Tầm nhìn « China 2025 » hay bản chỉ dẫn đánh cắp công nghệ ?

Tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ thông tin qua con đường "tắt".

Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, ngày 24/07/2020. Chính quyền Donald Trump cáo buộc nơi này là một ổ gián điệp,
Tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, Texas, Hoa Kỳ, ngày 24/07/2020. Chính quyền Donald Trump cáo buộc nơi này là một ổ gián điệp, REUTERS - ADREES LATIF
Minh Anh 
 
Leo thang căng thẳng Mỹ - Trung bước sang một nấc mới : « Cuộc chiến lãnh sự ». Hoa Kỳ và Trung Quốc trong tuần qua ra lệnh đóng cửa các tòa lãnh sự lẫn nhau : Một của Trung Quốc tại Houston và một của Mỹ tại Thành Đô. Hoa Kỳ đặc biệt tố cáo Bắc Kinh gia tăng các hoạt động gián điệp, đánh cắp công nghệ nhằm phục vụ cho mục tiêu « Tầm nhìn Made in China 2025 » đầy tham vọng.
Chỉ trong vòng vài ngày từ 21-24/07/2020, nhiều sự kiện dồn dập xảy ra, khiến cho mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn dĩ đã xấu đi nay thêm phần tồi tệ. Ngày 21/07/2020, bộ Tư Pháp Hoa Kỳ thông báo truy tố hai tin tặc người Trung Quốc Xiaoyu Li et Jiazhi Dong. Trong buổi họp báo, trợ lý chưởng lý, ông John.C. Demers nêu rõ :
« Văn phòng biện lý đặc trách Đông Washington và An ninh Quốc gia quyết định truy tố hai tin tặc Trung Quốc làm việc cho bộ An Ninh Trung Quốc, trong đó có sở An ninh tỉnh Quảng Đông (GSSD) trực thuộc bộ An Ninh (MSS), với tội danh tiến hành một chiến dịch càn quét xâm nhập toàn bộ hệ thống máy vi tính. (…)
Chiến dịch này nhắm vào các sở hữu trí tuệ và các thông tin thương mại bảo mật trong các lĩnh vực tư nhân, kể cả các dữ liệu nghiên cứu Covid-19 liên quan đến điều trị, xét nghiệm và vac-xin. Chiến dịch còn nhắm vào các ngành công nghiệp như ngành sản xuất trang thiết bị y tế công nghệ cao, kỹ thuật dân dụng và công nghiệp, phần mềm giáo dục kinh doanh và trò chơi, năng lượng mặt trời, ngành bào chế dược phẩm và quốc phòng ».
Ngoài hai tin tặc trên, FBI còn truy bắt bốn người Trung Quốc khác bị cáo buộc che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc, để có thị thực nhập cảnh cho phép họ theo học hay tiến hành các nghiên cứu các ngành công nghệ mũi nhọn tại Mỹ từ y khoa cho đến trí thông minh nhân tạo.
Vài giờ sau khi ra thông cáo, chính phủ Mỹ gia hạn cho Trung Quốc có 72 giờ để đóng cửa tòa lãnh sự tại Houston. Theo ngoại trưởng Mỹ, Mike Pompeo ngày 23/07, tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston là một « ổ gián điệp », tổ chức các hoạt động « đánh cắp sở hữu trí tuệ ». Chuyên gia địa chính trị, ông Philippe Moreau Desfarges, trên đài RFI cho rằng những kiểu tố cáo này chẳng có gì là mới cả:
« Tại nhiều lãnh sự hay tòa đại sứ, có những người được gọi là tùy viên quân sự, trợ lý tùy viên quân sự, có những chức năng khá đặc biệt. Đương nhiên, theo luật quốc tế, có một sự tách bạch rất rạch ròi giữa chức năng ngoại giao với mọi hình thức dọ thám. Nhưng trên thực tế, hành chức ngoại giao cũng là một dạng gián điệp. Do vậy, chẳng có gì là đáng ngạc nhiên cả. »

Kế hoạch « China 2025 » : Bản đồ chỉ dẫn đánh cắp ?

Điều đáng chú ý là trong buổi họp báo, bộ Tư Pháp Mỹ cáo buộc những gián điệp trên của Trung Quốc tiến hành đánh cắp các dữ liệu của nhiều hãng công nghệ cao không chỉ riêng tại Mỹ mà còn ở nhiều quốc gia có công nghệ tiên tiến khác như Úc, Bỉ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Anh Quốc, Hàn Quốc… Và các hoạt động dọ thám này của Trung Quốc là là nhằm phục vụ cho kế hoạch « China 2025 ».
Ông John C. Demers phát biểu tiếp : « Không ngạc nhiên, những vụ xâm nhập này nhắm vào các ngành công nghiệp được vạch ra trong kế hoạch ʺMade in China 2025ʺ - kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc nhắm đến phát triển những ngành công nghiệp sản xuất công nghệ tiên tiến chiến lược. Dù rằng bản kế hoạch kêu gọi một cách tiếp cận theo hướng cách tân, những trường hợp này cho thấy rõ bản kế hoạch này giống như một bản đồ chỉ dẫn để đánh cắp, hơn là một bản hướng dẫn để đổi mới.
Những hành động xâm nhập trong trường hợp này chủ yếu nhắm vào tám trong số mười ngành công nghệ được xác định trong bản kế hoạch : Công nghệ thông tin thế hệ mới, robot và các loại máy móc công cụ tự động hóa, hàng không và các linh kiện hàng không, các loại tầu hàng hải, vật liệu mới, công nghệ sinh học và kỹ nghệ đường sắt. »
Kế hoạch Made in China 2025 đó nói gì ? Được thủ tướng Lý Khắc Cường công bố hồi tháng 5/2015, bản kế hoạch 10 năm này vạch ra mục tiêu là đến năm 2025, 80% các sản phẩm công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao như ông John C. Demers đề cập ở trên phải được sản xuất ở trong nước. Mục tiêu là phải có được một sản phẩm tương đồng của Trung Quốc.
Trong một số lĩnh vực, mục tiêu này của Trung Quốc hầu như đã đạt được. Chẳng hạn như Mỹ có GAFA (Google, Apple, Facebook, Amazon), thì một cách tương ứng, Trung Quốc có BXTA (Baidu, Xiaomi, Tencent, Alibaba) và nhất là còn có Hoa Vi – tập đoàn viễn thông hàng đầu của Trung Quốc và đang dẫn đầu thế giới công nghệ mạng 5G - hiện là tâm điểm của cuộc đọ sức Mỹ - Trung.
Trong hồ sơ này, Hoa Kỳ gây nhiều áp lực với các nước đồng minh để gạt Hoa Vi ra khỏi các dự án phát triển mạng 5G tương lai, ít nhất vì hai lý do. Thứ nhất là nguy cơ bị dọ thám thông qua các mạng 5G, bởi vì Hoa Kỳ cho rằng Hoa Vi có những mối liên hệ trực tiếp với những lợi ích của Trung Quốc. Thứ hai là rủi ro bị phá hoại, bởi vì mạng 5G sẽ cho phép kiểm soát thông tin từ xa.
Một lĩnh vực khác cũng cho thấy Bắc Kinh dường như đã đạt được mục tiêu là có được một Hyperloop của riêng mình – tức một dạng tầu điện siêu thanh do nhóm nghiên cứu của nhà tỷ phú Mỹ Elon Musk phát triển. Tuy những thông tin về dự án tầu điện từ trường này vẫn chưa rõ ràng, nhưng có một điều chắc chắn là, cũng như bao dự án khác, Bắc Kinh trực tiếp quản lý và không muốn lệ thuộc vào một nước nào để thực hiện.

Tấn công tin tặc : Trung Quốc dồn dập hành động

Chỉ có điều kế hoạch 10 năm này của Trung Quốc đe dọa vị thế cường quốc hàng đầu thế giới của Mỹ và khiến nhiều nước phương Tây lo ngại. Một mặt, Bắc Kinh tìm cách tiếp cận các hiểu biết tại châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và nhiều nơi khác trên thế giới. Nhưng mặt khác, Trung Quốc khóa chặt cánh cổng thị trường của mình.
Đồng thời, để có thể hoàn thành nhanh chóng các mục tiêu đề ra trong kế hoạch « China 2025 », Trung Quốc trong một thập niên qua đã tăng tốc các hoạt động dọ thám, tấn công tin học để đánh cắp công nghệ - kỹ nghệ cao tại nhiều nước phương Tây, theo như điều tra của nhà báo Antoine Izambard, tác giả tập sách « France-Chine, les liaisons dangereuses » (tạm dịch là Pháp – Trung Quốc, những mối liên hệ nguy hiểm). Trên kênh truyền hình quốc tế Pháp France 24, ông giải thích :
« Những gì các cơ quan phản gián cho biết từ năm 2016, trong giai đoạn 2008 – 2014, 2015, chúng ta thấy rõ có một đợt dọ thám tin học, tấn công tin tặc tại Pháp cực kỳ dữ dội. Tình hình này sau đó có giảm bớt đôi chút, bởi vì Trung Quốc đã bị Hoa Kỳ ʺđiểm mặt chỉ tênʺ. Do vậy, Bắc Kinh đã hiện đại hóa đôi chút công cụ dọ thám tin học của họ, nên giờ rất khó quy cho Trung Quốc tiến hành tấn công tin học tại Pháp. Nhưng theo những gì phần đông những người phải đối phó với tình trạng này nói với tôi, chính một nước lớn mới tấn công các doanh nghiệp của chúng ta nhiều nhất tại Pháp ».
Vẫn trên kênh France 24, nhà báo Antoine Izambard nhận định tiếp Bắc Kinh đã « hiện đại hóa » các thủ thuật tin tặc như thế nào để dễ bề đánh cắp các dữ liệu :
« Chính vào lúc các cuộc tấn công tin tặc dễ bị các cơ quan tình báo Pháp phát hiện, Trung Quốc sẽ trở nên ʺxảo quyệtʺ hơn một chút, mà vụ Airbus là một ví dụ. Một nhà thầu phụ, một hãng cung cấp trang thiết bị,… bị nhắm đến, để rồi mục tiêu là thâm nhập được vào Airbus để có được các tài liệu chứng nhận sẽ cho phép chứng thực chiếc C-919 sẽ là chiếc máy bay hai động cơ thân hẹp đường trung đầu tiên trên thế giới ».

Du học sinh : Đội ngũ gián điệp đông đúc và hiệu quả ?

Bên cạnh các hoạt động tin tặc, các cơ quan phản gián phương Tây còn báo động mối họa gián điệp sinh viên Trung Quốc. Ngày 02/07/2020, cơ quan an ninh nội địa Bỉ (phản gián – La Sûreté de l’Etat) công bố báo cáo hằng năm, gióng chuông cảnh báo các hoạt động dọ thám của sinh viên Trung Quốc trong các ngành công nghệ quốc phòng.
Vẫn theo cơ quan phản gián Bỉ, chính quyền Bắc Kinh đặc biệt khuyến khích sinh viên đến học tập và nghiên cứu tại Bruxelles, vì thành phố này là nơi trú ngụ nhiều trụ sở lớn của các định chế Liên Hiệp Châu Âu. Mối lo gián điệp sinh viên Trung Quốc, trước đó đã từng được FBI của Mỹ đánh động vào năm 2019, sau vụ bắt giữ sinh viên Ji Chaoqun, học tại Viện Công Nghệ Chicago.
Nhiệm vụ của cậu sinh viên này là « xác định các công dân Mỹ gốc Hoa hay Đài Loan làm việc trong ngành công nghiệp vũ khí mà cơ quan tình báo Trung Quốc đánh giá là có thể tuyển dụng được », theo như giải thích của ông Joseph Augustyn, cựu trợ lý giám đốc CIA với kênh truyền hình France 2.
Vẫn theo vị cựu lãnh đạo CIA này, « Trung Quốc sử dụng sinh viên gián điệp là bởi vì họ có đến 350.000 du học sinh (đông gấp 10 lần so với số nhân viên FBI), đông đến mức họ có thể chỉ ra được một số cá nhân cho việc tìm kiếm những thông tin nào mà Bắc Kinh đặc biệt quan tâm đến ».
Hoa Kỳ hẳn không thể nào quên được vụ Liu Ropeng, hiện đang đứng đầu một hãng công nghệ tương lai, trong đó có các loại vật dụng bay. Người này bị cáo buộc đánh cắp các kỹ nghệ trong quá trình theo học với một giáo sư vật lý có tiếng tăm ở Mỹ, ông David Smith, từng mở cánh cửa phòng thí nghiệm cho cậu sinh viên Trung Quốc. Trở về nước, Liu Ropeng đã cho xây dựng một bản sao phòng thí nghiệm. Đương nhiên, FBI đã không thể chứng minh được hành động gián điệp của Liu Ropeng.

Mỹ chặn đà tiến của Trung Quốc : Liệu đã muộn ?

Hoạt động dọ thám, tin tặc, đánh cắp sở hữu trí tuệ của Trung Quốc đã có ít nhất từ 10 năm nay, vì sao đến bây giờ Hoa Kỳ mới có những phản ứng mạnh mẽ? Việc gây ầm ĩ lúc này chắc chắn cũng nhằm mục tiêu tái tranh cử của tổng thống Mỹ Donald Trump hiện nay. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 bùng phát khiến Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây giật mình tỉnh ngộ là đã quá lệ thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, cũng như đã bị nước này bỏ xa trong nhiều ngành chiến lược, từ viễn thông cho đến cả không gian. Và nhất là trong cơn đại dịch này, Hoa Kỳ và phương Tây còn có nguy cơ bị Trung Quốc qua mặt trong cuộc đua tìm kiếm vac-xin ngừa Covid-19.
Thế nên, theo quan điểm của ông François Costantini, chuyên gia địa chính trị, với kênh truyền hình RT (Russia Today), những căng thẳng gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc còn nhằm mục đích chặn đà tiến « China 2025 » của Bắc Kinh.
« Đúng là hiện nay Hoa Kỳ muốn hạn chế bớt vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc trên thế giới. Thế nên, Mỹ chủ yếu nhắm vào ở những lãnh vực có thể gây thiệt hại nhiều nhất. Những gì mà Hoa Kỳ nhận thấy từ một phần tư thế kỷ nay là hầu như Trung Quốc xây dựng nên sức mạnh của mình nhờ vào thặng dư thương mại.
Ở đây, người ta thấy rõ chính trong thặng dư thương mại, chính sách thương mại, trí thông minh nhân tạo, một số lĩnh vực chiến lược mà Hoa Kỳ đang tìm cách ngăn chận sức mạnh của Trung Quốc để đẩy lui GDP của Trung Quốc.
Đừng quên rằng 45% GDP của Trung Quốc có được là từ ngành xuất khẩu, do vậy giảm thặng dư mậu dịch của Trung Quốc là giảm sức mạnh của Bắc Kinh và có thể dẫn đến việc người dân Trung Quốc tự chất vấn, để cuối cùng có thể là đi đến một cuộc cách mạng chính trị như Hoa Kỳ nhắm đến, nhất là vào thời điểm đôi bên đang trong cuộc đọ sức ».
Liệu rằng có đã quá trễ để chặn đà tiến của Bắc Kinh hay không ? Như một sự trùng hợp, vào ngày Washington ra lệnh đóng cửa tòa lãnh sự Trung Quốc ở Houston, chính quyền Bắc Kinh thông báo phóng thành công phi thuyền Thiên Vấn -1, độc hành chuyến thám hiểm Sao Hỏa đầu tiên của mình.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt