Trung Quốc làm gì để đáp trả việc bị Mỹ coi là mối đe dọa số một ? (Thời báo Hoàn cầu)
Chúng ta cũng không thể có bất cứ nhân nhượng nào trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Trên thực tế, tư duy quản lý khống chế [quản khống] tranh chấp do Trung Quốc đưa ra đã được tất cả các bên chấp nhận và đem lại kết quả tốt. Chúng ta không thể ngừng sự phát triển của chính mình, điều đó liên quan đến quyền lợi cơ bản của toàn dân Trung Quốc là tiếp tục nâng cao mức sống của họ.
Một báo cáo mới công bố của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ xếp Trung Quốc đứng đầu trong số bốn quốc gia tạo ra mối đe dọa chủ yếu đối với Mỹ, ba nước còn lại là Nga, Iran và Triều Tiên. Đánh giá như vậy không có chút nào khiến mọi người ngạc nhiên. Bản báo cáo này không chỉ nêu lên những thách thức mà Trung Quốc đặt ra đối với Mỹ trong các lĩnh vực như hoạt động quân sự, khoa học công nghệ, hoạt động gây ảnh hưởng, tình báo mạng v.v…, mà còn phóng đại nói rằng mối đe dọa của Trung Quốc có mặt ở khắp mọi nơi trên đất Mỹ, đến mức [mối đe dọa ấy] đã trở thành một cách tư duy và cách nói của giới tinh hoa Mỹ.
Dùng cạnh tranh và đối đầu chiến lược để chèn ép đè bẹp Trung Quốc, kiểu động viên chính trị ấy đã thâm nhập xã hội Mỹ với mức độ sâu sắc hơn nhiều so với sự động viên của xã hội Trung Quốc trong cuộc đấu tranh không khoan nhượng với Mỹ và cuối cùng thắng Mỹ. Điều mà Mỹ cần làm là huy động toàn bộ chính quyền, toàn xã hội và thậm chí là toàn thể các nước Đồng minh cùng nhau chèn ép Trung Quốc. Nước Mỹ muốn xây dựng một bức màn sắt [ngăn chặn giao lưu với Trung Quốc]. Trong khi đó, tinh thần cơ bản của Trung Quốc trong cuộc đấu tranh đáp trả Mỹ là bảo vệ lợi ích của mình và chống lại sự chèn ép của Mỹ, đồng thời, chúng ta nhấn mạnh việc tăng cường mở cửa đối ngoại, bao gồm cả nỗ lực duy trì các lĩnh vực hợp tác cơ bản giữa Trung Quốc với Mỹ.
Mỹ đã khẳng định Trung Quốc là đối thủ chiến lược — tư duy chiến lược này của họ đã được thử thách qua những lần nước Mỹ thay đổi đảng phái lãnh đạo chính phủ và e rằng ít nhất sẽ tiếp diễn trong vài chục năm. Chúng ta [Trung Quốc] ngày càng có ít không gian để làm dịu thái độ chống Trung Quốc của Mỹ, bởi lẽ chúng ta không có những điều chỉnh thực sự nào để mà thực thi. Nhiều năm qua Trung Quốc chưa hề gây chiến với nước khác hay lật đổ bất kỳ ai. Chúng ta chỉ cần cù vất vả làm việc để phát triển bản thân, triển khai hợp tác kinh tế và giao thương cùng có lợi với các nước khác. Chúng ta đã dùng phần lớn số ngoại tệ kiếm được vào việc mua trái phiếu kho bạc Mỹ, tức là lại đem cho Washington vay số tiền đó.
Trung Quốc sẽ không bao giờ thay đổi chế độ chính trị của mình, chế độ đó hoạt động rất tốt, đem lại cho quốc gia này sự phát triển mạnh mẽ. Duy trì sự ổn định và hiệu quả cao của chế độ đó đã trở thành một trong những lợi ích cốt lõi của xã hội Trung Quốc.
Chúng ta cũng không thể có bất cứ nhân nhượng nào trong tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng. Trên thực tế, tư duy quản lý khống chế [quản khống] tranh chấp do Trung Quốc đưa ra đã được tất cả các bên chấp nhận và đem lại kết quả tốt. Chúng ta không thể ngừng sự phát triển của chính mình, điều đó liên quan đến quyền lợi cơ bản của toàn dân Trung Quốc là tiếp tục nâng cao mức sống của họ.
Có hai lý do chủ yếu nhất khiến Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa số một. Thứ nhất, là sức mạnh của Trung Quốc đang tăng trưởng nhanh chóng, hơn nữa lại có tiềm lực lớn. Mỹ cảm nhận thấy nguy cơ sức mạnh của họ sớm muộn sẽ bị Trung Quốc vượt qua. Thứ hai, Mỹ cảm nhận được rằng Trung Quốc với tư cách là một nước xã hội chủ nghĩa mà giành được thành tựu lớn như vậy, thì điều đó sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chế độ chính trị với Mỹ — đây là một mối đe dọa lâu dài với Mỹ. Nhưng về cả hai mặt đó, Trung Quốc không có khả năng và cũng chẳng cần phải an ủi Mỹ.
Vì chế độ chính trị của Mỹ rất khuyến khích sự phát triển các chính sách hiếu chiến, cho nên các quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc sẽ rất có khả năng tiếp tục đi lên thế thượng phong theo kiểu xoáy ốc, làm cho mối quan hệ Trung-Mỹ tiếp tục xấu đi. Chúng ta chớ nên ảo tưởng rằng cơn điên rồ trong thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ được ổn định vì một nguyên nhân bên trong nào đó. Sự ổn định tương đối như vậy có thể xảy ra trong ngắn hạn, nhưng sẽ không giữ được lâu dài. Hợp lực nội bộ nước Mỹ là phải chèn ép đè bẹp Trung Quốc.
Tính chất nghiêm trọng của vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc về cơ bản không thể làm dịu bớt sự ghen tức và thù hằn của Mỹ đối với Trung Quốc, và thái độ thù địch của Mỹ sẽ chuyển thành các hành động liên tục đe dọa an ninh quốc gia Trung Quốc. Việc hoá giải mối đe dọa từ Mỹ cần thời gian rất dài. Trung Quốc phải hoàn thành một số nhiệm vụ trong ngắn hạn và trung hạn, dài hạn.
Thứ nhất, Trung Quốc cần khẩn cấp củng cố khả năng răn đe của mình để ngăn chặn Mỹ sử dụng các biện pháp cưỡng ép chiến lược cực đoan đối với Trung Quốc, nhất là việc xây dựng quân đội của chúng ta phải phù hợp với yêu cầu an ninh quốc gia ngày càng tăng nhanh. Ví dụ, nếu chuẩn bị thống nhất Đài Loan bằng biện pháp quân sự, thì chúng ta cần tăng cường đáng kể khả năng răn đe đối ngoại, bao gồm cả khả năng răn đe hạt nhân. Vì Trung Quốc sẽ không tấn công các mục tiêu của Mỹ, nhưng Mỹ có dã tâm can thiệp quân sự vào công việc của Trung Quốc, nên việc chúng ta tăng cường sức mạnh quân sự là cách duy nhất để thiết lập sự cân bằng và an ninh.
Thứ hai, Trung Quốc cần tăng tốc phát triển, bao gồm việc làm rõ càng sớm càng tốt khả năng của chúng ta trong việc đột phá vòng vây công nghệ của Mỹ. Hiện nay Mỹ và các nước Đồng minh chủ yếu vẫn ảo tưởng sẽ bóp nghẹt được sự phát triển của Trung Quốc. Càng thể hiện rõ xu hướng chúng ta có thể tiếp tục nhanh chóng phát triển thì càng giáng đòn đau vào sự kiêu ngạo của Mỹ và sự tự tin của các Đồng minh chủ yếu, và điều đó càng có khả năng khiến các quốc gia khác còn đang dao động sẽ dần dần xa rời đường lối chống Trung Quốc của Mỹ.
Thứ ba, cố gắng giữ ổn định bộ khung mối quan hệ Trung – Mỹ, ngay cả khi đó là một trong những mối quan hệ cạnh tranh gay gắt. Trong đấu tranh chống Mỹ, chúng ta không thể mong chờ một lần là giành ngay được chiến thắng. Chúng ta chỉ có thể thông qua việc ổn định tình thế và sử dụng sức mạnh tăng thêm của mình trong quá trình liên tục tích lũy để cuối cùng thực hiện được sự phá vây. Quá trình này nhất định sẽ khó khăn, chúng ta cần phải kiên trì, không được theo đuổi niềm vui. Nếu Mỹ muốn tỉ thí chạy đường ngắn thì chúng ta thi chạy đường dài với họ. Nếu Mỹ muốn đua đường dài thì ta sẽ đua chạy marathon với họ. Chạy càng lâu thì Mỹ càng không chịu nổi chúng ta.
Thời báo Hoàn cầu
Nguyên tác tiếng Trung 社评:美国已经锁定中国,我们须做好三件事.
Nguyễn Hải Hoành biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 17/05/2021