‘‘Công nghệ khí hậu’’: Đại họa cho cuộc chiến chống khí thải

Khí hậu Trái đất nóng lên với tốc độ nhanh chóng. Mục tiêu không để nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C dường như ngày càng bất khả thi. Trong bối cảnh mục tiêu hạn chế khí thải kịp thời ngày càng vượt quá tầm tay của nhân loại, tham vọng dùng công nghệ can thiệp trực tiếp vào khí hậu để hãm lại đà gia tăng nhiệt độ là điều ngày càng được nhắc đến nhiều, sau một thời gian dài bị cho là điều « kiêng kỵ ». 

Ảnh minh họa. Công nghệ can thiệp khí hậu hấp dẫn một bộ phận xã hội trong bối cảnh nỗ lực cắt giảm khí thải của nhân loại quá thấp so với mục tiêu.
Ảnh minh họa. Công nghệ can thiệp khí hậu hấp dẫn một bộ phận xã hội trong bối cảnh nỗ lực cắt giảm khí thải của nhân loại quá thấp so với mục tiêu. © Wikipedia


Dùng công nghệ can thiệp vào khí hậu cụ thể là gì ? Vì sao công nghệ can thiệp khí hậu trở lại ào ạt ? Và vì sao giới khoa học hết sức thận trọng với công nghệ khí hậu ? Trên đây là các chủ đề chính của Tạp chí Xã hội  RFI tuần này.

« Kế hoạch B » ào ạt trở lại

Hàng loạt « công nghệ can thiệp làm hạn chế nhiệt độ Trái đất » được quảng bá, như thả các hoạt chất vào bầu khí quyển để ngăn ánh sáng Mặt trời, sơn trắng các mái nhà để phản xạ ánh sáng, đưa gương khổ lớn lên không trung để phản chiếu ánh sáng, hay kích thích các loài phù du trong đại dương để tăng cường khả năng hấp thụ khí thải gây hiệu ứng nhà kính…  Trong một thời gian dài, giới khoa học đã coi đây là « kế hoạch B » (tức kế hoạch phụ) tránh được nhắc đến, bởi sẽ đánh lạc hướng giới chính trị khỏi « kế hoạch A », tức kế hoạch cắt giảm khí thải, hướng đến mục tiêu trung hòa về khí thải. Tuy nhiên, giờ đây, khi kế hoạch A rất khó có khả năng thực hiện đúng hạn, kế hoạch B trở lại ồ ạt.

Điều khiến nhiều nhà khí hậu học lo ngại là bản thân nhóm GIEC, nhóm chuyên gia quốc tế về biến đổi khí hậu, cũng đã đưa công nghệ khí hậu vào chương trình hành động. 

Trang mạng khoa học Pháp Futura Sciences có bài tổng thuật thú vị về chủ đề này, với tựa đề « Công nghệ Khí hậu : ý tưởng tốt hay dở ? Các chuyên gia giải mã ». Khách mời của chương trình là nhà vật lý học David Keith, đại học Havard, và nhà sử học Régis Briday, Đại học Paris Est-Créteil.

Nhà sử học Régis Briday trước hết nhấn mạnh đến tính chất đa nghĩa xung quanh khái niệm công nghệ khí hậu geo-ingenierie, điều khiến nhiều người cảm thấy đây là một lĩnh vực khó hiểu. Nhà sử học Pháp chọn cách định nghĩa công nghệ khí hậu theo hướng là các công nghệ can thiệp vào khí hậu trên quy mô lớn, trực tiếp làm biến đổi khí hậu, để phân biệt với các loại công nghệ can thiệp nhưng theo hướng gián tiếp, bằng cách hấp thu, để hạn chế khí thải, thông qua việc trồng rừng hay chôn giữ khí thải, và khá gần với nhóm này là các công nghệ hút khí thải từ khí quyển.

Chính mảng can thiệp trực tiếp và hướng đến tác động nhanh chóng khiến khí hậu chậm nóng lên, thậm chí lạnh đi, là điều gây nhiều lo ngại và tranh cãi nhất hiện nay. Điểm được giới quan sát đặc biệt chú ý là tại Hoa Kỳ, công nghệ can thiệp trực tiếp ở quy mô lớn nhằm hãm lại đà Trái đất hâm nóng thu hút sự chú ý của giới bảo thủ, vốn là những người phủ nhận thực tế biến đổi khí hậu, do các hoạt động của con người. Kênh truyền hình Arte Pháp – Đức vừa giới thiệu một bộ phim về chủ đề « Những kẻ học nghề phù thủy », giới thiệu ngọn nguồn lịch sử của công nghệ khí hậu.

Trong bộ phim « Những kẻ học nghề phù thủy », nhà triết học Úc Clive Hamilton, chuyên về các vấn đề đạo lý khoa học nhận xét :

« Tại Hoa Kỳ, có nhiều nhóm tư vấn, gây ảnh hưởng, theo tư tưởng bảo thủ, kiên quyết phủ nhận, từ nhiều năm nay, các kết luận của khoa học về khí hậu. Họ đã tấn công các nhà khí hậu học, gây khó khăn cho hoạt động của các chuyên gia của GIEC - nhóm chuyên gia liên chính phủ về khí hậu của Liên Hiệp Quốc. Kết luận Trái đất bị hâm nóng do hoạt động của con người tạo ra khí thải bị họ lên án là ‘‘trò bịa đặt’’, ‘‘lừa đảo’’, ‘‘bịp bợm’’… Họ bác bỏ tất cả mọi biện pháp hướng đến cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, cổ vũ cho các loại năng lượng tái tạo, cũng như việc tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây lại cũng chính là các nhóm ủng hộ ‘‘công nghệ can thiệp khí hậu’’. Chúng ta có thể đặt câu hỏi: tại sao các nhóm này lại ủng hộ các giải pháp cho một vấn đề mà theo họ là không hề tồn tại ? ».

Đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả ngay lập tức

Vì sao giới bảo thủ tại Mỹ đặc biệt quan tâm đến công nghệ can thiệp khí hậu? Tìm các giải pháp đơn giản nhất, kinh tế nhất, hiệu quả nhất cho cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay là chủ trương của nhiều người ủng hộ « công nghệ can thiệp khí hậu », như nhà sáng chế Nathan Myhrvold, nhà sáng lập và chủ tịch của công ty Intellectual Ventures, được tạp chí Foreign Policy xếp trong 100 tư tưởng gia có ảnh hưởng nhất hiện nay. Trong bộ phim « Những kẻ học nghề phù thủy », nhà sáng chế Nathan Myhrvold giải thích tham vọng của ông: 

 « Chúng tôi đã cố gắng tìm kiếm giải pháp thực tế nhất, kinh tế nhất cho vấn đề này. Chúng tôi cũng tìm cách xác định số lượng vật liệu cần sử dụng. Chúng tôi đã thiết kế ra một hệ thống gọi là StratoShield – hay ‘‘lá chắn bình lưu’’. Liệu có cần phun vào khí quyển hàng tỉ tấn hạt siêu nhỏ để ngăn ánh sáng Mặt trời không ? Không, chỉ cần một số lượng rất nhỏ là đủ ! Chúng ta chỉ cần phun vào bầu khí quyển một lượng nhỏ các hạt, nhờ ở một chiếc ống, vươn lên trời nhờ một hệ thống khinh khí cầu hình chữ V.  Một chiếc ống linh hoạt, không khác mấy so với chiếc ống mà quý vị vẫn dùng để tưới vườn. Chiếc ống này nối liền mặt đất với tầng bình lưu của khí quyển ».  

Võ « chạy làng » của các thế lực « bảo thủ »

Cũng trong bộ phim của Arte, nhà vật lý học David W. Keith, đại học Havard, Hoa Kỳ, một người chủ trương đẩy mạnh công nghệ can thiệp khí hậu, đã phê phán việc chính phủ Anh gần đây thực hiện một cuộc thực nghiệm trên quy mô lớn, nhằm rút ra các mặt lợi, mặt hại. Nhà vật lý đại học Havard ủng hộ các can thiệp quy mô nhỏ, mang lại các hiệu quả rõ ràng, tức thời, với rất ít tổn phí:  

« Tác động sẽ rất hạn chế. Chúng tôi chỉ rải xuống khoảng 100 gram lưu huỳnh, tương đương với lượng chất thải ra của một phi cơ thương mại, trong vòng một phút đồng hồ. Nhiều người phản đối thực nghiệm này. Tuy nhiên, nguy cơ là hết sức nhỏ ở quy mô như vậy. Đây là một thực nghiệm đầu tiên kiểu này ở tầng bình lưu. Một phần tiền đầu tư cho thực nghiệm đến từ Bill Gates, một phần đến từ một số công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, chúng tôi không làm thực nghiệm này, nếu như thực nghiệm này không được tài trợ trước hết bởi một cơ quan khoa học của Nhà nước ».

Ảnh hưởng của giới vận động hành lang tại Mỹ đã có kết quả. Cuối năm 2019, chính quyền Mỹ lần đầu tiên cấp ngân sách 4 triệu đô la cho Cơ quan Khí tượng Quốc gia (NOOA), để nghiên cứu về công nghệ khí hậu. NOOA phụ trách kiểm soát và nghiên cứu tầng khí quyển bình lưu, là vùng khí quyển mà các công nghệ khí hậu hiện nay tìm cách can thiệp. Đây cũng là lần đầu tiên, Quốc Hội Mỹ đề xuất một dự luật nhằm cho phép NOOA hoạch định một chương trình chính thức, để tiến hành các nghiên cứu can thiệp khí hậu, bao gồm cả việc rải bụi kim loại lên tầng bình lưu.

Trở lại với câu hỏi ở trên, tại sao các nhóm này lại ủng hộ các giải pháp can thiệp để hạn chế Trái đất bị hâm nóng, trong lúc chính họ phủ nhận đây là một thực tế ? Theo nhiều nhà quan sát, không khó để nhận ra là giới vận động cho các công nghệ can thiệp vào khí quyển, khi đề xuất các biện pháp này, đã tránh cho các tập đoàn công nghiệp gây khí thải phải đối mặt với trách nhiệm của họ, tránh cho việc áp đặt các khoản thuế đánh vào khí thải các-bon, tránh áp lực gia tăng buộc guồng máy kinh tế toàn cầu phải chuyển đổi triệt để, nhân loại phải thay đổi lối sống dựa trên việc tiêu thụ ngày càng nhiều tài nguyên thiên nhiên như hiện nay…

« Hô mây gọi gió »: Vũ khí đáng sợ

Nhất cử lưỡng tiện : các biện pháp công nghệ khí hậu vừa cho phép giới kinh doanh, các nhà tài phiệt tránh đối mặt với các thách thức hạn chế khí thải, lại vừa tạo ra các thị trường béo bở mới. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khí hậu cũng cảnh báo việc áp dụng các công nghệ khí hậu có thể mang lại một số lợi ích trước mắt, như có thể giúp giảm nhiệt độ tại một số khu vực trên Trái đất, nhưng cũng gây các hậu quả kinh hoàng: việc giảm nhiệt độ hay tạo mưa tại nơi này có thể dẫn đến khô hạn tại các vùng khác, tình trạng sa mạc hóa, cơ chế gió theo mùa cũng có thể bị xáo trộn thậm chí biến mất… Việc ngăn chặn ánh sáng Mặt trời cũng có thể gây những hậu quả không cứu vãn được đối với các hệ sinh thái.

Tham vọng của giới công nghệ khí hậu hiện nay là điều không phải mới. Bộ phim « Những kẻ học nghề phù thủy » trên Arte giới thiệu với công chúng về cội nguồn lịch sử của can thiệp về khí hậu, thời tiết, thoạt tiên được sử dụng như một vũ khí chiến tranh giữa Mỹ và Đức trong Thế chiến Hai, hay giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Vũ khí thời tiết là một vũ khí tuyệt mật từng được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam ( gây mưa lớn kéo dài, nhằm ngăn cản việc di chuyển của đối phương ), trước khi các siêu cường thỏa thuận chấm dứt sử dụng vũ khí khí hậu, vì sợ các hệ quả không lường. Việc dùng công nghệ khí hậu giờ đây để can thiệp nhằm hạn chế tốc độ Trái đất bị hâm nóng bị nhiều nhà khí hậu học xem như là giải pháp liều lĩnh của những kẻ vì ảo tưởng sức mạnh mà đánh cược số phận của nhân loại.

Ác quỷ Frankenstein thời hiện đại

Năm 1816, núi lửa Tambora, Indonesia, thức dậy, khiến cả nhân loại rơi vào đại họa. Cũng chính trong dịp này, ra đời cuốn tiểu thuyết với nhân vật bác sĩ Frankenstein nổi tiếng. Trong bộ phim « Những kẻ học nghề phù thủy », triết gia Úc Clive Hamilton so sánh tham vọng của bác sĩ Frankenstein với những nhà công nghệ khí hậu đương đại :

« Tiểu tựa của tiểu thuyết của Mary Shelley là ‘‘người hùng Prométhée thời hiện đại’’. Các vị biết là bác sĩ Frankenstein muốn tạo ra sự sống. Ông ta đã thâu lượm nhiều phần của cơ thể con người. Nhờ vào kiến thức y học của mình, bác sĩ Frankenstein đã chế ra một thứ tạo vật, mà ông thổi vào đó hơi thở của sự sống. Tuy nhiên, khi con quái vật sống dậy, bác sĩ Frankeinstein nhận ra rằng ông không còn có khả năng kiểm soát được nó.

Nhiều nhà khoa học lo sợ rằng, nếu người ta sử dụng công nghệ khí hậu để hóa giải thách thức khí hậu, nhân loại cũng sẽ đi đến một hậu quả tương tự. Người ta sẽ có thể đi đến chỗ tạo ra một thứ khí hậu quái ác - kinh dị, dựa trên thiên tài công nghệ của nhân loại hiện nay, với mục tiêu làm biến đổi hệ thống khí hậu, chinh phục khí hậu và điều chỉnh khí hậu. Nếu điều này xảy ra, thì đây sẽ là khát vọng điên rồ nhất mà nhân loại biến thành hiện thực ».

Hiệp định khí hậu mà cộng đồng quốc tế đúc kết năm 2015 đã đề ra mục tiêu không để nhiệt độ Trái đất tăng quá 2°C, nếu không, biến đổi khí hậu sẽ gây ra các hệ quả vượt quá khả năng đối phó của con người. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, căn cứ trên các cam kết và hành động cụ thể đang được thực hiện, khả năng giới hạn nhiệt độ ở mức 2°C là điều bất khả thi. Đây là bối cảnh khiến các công nghệ khí hậu trở lại mạnh mẽ. Nhiều nhà quan sát cảnh báo công nghệ khí hậu có thể dẫn đến các xung đột địa chính trị quy mô lớn trong tương lai.

Nguồn tin RFI Tiếng Việt