Covid: Tăng trưởng kinh tế VN đạt 2,58% thấp nhất sau 30 năm (BBC Tiếng Việt)

Trong năm qua, đã có "2,5 triệu lượt hộ với gần 9,9 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai", tính đến ngày 23/12/2021, và họ đã được hỗ trợ gần 149,1 tấn gạo, theo Tổng cục Thống kê.



Kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng thấp nhất kể từ 30 năm qua, theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố hôm thứ Tư, 29/12.

Mức tăng GDP 2,58% của năm nay là mức đã được cải thiện đáng kể nhờ thành tích xuất khẩu tốt của quý tư, bù đắp lại phần nào tình hình bi quan trong những quý trước, khi nền kinh tế bị ảnh hưởng trầm trọng do Covid-19.

Tuy nhiên, con số này vẫn là tiếp tục đi xuống so với mức 2,91% mà Việt Nam đạt được trong năm 2020, là thời gian nước này đã trải qua thời gian đầu chống chọi với đại dịch bằng những biện pháp quyết liệt, 'chống dịch như chống giặc' nhằm duy trì tình trạng 'Zero Covid'.

kt-1

Đại dịch Covid-19 làm kinh tế Việt Nam suy thoái nghiêm trọng.

Từ thành công đến chỗ bối rối và sút giảm kinh tế?

Việt Nam từng được quốc tế ca ngợi là đã đạt những thành công đáng ghi nhận trong việc phòng chống Covid-19 trong 2020, theo AFP.

Tuy nhiên, những biện pháp quyết liệt đó, dựa vào niềm tin "không Covid" (Zero Covid, áp dụng chỉ ở một số nước như Trung Quốc, New Zealand), dường như đã phải đánh đổi bằng tình trạng tê liệt kinh tế, và rồi cũng không cản đường được virus corona.

Làn sóng bùng phát Covid thứ tư, bắt đầu từ cuối 4/2021, tàn phá dữ dội nhiều tỉnh thành, trong đó có TP Hồ Chí Minh, trung tâm kinh tế, thương mại lớn nhất của cả nước.

Con số người chết vì Covid vẫn tiếp tục cao và gần đây nhất là số lây nhiễm tăng tại Hà Nội.

Hôm 29/12, trang Nikkei Asia của Nhật Bản có bài từ Hà Nội nói con số 2,58% là "tăng trưởng thực" (real GDP growth) mà cơ quan thống kê Việt Nam thông báo.

Tờ báo Nhật cũng nói dù xuất khẩu của VN vẫn mạnh, chi tiêu trong nước giảm nhiều.

"Biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các địa phương kinh tế trọng điểm," Tổng cục Thống kê VN nói trong một thông cáo, "ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, an toàn của người dân và phát triển kinh tế xã hội."

Các biện pháp phong tỏa, mà Việt Nam gọi là 'giãn cách xã hội', truy vết, cách ly tập trung triệt để các trường hợp nhiễm Covid-19, đã khiến cho kinh tế quý ba bị giảm phát nghiêm trọng, rơi xuống mức tăng trưởng âm 6,02%.

Trong lúc đó, tình trạng lây nhiễm, quá tải tại các bệnh viện, cơ sở y tế, và con số tử vong do Covid-19 tăng lên nhanh chóng.

Tính đến ngày 17/12/2021, Việt Nam ghi nhận 1,67 triệu ca lây nhiễm với 31.418 ca tử vong, chủ yếu là xảy ra từ đợt bùng phát dịch bệnh thứ tư, 4/2021 đến nay.

Kinh tế đã có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ trở lại trong quý tư, sau khi giới chức bắt đầu gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế, phòng chống virus corona trong tháng Mười.

Mức tăng GDP trong quý tư ước tính đạt 5,22% so với cùng thời điểm năm trước, là mức tăng tốt, giúp kéo tỷ lệ tăng GDP cả năm lên, đạt 2,58%.

Doanh số xuất khẩu ước tính tăng 19% trong năm nay, đạt 336,25 tỷ đô la, còn sản xuất công nghiệp tăng 4,8%, Tổng cục Thống kê nói.

Tuy nhiên, ngành khai khoáng, các ngành dịch vụ như bán buôn, bán lẻ, vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm mạnh.

'Thu nhập người dân giảm'

Số liệu chính thức nói dân số Việt Nam vào năm 2021 có khoảng 98,51 triệu người, và thu nhập bình quân một người "đạt khoảng 4,2 triệu đồng, giảm 73 nghìn đồng so với năm 2020".

Trong năm qua, đã có "2,5 triệu lượt hộ với gần 9,9 triệu lượt nhân khẩu thiếu đói do giáp hạt, ảnh hưởng dịch bệnh và thiên tai", tính đến ngày 23/12/2021, và họ đã được hỗ trợ gần 149,1 tấn gạo, theo Tổng cục Thống kê.

Thế còn Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết trong năm qua, tổng kinh phí lấy từ ngân sách nhà nước hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 theo các đợt là khoảng gần 69 nghìn tỷ đồng, gồm:

•     Gần 31,4 nghìn tỷ hỗ trợ 28,8 triệu lượt người và 337,9 nghìn chủ lao động hoặc hộ kinh doanh, và

•     37,5 nghìn tỷ hỗ trợ 22,3 triệu lượt người và 363,6 nghìn chủ lao động hoặc hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, trên cổng thông tin Dịch vụ Công Quốc gia, phần 'Hỗ trợ do dịch Covid-19' có những người, doanh nghiệp phản ánh, thắc mắc, than phiền, khiếu nại về việc chi trả gói hỗ trợ này.

Một người ghi tên là Vũ Văn Tuấn viết rằng người này "chưa nhận được tiền hỗ trợ do đại dịch Covid-19 từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp".

Hoàng Anh Tuấn phản ánh một địa phương thuộc TP HCM "tắc trách vô trách nhiệm, cùng nhiều dấu hiệu không hướng dẫn tước đoạt quyền lợi dân trong hỗ trợ Covid 19".

Công ty TNHH Davas Việt Nam viết: "Hồ sơ đơn vị gửi đã lâu nhưng chưa được xử lý ạ."

Nguồn: BBC Tiếng Việt

(30/12/2021)