Nhớ cụ Tản Đà (Chu Văn)
Thời cụ Tản Đà, đa số dân chúng Việt Nam còn sống trong mê muội vì mù chữ. Ở những nước như Ấn Độ hay Ba Tây là nơi mà khoảng cách giữa giàu nghèo, giữa kiến thức và ngu muội vẫn còn là vực thẳm, sự kiện người dân "ngu" chạy theo các lãnh tụ dân túy là điều có thể hiểu được. Còn tại một đất nước "văn minh" như Hoa Kỳ mà vẫn còn có những lãnh tụ dân túy tiếp tục mê hoặc người dân bằng những chiếc bánh vẽ độc hại của họ là bởi vì người dân không "mù chữ" hay mù kiến thức. Họ "mù trong lương tâm". Đây mới thực sự là cái "ngu quá lợn" !
Trong những năm gần đây và nhứt trong thời đại dịch Covid-19, tôi thường ngẫm nghĩ về câu nói của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu (1889-1939) : "Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn. Cho nên quân nó dễ làm quan". Hai câu thơ này được trích từ bài thơ có tựa đề Xem tiểu thuyết "Tờ chúc thư" cảm đề của cụ được đăng trên An Nam tạp chí số 8, 1927. Có lẽ đây là bài thơ đầu tiên trong văn chương chữ quốc ngữ trực diện chống tham nhũng ở Việt Nam vào thời đó. "Cụ Tản Đà đã chỉ ra một vấn nạn vô cùng nặng nề và dai dẳng của dân tộc. Ấy là mối quan hệ giữa dân trí với nạn quan tham lại nhũng" (1). Ngày nay, hơn 90 năm sau, với tôi 2 câu thơ của cụ Tản Đà vẫn có tính thời sự nóng bỏng. Thời nào và ở đâu cũng thế, khi dân trí thấp thì người dân trở thành miếng mồi ngon của chủ nghĩa dân túy. Lãnh tụ dân túy là người khai thác triệt để sự ngu muội, cuồng tín và nhứt là những bản năng thấp hèn của người dân.
"Cụ Tản Đà đã chỉ ra một vấn nạn vô cùng nặng nề và dai dẳng của dân tộc. Ấy là mối quan hệ giữa dân trí với nạn quan tham lại nhũng"
Ngay lúc này đây, khi nói đến chủ nghĩa dân túy, tôi không thể không nghĩ đến Thủ tướng Narendra Modi của Ấn Độ. Tôi chưa từng đặt chân đến Ấn Độ. Tôi chỉ thực sự biết được bộ mặt thật của xã hội Ấn Độ kể từ khi người nữ tu nhỏ bé người Albani tên là Teresa Bojaxhiu (1910-1997) rời bỏ tu viện nơi bà đang dạy học trong một trường trung học dành riêng cho con cái nhà giàu để đến cư ngụ trong một khu ổ chuột của Thành phố Calcutta và chia sẻ cuộc sống với những người cùng khổ nhứt trong xã hội, đặc biệt các bệnh nhân đang hấp hối bên lề đường. Người nữ tu mà về sau thế giới thường gọi tên một cách thân thương là Mẹ Teresa Calcutta đã khởi sự công việc từ thiện từ thập niên 1950, nhưng mãi đến cuối thập niên 1960, nhờ cuốn phim tài liệu có tựa đề "Làm một điều tốt đẹp cho Thiên Chúa" (Something Beautiful for God) do một phóng viên người Anh là ông Malcolm Muggeridge thực hiện, thế giới mới biết đến tên tuổi của bà và dĩ nhiên cũng đã thấy được cuộc sống khốn khổ của người nghèo tại Ấn Độ và hố ngăn cách giàu nghèo tại nước này. Tôi vẫn nhớ mãi những người bạn Ấn Độ cùng làm việc chung với tôi trong một đài phát thanh công giáo tại Phi Luật Tân hồi thập niên 1980. Họ không tỏ ra mặn mà với hoạt động từ thiện của Mẹ Teresa mấy. Một số cho rằng người nữ tu này đã "bêu xấu" Ấn Độ khi cho thế giới thấy được cuộc sống của người nghèo trong những khu ổ chuột.
Nay, hơn 30 năm sau khi Mẹ Teresa đã ra đi, bộ mặt xã hội của quốc gia có dân số đông thứ nhì thế giới này lại được phơi bày một cách thê thảm hơn qua cơn đại dịch Covid-19. Mỗi ngày có đến trên dưới 400 ngàn người bị lây nhiễm và số tử vong có khi lên đến hơn 4000 người mỗi ngày. Hình ảnh được chiếu trên các phương tiện truyền thông mỗi ngày thật rùng rợn : hành lang các bệnh viện trở thành nhà xác, lửa từ các giàn hỏa thiêu tập thể bốc lên khắp nơi...
Thành tích chống dịch Covid-19 của Bộ ba dân túy về số người chết : Donald Trump, Narendra Modi, Jair Bolsonaro
Đài Tiếng nói Quốc tế của Pháp RFI đã có lý khi nhận định : Thủ tướng "Narendra Modi đang trả giá cho sự kiêu căng của mình". Đầu năm 2020, hãnh diện về sự thành công của mình trong cuộc chiến chống đại dịch, "Thủ tướng Modi liên tục nhấn mạnh đến "ngoại lệ Ấn Độ" : rất ít ca nhiễm và tử vong tính theo tỷ lệ dân số ! Ông còn lạc quan đến độ, trước Đại hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26 tháng 9 năm 2020, ông đã thông báo "khả năng sản xuất vac-xin và khả năng cung ứng của Ấn Độ sẽ được huy động để giúp nhân loại chống cuộc khủng hoảng này" (2).
Huênh hoang, kiêu căng, tự mãn đến độ phủ nhận tính nghiêm trọng của đợt bùng phát thứ hai của đại dịch, Thủ tướng Modi cho tổ chức một cuộc hành hương khổng lồ nhân ngày lễ Kumbh Mela, quy tụ hàng triệu người Ấn giáo đổ xô đến tắm gội bên bờ sông Hằng. Đã thế ông còn tập trung dân chúng trong các cuộc vận động bầu cử tại một số tiểu bang. Và cho tới nay, bất chấp mối đe dọa chết người của Covid-19, bất chấp các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, người được dân chúng tung hô như nhà "hiền triết" vẫn không chịu ban hành lệnh phong tỏa vì sợ ảnh hưởng đến kinh tế. Đây là một thái độ ngu xuẩn và thiếu trách nhiệm đến độ một nhà văn nổi tiếng của Ấn Độ là bà Arundhati Roy đã phải lên tiếng tố cáo : "Chúng ta đang chứng kiến tội ác chống lại nhân loại" (3).
Tại một quốc gia đông dân khác là Ba Tây, hiện cũng đang được cai trị bởi một lãnh tụ dân túy là ông Jair Bolsonaro, người ta cũng có thể nói đến "tội ác chống lại nhân loại" khi chứng kiến cảnh chết chóc do đại dịch Covid-19 gây ra chỉ vì cung cách đối phó tồi tệ và thiếu trách nhiệm của nhà lãnh đạo. Chỉ trong ngày 8 tháng Tư vừa qua, có đến 4.250 người thiệt mạng vì Covid-19. Đây là con số tử vong trong một ngày cao nhứt trên trái đất ! Hệ thống y tế của Ba Tây đã hoàn toàn sụp đổ. Ngoài một số yếu tố như bất bình đẳng xã hội, hệ thống y tế xuống cấp một cách trầm trọng, thái độ ngu xuẩn và thiếu trách nhiệm của một nhà lãnh đạo dân túy như ông Bolsonaro mới thực sự là nguyên nhân gây ra thảm họa cho đất nước. Khi đại dịch bùng nổ, ông bảo đây chỉ là một "cơn cúm nhẹ" không gây bất cứ nguy hiểm chết người nào. Dân chúng đã tin lời ông. Rồi khi đại dịch lây lan khắp nơi, ông ngăn cản bất cứ một sự ứng phó nào từ trung ương. Ông cũng xem thường và chống lại các nỗ lực của các thị trưởng và thống đốc tiểu bang nào tìm cách áp đặc việc phong tỏa hay đề ra những biện pháp phòng chống như đeo khẩu trang, giữ giãn cách xã hội. Chỉ trong một năm, ông đã thay đổi đến 4 bộ trưởng y tế, bởi vì vị nào cũng bị ông buộc phải sử dụng những loại thuốc không hề được kiểm nghiệm như Ivermecin và Hydroxychloroquine để chữa trị Covid-19 (4). Và mới đây, thay vì nhận trách nhiệm của mình trong việc đối phó tồi tệ trước đại dịch, ông lại đánh trống lảng bằng cách tung ra thuyết âm mưu theo đó chính Trung Quốc đã sáng chế ra siêu vi Corona để đầu độc thế giới và thủ lợi (5).
Không phải tình cờ mà ông Bolsonaro buộc các bộ trưởng y tế của Ba Tây phải sử dụng thuốc trừ sốt rét Hydroxychloroquine để chữa trị Covid-19. Đây chính là một "toa thuốc" ngu xuẩn mà một người không có bất cứ một hiểu biết nào về y khoa như cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã từng đề ra cho dân chúng Mỹ dùng. Là nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhứt tại Châu Mỹ La Tinh, ông Bolsonaro theo đuôi ông Trump trên từng cây số. Chính vì thế mà ông được thế giới tặng cho danh hiệu "Trump của vùng nhiệt đới" (Tropical Trump).
Dưới thời ông Trump, Hoa Kỳ chiếm giải quán quân về con số người bị lây nhiễm và tử vong vì Covid-19. Bolsonaro chạy theo đuôi ông Trump cho nên thế giới không ngạc nhiên tại sao Ba Tây cũng có số người bị lây nhiễm và tử vong cao kỷ lục. Và dĩ nhiên, nhìn vào số người bị lây nhiễm và tử vong cao ngút ngàn hiện nay tại Ấn Độ, thật khó mà phủ nhận bóng ma của ông Trump trên dung mạo của Thủ tướng Modi và nhứt là trên vô số những giàn hỏa thiêu tập thể đang ngày đêm bốc lửa tại Ấn Độ.
Cụ Tản Đà chưa từng sống trong một chế độ dân chủ. Nhưng ít ra cụ cũng đã thấy được mối tương quan giữa dân trí và dân chủ.
Hoa Kỳ dưới thời Trump, Ba Tây dưới thời Bolsonaro và Ấn Độ dưới thời Modi là ba quốc gia dân chủ trong đó lãnh tụ là người được người dân bầu lên. Cụ Tản Đà chưa từng sống trong một chế độ dân chủ. Nhưng ít ra cụ cũng đã thấy được mối tương quan giữa dân trí và dân chủ. Dân trí thấp dẫn đến một nền dân chủ giả hiệu trong đó lãnh tụ dân túy hành xử nếu không như một nhà độc tài thì cũng theo đường lối chuyên chế.
Thời cụ Tản Đà, đa số dân chúng Việt Nam còn sống trong mê muội vì mù chữ. Ở những nước như Ấn Độ hay Ba Tây là nơi mà khoảng cách giữa giàu nghèo, giữa kiến thức và ngu muội vẫn còn là vực thẳm, sự kiện người dân "ngu" chạy theo các lãnh tụ dân túy là điều có thể hiểu được. Còn tại một đất nước "văn minh" như Hoa Kỳ mà vẫn còn có những lãnh tụ dân túy tiếp tục mê hoặc người dân bằng những chiếc bánh vẽ độc hại của họ là bởi vì người dân không "mù chữ" hay mù kiến thức. Họ "mù trong lương tâm". Đây mới thực sự là cái "ngu quá lợn" !
Hoa Kỳ đã một thời mê ngủ trong cái ngu ấy và hiện vẫn muốn tiếp tục kéo dài giấc ngủ ấy. "Kẻ mà ai cũng biết là ai đó" (The One every knows who he is), xét dưới bất cứ phương diện nào, từ trí tuệ, tâm lý, tính tình cho đến đạo đức, là người có một nhân cách tồi tệ, mạt hạng trong đó dối trá đã trở thành phương châm sống và hành động. Những lời dối trá của con người này hẳn phải độc hại khủng khiếp bởi vì các công ty mạng xã hội như Twitter, Facebook, Instagram.. .đã buộc lòng phải "bịt miệng" ông bao lâu ông còn tiếp tục phun ra những lời dối trá độc địa của mình. Đây quả là một hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả những ai còn muốn tự ru ngủ và tự sướng bằng những chiếc bánh vẽ của dối trá trong thứ "thiên đường mù" ấy của lãnh tụ.
Nghèo đói, ngu dốt, mù chữ không phải là một cái tội. Bịt mắt lương tâm để trở nên mù lòa trước sự dối trá : đó là một tội ác, bởi vì đó là hành động đồng lõa với cái Ác !
Chu Văn
(10/05/2021)
Chú thích :
(1) https://toquoc.vn/tan-da-chong-tham-nhung-99105153.htm
(3) https://baotiengdan.com/2021/05/07/khi-nen-dan-chu-lon-nhat-the-gioi-thieu-oxy/
(4) https://theconversation.com/covid-19-in-brazil-how-jair-bolsonaro-created-a-calamity-159066
(5) https://www.thejakartapost.com/news/2021/05/06/brazils-bolsonaro-links-pandemic-to-germ-warfare-.htm