Tân thủ tướng Nhật Bản muốn “khóa chặt” cửa vào TPP đối với Trung Quốc?

Quan điểm đối ngoại của tân thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, vừa nhậm chức hôm 04/10/2021, hầu như không có gì thay đổi so với hai người tiền nhiệm là Yoshihide Suga, và nhất là Shinzo Abe. Đó là xây dựng một vùng Ấn Độ- Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên các giá trị phổ quát, như dân chủ và pháp quyền.   

Ông Fumio Kishida trong lễ nhậm chức thủ tướng Nhật Bản tại Tokyo, ngày 04/10/2021.
Ông Fumio Kishida trong lễ nhậm chức thủ tướng Nhật Bản tại Tokyo, ngày 04/10/2021. AP - Toru Hanai


Để cụ thể hóa tầm nhìn này, ngoài việc củng cố Bộ Tứ bao gồm bốn nước Nhật, Mỹ, Úc và Ấn, nhằm chống lại một Trung Quốc ngày càng quyết đoán, ông Kishida được cho là sẽ vận dụng một vũ khí thương mại, thúc đẩy hiệp định tự do mậu dịch Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương CP-TPP theo hướng có thể gọi là “khóa chặt” cửa để Trung Quốc không thể gia nhập.  

Hiệp định hiện mang tên gọi chính thức là Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương – tên tắt là CPTPP, bắt nguồn từ Hiệp Đinh Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được Hoa Kỳ thúc đẩy dưới thời chính quyền Barack Obama nhằm cân bằng ảnh hưởng càng lúc càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. 

Tuy nhiên, dưới thời tổng thống Donald Trump, Mỹ đã rút ra khỏi thỏa thuận vào năm 2017, buộc Nhật Bản phải điều chỉnh, biến TPP thành CPTPP, và hiệp định mới đã được 11 nước TPP còn lại chấp thuân. Với việc tổng thống Joe Biden lên cầm quyền tại Mỹ với khẩu hiệu “Nước Mỹ Trở Lại”, tân thủ tướng Nhật Bản được cho là sẽ cố tìm cách thuyết phục Hoa Kỳ trở lại với khối TPP. 

Trong khi chờ đợi, trong tư cách là nước đầu tầu của khối CPTPP, Nhật Bản sẽ phải xử lý việc Trung Quốc gần đây đã đệ đơn xin gia nhập khối tự do mậu dịch này, ít lâu trước đối thủ là Đài Loan. 

Ngay khi Bắc Kinh loan báo quyết định xin gia nhập, các quan chức Nhật Bản đã rất hoài nghi về khả năng Trung Quốc đáp ứng được các tiêu chuẩn cao đặt ra trong hiệp định, đặc biệt là những quy định chi tiết đối với các doanh nghiệp Nhà nước. 

Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, chính tân thủ tướng Kishida cũng thừa nhận những trở ngại mà Trung Quốc sẽ gặp phải khi tham gia TPP, đặc biệt trên hai vấn đề: Tình trạng kiểm soát các doanh nghiệp Nhà nước và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. 

Trong cuộc họp báo đầu tiên ngày 04/10 vừa qua trong cương vị thủ tướng, ông Kishida không ngần ngại cho biết: “Tôi cảm thấy là Trung Quốc khó có thể đạt được các tiêu chuẩn cao mà TPP đòi hỏi”. 

Không thể hạ thấp tiêu chuẩn để mở đường kết nạp Trung Quốc

Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là liệu các thành viên “có cảm tình” hay “sợ” Trung Quốc trong CPTTP có gây sức ép để hạ thấp tiêu chuẩn chung của khối nhằm mở đường kết nạp Trung Quốc hay không. 

Trả lời hãng Kyodo, bà Mie Oba, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại Học Kanagawa, nhận định là với thủ tướng Kishida, “Nhật Bản có thể sẽ bám sát lập trường cơ bản là duy trì và củng cố một trật tự mà Nhật Bản mong muốn thông qua CPTPP và các khuôn khổ khác”. 

Đối với bà Oba, điều quan trọng là không được bẻ cong các quy tắc hiện hành để có thể kết nạp Trung Quốc. Vụ Trung Quốc và CPTPP, theo nhà nghiên cứu này sẽ là “sẽ là một bài trắc nghiệm về việc liệu một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có thể được duy trì hay không.” 

Cùng một suy nghĩ, ông Takashi Terada, giáo sư bang giao quốc tế tại Đại Học Doshisha cho rằng Nhật Bản cần thúc đẩy sao cho đơn xin gia nhập TPP của Anh Quốc được xử lý nhanh chóng để “tạo tiền lệ” tốt, theo đó một thành viên có thể tham gia hiệp ước mà không cần phải thay đổi các quy tắc. 

Vào tháng 2, Luân Đôn đã đệ đơn xin gia nhập TPP, sau khi nước này rời Liên Hiệp Châu Âu vào năm ngoái. Nếu đơn này được chấp nhận, thì Anh Quốc sẽ là nước mới đầu tiên được kết nạp vào khối, kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực vào năm 2018. 

Theo hãng Kyodo, nhiều chuyên gia dự đoán Trung Quốc sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản, bao gồm sự phản đối từ các bên ký kết TPP ban đầu cũng như khả năng Hoa Kỳ - dù không còn nằm trong khối -  gây sức ép trên các thành viên để bác bỏ việc Bắc Kinh tham gia một sáng kiến vốn do Mỹ đề ra. 

Nguồn tin RFI Tiếng Việt