John Lewis, tặng phẩm và người vạch đường cho chúng ta

Lời người dịch : Là một trong những nhân vật cuối cùng còn sót lại của nhóm Big Six, sáu lãnh tụ chính yếu của phong trào dân quyền Hoa Kỳ vào thập niên 60, Dân biểu John Lewis đã qua đời vào ngày 17/07/2020 vừa qua, hưởng thọ 80 tuổi.
big1
Nhóm Big Six (từ trái qua phải) : John Lewis, Whitney Young, A. Philip Randolph, Dr. Martin Luther King Jr., James Farmer và Roy Wilkins (Ảnh minh họa)
Tốt nghiệp Thần học và trở thành Mục sư, Dân biểu John Lewis đã sát cánh cùng Mục sư Luther King Jr. để trở thành một biểu tượng của phong trào dân quyền và nhân quyền Hoa Kỳ, cũng như là một dân biểu Quốc hội có tầm ảnh hưởng lớn lao trong suốt hơn 30 năm qua. Tang lễ của ông được tổ chức trang trọng với sự tham dự và phát biểu của các tổng thống tiền nhiệm như Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama.
Chúng tôi xin lược dịch bài điếu văn của cựu Tổng thống Obama đọc trong tang lễ của ông vừa được tổ chức tại thành phố Atlanta, Georgia hồi cuối tuần qua.
Nhã Duy
-----------------------
Thánh Gia-cô-bê viết cho các tín hữu rằng, "Thưa các anh chị em, hãy xem như chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Bởi như anh chị em đã biết, sự thử thách trong đức tin mới sản sinh lòng kiên trì. Hãy để lòng kiên trì hoàn tất sứ mạng mà các anh chị em được trở nên khôn ngoan, toàn hảo và không thiếu sót điều chi".
1227843453
Cựu Tổng thống Barack Obama đọc điếu văn trước linh cữu Dân biểu John Lewis tại Nhà thờ Baptist Ebenezer ở Atlanta. Lewis, một biểu tượng dân quyền và người ủng hộ quyết liệt quyền bầu cử cho người Mỹ gốc Châu Phi, đã qua đời vào ngày 17 tháng 7, thọ 80 tuổi. Alyssa Pointer / Pool / Getty images
Quả là niềm vinh dự khi tôi được trở lại thánh đường Baptist Ebenezer, đứng trên bục giảng của vị mục sư vĩ đại nhất nơi này là Tiến sĩ Martin Luther King, Jr., để bày tỏ lòng kính mến của tôi với một người có lẽ là môn đệ tài ba nhất của ông. Một người Mỹ có đức tin luôn được thử thách để tạo nên một con người chan chứa niềm vui và lòng kiên trì không gì phá vỡ được. Đó là John Robert Lewis.
Tôi đến đây hôm nay bởi vì tôi cũng như những người Mỹ khác, đã mang gánh nợ lớn với John Lewis cùng tầm nhìn đầy hấp lực về tự do của ông.
Quốc gia này luôn trong tiến trình vận hành liên tục. Chúng ta được sinh ra với các ủy nhiệm là để tiếp tục quá trình hoàn thiện quốc gia. Chúng mang ý tưởng rõ ràng rằng, chúng ta chưa toàn hảo, rằng những gì trao lại cho mỗi thế hệ mới mang mục đích là nhận lãnh công việc dang dở từ thế hệ trước và đưa nó đi xa hơn điều người ta có thể nghĩ tới.
John Lewis là người đầu tiên của nhóm các Hành Khách Tự Do (1), là người đứng đầu Ủy ban Điều hợp phong trào sinh viên bất bạo động, là diễn giả trẻ nhất tại cuộc tuần hành March on Washington, là lãnh đạo cuộc tuần hành từ Selma đến Montgomery. Là Dân biểu quốc hội đại diện cho người dân tiểu bang và quận hạt này trong 33 năm. Là người hướng dẫn giới trẻ, có cả tôi vào thời điểm đó cho đến những ngày cuối cùng của ông trên trái đất này. Ông không chỉ nhận lãnh trách nhiệm mà còn biến nó thành một sự phụng vụ trọn đời.
John sinh ra trong gia cảnh khiêm nhường, nghĩa là nghèo khổ với cha mẹ đi hái thuê bông vải tại ngay lòng của vùng đất kỳ thị chủng tộc Jim Crow miền Nam. Mẹ của ông, bà Willie Mae Lewis, đã nuôi dưỡng sự hiếu kỳ ở đứa con nhút nhát, nghiêm túc của mình rằng, "Một khi con học được điều gì đó, khi con tiếp nhận được thứ gì đó vào đầu thì chẳng ai có thể lấy nó ra được".
Lúc còn bé, John từng có lần nghe bạn của cha ông phàn trách về Klan (KKK). Ở tuổi thiếu niên, ông nghe được lời tiến sĩ King giảng trên đài phát thanh. Khi là sinh viên đại học tại Tennessee, ông ghi tên tham gia các hội thảo của Jim Lawson về chiến thuật bất tuân dân sự bất bạo động. John Lewis dần nhận thức một điều gì đó trong đầu, một ý tưởng không lay chuyển được. Đó là sự phản kháng bất bạo động và bất tuân dân sự là phương tiện để thay đổi luật lệ, đồng thời cũng thay đổi cả những con tim, suy nghĩ và thay đổi quốc gia, thay đổi cả thế giới.
Ông giúp tổ chức phong trào tọa kháng Nashville năm 1960. Ông cùng những sinh viên nam nữ da đen trẻ khác ăn vận chỉnh tề, ngồi thẳng lưng tại quầy ăn trưa bị tách biệt, cự tuyệt rời quầy để cho cốc sữa đổ lên đầu, hoặc điếu thuốc dụi vào lưng, hoặc một bàn chân đá vào hông mình, cự tuyệt những điều làm mất phẩm giá và ý thức của họ có mục đích. Sau một vài tháng, chiến dịch Nashville đã đạt được thành công đầu tiên trong việc xóa bỏ nạn phân biệt đối xử ở nơi công cộng tại bất kỳ thành phố lớn miền Nam nào.
John nếm mùi tù tội lần thứ nhất, lần thứ nhì, thứ ba. Khá nhiều lần. Nhưng ông cũng đã nhận được hương vị của chiến thắng. Nó làm ông tiều tụy cho mục tiêu chính nghĩa. Và đưa ông vào cuộc tranh đấu mạnh mẽ hơn tại miền Nam.
Trong năm 1960 đó, chỉ vài tuần sau khi Tối Cao Pháp Viện phán quyết rằng việc phân định chỗ ngồi trên các xe bus liên bang là vi hiến, John và Bernard Lafayette (2) đã mua hai vé xe bus Greyhound, ngồi hàng trước và từ chối dời chỗ. Chỉ vài tháng trước phong trào Freedom Riders chính thức khởi đầu. Ông làm một phép thử.
Chuyến đi không được công bố. Ít ai biết họ định làm gì. Và tại mỗi điểm dừng trong đêm, người tài xế hung dữ lao ra khỏi xe buýt, John cùng Bernard chẳng biết hắn ta có thể quay lại với điều gì hay với ai. Không ai ở đó để bảo vệ họ. Không có nhóm quay phim nào để ghi lại sự việc. Đôi khi chúng ta đọc về điều này và xem đó như điều bình thường, hiển nhiên. 
Nhưng hãy tưởng tượng sự can đảm của hai thanh niên bằng tuổi Malia, trẻ hơn cả con gái đầu lòng của tôi, đã tự mình thách thức toàn bộ nền tảng áp chế ra sao.
John chỉ mới hai mươi tuổi lúc bấy giờ. Nhưng ông dốc tất cả hai mươi năm đó ra giữa bàn, đánh cược tất cả mọi điều để làm tấm gương về sự thách thức với quy ước hàng thế kỷ, với nhiều thế hệ bạo lực tàn nhẫn cùng vô số nỗi sỉ nhục hàng ngày mà người Mỹ gốc Phi gánh chịu.
John phát biểu trước một phần tư triệu người tại cuộc tuần hành March on Washington lúc 23 tuổi. Ông giúp tổ chức Mùa Hè Tự Do tại Mississippi lúc 24 tuổi. Ở tuổi 25 chín mùi, John lãnh đạo đoàn tuần hành từ Selma đến Montgomery, dù được cảnh báo rằng Thống đốc Wallace đã ra lệnh cho binh lính sử dụng vũ lực. Bạn có xem những tấm ảnh đó thì John trông rất trẻ và nhỏ bé nhưng đầy quả quyết. Chúa đã đặt lòng kiên trì vào trong ông.
Các bạn đã biết chuyện gì xảy ra ngày hôm đó. Xương của họ bị nứt bởi gậy chày giáng xuống, mắt phổi họ nghẹn lại với hơi cay. John bị đánh vào đầu, ngỡ rằng mình sẽ chết. Quanh anh là cảnh tượng những người Mỹ trẻ ôm miệng, máu chảy, bị chà đạp. Họ là những nạn nhân của sự bạo lực được chính phủ ủng hộ ngay trên chính đất nước của mình.
Điều tôi tưởng tượng thoạt đầu vào ngày hôm đó là những người lính nghĩ rằng họ đã chiến thắng trận chiến. Tưởng tượng họ đã nói rằng "chúng tôi đã chỉ cho chúng bài học". Rằng họ đã giữ gìn, bảo vệ được một hệ thống từ chối nhân tính căn bản của đồng bào mình. Ngoại trừ việc lần này, có máy ảnh ở đó. Lần này, thế giới đã chứng kiến ​​nhng gì đã xy ra, làm chng nhân cho nhng người M da đen, nhng người không đòi hi gì hơn là được đối x như nhng người M khác. Những người chẳng yêu cầu được đối xử đặc biệt gì khác ngoài sự đối xử bình đẳng đã được hứa với họ vào một thế kỷ trước và gần một thế kỷ trước nữa.
Lời của họ đã đến được Bạch Ốc, đến tai Lyndon Johnson - người con của miền Nam. Ông bảo "Chúng ta sẽ vượt qua" và rồi Đạo luật về Quyền bỏ phiếu (Voting Rights Act) đã được ký thành sắc lịnh.
Cách nào thì cuộc đời của John Lewis cũng là phi thường. Nó minh chứng cho niềm tin trong ý tưởng rằng, cách nào đó thì bất kỳ ai trong chúng ta, những người bình thường không có địa vị, sự giàu có, danh hiệu hay danh tiếng nào cũng có thể vạch ra sự thiếu toàn hảo của đất nước. Cũng có thể cùng đến với nhau và thách thức hiện trạng, xem đó là quyền lực của chúng ta để xây dựng đất nước mà chúng ta yêu quý, cho đến khi nó phù hợp hơn với sự toàn hảo cao nhất.
Quả là một lý tưởng cấp tiến. Quả là một quan niệm cách mạng.
John Lewis Street Name
Cố Dân biểu quốc hội John Lewis
Nước Mỹ được xây dựng bởi những người như John Lewis. Ông cũng như bất kỳ ai khác trong chiều dài lịch sử đã đưa đất nước này đến gần hơn sự toàn thiện cao nhất. Và một ngày nào đó, khi mà chúng ta kết thúc cuộc hành trình dài hướng tới tự do, cho dù có là hàng năm hay nhiều thập niên, thậm chí nếu phải mất một hai thế kỷ nữa, cho đến khi chúng ta đạt được sự hoàn thiện quốc gia thì John Lewis sẽ là một nhà lập quốc của một nước Mỹ trọn vẹn, công bằng và tốt đẹp hơn.
Điều đặc biệt hơn về John là, ông chưa từng tin rằng những gì ông đóng góp là nhiều hơn bất kỳ công dân nào của đất nước này có thể làm. Ông hiền lành và khiêm cung. Dù với câu chuyện và sự nghiệp đáng trọng như vậy, ông đối xử với mọi người bằng sự tử tế và tôn trọng bởi vì với ông, đó là điều bẩm sinh. Bất cứ ai trong chúng ta cũng có thể làm những gì ông đã làm nếu chúng ta sẵn lòng thực hiện.
Ông tin rằng trong tất cả chúng ta đều hiện hữu trong mình lòng can đảm mạnh mẽ, đều khát khao làm những điều đúng, đều sẵn lòng yêu thương tất cả mọi người và mở rộng cho họ cái quyền được Thiên Chúa trao ban về nhân phẩm và sự tôn trọng.
Nhưng nhiều người trong chúng ta đánh mất hay loại bỏ ý nghĩa đó. Trên thực tế, chúng ta bắt đầu cảm thấy như rằng chúng ta không đủ khả năng để mở rộng sự tử tế hoặc nhã nhặn đến người khác. Rằng chúng ta đứng trên người khác và xem thường họ, những điều thường được cổ vũ trong văn hóa chúng ta.
Sự thử thách đức tin của John đã tạo ra sự bền chí. Ông biết rằng cuộc tuần hành vẫn chưa kết thúc, cuộc đua chưa chiến thắng. Chúng ta vẫn chưa đến cái đích phúc lành mà ở đó, mỗi chúng ta được xét đoán qua những giá trị đạo đức cốt lõi. Ông biết từ ngay chính cuộc sống của mình rằng, quá trình này rất mong manh. Chúng ta phải cẩn trọng trước những dòng chảy đen tối trong lịch sử. Trong lịch sử của chính chúng ta với những vòng xoáy bạo lực và hận thù cùng nỗi tuyệt vọng vẫn luôn có thể trỗi dậy.
Hôm nay chúng ta tận mắt chứng kiến các cảnh sát đè cổ người Mỹ da đen. Chúng ta chứng kiến việc ​​chính ph liên bang cho nhân viên s dng hơi cay và dùi cui tn công nhng người biu tình ôn hòa. Có nhng k nm quyn đang c hết sc để ngăn chn mi người b phiếu bằng cách đóng cửa các địa điểm bỏ phiếu, nhắm mục tiêu vào các nhóm thiểu số và sinh viên với luật ID nghiêm ngặt và tấn công vào quyền bầu cử của chúng ta.
Tôi biết đây là lúc để tôn vinh cuộc đời John. Một số người có thể nói chúng ta đừng nên tập trung vào những điều như vậy. Nhưng đó là lý do tại sao tôi nói về chúng bởi John Lewis đã dành cả cuộc đời mình để chống lại các cuộc tấn công vào nền dân chủ cùng những gì tốt đẹp ở Mỹ mà chúng ta thấy đang xảy ra hiện nay.
John biết rằng mỗi chúng ta đều có quyền năng được Chúa trao ban. Rằng số phận của nền dân chủ này phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng nó ra sao. Nền dân chủ không phải tự động. Nó phải được dưỡng nuôi, phải được chăm sóc và chúng ta phải làm việc cật lực cho nó. Ông nói rằng hễ còn hơi thở, ông sẽ làm mọi điều có thể để bảo vệ nền dân chủ này. Chừng nào chúng ta còn hít thở, chúng ta phải tiếp tục sự nghiệp của ông.
Nếu chúng ta muốn con cái mình được lớn lên trong một nền dân chủ, không chỉ riêng với những cuộc bầu cử, mà là một nền dân chủ thực sự, một nền dân chủ quyền đại diện trong một nước Mỹ nhân ái, khoan dung, rung cảm và bao hàm toàn diện trong sự tự tạo vĩnh viễn thì chúng ta sẽ phải giống John hơn. Chúng ta không cần làm tất cả những việc ông đã làm cho chúng ta nhưng chúng ta phải làm một điều gì đó.
Như lời Chúa đã dạy Phao-lồ : "Đừng sợ chi, song hãy nói chứ đừng thinh lặng. Bởi ta ở cùng ngươi và sẽ chẳng ai tấn công để hại ngươi, vì ta có nhiều người trong thành này". Chỉ cần mọi người bước ra và đi bầu. Chúng ta đã có tất cả những người trong thành nhưng chúng ta không thể làm gì.
Tựa như John, chúng ta phải tiếp tục dự phần những rắc rối chính đáng. Ông biết những cuộc biểu tình bất bạo động là yêu nước, là cách nâng cao nhận thức cộng đồng, soi rọi sự bất công và làm cho các kẻ chuyên quyền lo lắng.
Tựa như John, chúng ta không phải lựa chọn giữa phản kháng và chính trị. Nó không phải là chuyện chọn một trong hai mà là cả hai. Chúng ta phải tham dự vào các cuộc phản kháng không chỉ hiệu quả mà còn biến khát vọng và mục đích của chúng ta thành quán lệ luật pháp và chính quyền.
Tựa như John, chúng ta phải tranh đấu mạnh mẽ hơn nữa cho công cụ quyền năng nhất mà chúng ta có được. Đó là quyền bỏ phiếu. Đạo Luật Về Quyền Bỏ Phiếu là một trong những thành tựu nổi bật của nền dân chủ của chúng ta. Đó là lý do tại sao John bước qua chiếc cầu và tại sao ông đã đổ máu. Và nhân tiện cũng thêm rằng, đó là kết quả những nỗ lực của cả Dân Chủ và Cộng Hòa. Tổng thống Bush và cha ông (Tổng thống Bush cha) đã tái triển hạn đạo luật khi họ còn nhiệm sở. Tổng thống Clinton đã ra sắc luật giúp mọi người dễ dàng ghi danh bỏ phiếu hơn.
Tuy nhiên, ngay cả khi mọi luật lệ gây khó khăn cho cử tri bị gạch bỏ hôm nay, chúng ta cũng phải thành thật với nhau rằng, có quá nhiều người trong chúng ta đã không thực hiện quyền công dân của mình. Quá nhiều công dân chúng ta tin rằng lá phiếu của họ sẽ không tạo ra sự khác biệt. Họ hoang mang, nản lòng, thôi tin vào sức mạnh của chính mình. Mà đó là chiến lược trọng yếu của việc đàn áp cử tri.
Vì vậy, chúng ta phải nhớ những gì John đã nói : "Nếu bạn không làm mọi điều có thể làm được để thay đổi, thì chúng sẽ vẫn như cũ. Bạn chỉ bước qua con đường một lần. Bạn phải dồn hết thẩy những gì bạn có".Không phải chỉ một vài cuộc bầu cử là cấp bách, mà ở nhiều cấp độ trong cuộc bầu cử lần này. Chúng ta không thể xem bỏ phiếu như chuyện vặt vãnh nếu có thời gian. Chúng ta phải xem đó là hành động quan trọng nhất mà chúng ta có thể làm nhân danh nền dân chủ. Như John, chúng ta phải dồn hết tất cả những gì chúng ta có.
Tôi hãnh diện có John Lewis là một người bạn của tôi. Tôi gặp ông khi tôi còn học trường Luật. Ông đến diễn thuyết và tôi đến gặp ông để nói rằng, "John, ông là một trong những người hùng của tôi". Lần tiếp tôi gặp ông khi tôi đắc cử vào Thượng viện Hoa Kỳ. Và tôi nói với ông, "John, tôi có nơi đây là vì ông". Ngày lễ nhậm chức năm 2009, ông là một trong những người đầu tiên tôi chào đón và ôm trên khán đài. Tôi nói với ông rằng, "Đây cũng là ngày của ông".
John là một người tốt, ân cần và nhẹ nhàng. Ông tin vào chúng ta, ngay cả khi chúng ta không tin vào chính mình. 
Tôi có nói chuyện riêng với John sau cái chết của George Floyd và ông rất đỗi tự hào khi nhìn thấy một thế hệ mới làlà những nhà hoạt động trẻ đang tranh đấu cho tự do và bình đẳng. Một thế hệ mới mang ý hướng bỏ phiếu và bảo vệ quyền bầu cử. Trong một số trường hợp là một thế hệ tranh cử vào chính quyền.
Tôi nói với ông rằng, John, tất cả những bạn trẻ đó là mọi chủng tộc, mọi tôn giáo, từ mọi nền tảng, giới tính và khuynh hướng tình dục. John, họ là những đứa trẻ của ông. Họ đã học được từ khuôn mẫu của ông, ngay khi họ không luôn biết điều đó. Họ hiểu quốc tịch Mỹ yêu cầu điều gì qua ông, ngay cả khi họ chỉ nghe về sự can đảm của ông qua các cuốn sách lịch sử.
"Bởi hàng ngàn người trẻ tuổi không là ai, vô danh, vô gia cư, đen và trắng... mà đã đưa cả dân tộc chúng ta trở lại những giếng dân chủ vĩ đại được những nhà lập quốc đào sâu trong việc xây dựng Hiến Pháp và Tuyên Ngôn Độc lập". Tiến sĩ King đã nói như vậy vào những năm 60. Và một lần nữa, nó đã trở thành sự thật trong mùa Hè này.
Nhìn ra cửa sổ bên ngoài, chúng ta thấy nó ở các đô thị lớn và thị trấn nông thôn, ở người nam và nữ, ở người trẻ và già, người thường và đồng tính, ở người da đen mong muốn được đối xử bình đẳng và người da trắng không thể chấp nhận tự do của chính mình trong khi chứng kiến ​​s chế ng nhng đồng bào ca mình.
Chúng ta thấy điều đó ở tất cả mọi người đang gắng sức vượt qua sự tự mãn, nỗi sợ hãi, định kiến ​​và lòng thù hn của chính chúng ta. Thấy ở con người đang cố gắng trở thành những phiên bản tốt hơn, chân thực hơn của mình.
Và đó là những gì John Lewis dạy chúng ta.
Rằng lòng can đảm thực sự đến từ đâu. Không phải từ việc tấn công nhau, mà là hướng về nhau. Không bằng cách gieo rắc hận thù và rẽ chia, mà là lan truyền tình yêu và sự thật. Không phải bởi né tránh những trách nhiệm kiến tạo một nước Mỹ và một thế giới tốt đẹp hơn, mà bằng cách nhận lãnh những trách nhiệm đó với niềm vui và lòng kiên trì. Để rồi nhận ra một điều rằng, chúng ta không đơn độc trong cộng đồng yêu quý của chúng ta.
Quả John Lewis là một tặng phẩm được trao ban. Chúng ta rất may mắn đã có ông đồng hành và vạch cho chúng ta con đường.
Barack Obama
Nguyên tác : 'What A Gift John Lewis Was' : Obama Eulogizes His Friend And Hero, Bill Chapell ghi lại, NPR 30/07/2020,
Nhã Duy chuyển dịch
(01/08/2020)
Chú thích :
(1) Freedom Riders, những nhà tranh đấu dân quyền đi xe bus xuyên bang để phản đối việc các tiểu bang không tuân thủ án lịnh của Tối Cao Pháp Viện về việc phân biệt màu da trên xe bus là vi hiến vào năm 1961.
(2) Bernard Lafayette cũng là một lãnh tụ phong trào dân quyền