Khi trí thức bị đám đông dẫn dắt (Việt Hoàng)
Việc người dân Việt Nam lên đồng vì Donald Trump không có gì là lạ. Điều đáng tiếc là có nhiều người đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đã bị “việt vị” vì ủng hộ Donald Trump. Không biết Ban tuyên giáo tham gia như thế nào trong vụ này nhưng với lực lượng dư luận viên hùng hậu (hơn 10.000 người) thì họ dễ dàng tạo ra một đám đông khiến các “ngôi sao dân chủ” rơi vào bẫy. Chính những người đang tung hô các “nhà dân chủ” hiện nay sẽ sớm quay lại chửi họ là chống độc tài cái gì khi ủng hộ cho một kẻ có khuynh hướng độc tài như Donald Trump. Nhiều nhà dân chủ sẽ chấm dứt “sự nghiệp” vì sai lầm này.
Xưa nay chúng ta vẫn thường nghe rằng “trí thức có trách nhiệm dẫn dắt và lãnh đạo quần chúng”. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng nói và đồng ý với ý kiến đó. Vậy có khi nào trí thức bị đám đông dẫn dắt ngược lại hay không?
Trí thức tạm chia thành hai thành phần. Một là “trí thức khoa bảng”, bao gồm những người có bằng cấp trong các lãnh vực khác nhau nhưng không quan tâm đến chính trị. Hai là “trí thức chính trị”, là những người có hiểu biết và kiến thức tổng hợp trên nhiều lĩnh vực, dám dấn thân tranh đấu, có dành thời gian cho các hoạt động chính trị và nhất là có tham gia hoặc ủng hộ cho các tổ chức chính trị.
Hiện tại Việt Nam có rất ít “trí thức chính trị”. Những người lên tiếng chống độc tài và mong muốn Việt Nam có dân chủ vẫn chỉ là những cá nhân đơn lẻ. Họ vẫn chưa tham gia vào các tổ chức chính trị và kiến thức về dân chủ của họ vẫn còn hạn chế. Thiếu kiến thức chính trị nên những tiếng nói của họ không gây được nhiều ảnh hưởng với quần chúng và xã hội. Nhiều người tranh đấu đã vào tù ra tội hay bị chế độ đày đọa rất đáng thương nhưng họ không để lại một di sản nào đáng kể. Họ không đi được xa và thường là bỏ cuộc sau một thời gian ngắn.
Thiếu kiến thức chính trị nên vẫn còn ý kiến cho rằng cần phải “hành động” thay vì lý thuyết suông. Đáng nói là cả những người “khai dân trí trên mạng xã hội” cũng nghĩ như vậy.
Cuồng lãnh tụ tại các nước độc tài là bình thường. Cuồng Trump là hiện tượng hiếm hoi tại một nước dân chủ như Mỹ.
Việc những người tranh đấu luôn chạy theo quần chúng chứng tỏ họ không có kiến thức chính trị. Một ví dụ rõ nhất và đáng buồn nhất là việc nhiều trí thức đã hùa với quần chúng để tung hô một người phi dân chủ như Donald Trump. Ban đầu, có thể họ không hiểu (hoặc chưa hiểu) Donald Trump là người thế nào nên chưa có ý kiến, nhưng rồi thấy dân chúng tung hô ông ta quá nhiều nên họ cũng hùa theo, sự lên tiếng ủng hộ của họ càng làm cho đám đông thích thú và cuồng nhiệt. Trong chớp mắt họ lọt vào “tổ nghìn like”, tức là các status của họ chỉ sau một vài ngày là có hàng nghìn người bấm like. Sự cổ vũ của đám đông cuồng nhiệt khiến họ mất dần sự sáng suốt và cuối cùng là trượt vòng xoáy của đám đông đó.
Tài khoản Facebook mang tên Trần Đình Thu là ví dụ, dù là một người cuồng Trump nhưng sau khi Biden tuyên bố thắng cử thì ông ta cho rằng cần phải chấp nhận sự thật là Trump đã thua. Tuy nhiên fan của ông ta không chịu, họ muốn ông ta phải chiến đấu đến cùng và thế là ông ta tiếp tục “thánh chiến” đến tận bây giờ. Mỗi ngày ông ta sưu tầm và nghĩ ra đủ thứ tin tức để làm thỏa mãn đám fan cuồng rằng Donald Trump sẽ tiếp tục là tổng thống Mỹ sau ngày 20/1/2021. Ông ta không cô đơn, rất nhiều người tranh đấu cho dân chủ trong nước có chút tiếng tăm hay từng vào tù ra khám đã rơi vào hoàn cảnh như vậy. Có lẽ họ nghĩ rằng họ đang dẫn dắt một đám đông nhưng thực tế họ đang bị đám đông đó dẫn dắt.
Lịch sử đã từng diễn ra như thế. Phong trào cộng sản từng lôi cuốn được không ít những trí thức tên tuổi ở Châu Âu. Chủ nghĩa phát xít đã “chinh phục” hầu hết trí thức Đức. Ở Việt Nam trước và trong Cách mạng Tháng 8 không ít trí thức tây học và nổi tiếng hồi đấy như Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa...đã bị làn sóng cộng sản cuốn đi. Tại Mỹ, đám đông cuồng nhiệt của Trump đã lôi kéo được một số ít trí thức, luật sư, các dân biểu, thẩm phán vào hùa với họ.
Tuy nhiên về phía ngược lại thì trong lịch sử nước Mỹ cũng chưa bao giờ có chuyện hàng trăm học giả, trí thức, luật sư, nhà khoa học, kinh tế gia, các tu sĩ và tướng lĩnh…đã lên tiếng công khai kêu gọi người Mỹ không bỏ phiếu cho Donald Trump. Việc ông ta vẫn có đến 74 triệu phiếu, chiếm gần phân nửa số cử tri đi bỏ phiếu, 1/3 số người trong độ tuổi đi bầu và 1/5 dân số Mỹ là một con số rất lớn. Nước Mỹ đã quá chia rẽ và phân hóa.
Người Việt Nam tại Mỹ đã từng lên đồng tập thể vì Mặt trận Hoàng Cơ Minh
Thập niên 80 nhiều người Việt đã may mắn đến được Mỹ tị nạn cộng sản với hai bàn tay trắng, do bị chấn thương quá nặng bởi biến cố 30/4/1975 nên dù khó khăn họ vẫn quyên góp tiền bạc cho Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam (do Hoàng Cơ Minh lãnh đạo) với hy vọng Mặt trận sẽ về giải phóng quê hương. Mọi tiếng nói bất đồng đều bị đám đông nghiền nát. 5 nhà báo người Việt sống ở Mỹ đã bị giết hại một cách mờ ám mà đến giờ vẫn không biết hung thủ là ai.
Người Việt Nam hiện nay cũng bế tắc như những người Việt tị nạn hồi đó nên đã lên đồng tập thể bởi một nhân vật là Donald Trump. Rất may là cộng đồng người Việt Nam hải ngoại và nhất là tại Mỹ đã kịp trưởng thành để ngăn cơn lũ quét đó. Theo một thăm dò của Mỹ thì vào năm 2018 có đến 2/3 người Mỹ gốc Việt ủng hộ Donald Trump nhưng trong cuộc bầu cử 2020 thì kết quả đã ngược lại khi 2/3 bỏ phiếu cho Biden.
Có ý kiến ngạc nhiên là tại sao các cuộc mít tinh ủng hộ Donald Trump đông và hoành tráng thế trong khi hai buổi mít tinh của Biden chỉ có vài trăm người, các video clip nói chuyện của Biden cũng rất ít người theo dõi thế mà chung cuộc Biden vẫn có 81 triệu phiếu, hơn Donald Trump đến 7 triệu phiếu. Chuyện này thật ra không có gì lạ. Bất cứ ở đâu thì “đám đông thầm lặng” cũng chiếm số đông. Họ lặng lẽ theo dõi và đưa ra quyết định khi cần thiết (lúc bỏ phiếu) chứ không ồn ào, náo nhiệt như những người ủng hộ Donald Trump. Trong 81 triệu phiếu dành cho Biden có những lá phiếu đơn giản vì ghét Trump chứ không phải vì ủng hộ Biden.
Một câu hỏi mà nhiều người lặp lại theo Donald Trump là ông Biden phải chứng minh rằng 81 triệu phiếu bầu cho ông không phải là gian lận. Câu trả lời rất giản dị và rõ ràng, các cơ quan bầu cử tại 50 tiểu bang đã chứng minh cho sự hợp pháp của số phiếu đó. Ủy ban bầu cử là định chế duy nhất có thẩm quyền để kết luận ai chiến thắng trong một cuộc bầu cử và người đó được bao nhiêu phiếu.
Cuồng là gì? Theo từ điển tiếng Việt thì cuồng là “không tự chủ được trong lời nói và việc làm do thần kinh không bình thường hay vì lý trí không chế ngự được tình cảm”. Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. (1)
Không chỉ người nghèo là thiếu kiến thức và nông cạn mà người có tiền cũng thế. Việt Nam đang xét xử vụ án lừa đảo của công ty đa cấp Liên Kết Việt với 68.000 nạn nhân ở 49 tỉnh thành với số tiền hơn 1.100 tỉ đồng.
Thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Việc người dân Việt Nam lên đồng vì Donald Trump không có gì là lạ. Điều đáng tiếc là có nhiều người đấu tranh cho dân chủ tại Việt Nam đã bị “việt vị” vì ủng hộ Donald Trump. Không biết Ban tuyên giáo tham gia như thế nào trong vụ này nhưng với lực lượng dư luận viên hùng hậu (hơn 10.000 người) thì họ dễ dàng tạo ra một đám đông khiến các “ngôi sao dân chủ” rơi vào bẫy. Chính những người đang tung hô các “nhà dân chủ” hiện nay sẽ sớm quay lại chửi họ là chống độc tài cái gì khi ủng hộ cho một kẻ có khuynh hướng độc tài như Donald Trump. Nhiều nhà dân chủ sẽ chấm dứt “sự nghiệp” vì sai lầm này.
Đảng cộng sản Việt Nam đã “thành công” khi vô hiệu hóa được không ít các nhà dân chủ có tiếng tăm hiện nay, nhờ Donald Trump. Tuy nhiên Đảng cộng sản cũng không thể nào dẹp được phong trào dân chủ Việt Nam mà ngược lại chỉ làm cho phong trào trở nên có chất lượng và chiều sâu hơn. Những tiếng nói đứng đắn, vốn bị che khuất bởi những tiếng nói ồn ào, sẽ được nhận diện và lắng nghe. Ngay tại Việt Nam thì những tiếng nói sự thật và lẽ phải cũng không ít và họ sẽ tạo thành một lực lượng mới, vừa có bản lĩnh vừa có trí tuệ lẫn quyết tâm để thổi một luồng gió mới cho phong trào dân chủ.
Một điều đáng mừng nữa là nhiều trí thức và người dân Việt Nam đang sinh sống tại Mỹ và Châu Âu cũng đã hiểu được vấn đề và sớm lên tiếng phản bác các luận điệu bênh vực Trump một cách sai trái và cảm tính. Họ sẽ là lực lượng dân chủ tiến bộ để cung cấp nhân lực và tiếp sức cho phong trào dân chủ Việt Nam trong nước.
Bài học không mới mà Tập Hợp đã nói suốt nhiều năm qua đó là những người muốn làm chính trị phải có kiến thức chính trị và tư tưởng chính trị để dẫn dắt cho các hành động, trước là của mình và sau đó là của quần chúng. Trí thức luôn là tâm hồn và tiếng nói của mỗi dân tộc. Bổn phận của trí thức là đi trước dẫn đường, là “hướng dẫn và lãnh đạo quần chúng” chứ không phải chạy theo quần chúng. Phải có kiến thức chính trị để chủ động vượt lên trước, đón nhận những thay đổi mới, những tư tưởng mới của nhân loại để truyền đạt cho dân chúng.
Việt Hoàng
(24/12/2020)
(1). https://www.tienphong.vn/suc-khoe/sung-sot-vi-ty-le-nguoi-viet-bi-tram-cam-tam-than-1323421.tpo