Cảnh giác với chủ nghĩa nhân sĩ mới ! (Việt Dân)
Tôi cho rằng yếu tố căn bản nhất của một trí thức thực thụ, một trí thức chính trị phải là lòng yêu nước. Lòng yêu nước là gì nếu không phải là tình yêu thương nhân loại, đồng bào của mình? Và nếu có thái độ đó, thì trước những thảm cảnh mà người Việt Nam đang chịu đựng, cũng như dân tộc Afghan đang đối mặt với chuỗi ngày đen tối của Taliban, thì thái độ nghiêm chỉnh của trí thức phải là chất vấn chính mình để tìm ra một hướng đi mới khỏi quỹ đạo 2000 năm Khổng Giáo, chứ không phải là tiếp tục giữ một sự khinh thường rồi áp đặt những đòi hỏi vô lý lên quần chúng trong khi giữ một niềm tin mãnh liệt, dù ở thời bình nào thì mình cũng được trọng dụng, mình cũng thành đạt!
Hai chủ đề chính là sự sụp đổ chóng vánh của chính quyền Afghanistan vào tay Taliban và những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 lên mọi mặt đời sống xã hội Việt Nam dường như thu hút hết sự quan tâm của mọi người gần đây.
Tôi cố gắng tìm một sự liên hệ căn bản chung nhất trong thái độ của nhiều người còn quan tâm đến chính trị đất nước, là những người ủng hộ cho một Việt Nam dân chủ. Tất cả mọi người đều đồng ý với nhau rằng cái sai, cái xấu hay nguyên nhân của mọi vấn đề đều xuất phát từ cái gốc độc tài, dù là chính quyền cộng sản Việt Nam hay là tổ chức Taliban đang muốn khôi phục lại Hồi Giáo Sharia. Nhưng lẫn trong những ý kiến, cảm xúc và thái độ bộc trực đó, tôi cho rằng chúng ta cần cảnh giác trước một thái độ, hay còn gọi là “chủ nghĩa nhân sĩ mới” (Meritocracy).
Chủ nghĩa nhân sĩ mới (meritocracy) có thể hiểu giản dị là một niềm tin mà trong đó những người tài năng, có phẩm chất cao xứng đáng được tưởng thưởng và trọng dụng trong xã hội. Trong chính trị, ví dụ điển hình là ở Hoa Kỳ, thì những người xứng đáng nhất trong hoạt động chính trị dần dần được nhìn qua lăng kính khoa bảng hay sự thành đạt của họ.
Những người tốt nghiệp đại học Yale, Havard hay Stanford mặc nhiên được hiểu là những người xứng đáng nhất, hay nói theo ngôn ngữ của các tổng thống Mỹ từ thời Bill Clinton, Bush, Obama, ngay cả bà Hilary Clinton…là những người thông minh nhất (smartest guys), mà bỏ qua hai yếu tố căn bản của hoạt động chính trị là Kiến thức chính trị và Đạo đức chính trị. (Tôi tạm dịch từ Practical wisdoms và Civic virtues)
Sở dĩ đa số người Việt ủng hộ Donald Trump vì Trump là mẫu người truyền thống của Khổng giáo. Đó là việc một người không có đạo đức và kiến thức chính trị vẫn có thể làm tổng thống. Trump đánh trúng tâm lý và ước mơ của nhiều người Việt Nam nhất là giới nhân sĩ.
Trong một xã hội bị bao phủ bởi chủ nghĩa trọng người thành đạt này thì dần dần bị phân cực thành người thông minh và kẻ ngu dốt (smart - stupid), người chiến thắng - kẻ thua cuộc (the winner - the loser), người ở trên cùng - kẻ ở dưới đáy (the top - the bottom). Người ta thống kê chỉ trong nhiệm kỳ của mình, Bush và Bill Clinton đã dùng từ “thông minh” (smart) hơn 450 lần, trong khi đó dưới nhiệm kỳ của Obama là hơn 900 lần. Donald Trump được ủng hộ bởi những người mà thực ra ngầm ý bị hiểu là “kẻ thua cuộc” (loser), “bọn dốt” (stupid) nhưng đã luôn tự hào vỗ ngực mà nói với khối cử tri trung thành của ông ta rằng “Tôi là tổng thống thông minh nhất”, “Tôi là thiên tài ổn định”, “Chúng ta là kẻ chiến thắng, tụi nó là người thất bại”…Hệ lụy là tinh thần quốc gia, tình nghĩa đồng bào, hay ước mơ cùng chia sẻ một dự án tương lai chung dần dần bị xói mòn trong đời sống xã hội như vậy. Nghiêm trọng hơn, là những người ở vị trí lãnh đạo chính trị mà nhẽ ra họ phải là người hàn gắn và hòa giải xung đột, thì họ lại tiếp tay cho xung đột khi cho rằng người không hiểu chuyện chỉ vì họ dốt nát, không biết tìm hiểu sự thật (Fact-check). Hệ lụy là xã hội luôn trong tình trạng nội chiến tinh thần thường trực, không tìm được đồng thuận dân tộc trước những vấn đề quan trọng.
Sở dĩ tôi phải giải thích dài dòng về chủ nghĩa trọng người thành đạt này vì nó có nét tương đồng với chủ nghĩa nhân sĩ, khoa bảng ở Việt Nam. Tại sao? Vì nó bỏ qua yếu tố tình cảm, ước mơ xây dựng tương lai chung, tình cảm liên thuộc giữa người với người…để chỉ bó hẹp trong vấn đề giai cấp, dù là quân tử - tiểu nhân, người thông minh - kẻ ngu dốt…
Quay trở lại câu chuyện Afghanistan và tình trạng Covid-19 ở Việt Nam tôi tìm được thái độ chung rất “nhân sĩ” (meritocracy) của nhiều người nhân sĩ, trí thức khoa bảng. Đó là người dân Afghan quá hèn yếu để chống chọi với một lực lượng chỉ có súng phóng lựu và AK-47 như Taliban hay người Việt Nam có thể chịu đựng ở những ngưỡng phi thường trước những “nhà tù ngoài trời” do Đảng cộng sản Việt Nam dựng lên và đang áp đặt lên toàn xã hội mà không hề có phản kháng nào. Phải chăng dân tộc này hết thuốc chữa và không có cơ hội nào để đứng lên dân chủ hóa đất nước? Phải chăng dân tộc này không xứng đáng được cứu rỗi (Salvation)?
Có những lúc người hỏi không phải để tìm câu trả lời mà để chỉ bộc bạch một thái độ tức giận, hay bất lực thì nó rất đúng với giới trí thức, nhân sĩ của Việt Nam. Họ vẫn là những hậu duệ của tầng lớp nhân sĩ giấu mặt vốn bao trùm lên xã hội Việt Nam bởi tấm vải Nho Giáo suốt 2000 năm nay. Và trong một xã hội độc tài đảng trị kết hợp với tư bản đỏ thân hữu hiện nay, họ cũng là những người nhiệt tình tiếp thu thứ chủ nghĩa trọng người thành đạt, đứa con yêu quý của chủ nghĩa tự do phóng khoáng (Liberalism) mà các nước phương Tây đang xét lại và vượt qua.
Đây là một thái độ rất sai vì muốn xây dựng một quốc gia cũng như muốn giải đáp bài toán dân chủ cho Việt Nam, dù có thể khác nhau và bối cảnh và không gian, thì vấn đề nền tảng là phải có dự án chính trị để vẽ ra tương lai cho quốc gia mới. Dự án chính trị đó chỉ có thể xây dựng được và chuyên chở bởi một tổ chức chính trị. Ý nghĩa của quốc gia như một ước mơ, một dự án tương lai chung tự nó đã là một khái niệm trừu tượng, và vì thế phải được nuôi dưỡng và chuyên chở bởi lực lượng trí thức. Nhưng nếu trí thức khoa bảng Việt Nam cứ muốn lẽo đẽo theo sau quần chúng và các sự kiện, cứ muốn thở dài nhìn xa xăm như biểu thị một thái độ bất lực, cứ muốn nhìn xuống quần chúng khinh miệt mà không chịu nhìn lại chính mình thì đất nước sẽ chưa thoát khỏi vòng luẩn quẩn.
Ý nghĩa của quốc gia như một ước mơ, một dự án tương lai chung tự nó đã là một khái niệm trừu tượng, và vì thế phải được nuôi dưỡng và chuyên chở bởi lực lượng trí thức.
Tôi cho rằng yếu tố căn bản nhất của một trí thức thực thụ, một trí thức chính trị phải là lòng yêu nước. Lòng yêu nước là gì nếu không phải là tình yêu thương nhân loại, đồng bào của mình? Và nếu có thái độ đó, thì trước những thảm cảnh mà người Việt Nam đang chịu đựng, cũng như dân tộc Afghan đang đối mặt với chuỗi ngày đen tối của Taliban, thì thái độ nghiêm chỉnh của trí thức phải là chất vấn chính mình để tìm ra một hướng đi mới khỏi quỹ đạo 2000 năm Khổng Giáo, chứ không phải là tiếp tục giữ một sự khinh thường rồi áp đặt những đòi hỏi vô lý lên quần chúng trong khi giữ một niềm tin mãnh liệt, dù ở thời bình nào thì mình cũng được trọng dụng, mình cũng thành đạt!
Việt Dân
(9/9/2021)