Dân có thực sự tin vào thành quả kinh tế như tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?

“Tôi thấy vẫn còn là một cơ hội, bởi vì đó là một cơ hội quá lớn. Thế giới có thể nói là dành cho Việt Nam một quan tâm chiến lược rất lớn và chưa từng có. Việt Nam có được một cơ hội đặc biệt may mắn. Tuy nhiên, tôi sợ rằng với chính sách của Đảng Cộng sản như gia tăng đàn áp, xác nhận trung thành với Chủ nghĩa Marx-Lenin, chống tự diễn biến-tự chuyển hóa, đấu đá nội bộ, thay đổi không rõ ràng và không đủ quyết liệt với Trung Quốc…có thể làm cho nhiều công ty nản lòng.

Có thể nói trong thời gian gần đây, có phong trào nhiều công ty rời khỏi Trung Quốc. Các công ty đó không tới Việt Nam mà đến Indonesia. Indonesia có tất cả lợi điểm của Việt Nam: là một nước đã chuyển hóa về dân chủ, không sợ xảy ra những biến động chính trị và những khủng hoảng chính trị lớn và cũng là nước có nguồn nhân công rất rẻ. Cho nên, tôi nghĩ Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra quá sức chủ quan như là ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều lần rằng đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như ngày hôm nay. Sự chủ quan như thế có thể khiến cho Việt Nam bị mất một cơ hội lớn.” - Ông Nguyễn Gia Kiểng

Kinh tế đạt được nhiều thành tích nổi bật

Hình minh hoạ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trước Quốc hội ở Hà Nội hôm 22/10/2018

Truyền thông Nhà nước Việt Nam tường thuật rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, tại phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội, vào sáng ngày 20/10, đã dành ra gần một giờ đồng hồ để trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2021, mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025.

Ông Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh rằng Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2020 và 5 năm 2016-2020 với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Đặc biệt, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt hơn 2,%, cả năm ước đạt 2-3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.

Ông Nguyễn Gia Kiểng, cựu phụ tá Tổng trưởng Kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa và thuộc tổ chức Tập hợp Dân chủ Đa nguyên, từ Pháp quốc nhận định rằng thành quả kinh tế của Việt Nam đạt được trong 5 năm qua nhờ vào yếu tố của bối cảnh thế giới tác động rất lớn, chứ không phải do tự thân chính sách kinh tế của Chính phủ Hà Nội mà đạt được.

Ông Nguyễn Gia Kiểng nhắc lại từ cuối năm 2012, Mỹ đã chuyển trục sang Châu Á-Thái Bình Dương và xu hướng các tập đoàn sản xuất quốc tế dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc thì Việt Nam là một điểm đến được nhắm tới, có thể được xem như là cửa ngỏ của khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần cho kinh tế Việt Nam tăng trưởng.

Về lời tuyên bố của Chính quyền Cộng sản Việt Nam thì có thể cho thấy 2 điều. Thứ nhất, trong khoảng thời gian đó, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng một cách ngoạn mục. Điều thứ hai, như tôi đã nói, thì rõ ràng Việt Nam đã có một cơ hội tốt nhưng lại có một chính quyền tồi
- Ông Nguyễn Gia Kiểng

“Điều mà Chính phủ Hà Nội nói, trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến hết năm 2019, Việt Nam phát triển kinh tế mạnh là đúng. Nhưng kết quả đạt được không phải do quản lý tốt, do chính sách khôn khéo của Chính quyền Cộng sản Việt Nam mà có thể nói trên một khía cạnh nào đó trong thời gian 5 năm qua, Việt Nam liên tục phát triển ở mức độ 7% là thành tích rất kém. Hồi năm 2015, tổ chức Tập hợp Dân chủ Đa nguyên đã đưa ra dự án chính trị ‘Khai sáng Kỷ nguyên thứ 2’. Trong đó, chúng tôi nhận định rằng Việt Nam trong điều kiện lợi thế có thể đạt được tăng trưởng ở mức 15%. Thành ra, về lời tuyên bố của Chính quyền Cộng sản Việt Nam thì có thể cho thấy 2 điều. Thứ nhất, trong khoảng thời gian đó, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng một cách ngoạn mục. Điều thứ hai, như tôi đã nói, thì rõ ràng Việt Nam đã có một cơ hội tốt nhưng lại có một chính quyền tồi.”

Cũng tại phiên họp toàn thể Quốc hội vào sáng ngày 20/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết có 15/22 mục tiêu hoàn thành hoặc có khả năng hoàn thành trong việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, theo Nghị quyết 24 của Quốc hội. Đáng chú ý, các mục tiêu cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo Nghị quyết 24 cơ bản cũng không đạt. Tính đến tháng 6/2020 kế hoạch cổ phần hóa chỉ hoàn thành 28% và còn 28 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn với giá trị lớn. Bên cạnh đó, năng lực tài chính, trình độ công nghệ, hiệu quả kinh doanh và khả năng kết nối với các doanh nghiệp FDI chưa cao.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt mục tiêu đến năm 2025 có 1,5 triệu doanh nghiệp tư nhân đóng góp 55% GDP, nâng cao hơn nữa tính tự chủ của nền kinh tế. Đồng thời, thúc đẩy kết nối giữa khu vực doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI.

Trong cùng ngày 20/10, báo giới quốc nội dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới-World Bank, trong đó nhận định GDP của Việt Nam có thể đạt tăng 2,5-3,0% trong năm 2020, với sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ và sâu rộng hơn trong thời gian tới.

Hồi tháng 9 vừa qua, Hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế S&P Global Ratings công bố một báo cáo với Việt Nam được dự báo là quốc gia thứ nhì có tốc độ phục hồi kinh tế ở Châu Á-Thái Bình Dương, qua mức tăng trưởng GDP vào khoảng 1,9% trong năm 2020 và 11,2% trong năm 2021.

Nhà quan sát tình hình Việt Nam, ông Nguyễn Gia Kiểng nhận định rằng các đánh giá của những tổ chức định chế tài chính thế giới là Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng kinh tế dương trong 1-2 năm tới thì không chính xác.

Ông Nguyễn Gia Kiểng chỉ ra mặc dù Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong việc kiểm soát dịch bệnh COVID-19, tuy nhiên nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này có thể thấy qua các số liệu thống kê liên quan về thương mại, xuất nhập khẩu và du lịch. Ông Nguyễn Gia Kiểng cho rằng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 có mức tăng trưởng âm. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn có được cơ hội cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai gần.

“Tôi thấy vẫn còn là một cơ hội, bởi vì đó là một cơ hội quá lớn. Thế giới có thể nói là dành cho Việt Nam một quan tâm chiến lược rất lớn và chưa từng có. Việt Nam có được một cơ hội đặc biệt may mắn. Tuy nhiên, tôi sợ rằng với chính sách của Đảng Cộng sản như gia tăng đàn áp, xác nhận trung thành với Chủ nghĩa Marx-Lenin, chống tự diễn biến-tự chuyển hóa, đấu đá nội bộ, thay đổi không rõ ràng và không đủ quyết liệt với Trung Quốc…có thể làm cho nhiều công ty nản lòng.

Có thể nói trong thời gian gần đây, có phong trào nhiều công ty rời khỏi Trung Quốc. Các công ty đó không tới Việt Nam mà đến Indonesia. Indonesia có tất cả lợi điểm của Việt Nam: là một nước đã chuyển hóa về dân chủ, không sợ xảy ra những biến động chính trị và những khủng hoảng chính trị lớn và cũng là nước có nguồn nhân công rất rẻ. Cho nên, tôi nghĩ Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã tỏ ra quá sức chủ quan như là ông Nguyễn Phú Trọng đã nói rất nhiều lần rằng đất nước chưa bao giờ có cơ đồ như ngày hôm nay. Sự chủ quan như thế có thể khiến cho Việt Nam bị mất một cơ hội lớn.”

Ảnh mình hoạ. Đường phố Hà Nội giữa dịch COVID-19. Hình chụp ngày 22/4/2020.
Ảnh mình hoạ. Đường phố Hà Nội giữa dịch COVID-19. Hình chụp ngày 22/4/2020. AFP

“Niềm tin của nhân dân không ngừng được nâng cao”?

Trong phiên họp Quốc hội hôm 20/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố rằng, chúng tôi xin được trích nguyên văn:

“Năm 2020 cũng là năm thành công của nước ta với những kết quả, thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước không ngừng được củng cố và nâng cao. Như đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Trong khi đó những thông tin được cập nhật liên tục trên truyền thông Nhà nước Việt Nam, lại cho thấy dân chúng bày tỏ sự phẫn nộ và chỉ trích Nhà nước Việt Nam đã phát triển kinh tế mà bất chấp tác hại môi trường cũng như sự an toàn của người dân, qua các dự án đốn rừng, xây dựng hàng loạt đập thủy điện.

Không những vậy, một số ý kiến của dân chúng chia sẻ trên mạng xã hội rằng họ cảm thấy bất nhẫn trước tình cảnh người dân miền Trung kêu cứu vì lụt và đói trong khi những hội nghị Đảng bộ các cấp vẫn được tiến hành một cách rầm rộ và tiêu tốn không ít tiền ngân sách.

Là người dân, trung thực mà nói thì tôi thấy không có gì phát triển hết, kể cả ngay doanh nghiệp tôi đang làm việc đây. Làm cái gì thì cũng thuế má và chung chi đủ thứ. Nói chung là đủ thứ trở ngại trong mọi mặt. nếu nói về phát triển chung, ví dụ như chuyện xuất khẩu gạo vừa rồi, chỉ có việc xin quota thôi mà cũng làm cho doanh nghiệp bị điêu đứng cho nên phát triển chỗ nào cũng không hiểu luôn.  -Người dân Sài Gòn ẩn danh

Một cư dân ở Sài Gòn, không muốn nêu danh, vào tối ngày 20/10 lên tiếng về cảm nhận của bà qua tuyên bố của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam rằng niềm tin của người dân không ngừng được củng cố và nâng cao:

“Là người dân, trung thực mà nói thì tôi thấy không có gì phát triển hết, kể cả ngay doanh nghiệp tôi đang làm việc đây. Làm cái gì thì cũng thuế má và chung chi đủ thứ. Nói chung là đủ thứ trở ngại trong mọi mặt. Nếu nói về phát triển chung, ví dụ như chuyện xuất khẩu gạo vừa rồi, chỉ có việc xin quota thôi mà cũng làm cho doanh nghiệp bị điêu đứng cho nên phát triển chỗ nào cũng không hiểu luôn. Thành ra, nếu nói có phát triển và người dân hứng khởi thì có thể theo từng vùng chứ còn toàn thể người dân hào hứng thì không có và không phải.”

Giới chuyên gia kinh tế ở trong nước đồng loạt kêu gọi Chính phủ Hà Nội phải hỗ trợ nhanh chóng và cấp bách cho doanh nghiệp cùng người dân Việt Nam để có thể giúp duy trì các hoạt động kinh tế, sản xuất cũng như công ăn việc làm cho người lao động sau hai đợt dịch COVID-19 bùng phát.

Thế nhưng, một vài vị chuyên gia kinh tế như tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, nói với RFA rằng những lời kêu gọi như vậy vẫn chưa thấy Chính phủ hồi đáp.

 

RFA Tiếng Việt