếu bất hợp lệ thường gặp.  

Ngoài ra còn có phiếu trắng. Phiếu trắng không phải phiếu không hợp lệ. Phiếu trắng được tính riêng. Phiếu trắng là mẩu giấy màu trắng, không có in chữ gì hoặc là phong bì rỗng, bên trong không có lá phiếu. Thời gian qua cũng có tranh luận về việc tính phiếu trắng. Hiện nay, một số người đề nghị dựa vào cả phiếu trắng để tính kết quả bầu cử, bởi theo họ khi một cử tri bỏ phiếu trắng tức là họ có bỏ phiếu và họ thể hiện một sự bất mãn nào đó đối với các ứng viên.  

Tôi tin rằng những người bỏ phiếu trắng vẫn giữ một cách tiếp cận chính trị. Đối với tôi, đi bầu cử thực sự là một nghĩa vụ đạo đức, mọi người phải đi bỏ phiếu và khi đi bỏ phiếu trắng tức là bày tỏ sự không hài lòng, sự bất mãn khi thấy có một vấn đề thực sự liên quan đến họ lại không được đề cập tới, chẳng hạn thế. Trong khi đó, có những người không đi bỏ phiếu, chuyện này cũng nói lên nhiều điều. Có thể đó là sự thờ ơ, họ nghĩ rằng họ không quan tâm đến nền Cộng hòa, họ muốn yên ổn trong góc riêng của họ … Tôi thì vẫn muốn là cử tri đi bỏ phiếu hơn là không đi ».  

Muôn kiểu thể hiện nỗi bất mãn qua lá phiếu

Đôi khi cử tri Pháp chọn thể hiện thái độ bất mãn với những lá phiếu không hợp lệ theo kiểu rất mỉa mai, châm biếm. Chẳng hạn, trong kỳ bầu cử tổng thống Pháp năm 2017, được báo chí nhắc đến nhiều nhất là lá phiếu « tờ tiền giấy 50 euro cho Pénélope » ở một địa điểm bỏ phiếu ở quận 15, Paris. Trên tờ bạc 50 euro là vài từ « Dành cho Pénélope », hàm ý nhắc tới vụ « Pénélope Gate » làm thay đổi phần nào cục diện tranh cử của đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa năm đó : ứng viên François Fillon bị tố cáo đã thu lời bất chính bằng cách tạo việc làm ảo cho vợ và con trai. Có ứng viên nhắm vào ứng viên François Fillon với lá phiếu tố cáo : « Kẻ cắp ! », « Kẻ lừa đảo ! », « Kẻ gian dối ! ». Ngoài ra, còn lá phiếu ghi lời chửi rủa François Fillon và ứng viên cực hữu Marine Le Pen.

Trò chơi chữ hài hước cũng được nhiều cử tri phát huy. Có cử tri cho nắp hộp phô-mai nhãn hiệu Pháp nổi tiếng « Camembert Président » (Tổng thống Camembert), vào phong bì phiếu, có cử tri viết chữ sau tên ứng viên Marine Le Pen để thành « Penalty pour Lyon » (Trái phạt đền cho đội Lyon). 

Trong vòng 1 vừa qua, cũng giống như kỳ bầu cử cách đây 5 năm, nhiều cử tri « bỏ phiếu bầu » cho các cầu thủ bóng đá như Zinedine Zidane, Karim Benzema… Và trong bối cảnh chiến tranh Ukraina đang thu hút sự chú ý của quốc tế, theo trang La Manche Libre, có cử tri thay vì chọn 1 trong 12 ứng viên trong danh sách đã viết tên … tổng thống Ukraina Zelensky vào lá phiếu bầu tổng thống Pháp.   

Nguồn tin RFI Tiếng Việt