Kênh đào Kra : Sợi dây ‘thòng lọng’ của Trung Quốc ?

 

Hãy quên đi cuộc Chiến tranh Lạnh mới xuyên Thái Bình Dương giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Có một cuộc chiến "nóng" hơn nhiều đã xảy ra giữa Ấn Độ và Trung Quốc khiến ít nhất 20 người thiệt mạng tại vùng biên giới tranh chấp giữa hai nước trên dãy Himalaya. Trên biển, Trung Quốc đang cố gắng bao vây Ấn Độ bằng một loạt các liên minh và căn cứ hải quân được biết đến với tên gọi "Chuỗi ngọc trai". Điểm yếu lớn nhất của Trung Quốc trong chiến lược thống trị Ấn Độ Dương và cả Ấn Độ chính là eo biển Malacca, một đường biển hẹp ngăn cách Singapore và Sumatra nơi rất nhiều tuyến giao thông hàng hải phải đi qua.

950497784

Tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu khác của Trung Quốc ra khơi trong một cuộc tập trận hải quân ở Biển Hoa Đông vào tháng 4 năm 2018 - AFP - Ảnh minh họa

Eo biển này vừa là con đường huyết mạch cho thương mại biển của Trung Quốc vừa chính là con đường cho hải quân nước này tiến đến khu vực Nam Á và những vùng xa hơn về phía tây. Trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ có thái độ thù địch lẫn nhau cũng như những tham vọng chiến lược của Trung Quốc tại Châu Phi, Trung Đông, Địa Trung Hải và nhiều vùng khác, điều quan trọng là Trung Quốc phải tránh được sự lệ thuộc vào một nút cổ chai nằm giữa các cường quốc thù địch tiềm tàng.

Điều đó đã thúc đẩy dự án tham vọng nhất trong tất cả các dự án cơ sở hạ tầng khu vực nằm trong sáng kiến đang gây nhiều tranh cãi của Bắc Kinh- Vành đai và Con đường : Xây dựng một con kênh dài qua eo đất Kra ở miền nam Thái Lan, điểm hẹp nhất trên bán đảo Mã Lai, từ đó mở ra một tuyến đường biển thứ hai từ Trung Quốc đến Ấn Độ Dương. Con kênh này cho phép hải quân Trung Quốc có thể nhanh chóng triển khai tàu chiến giữa các căn cứ mới được xây dựng ở Biển Đông và Ấn Độ Dương mà không cần chuyển hướng hơn 700 dặm (1126.5 km) về phía nam đi ngang qua cực nam của bán đảo Mã Lai. Chính vì vậy, kênh đào ở Thái Lan trở thành một tài sản chiến lược quan trọng đối với Trung Quốc và là một sợi dây thòng lọng tiềm tàng bao quanh cái cổ hẹp phía nam của Thái Lan. Nếu Thái Lan cho phép Trung Quốc đầu tư tới 30 tỷ USD để đào kênh, nước này sẽ bị ràng buộc mãi mãi.

Chủ đề về con kênh vốn đã gây tranh cãi từ lâu dường như hiện đang nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong giới tinh hoa chính trị Thái Lan. Một ủy ban của quốc hội nước này sẽ đưa ra khuyến nghị về dự án trong tháng này. Ngay cả một tờ báo có truyền thống phản biện như Bangkok Post cũng có bài xã luận ủng hộ dự án kênh đào. Các hoạt động gây ảnh hưởng tại Thái Lan của Trung Quốc có lẽ đã phần nào chi phối dư luận nước này. Và bất chấp mối quan hệ đồng minh trên danh nghĩa với Hoa Kỳ, Thái Lan đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc kể từ khi Hoa Kỳ từ chối công nhận sự tiếp quản chính phủ của quân đội Thái vào năm 2014.

Một con kênh đào được xây dựng ở Thái Lan sẽ vừa khít với kế hoạch bao vây Ấn Độ của Bắc Kinh. Hải quân Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh hoạt động về phía tây ở Vịnh Bengal và Ấn Độ Dương, lập căn cứ hậu cần Đông Phi ở Djibouti và tiến hành các cuộc tập trận chung trong khu vực với hải quân Myanmar, Bangladesh, Pakistan, Iran và thậm chí cả Nga. Hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng cảng biển trong khu vực do Trung Quốc tài trợ càng làm tăng thêm ấn tượng về sự bao vây của nước này đối với Ấn Độ. Ấn Độ đã phản ứng bằng cách chuẩn bị sẵn sàng cho các cuộc đối đầu trên biển có thể có trong tương lai với Trung Quốc. Vào tháng 8, tờ Hindustan Times đưa tin rằng Ấn Độ đang lên kế hoạch nâng cấp đáng kể các căn cứ không quân và hải quân của mình ở quần đảo Andaman và Nicobar, cụ thể là để chống lại Trung Quốc. Là một lãnh thổ liên bang của Ấn Độ với dân số dưới nửa triệu người, quần đảo chiến lược này nằm cạnh các tuyến đường biển dẫn từ eo biển Malacca vào Ấn Độ Dương. Nó cả khả năng cô lập kênh đào đang được đề xuất ở Thái Lan.

Eo biển Malacca đã là một hành lang quan trọng của thương mại toàn cầu trong nhiều thế kỷ, nếu không muốn nói là hàng thiên niên kỷ. Nhà thám hiểm người Ý Marco Polo đã đi thuyền qua eo biển này vào năm 1292 để về nước sauchuyến thăm triều đình nhà Nguyên của Hốt Tất Liệt. Vào đầu những năm 1400, đô đốc Trịnh Hòa của nhà Minh ở Trung Quốc cũng đi qua eo biển này trong các chuyến hành trình đến Ấn Độ, Châu Phi và Trung Đông. Ngày nay, hơn 80.000 tàu đi qua eo biển mỗi năm, đây là tuyến đường quan trọng để vận chuyển dầu mỏ đến khu vực Đông Á cũng như hàng hóa sản xuất ở khu vực này đến các vùng khác. Sự thịnh vượng của Singapore hiện nay được xây dựng dựatrên vị trí chiến lược của nước này ở cực đông nam của eo biển.

Hiệp hội Kênh đào Thái Lan, có liên hệ chặt chẽ với phía quân đội đầy quyền lực chính trị, lập luận rằng Thái Lan có thể chuyển hướng một phần sự thịnh vượng đó sang cho mình, xây dựng các khu công nghiệp và trung tâm hậu cần ở cả hai đầu của con kênh mà trong tương lai có thể trở thành một trong những tuyến đường trung chuyển huyết mạch của Châu Á. Lập luận đó có cái lý của nó. Tuy các chuyên gia trong ngành ước tính rằng kênh đào sẽ không có hiệu quả về mặt kinh tế với giá vận chuyển và chi phí nhiên liệu như hiện nay nhưng tuyến đường hiện tại qua eo biển Malacca gần như đã đạt đến giới hạn an toàn về khối lượng vận chuyển. Các lựa chọn thay thế hiện tại cho Malacca, như eo biển Sunda của Indonesia, sẽ khiến hàng hóa trên tuyến đông-tây phải đi vòng xa hơn nữa.

Đề xuất kênh đào hiện tại của Thái Lan, được gọi là tuyến đường 9A, sẽ bao gồm hai kênh song song-mỗi kênh sâu 30 m, rộng 180 m và chạy dài 75 dặm (120 km) ngang mực nước biển từ Songkhla trên Vịnh Thái Lan đến Krabi trên Biển Andaman.

Tuy nhiên, khi chấp thuận đề xuất xây dựng kênh đào, Thái Lan có nguy cơ bị chia đôi. Hiện Thái Lan đang phải đối mặt với phong trào li khai mạnh mẽ ở ba tỉnh cực nam, nơi có đa số là người gốc Mã Lai theo đạo Hồi. Con kênh có thể trở thành biên giới biểu tượng giữa "đại lục" Thái Lan ở phía bắc và phong trào ly khai ở phía nam. Nó sẽ không cản trở chiến dịch chống nổi loạn của quân đội Thái Lan, nhưng sẽ tạo ra sự chia cắt có thể kéo dài hàng thế kỷ. Một khi các con kênh đã được đào, sẽ không thể lấp lại như cũ được và nếu Thái Lan bị vỡ làm đôi, con kênh có thể là điểm khởi đầu của sự rạn nứt.

Người Thái có thể nhớ lại rằng Colombia từng có một eo đất phía tây bắc gọi là Panama. Khi những người ly khai Panama nổi dậy vào năm 1903, Hải quân Hoa Kỳ đã vào cuộc để đảm bảo nền độc lập của đất nước Panama vừa mới ra đời. Ủy ban Kênh đào của Hoa Kỳ chuyển đến một năm sau đó và kênh đào Panama chính thức mở cửa hoạt động vào năm 1914. Panama đã trở thành một quốc gia chịu sự bảo hộ trên thực tế của Hoa Kỳ kể từ đó. Kênh đào Suez, mở cửa vào năm 1869, là tâm điểm của sự can thiệp quân sự của Anh và Pháp vào cuối năm 1956. Đến tận năm 1975, vấn đề địa chính trị của kênh đào Suez vẫn gây tranh cãi gay gắt và thậm chí ngày nay Ai Cập vẫn đang phải đối mặt với cuộc nổi dậy của các chiến binh Hồi giáo tại bán đảo Sinai ở phía bên kia con kênh.

Ngày nay, sự toàn vẹn lãnh thổ của Thái Lan tương đối an toàn. Nhưng một dự án kênh đào thành công ở Thái Lan sẽ định hình lại địa chính trị của khu vực Đông Nam Á. Nó sẽ đưa Trung Quốc trở thành một đối tác an ninh lâu dài không dễ gì gạt bỏ-hãy nhìn trường hợp của Panama. Cùng với đó là kế hoạch đầu tư vào các cảng tại Sihanoukville ở Campuchia và Kyaukpyu ở Myanmar, Trung Quốc sẽ coi kênh đào ở Thái Lan như một tuyến đường biển chiến lược nối "chuỗi ngọc trai" của họ. Thử đặt tường hợp nếu một chính phủ lên cầm quyền ở Bangkok có thái độ thù địch với Bắc Kinh, đe dọa cắt đứt "chuỗi ngọc trai", có thể dự đoán được rằng Trung Quốc sẽ hậu thuẫn cho phong trào độc lập ở miền nam Thái Lan và giành quyền kiểm soát kênh đào với lời biện minh là để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc-một bài học từ vụ kênh đào Panama.

Có lẽ cảnh giác trước những mối nguy của con kênh, Bộ trưởng Giao thông Thái Lan Saksayam Chidchob gần đây cho biết ông thích xây dựng các tuyến đường sắt và đường cao tốc qua eo đất này thay vì một con kênh. Chidchob cho biết chính phủ đã dành ngân sách để nghiên cứu việc xây dựng hai cảng biển mới ở mỗi bên của eo đất đồng thời xây dựng một tuyến đường đóng vai trò "cầu nối trên bộ" để trung chuyển hàng hóa giữa hai cảng.

Một con kênh ở Thái Lan sẽ ít đe dọa đến Hoa Kỳ, các nước đồng minh và cả Ấn Độ. Ấn Độ có thể chống lại chủ nghĩa bành trướng của Trung Quốc một cách hiệu quả (dù tốn kém) bằng cách nâng cấp các căn cứ tiền phương trong nước ở quần đảo Andaman và Nicobar. Mối quan ngại thực sự là nó sẽ làm suy yếu thêm sự độc lập của các nước nghèo ở Đông Nam Á như Myanmar và Campuchia, những quốc gia có xã hội dân sự tương đối yếu, rất dễ bị Trung Quốc can thiệp. Con kênh hoàn toàn là một mối nguy đối với Thái Lan. Eo biển Malacca mang lại lợi ích cho Singapore chỉ vì Singapore có một nền kinh tế mở, tương đối không bị ảnh hưởng bởi nước ngoài. Thái Lan nên suy ngẫm về bài học đó trước khi chấp nhận sự ràng buộc từ Trung Quốc.

Salvatore Babones

Nguyên tác : "The Next Front in the India-China Conflict Could Be a Thai Canal", Foreign Policy, 01/09/2020.

Nguyễn Thanh Hải biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 07/09/2020

Salvatore Babones là phó giáo sư tại Đại học Sydney.