Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và chính trị Mỹ - Đỗ Xuân Cang

1. Quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về chính trị Mỹ

Những ai thường xuyên theo dõi các bài viết của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đều nhận thấy chúng tôi luôn có ý kiến và thái độ rất rõ ràng và minh bạch về các vấn đề chính trị của nước Mỹ. Đặc biệt chúng tôi luôn có ý kiến thẳng thắn về hai nhân vật gây tranh cãi là cựu tổng thống Donald Trump và đương kim tổng thống Joe Biden.

Có một số bạn đọc thắc mắc tại sao không lo cho dân chủ Việt Nam mà cứ quan tâm tới chính trị Mỹ. Rất đơn giản là vì chúng tôi đang xây dựng một dự án chính trị, tức là giải pháp cho Việt Nam trong tương lai. Chúng tôi không thể thụ động sao chép mô hình chính trị của Mỹ, của Anh hay tệ hơn như của một số nhóm hội đoàn chủ trương tái lập Việt Nam Cộng Hòa. Theo dõi, nghiên cứu chính trị Mỹ cũng như các xu thế chính trị đang diễn ra trên thế giới là để xây dựng đường lối chính trị cho Việt Nam, đó là hoạt động hiển nhiên của các tổ chức chính trị. Cũng qua sự phân tích và đánh giá đó, chúng tôi cọ xát lý thuyết của tổ chức mình với thực tế. Chúng tôi cho rằng : Làm chính trị là hẹn hò với tương lai. Chúng tôi luôn ý thức rằng nền chính trị của một quốc gia phải độc lập nhưng phải song hành với tiến bộ của thời đại.

Có thể việc bênh hay chống một nhân vật nào đó rất dễ nhìn nhận như một cơn bệnh cuồng cá nhân. Điều đó có thể có ở những cá nhân thậm chí cả ở những tập thể nếu tập thể ấy thiếu vắng tư tưởng chính trị. Chắc chắn chúng tôi không có vấn đề này vì Tập Hợp có tư tưởng chính trị.

th1

Tập Hợp thường đưa ra những ý kiến thẳng thắn về các tổng thống Mỹ và chính trị Mỹ.

2. Quan điểm của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên về các vấn đề quốc tế

Việc chúng tôi ủng hộ hay phê phán một ai đó hay một vấn đề gì đó đều dựa trên những giá trị nền tảng mà Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên theo đuổi. Là một tổ chức tranh đấu với chủ trương "hòa giải" hiển nhiên chúng tôi ủng hộ các thỏa ước tiến bộ, vì lợi ích chung. Đó là lý do khiến chúng tôi bất bình trước hành động của Trump như việc xé bỏ hàng loạt các thỏa ước mà các chính trị gia Mỹ đã đổ bao mồ hôi và đôi khi cả máu để đạt được. Chúng tôi hiển nhiên vui mừng việc tái xác lập sự hiện diện trở lại của Mỹ trong các vấn đề của thế giới từ chính phủ Joe Biden.

Chúng tôi làm sao có thể ủng hộ ông Trump khi ông xé bỏ hiệp định TPP, bỏ hiệp ước hạt nhân với Iran, bỏ hiệp ước giải trừ vũ khí hạt nhân với Nga, rút ra khỏi hiệp ước về khí hậu...Người ta chỉ có thể bỏ thuốc chống cao huyết áp vì gây ra hiệu ứng phụ khi có một loại thuốc khác tránh được hiệu ứng đó. Ông Trump chỉ biết đập phá chứ không xây dựng được bất kỳ hiệp ước nào khác để thay thế cho những gì đã phá bỏ.

Rất dễ nhận thấy việc rút Hoa Kỳ ra khỏi tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngay trong đại dịch là hành vi ích kỷ, điều đó càng tệ hơn khi nước Mỹ là cường quốc số một. Bất cứ ai có hiểu biết trung bình cũng hiểu đại dịch Covid-19 là vấn nạn toàn cầu. Muốn chống Covid-19 hiệu quả, cần có những nỗ lực chung và sự chia sẻ chung. Rút ra khỏi WHO cho thấy sự hiểu biết của Trump rất thấp và là một người rất nhỏ nhen, ích kỷ. Sự lừa dối của Trump về nguy cơ đại dịch cũng như những chỉ dẫn tầm bậy trong việc chống ngừa Covid-19 phải nhìn nhận như là tội ác.

Cũng trên vấn đề này chúng tôi hoan nghênh cam kết của ông Joe Biden với WHO cùng với những hành động thiết thực và cụ thể. Tinh thần chia sẻ, gánh vác trách nhiệm của các cường quốc đóng vai trò rất quan trọng trong việc dập dịch. Nhiều quốc gia như Đức, không chỉ giúp đỡ tài chính, trang thiết bị y tế trong nguy cấp mà còn sẵn sàng đón bệnh nhân từ quốc gia khác về để chữa trị.

Trong thế kỷ 20, nhân loại có ba luồng tư tưởng đối nghịch : dân chủ, cộng sản và phát xít (chủ nghĩa dân tộc cực đoan). Các cuộc chiến ý thức hệ đã đẩy thế giới tới chiến tranh và vực thẳm. Những cuộc chiến kinh hoàng hay chạy đua vũ khí hạt nhân có thể hủy diệt cả địa cầu.

th2

Thế giới không còn chấp nhận chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chiến tranh.

3. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan đã ra đi cùng chiến tranh thế giới II

Sau chiến tranh thế giới thứ II, chủ nghĩa cộng sản đã từng cao ngạo thách thức và đe dọa "đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản" nhưng cuối cùng các nước cộng sản Đông Âu đã sụp đổ cùng với Liên bang Xô Viết, cái nôi, là thành trì vững chắc của chủ nghĩa cộng sản. Những bóng ma còn lại như Việt Nam, Trung Quốc đành phải thay đổi để chung sống hòa bình với các nước dân chủ.

Dân chủ đã chở thành chủ thuyết duy nhất và áp đảo trên toàn thế giới. Đầu thế kỷ 21 phong trào dân túy bùng phát khắp nơi do các chế độ dân chủ ngủ quên trên chiến thắng. Chủ nghĩa dân túy không có gì mới, nó chỉ là sự kết hợp gượng gạo giữa chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, quá khích với sự mị dân. Các chính trị gia dân túy chỉ lợi dụng và khai thác sự phẫn nộ chính đáng của của người dân để giành chính quyền chứ không có giải pháp để giải quyết những vấn đề đó.

Chủ nghĩa dân túy (Populist) là chủ đề chúng tôi thường xuyên thảo luận và cố gắng nhận diện chúng để báo động cho người dân Việt Nam. Nước Anh chia tay với EU là hậu quả của phong trào dân túy. Trump thắng cử năm 2016 là đỉnh điểm của phong trào dân túy. Nền dân chủ Mỹ xuống cấp và chao đảo cũng vì theo đuổi chủ nghĩa dân túy (tất cả chế độ theo mô hình tổng thống đều là dân túy)...

Ông Nguyễn Gia Kiểng và anh em Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn cho rằng "Tư tưởng phải đi trước hành động". Muốn làm một cuộc cách mạng thì cần phải có một tư tưởng cách mạng. Rất đáng buồn là sau hơn 45 năm đấu tranh của người Việt Nam trong cũng như ngoài nước, với bao hy sinh và mất mát thì mục tiêu dân chủ hóa đất nước vẫn còn xa vời. Nguyên nhân là do những người tranh đấu đã coi nhẹ, thậm chí bỏ qua tư tưởng chính trị mà chỉ chú trọng đến các "hành động" bề nổi để gây chú ý và tiếng vang.

Đến nay, có lẽ, chỉ có Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên và Đảng cộng sản là ý thức được sức mạnh của tư tưởng chính trị. Chính vì thế mà Ban tư tưởng văn hóa (tuyên giáo trung ương) của Đảng cộng sản luôn là cơ quan siêu quyền lực trong hệ thống chính trị, từ khi mới nắm quyền cho đến tận bây giờ. Đừng quên ông Nguyễn Phú Trọng, lãnh đạo tối cao hiện nay là người xuất thân từ công tác xây dựng đảng và phụ trách hệ thống lý luận của Đảng cộng sản. Cũng chính Ban tư tưởng văn hóa đã định hướng cho tất cả hoạt động của các cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình của cả nước. Chính họ đã chủ trương cấm đoán các luồng tư tưởng tiến bộ khác, thậm chí không cả cho báo chí dùng chữ "đa nguyên".

Chương trình tranh cử của ông Joe Biden cho thấy ông hoàn toàn ý thức được nước Mỹ và thế giới đang chao đảo vì xa rời những giá trị dân chủ, nhân quyền. Ông hứa sẽ có nghĩa vụ và trách nhiệm đấu tranh với chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa độc tài để bảo vệ dân chủ không chỉcho nước Mỹ mà còn cho cả thế giới. Mọi quyết sách của ông đều có nền tảng tư tưởng dân chủ đa nguyên (*).

th3

Muốn làm một cuộc cách mạng thì cần phải có một tư tưởng cách mạng.

4. Quan điểm về đối nội

Một tiêu chí quan trọng gắn liền với Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên từ ngày thành lập là không hy sinh môi trường cho tăng trưởng kinh tế. Với gần 100 triệu dân, quỹ đất của chúng ta rất nhỏ nên phải ưu tiên bảo vệ môi trường sống. Chúng tôi tuyệt đối chống Boxit Tây Nguyên, các nhà máy điện than, Formosa... Chúng tôi ủng hộ ông Biden vì đã ưu tiên cho phát triển ngành năng lượng xanh.

Rút kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển, đồng thời cũng ý thức được sự đổ vỡ xã hội khi sự cách biệt giàu nghèo càng ngày càng lớn, chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường sự liên đới và an sinh xã hội, không thể để kinh tế đi lên mà có những người bị bỏ rơi. Đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho mọi công dân là nghĩa vụ của người làm chính trị.

Những gì ông Trump làm trong 4 năm qua đều đi ngược lại với quan điểm và các giá trị của chúng tôi. Gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD trong đại dịch Covid-19 và gói kích thích kinh tế hơn 2 ngàn tỉ USD mà ông Biden dự định đưa ra (bất chấp sự chống đối của đảng Cộng hòa) theo chúng tôi là cần thiết cho nền kinh tế Mỹ. Tính thực dụng và đời sống ổn định liên tục trong nhiều năm qua khiến một số người Mỹ không có thói quen tích trữ. Cả một năm kinh tế Mỹ ngừng trệ vì đại dịch chắc chắn đẩy nhiều người vào hoàn cảnh khó khăn. Cũng như một người bị bệnh nặng, phải ưu tiên cấp cứu bằng những liều thuốc mạnh để giúp cơ thể hồi phục và ổn định. Gói cứu trợ đã đáp ứng nhu cầu cấp bách đó.

Những mục tiêu lớn thúc đẩy khoa học kỹ thuật, đầu tư cho giáo dục, phát triển năng lượng sạch, xây dựng cơ sở hạ tầng đặc biệt là vấn đề giao thông của ông Biden đều là những định hướng mà chúng tôi có nói đến trong Dự án chính trị Thành Công Thế Kỷ 21 (2001) và Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai (2015). Nước Mỹ đang cần những biện pháp cấp bách và những quyết sách lớn nhằm giữ vững vị thế siêu cường số 1 của thế giới. Để lấy được những quyết định lớn và táo bạo là rất khó khăn. Người lãnh đạo cần phải có viễn kiến và dũng cảm. Chúng tôi tin và chúc ông Biden thành công.

Đỗ Xuân Cang

Praha (8/4/2021)

------------------------

(*) Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã đưa cụm từ "dân chủ đa nguyên" vào ngôn ngữ tiếng Việt để nói về tinh thần hoạt động chính trị, đồng thời đó cũng là một "giải pháp dân chủ" thay thế cho giải pháp cộng sản mà chúng tôi muốn xây dựng cho Việt Nam trong tương lai.