Bầu cử Mỹ: Tranh luận Trump - Biden lần 1 ''xúc phạm đến tinh thần dân chủ''

Thực tế các cuộc tranh luận sẽ không thay đổi lá phiếu của đại đa số cử tri bao nhiêu cả. Nhưng sau cuộc tranh luận ngày 29/09, càng phơi bày thêm sự chia rẽ trong nội bộ Hoa Kỳ. Với nhiều người có một cái nhìn nghiêm khắc hơn, thì họ càng thất vọng với sự xuống cấp về trình độ thảo luận chính trị tại Hoa Kỳ hiện tại. Chúng tôi đã nhiều lần tố giác sự nguy hại của chế độ tổng thống nhưng vẫn mở một dấu ngoặc đơn ngoại lệ về Hoa Kỳ. Nhưng sau 40 năm theo đuổi chủ nghĩa tân tự do phóng khoáng, thả lỏng các công cụ đầu cơ tài chính, chính trị Mỹ dần xuống cấp. Để rồi khi những vấn đề về chênh lệch giàu nghèo, các vấn đề xã hội mỗi lúc thêm trầm trọng...đã dẫn đến thái độ "ta và địch" của nước Mỹ hiện tại. Có nhiều triển vọng Joe Biden sẽ đắc cử tổng thống Mỹ, trước một sự thất vọng quá lớn về Donald Trump. Nhưng đừng quên rằng Donald Trump - Một tống thống dân túy, không phải là một sự ngẫu nhiên mà là một triệu chứng, một sự căm giận mà hơn 40% cử tri Mỹ ủng hộ như một thái độ phản đối giai cấp establishment - Giới danh phận, đã bỏ rơi họ. Một thái độ phải làm của Joe Biden nhằm hàn gắn nước Mỹ, đó là sự cảm thông và tinh thần liên đới, hòa giải những người Mỹ với nhau. Đây cũng là một bài học cho những ai dấn thân cho dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Trước khi thuộc vào một căn cước nào đó, thì mỗi người đều là người Việt. Nếu quốc gia không còn được quan niệm như một tình cảm, một không gian liên đới, mọi người không cùng chia sẻ với nhau một dự án tương lai chung thì quốc gia sẽ không thể nào mạnh được, ngay cả một siêu cường như Hoa Kỳ.

 

Hai ứng viên tổng thống Donald Trump (P) và Joe Biden liên tục cắt lời và nhục mạ nhau trong cuộc tranh luận ngày 29/09/2020 tại Cleveland, Ohio, Mỹ.
Hai ứng viên tổng thống Donald Trump (P) và Joe Biden liên tục cắt lời và nhục mạ nhau trong cuộc tranh luận ngày 29/09/2020 tại Cleveland, Ohio, Mỹ. AFP/File
Phạm Trần | Trọng Thành

Hơn 4 tuần lễ trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hai ứng cử viên Donald Trump và Joe Biden đã có cuộc đối đầu trực tiếp lần đầu tiên trên truyền thông. Cuộc tranh luận tối thứ Ba 29/09/2020 gây chấn động bởi mức độ thô bạo trong lời lẽ của ứng cử viên. Từ Washington, nhà báo Phạm Trần cho biết các phản ứng tại Mỹ và ảnh hưởng của cuộc tranh luận nói trên đến cuộc tranh cử tổng thống đang diễn ra.

RFI : Xin ông cho biết phản ứng của công luận Mỹ về không khí của cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tranh cử tổng thống Mỹ ? 

Nhà báo Phạm Trần : Cái điều thứ nhất là dư luận Mỹ không hài lòng. Lý do thứ nhất là ứng cử viên Donald Trump nói quá nhiều. Điều thứ hai là ông ấy thường xuyên cắt ngang lời đối thủ, ứng cử viên đảng Dân Chủ, cựu phó tổng thống Joe Biden. Ngược lại, về phía ông Joe Biden, vì bị ông Donald Trump lấn át, sử dụng các ngôn ngữ khiêu khích, chọn giận, ông Joe Biden cũng phản ứng lại. Sử dụng những chữ không được lịch sự, tỉ dụ như gọi tổng thống Donald Trump là một « anh hề ». Ông Donald Trump muốn dùng sức mạnh của mình là một tổng thống đương nhiệm, để chiếm lĩnh hội trường. Ông Donald Trump  cũng lấn át lời của cả điều hiệp viên, là ông Chris Wallace, một nhà báo kỳ cựu của đài Fox News. Đây là một trong những đài có lập trường bênh vực ông Donald Trump, nhưng tối hôm đó, ông Chris Wallace đã giữ vai trò độc lập của một nhà báo và cố gắng kìm hãm những cuộc tranh luận đi ra ngoài đề, nhưng ông ấy cũng thất bại. 

Có nhiều bình luận cho rằng đây là một cuộc tranh luận "trong không khí hỗn loạn", hai ứng cử viên "mạt sát", "sỉ vả nhau không tiếc lời" ? Ông có nghĩ là nhận định này khớp hoàn toàn với cuộc tranh luận đầu tiên này không ? 

Điều đó rất đúng. Bởi vì những gì mà cử tri muốn biết về lập trường của hai bên đối với những câu hỏi của người điều hợp đều không được giải đáp, chẳng hạn như câu hỏi tại sao lại để cho tình trạng nạn dịch Covid-19 lan rộng tại nước Mỹ, cho đến bây giờ vẫn chưa có biện pháp thích nghi, vẫn chưa có thuốc để chích ngừa, mà nước Mỹ bây giờ đã hơn 200.000 người tử vong, và số người bị nhiễm virus mỗi ngày một lên cao. Cuộc tranh luận đó không đưa đến kết quả mà người dân trông đợi là cả hai ứng cử viên đưa ra các giải pháp. Đặc biệt là trách nhiệm cầm quyền của ông Donald Trump về dịch Covid, rồi về các vấn đề an sinh xã hội, về bảo hiểm sức khoẻ của nước Mỹ, vấn đề thất nghiệp, các vấn đề kinh tế… 

Ai chịu trách nhiệm chính về việc để cho cuộc tranh luận diễn ra trong bầu không khí như vậy ? 

Trách nhiệm chính thuộc về Ủy ban tổ chức các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên tổng thống Mỹ (Commission on Presidential Debates – CPD). Chính vì Ủy ban này không đặt ra các tiêu chuẩn rõ rệt. Tỉ dụ như, nếu anh cãi vã nhiều quá, tôi sẽ cúp máy anh. Hai nữa là, người điều hợp viên không có quyền cắt ngang các ứng cử viên, mà chỉ được quyền nhắc nhở. Vì vậy, sau khi xảy ra chuyện hai bên cãi vã, (thì dưới áp lực của công luận) Ủy ban đó đã quyết định đưa ra các biện pháp có kỷ luật đối với hai cuộc tranh luận còn lại. Nếu mình trở lại với các cuộc tranh luận năm 2016, giữa ông Donald Trump và bà Hillary Clinton, thì mặc dù trong tranh luận, có những điều gay gắt, nhưng hai bên đều giữ cái mức tương đối tôn trọng lẫn nhau. Và các điều hợp viên lúc đó không cần phải dùng các biện pháp gay gắt để cắt ngang lời của ứng cử viên. Ngược lại, cuộc tranh luận cách đây vài ngày đã đi quá cái giới hạn có thể chấp nhận được. 

Một số người nhận xét cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ lần này, một mặt cho thấy sức sống của nền dân chủ Mỹ, bởi có các tranh luận trực diện giữa các quan điểm rất đối lập, thế nhưng mặt khác cuộc tranh luận này cũng phơi bày toàn diện những giới hạn của chính nền dân chủ Mỹ ? Ông nghĩ ra sao về nhận định  này? 

Đúng như vậy. Sau khi cuộc tranh luận diễn ra, không có được chững chạc, không có được ôn hòa như thế, thì dư luận Mỹ cho rằng đây là cuộc tranh luận làm cho nước Mỹ xấu hổ. Cuộc tranh luận đó rõ rệt là rất dân chủ, nhưng lại đi đến chỗ chỉ trích cá nhân, không đưa ra được những điều mà cử tri mong muốn. Thành ra, người dân Mỹ cho rằng cuộc tranh luận tối hôm vừa rồi làm cho tinh thần dân chủ bị xúc phạm, bị người nước ngoài coi thường. 

Hơn nữa, trong cuộc tranh luận đó, ông Donald Trump đã đưa ra một tuyên bố gây xúc động đặc biệt đối với các thành phần thiểu số, các cử tri độc lập. Ông ấy đã từ chối, mặc dù đã được điều hợp viên hỏi đi hỏi lại một vài lần, là ông có lên án các thành phần cực đoan, thuộc các nhóm chủ trương Da Trắng Thượng Đẳng, tổ chức những cuộc biểu tình chống người da mầu, nhất là sau vụ người da mầu George Floyd bị cảnh sát đè cổ chết vào tháng 5 vừa rồi.  

Ông Donald Trump đã từ chối không lên án, không chỉ trích thành phần đó, thì đó là cái điều mà cử tri Mỹ cần phải suy nghĩ. Và họ đã bày tỏ thái độ lên án (ứng cử viên Donald Trump) trong các cuộc trưng cầu ý kiến trong 48 giờ vừa qua. Các cuộc thăm dò dư luận của 7 hãng lớn nhất nước Mỹ đều cho thấy là ông Joe Biden đã thắng ông Donald Trump trong cuộc tranh luận đầu tiên. Trên toàn quốc, ông Joe Biden vẫn tiếp tục dẫn đầu, và hiện đang dẫn đầu từ 8 đến 10 điểm. 

Tình hình cụ thể ra sao ở các bang « chiến trường », nơi có thể có vai trò quyết định với kết quả bầu cử chung cuộc ?

Có tổng cộng 7 tiểu bang trong tiếng Mỹ gọi là « battleground ». Đó là các tiểu bang Florida, Pennsylvania, Ohio, Arizona, Wisconsin… Theo các thăm dò của 7 hãng như tôi đề cập ở trên, thì ông Joe Biden vẫn dẫn đầu từ 1 cho đến 4 điểm. Tỉ dụ như ở Florida, ông Joe Biden đang dẫn đầu 2 điểm. Mặc dầu 2 điểm không là bao nhiêu, nhưng đây là lần đầu tiên ông Joe Biden dẫn đầu ở Florida. Ngược lại, tại tiểu bang Arizona vốn là bang nghiêng về phía đảng Cộng Hòa, là quê hương của cố thượng nghị sĩ John McCain, là nơi đảng Cộng Hòa bao giờ cũng dẫn đầu, coi như là sân nhà, nhưng năm nay, bà quả phụ của ông John McCain đã lên tiếng ủng hộ ông Joe Biden. Giờ đây số phiếu ủng hộ Dân Chủ gia tăng, ông Joe Biden hơn ông Donald Trump tới 3 điểm. Đó là điều rất đáng lo ngại cho phía ông Donald Trump. Nói chung là ở các tiểu bang có thể nghiêng phiếu về bất cứ bên nào, cho đến bây giờ ông Joe Biden vẫn dẫn đầu. 

Nhưng chúng tôi cũng muốn lưu ý quý vị, đây mới là cuộc tranh luận đầu tiên, còn hai cuộc tranh luận nữa (vào các ngày 15 và 22/10). Các cử tri chưa quyết định, còn lưỡng lự, các cử tri độc lập, có thể sẽ có quyết định sau hai cuộc tranh luận còn lại. Đặc biệt là những người lớn tuổi, những người già, những người về hưu, những người rất chín chắn, tạm gọi là « đa số thầm lặng », họ kiên trì, họ bình tĩnh. Khi nào họ bỏ phiếu cho ai nhiều thì người đó có cơ hội thắng cử. 

RFI xin cảm ơn nhà báo Phạm Trần.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt