Dân Myanmar có nguy cơ bị đói do Covid và bất ổn chính trị
Dân nghèo Myanmar đang phải đối mặt với nạn đói trong bối cảnh nền kinh tế lao dốc nhanh chóng do tình trạng bất ổn chính trị và do việc áp dụng các lệnh hạn chế phòng chống Covid.
Nguồn hình ảnh, Getty Images Liên Hiệp Quốc nói mức đói nghèo tại Myanmar sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022 so với năm 2019 |
Phóng viên BBC Ko Ko Aung tường thuật rằng hệ thống ngân hàng nước này cũng đang trên bờ sụp đổ.
"Tôi xếp hàng để nhận cháo từ một nhóm cứu trợ. Tôi đã đợi hơn nửa giờ, nhưng chưa đến lượt thì cháo đã hết," Ma Wai nói trong nước mắt.
"Tôi ra về tay trắng. Tôi thấy tội nghiệp cho đứa con gái bốn tuổi của tôi."
Ma Wai, 42 tuổi, người vùng Monywa, miền trung Myanmar, từng làm công việc dọn dẹp và quản gia cho các gia đình giàu có.
Nhưng khi các vụ lây nhiễm Covid lên đến đỉnh điểm vào tháng 7, các chủ nhà yêu cầu cô không đến làm việc nữa vì chính phủ ra lệnh mọi người phải ở nhà.
Chồng cô, một thợ sơn, cũng không có việc làm do các hạn chế phòng chống Covid.
"Gần đây chồng tôi cố gắng đi làm. Tôi nấu đồ ăn trưa cho anh ấy mang đi, gạo vốn là để dành cho những lúc khó khăn," cô nói.
"Nhưng binh lính ngăn anh ấy lại, bảo anh về nhà, thế nên anh ấy không thể đi làm được."
Một ngày ăn một bữa
Hai vợ chồng Ma Wai thất nghiệp đã bảy tháng nay. Họ đang phải sống nhờ vào số lương thực được phân phát để nuôi bốn đứa con và mẹ của Ma Wai đang sống cùng.
"Có những hôm chúng tôi chỉ ăn một bữa một ngày. Chúng tôi chưa bao giờ gặp khó khó khăn tới mức này."
Ngân hàng Thế giới ước tính nền kinh tế Myanmar sẽ giảm 18% trong năm nay, và tỷ lệ đói nghèo nhiều khả năng sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm 2022.
Giá gạo tăng hơn 18%, còn dầu ăn tăng gấp đôi trong 12 tháng qua, theo Chương trình Lương thực Thế giới.
Bất tuân và tẩy chay
Thị trấn Monywa nơi gia đình Ma Wai sinh sống là một khu vực then chốt chống lại sự nắm quyền của quân đội.
Nhiều người trong cộng đồng của cô đã tham gia các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối cuộc đảo chính quân sự ngày 1/2.
"Trong thời gian đó, binh lính đã nổ súng vào khu vực của chúng tôi. Một số hàng xóm chỗ nhà tôi bị đạn bắn thiệt mạng, một số người bị thương," cô nhớ lại.
Kể từ sau cuộc đảo chính, hàng chục nghìn cán bộ nhà nước - từ giáo viên, công nhân đường sắt đến bác sĩ và y tá - đã từ chối làm việc cho chế độ.
Theo Chính phủ Thống nhất Quốc gia, được thành lập bởi các dân biểu bị lật đổ, hơn 410.000 nhân viên chính phủ vẫn đang đình công.
Phong trào cũng kêu gọi tẩy chay các dịch vụ thuộc sở hữu của quân đội, từ ngân hàng đến xổ số nhà nước; từ bia và thuốc lá đến viễn thông. Mục đích của họ là nhằm làm mất dần đi nguồn thu nhập chính của quân đội.
Mọi người cũng từ chối thanh toán hóa đơn tiền điện, bởi nói tiền sẽ rơi vào túi quân đội.
Những biện pháp này và các hình thức trừng phạt công khai khác đối với các doanh nghiệp của quân đội đã có tác động đáng kể.
Tướng Soe Win, người đứng vị trí trị quan trọng thứ hai trong quân đội, thừa nhận trong một cuộc họp ngân sách vào tháng Tám rằng chính phủ đang thu được ít tiền hơn.
Phản kháng trong khó khăn
Tại văn phòng điện lực quốc gia ở thị trấn Khayna, nằm cách Yagon 60km về phía đông, chỉ có duy nhất một người trong số 43 nhân viên là tiếp tục tới làm việc. Người này là một cựu đại úy quân đội.
Số còn lại đang đình công. 15 người trong số họ vẫn đang chống đối. Hành động tập thể của họ đã gây gián đoạn cho việc quân đội tiếp quản, nhưng cá nhân họ phải trả giá đắt.
"Hiện tôi không có thu nhập, nhưng tôi và các đồng nghiệp quyết tâm không quay lại làm việc cho quân đội," Khin Kyi Thar nói.
"Lương của tôi là 150.000 Kyat (83 đô la Mỹ), và tôi đã mất số tiền đó kể từ tháng Tư đến nay. Một nhóm hỗ trợ trong thị trấn đã giúp tôi một số tiền, nhưng sau đó người đứng đầu nhóm đã phải bỏ trốn," cô nói.
Hai chính phủ phát hành hai loại xổ số song song
Trong một nỗ lực nhằm giảm bớt khó khăn của người dân, Chính phủ Thống nhất Quốc gia đã phát hành một cuộc xổ số trực tuyến vào tháng Tám để quyên tiền cho các nhân viên chính phủ đang tham gia đình công.
Nhóm nói 70% lợi nhuận sẽ được chuyển trực tiếp cho những người đình công, còn 30% được đưa dùng làm tiền thưởng.
Mọi người đã ngừng mua vé số do nhà nước phát hành, và trong giờ đầu tiên mở bán, 250.000 vé có giá 2.000 Kyat (1,1 đô la Mỹ) đã được bán hết.
Đáp lại, quân đội đã cấm xổ số của Chính phủ Thống nhất Quốc gia và phong tỏa một số tài khoản ngân hàng do nghi chủ tài khoản đã mua vé.
Các ngân hàng trên bờ vực sụp đổ
Hệ thống ngân hàng của Myanmar đang trên bờ vực sụp đổ.
Sau cuộc đảo chính, mọi người đổ xô đi rút tiền tiết kiệm. Đáp lại, các ngân hàng đã giới hạn mức tối đa mỗi người có thể rút.
Kể từ tháng Ba, ngân hàng trung ương Myanmar đã hạn chế mức rút tiền mặt tối đa là 2 triệu Kyat (1.100 USD) một tuần, và 20 triệu Kyat (11.000 USD) đối với hầu hết các công ty.
Cũng như nhiều người dân ở Yangon, Ma Khine dậy thật sớm để đi xếp hàng tại các máy ATM, hy vọng có thể rút được một ít tiền.
Ngân hàng KBZ ở Myanmar Plaza, nơi cô đến, mở cửa lúc 6 giờ sáng và phát hành tích-kê cho một số lượng khách hàng hạn chế.
Nhưng ngay cả khi bạn may mắn nhận được một phiếu thì không có gì đảm bảo rằng trong máy vẫn còn tiền khi bạn đến lượt.
"Chỉ có ba trong số mười máy hoạt động cùng một lúc, và ngân hàng sẽ không nạp tiền nữa," Ma Khine giải thích.
"Nếu bạn không thể chờ đợi thì bạn phải trả hoa hồng ở chợ đen," cô nói thêm.
Khi cô làm vậy hồi tháng trước, cô đã phải trả phí dịch vụ tới 12% để rút tiền của mình về.
Không có quy định rõ ràng
Các ngân hàng tư nhân hạn chế mức tiền khách hàng có thể rút còn chặt hơn nữa.
Ví dụ, Ngân hàng CB ở vùng Đồng bằng sông Irrawaddy chỉ cho khách hàng tư nhân rút tối đa là 0,5 triệu Kyats (275 đô la Mỹ) trong hai tuần.
"Các doanh nghiệp nhỏ đang bị ảnh hưởng rất nặng nề vì giới hạn hạn mức thế này," Tun Tun, giám đốc chi nhánh của một ngân hàng tư nhân muốn giấu tên, giải thích.
"Họ không có đăng ký công ty nên không được rút số tiền lớn, là khoản cao gấp 10 lần so với định mức áp dụng cho các cá nhân," ông nói với BBC.
"Không mấy ai tiết kiệm được tiền vào lúc này. Số người có tiền tiết kiệm trong tuần ít tới mức đếm không hết đầu ngón tay trên một bàn tay. Mặt khác, hàng nghìn chủ tài khoản đang rút tiền mỗi ngày."
Việc chuyển tiền cũng phụ thuộc vào việc chi nhánh ngân hàng nơi người nhận tìm đến có còn sẵn tiền mặt hay không.
"Chúng tôi phải gọi cho chi nhánh khác để kiểm tra xem họ có đủ tiền mặt để thanh toán cho việc chuyển khoản hay không," Tun Tun nói.
Nền kinh tế rơi tự do
Đồng Kyat của Myanmar đã suy yếu so với đô la Mỹ hơn 20% kể từ khi có cuộc đảo chính tháng Hai.
Người dân ở Yangon nói rằng tại các quầy đổi tiền, đồng Kyat mất giá tới hơn 40%.
Nay mọi người thích giữ tiền bằng đô la hoặc đem đi mua vàng. Giá vàng liên tục lập kỷ lục mới hàng tháng, kể từ tháng Hai.
Đầu tư vào chuối
Tướng Min Aung Hlaing đã nhiều lần nói về ý định cải thiện nền kinh tế.
Một trong những ý tưởng lớn của ông là khuyến khích người dân trồng chuối.
Trong một cuộc họp của hội đồng quân sự về các vấn đề hành chính hồi tháng Sáu, vị tướng này đã khuyến khích mọi người trồng chuối Bluggoe bạc để xuất khẩu.
Nhà lãnh đạo quân đội tiền nhiệm, Tướng Than Shwe, cũng đã thử một dự án tương tự là trồng cây thầu dầu để sản xuất dầu caster, nhưng kế hoạch này đã thất bại.
Nếu so sánh thì việc trồng chuối nghe có vẻ thực tế hơn.
Các nhà đầu tư Trung Quốc đã bỏ tiền vào vào các đồn điền chuối ở bang Kachin trong nhiều năm.
Tuy nhiên, khó có khả năng việc này nuôi sống được hàng triệu người vốn đã rất khó khăn trong việc lo cho mình được bữa ăn sắp tới.
Kể từ tháng Năm, Chương trình Lương thực Thế giới đã cung cấp lương thực cho 800.000 người dễ bị tổn thương ở ngoại ô Yangon.
Nhưng cơ quan này cho biết họ cần ít nhất 86 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ lương thực trong sáu tháng cho 3,3 triệu người có nhu cầu.
Nguồn tin BBC Tiếng Việt