Miến Điện : cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi lần đầu tiên trực tiếp ra tòa (Trọng Thành-RFI)


Ngày 24/05/2021 lần đầu tiên kể từ cuộc đảo chính, cựu lãnh đạo chính phủ dân sự Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, trực tiếp có mặt trong một phiên tòa của tập đoàn quân sự, xét xử bà về nhiều tội danh. Ngay trong lần đầu tiên có cơ hội tiếp xúc với luật sư, Aung San Suu Kyi đã truyền đi một thông điệp thách thức tập đoàn quân sự.

Trả lời AFP, luật sư Min Min Soe cho biết bà Aung San Suu Kyi, 75 tuổi, « sức khỏe tốt ». Vị luật sư này, cùng một số đồng nghiệp, được phép tiếp xúc với thân chủ trong vòng 30 phút.  Ngay trước khi ra tòa, cựu lãnh đạo chính phủ dân sự đã đưa ra một thông điệp thách thức. Qua các luật sư, bà khẳng định « đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ (LND) sẽ tồn tại đến khi nào nhân dân Miến Điện còn, bởi chính nhân dân đã lập ra đảng chính trị này ». Sau khi tiến hành đảo chính và đàn áp khốc liệt phong trào đòi dân chủ, triệt hạ các biểu tượng của nền dân chủ Miến Điện là sách lược hiện nay của tập đoàn quân sự, thông qua phiên tòa xét xử cựu cố vấn Nhà nước Miến Điện Aung San Suu Kyi, cũng như yêu cầu giải tán đảng do bà lãnh đạo trước đây.

Thông tín viên Juliette Verlin tường trình từ Rangoon : 

«Đây là lần đầu tiên kể từ đảo chính, việc xét xử bà Aung San Suu Kyi diễn ra với sự có mặt trực tiếp của bị cáo. Cho đến nay, các phiên xử đều được tiến hành qua mạng, và đôi khi bị hủy do không có kết nối internet. 

Cố vấn Nhà nước Miến Điện vẫn không được phép tiếp xúc với luật sư Khin Maung Zaw, người yêu cầu được có buổi làm việc riêng với thân chủ. Aung San Suu Kyi đối diện với nhiều tội danh, từ sở hữu bất hợp pháp máy bộ đàm không có giấy phép, đến việc không tôn trọng luật về bí mật quốc gia, có thể khiến bà bị phạt đến 14 năm tù. Dân chúng Miến Điện nhìn chung coi các cáo buộc này là phi lý. 

Chiến thuật của quân đội là rõ ràng. Khi cản trở Aung San Suu Kyi xuất hiện trước công chúng, kéo dài việc xét xử và áp đặt các tội danh nặng nề, tập đoàn quân sự tìm cách làm dân chúng mệt mỏi, mức độ ủng hộ với Aung San Suu Kyi sẽ sụt giảm, và kết liễu tương lai chính trị của đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ. 

Thứ Sáu tuần trước, Ủy ban Bầu cử do quân đội bổ nhiệm yêu cầu giải tán đảng Liên Đoàn Quốc Gia vì Dân Chủ của bà Aung San Suu Kyi, với cáo buộc gian lận bầu cử. Giới tướng lãnh tiếp tục thi hành các biện pháp nhằm triệt hạ các biểu tượng dân chủ của Miến Điện».

Theo nhà chính trị học Richard Horsey, thuộc tổ chức phi chính phủ International Crisis Group, việc tập đoàn quân sự cho phép bà Aung San Suu Kyi tiếp xúc với luật sư cho thấy « chế độ của các tướng lãnh đã cảm thấy tự tin hơn, bất chấp mức độ nghiêm trọng của khủng hoảng và những kháng cự chống chế độ đang diễn ra ». Phiên tòa tới sẽ diễn ra ngày 07/06.

Cuối tuần trước, trả lời truyền thông địa phương, thủ lĩnh tập đoàn quân sự tuyên bố xóa bỏ mức quy định tuổi về hưu 65 đối với các tướng lĩnh, như trước đây. Quyết định này cho phép lãnh đạo tập đoàn quân sự tiếp tục tại vị sau tháng 7/2021.

Lực lượng Tự vệ kháng chiến PDF tấn công nhiều trụ sở cảnh sát

Về đụng độ giữa quân đội và các lực lượng kháng chiến, AFP cho hay chiến sự diễn ra dữ dội, hôm qua và hôm nay, tại bang miền đông Kayah (giáp với Thái Lan), giữa quân chính quyền và lực lượng vũ trang sắc tộc Karen (KNPP). Theo Lực lượng Tự vệ kháng chiến (PDF), ít nhất khoảng 30 binh sĩ và cảnh sát bị tiêu diệt trong đụng độ ở miền đông đất nước. PDF đã tấn công một trụ sở cảnh sát ở thị xã Mobye, cách thủ đô Naypidaw khoảng 100 km về phía đông. PDF bao gồm các thường dân vũ trang được lập ra hồi tháng trước, để chống lại các đàn áp của Quân đội.

Theo tổ chức nhân quyền AAPP, ít nhất 818 thường dân bị giết hại kể từ đảo chính, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Thủ lĩnh tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing, cho rằng chỉ có 300 thường dân thiệt mạng, cùng 47 cảnh sát.

Trọng Thành

(24/5/2021)

Nguồn RFI Tiếng Việt