Livestreams Nguyễn Phương Hằng: Công cụ kiếm tiền của Đảng ? (Quốc Bảo)
Vậy là với tinh thần đó, công an sẽ nhập cuộc. Nếu những nghệ sĩ bị tố giác minh bạch, hoặc bảo vệ được bản thân, thì không bị khởi tố. Có nhiều khả năng, tiếp đến là sẽ điều tra thuế thu nhập và tài sản của nghệ sĩ. Hình sự hóa thu nhập của giới văn nghệ sĩ không phải là ưu tiên của Đảng cộng sản trước đây nhưng giờ thì khác. Đảng cộng sản sẽ tìm cách hạn chế ảnh hưởng xã hội của họ trong bối cảnh hết sức nhạy cảm vì đại dịch và phạt được là phạt. Một mũi tên trúng hai đích.
Bỗng nhiên, một ngôi sao trên mạng xã hội xuất hiện trong thời Covid-19 và mỗi lần ngôi sao ấy gọi tên ai, cộng đồng mạng lại dậy sóng và người bị gọi tên cũng không yên. Đó là Nguyễn Phương Hằng, người tuyên chiến với tất cả như một 'nữ thần công lý'. Nhưng để làm gì và chúng ta có thể tiên liệu diễn biến tiếp theo nào từ hiện tượng này?
Bà Nguyễn Phương Hằng là vợ ông Huỳnh Uy Dũng, cựu Đại biểu quốc hội Việt Nam khóa X, đoàn đại biểu tỉnh Bình Dương và là người điều hành công ty cổ phần Đại Nam theo uỷ quyền của chồng. Tháng 3/2021, bà Hằng tố giác ông Võ Hoàng Yên, thầy thuốc Đông y vì chiếm đoạt tiền từ thiện, khám chữa bệnh phản khoa học. Sau đó tiếp tục cáo buộc các nghệ sĩ như Hoài Linh, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Thuỷ Tiên, Trấn Thành cũng vì thiếu minh bạch liên quan tiền từ thiện.
Xen giữa những việc này là vụ tố bà Lê Thị Giàu (Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây) vì cả việc làm hàng giả lẫn khuất tất liên quan tới các hoạt động của nhà chùa. Đấy là chưa kể màn đấu khẩu chánh trị với ông Trương Quốc Huy, một người bất đồng với chính quyền cộng sản Việt Nam tại Mỹ. Thật khó để đoán định được bà Hằng sẽ ‘xuất chiêu’ ở lĩnh vực nào, với ai. Có vẻ như với ai bà cũng không nể nang và né tránh, ngạc nhiên là những người bị công kích vốn cũng không phải bạn làm ăn hay có ân oán gì với bà. Các lần lên sóng của bà có hàng trăm ngàn người xem, với khẩu khí tấn công không khoan nhượng, ngôn ngữ đậm chất giang hồ, ai cũng có thể nghe và hiểu. Tuy nhiên, bà Hằng luôn tôn vinh lãnh đạo Đảng cộng sản và cách biểu đạt cho thấy sự thấu hiểu, đồng cảm với ‘các bác lãnh đạo’ và miệt thị những người như ông Huy vì bịa đặt bôi xấu chế độ trong việc chống dịch. Bà cũng nêu bật lên những nghĩa cử của mình trong từ thiện lúc livestream.
Tôi vừa tóm lược ngắn gọn nhất về những sự vụ nóng trên mạng xã hội gần đây liên quan đến bà Hằng. Câu hỏi là tại sao bà Hằng xuất hiện trong lúc này, giữa thảm kịch Covid-19 và theo hình thức này? Điều gì sẽ xảy ra khi một số người bắt đầu sử dụng công cụ tấn công mới là livestream và được hậu thuẫn?
Các vụ livestream của bà Nguyễn Phương Hằng tố giác nhiều nghệ sĩ tên tuổi không minh bạch trong việc nhận tiền và cứu trợ thời gian qua đang làm xôn xao dư luận.
Ai đứng sau các livestream
Trước tiên, phải tóm tắt lại những việc làm mà Đảng cộng sản thực hiện khi ngân sách đã cạn kiệt khiến việc thực hiện phòng chống dịch diễn ra một cách bị động, duy ý chí và thiếu mọi năng lực cần thiết:
- Vắt kiệt sức dân và doanh nghiệp: Một cuộc tận thu toàn diện. Mọi sai phạm dân sự dù nhỏ nhất cũng không được bỏ qua mà phải bị phạt với cái giá cao nhất. (Ví dụ không đeo khẩu trang hay ra đường không lý do bị phạt từ 2-3 triệu đồng) Doanh nghiệp nào còn hoạt động được sau đợt dịch cũng sẽ khó mà yên với các hình thức thanh, kiểm tra thuế. Các doanh nghiệp nội địa lớn cũng phải tham gia vào công cuộc đóng góp này và các đại gia ‘ngầm’ sẽ bị bắt để tận thu tài sản.
- Thanh trừng nội bộ Đảng cộng sản: Chiến dịch hạ bệ nhau với tên gọi mỹ miều ‘chống tham nhũng’ cũng nhằm hướng tới việc đoạt lại tài sản. Những quan chức chưa thực sự thuộc về một ekip nào, sẽ bị soi dưới kính hiển vi.
Có nhiều khả năng hình thức gây chiến của bà Hằng nằm ở dự liệu đầu tiên. Và màn đả kích ông Trương Quốc Huy chỉ để đánh lạc hướng dư luận về mục đích livestream. Kịch bản được dựng ra theo cách cổ điển nhất để công an có lí do vào cuộc nhanh nhất, trên nền tảng rất ‘dân chủ’: Có dư luận lên tiếng. Livestream và Facebook đã biến thành các phiên tòa (đấu tố) kết án một người nào đó trên mạng xã hội.
Hôm 6/9/2021, ông Tô Ân Xô chánh văn phòng Bộ công an đã cho truyền thông hay về sự ồn ào của việc livestream, rằng công an sẽ chủ động nắm bắt dư luận và xem đây cũng là nguồn tin tố giác tội phạm, có cơ sở thì sẽ vào cuộc. Một màn kịch cực kỳ hoàn hảo. Dư luận là dư luận nào, hay công an đếm lượt thích, lượt xem và đọc ý kiến trên trang bà Hằng? Ông Xô rõ ràng đang ám chỉ tới việc thiếu minh bạch trong việc làm từ thiện mà dư luận ồn ào gần đây, liên quan tới tố cáo của bà Hằng.
Vậy là với tinh thần đó, công an sẽ nhập cuộc. Nếu những nghệ sĩ bị tố giác minh bạch, hoặc bảo vệ được bản thân, thì không bị khởi tố. Có nhiều khả năng, tiếp đến là sẽ điều tra thuế thu nhập và tài sản của nghệ sĩ. Hình sự hóa thu nhập của giới văn nghệ sĩ không phải là ưu tiên của Đảng cộng sản trước đây nhưng giờ thì khác. Đảng cộng sản sẽ tìm cách hạn chế ảnh hưởng xã hội của họ trong bối cảnh hết sức nhạy cảm vì đại dịch và phạt được là phạt. Một mũi tên trúng hai đích.
Tại sao lại nhắm vào từ thiện? Ngay cả khi tấm lòng của những người đi làm từ thiện là trong sáng thì việc quyên góp, nhận uỷ thác một số tiền lớn để đi cứu người cũng là một công việc rất khó khăn và đòi hỏi nhiều tâm trí. Làm sao để chứng minh tiền được huy động từ xã hội được sử dụng đúng mục đích mà không bị lạm dụng hay biển thủ? Cá nhân người đứng ra làm từ thiện sẽ rất vất vả để chứng minh điều đó. Từ thiện có quy mô lớn nên thuộc về các tổ chức thiện nguyện. Nhưng chế độ cộng sản không cho phép xuất hiện những tổ chức xã hội dân sự như vậy. Điều đó tất yếu dẫn đến việc các cá nhân có ảnh hưởng xã hội như Thuỷ Tiên, Đàm Vĩnh Hưng hay bất kì văn nghệ sĩ nào làm từ thiện (ở đây không bàn tới việc họ làm đúng mục đích hay chưa) sẽ dễ gặp phải vấn đề trong kê khai nếu không tổ chức thật tốt việc sử dụng tiền, đó là ngay cả khi họ làm đúng. Và thật khó để mà không nghĩ tới việc Đảng cộng sản sẽ định đoạt và kiểm soát cả dòng tiền làm từ thiện. Nhưng khả năng là ý đồ livestream này chưa dừng lại ở đây.
Khi kinh tế tăng trưởng trong khoảng giai đoạn 5 năm trước Covid-19, có một chủ trương ngầm từ Đảng cộng sản là không hình sự hóa án kinh tế. Thời kỳ nhiều cơ hội làm ăn và kiếm tiền, sai phạm có thể bù bằng tiền. Nay thì cơ hội làm ăn ngày càng ít, ngân sách cạn kiệt và tất cả đang đối mặt rủi ro về khủng hoảng kinh tế - xã hội trong và sau dịch bệnh. Đảng cộng sản cần tiền cho nên phải sử dụng những công cụ tiện lợi nhất để có cớ vào cuộc. Kiếm tiền trở thành tiêu chí số một của Đảng cộng sản trong lúc này.
Thời mà Đảng cộng sản phong tỏa cả nước để chống dịch, họ cũng biết sử dụng các ngón nghề online để tạo ra thời cơ. Còn gì thuận hơn một nhân vật vừa giàu, vừa bỗ bã (hợp thị hiếu quần chúng Việt), vừa lúc nào cũng tuyên bố nắm được đời tư và chứng cớ của những người mà bà muốn tố giác. Những ai hâm mộ người bà tố giác cũng có thể lên tiếng bênh vực thần tượng của họ. Thế là dư luận được tạo ra và Bộ công an lại có việc làm. Câu hỏi tại sao bà Hằng lại đóng vai ‘thần chết’ thì chỉ có bà và những người ‘đứng sau bà’ mới biết.
Ông Tô Ân Xô, chánh văn phòng Bộ công an đã cho truyền thông hay về sự ồn ào của việc livestream, rằng công an sẽ chủ động nắm bắt dư luận và xem đây cũng là nguồn tin tố giác tội phạm, có cơ sở thì sẽ vào cuộc.
Ai sẽ là nạn nhân tiếp theo?
Có thể tiên liệu tuyệt chiêu livestream sẽ vươn vòi online tới những đại gia khác. Những người có tài sản nhưng không tạo được ảnh hưởng lớn tới cấu trúc lao động hoặc thế lực chính trị đỡ đầu họ bị thất sủng trong công cuộc ‘đốt lò’ của ông Trọng. Cần nhấn mạnh rằng bây giờ, việc ‘đốt lò’ này không còn là của riêng ông Trọng nữa. Nó đã mất đi cái thế độc quyền của ông Trọng vì xã hội chuyển biến quá đột ngột do Covid-19. Tính chủ động thanh lọc đã bị biến mất vì Đảng đang gặp khó về tiền. Kết cục tất yếu là nội bộ không chỉ diệt nhau, mà sẽ tự tiêu diệt luôn cả thể chế đã tạo ra việc đốt lò để diệt nhau.
Cần phải nói một lời sau cùng: Mỗi một người dân Việt Nam ngồi theo dõi các livestream của bà Hằng, về bản chất cũng đang chịu chung số phận với những nghệ sĩ, doanh nhân khi Đảng ra tay vơ vét. Nhưng đa số chúng ta vẫn chưa tỉnh ngộ và còn cam chịu. Hãy một lần nhìn vào cuộc sống của bản thân mình, của thân phận mất tự do và bị bóc lột như trong lúc này. Chúng ta còn lại gì hay lý do gì để ngẩng mặt hay nhìn livestream để sống và tưởng mình có tự do? Hãy suy nghĩ, rồi bạn sẽ có được nhiều lời giải nếu đối diện sự thật. Một xã hội tự do thực sự, được xây dựng bởi một Dự án chính trị đúng đắn, với những con người lương thiện và một thể chế dân chủ... đó mới là giải pháp đưa chúng ta thoát khỏi tâm lý nô lệ để tiến tới tự do và thịnh vượng. Đó không phải là một giấc mơ mà là điều Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã và đang nỗ lực thực hiện cho Việt Nam suốt 40 năm qua.
Quốc Bảo
(8/9/2021)