Phải thay đổi? (Nguyễn Gia Kiểng)



Xin giới thiệu lại với các bạn độc giả Thông Luận một bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng vào năm 2002. Tính chất thời sự của bài viết này vẫn còn nguyên. Chúng ta là một dân tộc bị đả thương nặng nề vì những biến cố lịch sử. Điều cần thiết là phải trẫn tính để nhận diện chính mình. Lẽ phải và đạo đức phải là những giá trị nền tảng cho phong trào dân chủ. Những giá trị đúng, tự nó cũng đã mang lại một sức mạnh vô địch mà không có một thế lực độc tài nào cản bước nổi.

Financial freedom
Nguồn: Internet
Tựa đề của bài này tự nó đã mâu thuẫn. Đã nói phải có thay đổi sao lại còn dấu chấm hỏi ? Nhưng có những điều phải có vì không có không được, phải đến vì tình hình đã chín muồi mà vẫn không xảy ra. Mâu thuẫn là ở chính tình trạng của đất nước.

Trước hết là ''phải'' theo nghĩa một nhu cầu phải thỏa mãn nếu không thì nguy to

Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng Sản Việt Nam cầm quyền từ tháng 4 năm ngoái đã chứng tỏ nó không muốn và cũng không thể đổi mới. Chẳng ai đặt hy vọng vào ông Nông Đức Mạnh nhưng ít nhất người ta cùng nghĩ rằng ông ấy là một người hiền lành. Một công chức về lâm sản, một đại biểu quốc hội, rồi chủ tịch quốc hội bù nhìn. Không xuất sắc thực đấy nhưng cũng không hung dữ. Với ông Mạnh, người ta tin rằng đàn áp sẽ giảm. Sự thực đã trái hẳn. Cúp điện thoại, đấu tố tại khu phố, hỏi cung, quản chế, bắt giam, đốt sách không hề giảm mà còn gia tăng nhanh. Những phản đối liên tục được các tổ chức quốc tế đưa ra. Việt Nam bị lên án trong năm 2001 hơn là trong năm 2000 dưới thời Lê Khả Phiêu và năm 2002 sẽ còn bị lên án hơn nữa. Hiệp ước thương mại Việt-Mỹ sẽ không có hiệu lực mà người ta chờ đợi. Muốn hội nhập vào với thế giới để vươn lên thì phải thay đổi chế độ, và phải thay đổi nhanh chóng trong thời đại này thời gian là tất cả.

Cũng cần phải thay đổi nhanh chóng vì chúng ta đang bị chính thay thời gian thách thức. Quá nửa dân số của chúng ta hiện nay dưới 25 tuổi. Đó vừa là một ưu điểm vừa là một đe dọa. Ưu điểm là với một quần chúng trẻ như vậy, chúng ta đang có và sắp có một nguồn nhân lực rất lớn để vươn lên. Đe dọa là nếu chúng ta không lợi dụng được cơ hội này để vươn lên thì trong vòng một thế hệ nữa phúc sẽ biến thành họa : chúng ta sẽ có quá nhiều người già và sẽ không thể cố gắng được nữa. Trong vòng 30 năm nữa những thanh niên 25 tuổi hôm nay, phần lớn chưa có việc làm, sẽ là những người sắp về hưu. Tình hình sẽ đảo ngược một cách cực kỳ nguy hiểm. Một ngày qua đi trong sự trì trệ là một bước tiến tới tai họa. Phải có thay đổi và phải thay đổi rất nhanh chóng. Đằng nào thì chúng ta cũng sẽ là một dân tộc khá già trong vòng một thế hệ nữa. Phải phát triển nhanh chóng, ít nhất ở mức 10% năm. Nhưng làm thế nào để phát triển ? Kinh nghiệm của một nửa thế kỷ qua đã đưa đến một kết luận dứt khoát : tự do và dân chủ là những điều kiện không thể thiếu. Phải thay đổi chế độ để có dân chủ.

Phải thay đổi chế độ nhanh chóng vì chế độ này đã quá phân rã. Tuy vẫn còn giữ được bạo lực để đàn áp những người dân chủ nhưng nó không còn thực sự cai trị được đất nước nữa. Giáo dục, văn hóa, y tế, xã hội đều đã sụp đổ hay gần như sụp đổ. Xì ke, ma túy lan tràn như chưa bao giờ thấy và còn đang tiếp tục gia tăng. Các băng đảng xã hội đen hoành hành như trong một xã hội không còn luật pháp. Vụ Năm Cam mới đây là một chỉ dấu báo động. Chính quyền đã phải điều động một toán công an đặc nhiệm vào Sài Gòn để thanh toán bọn này vì chúng được chính công an Sài Gòn bao che. Dính líu vào vụ này là nhiều cấp lãnh đạo quan trọng, kể cả trong bộ chính trị. Đất nước cần khẩn cấp một chính quyền đúng nghĩa.

Càng phải thay đổi chính quyền mau chóng vì nếu không nhiều tai họa khó tưởng tượng sẽ có thể xảy ra. Lần đầu tiên trong lịch sử, một chính quyền không bị ngoại xâm đã tự nguyện ký thỏa ước nhượng đất đai và vùng biển cho ngoại bang. Sự kiện này càng đáng kinh ngạc vì nó chỉ là quyết định của một vài người. Dân chúng không hề được biết đến nội dung các thỏa ước này, ngay cả các cán bộ cao cấp trong nhà nước và đảng cộng sản cũng không được biết tới, kể cả đa số các bộ trưởng và ủy viên trung ương đảng. Cũng chưa hết, quốc hội bù nhìn đã thông qua một cách vội vã mà không được biết nội dung và cũng không thảo luận ngày 30-12-1999 trước khi ra về liên hoan mừng năm mới ! Đổi lại với những mất mát to lớn, rất có thể là vĩnh viễn, này là những quyền lợi nào ? Cho ai ? Chính quyền này đã tồi tệ đến nỗi nó đem dâng cả đất nước của ông cha để lại. Nếu không bị đào thải nhanh chóng, nó còn có thể làm nhiều hành động không ngờ khác như chính thức nhìn nhận chủ quyền của Trung Quốc trên các quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, nhìn nhận đồng Nhân Dân Tệ như là đồng tiền được lưu hành chính thức tại Việt Nam, v.v.

Sau đó là ''phải'' hiểu theo nghĩa một điều dĩ nhiên phải đến vì đã chín muồi

Chính quyền này đã mất hết nội dung. Nó vẫn có thể ra lệnh, ra luật nhưng không còn ai tuân thủ. Nó có thể bắt giam, bỏ tù, xử bắn, nhưng không còn ai kính trọng nó và nghe theo nó. Nó có thể ký vô số thỏa hiệp hợp tác kinh tế với nước ngoài nhưng nó không còn điều động được sinh lực quốc gia để thực hiện. Trên thực tế nó đã mất ngay cả hai độc quyền của mọi nhà nước thường dùng để định nghĩa một nhà nước : độc quyền thu thuế và độc quyền bạo lực. Người dân hôm nay nộp thuế cho tham nhũng nhiều hơn cho nhà nước, họ cũng sợ trộm cướp và các băng đảng xã hội đen hơn sợ công an.

Chế độ này đã đi đến một mức độ phân rã tương đương với các chính quyền Trịnh-Nguyễn vào cuối thể kỷ 18 : nó vẫn có thể rất bạo ngược đối với người dân nhưng về mặt chính trị nó chỉ còn là một hư cấu. Một biến cố nhỏ có thể làm nó sụp đổ.

Xã hội Việt Nam đã thay đổi và ngày càng bị dao động. Cuộc cách mạng truyền thông đã đến Việt Nam và đem lại cho người dân những phương tiện truyền thông tối tân mà họ chưa bao giờ có và cũng không có ngay tại các nước tân tiến cách đây một thập niên : computer, máy in cá nhân, internet, email, điện thoại di động. Mâu thuẫn gay gắt trong xã hội Việt Nam là các phương tiện truyền thông tối tân rất lan tràn nhưng truyền thông lại bị cấm. Mâu thuẫn này không thể tiếp tục được. Vì vô ý thức đảng cộng sản đã làm một sai lầm khổng lồ là chống lại truyền thông thay vì chấp nhận nó như một nền tảng của thời đại mới và chấp nhận những nhượng bộ cần thiết để phù hợp với nó mà tồn tại. Việt Nam cũng phải sống với thời đại của mình như mọi nước khác. Hiện tượng toàn cầu hóa đã tràn đến mọi nước, không gì ngăn cản được nó. Cấm sách báo, nó sẽ đem bằng hình ảnh và âm thanh qua radio, tivi, CD và cassette. Cấm thư từ và điện thoại, nó sẽ đến bằng email. Nó cũng có thể đến bằng Coca Cola, nhạc Rap, quần Jean, giầy Nike. Đằng nào nó cũng sẽ đến được và thay đổi cuộc sống, con người, cách suy nghĩ và ứng xử ; rồi cuối cùng đào thải một cách tàn nhẫn những kẻ đã chống lại nó.

Tại Việt Nam, nó gặp một môi trường đặc biệt thuận lợi : một lớp người trẻ đã chiếm đa số tuyệt đối và ngày càng đông thêm. Những thanh thiếu niên này lớn lên không mang một mặc cảm nào. Mọi tuyên truyền về cách mạng, việt gian, phản động đều không có một tác dụng nào đối với họ. Không những thế, họ còn có mặc cảm là nạn nhân của một chính quyền bất xứng. Bất mãn đang tiến gần đến giới hạn bùng nổ. Tuổi trẻ Việt Nam ngày nay biết có những cuộc sống tự do và sung mãn hơn ở thế giới bên ngoài trong khi chung quanh họ chỉ là bế tắc. Sự bế tắc đã khiến họ mơ ước được rời Việt Nam để sống một cuộc sống khác. Nhưng đại đa số biết là không thể thực hiện được và đã chọn sống trong tưởng tượng. Nhạc, rượu, thuốc lá, cà phê, và cả ma túy, là những phương tiện vận tải đưa họ chạy trốn thực tại và đi vào mộng ảo. Giới hạn bùng nổ sẽ đến vào lúc mộng tưởng đủ mạnh để tự vật chất hóa, nghĩa là khi họ thấy không thể tiếp tục chạy trốn thực tại mà phải thay đổi thực tại để bắt thực tại thể hiện ước mơ đã thành quá cụ thể.

Không xa. Một lượng thanh niên quá lớn bao giờ cũng báo hiệu một chấn động lớn, trong bất cứ xã hội nào. Chỉ những chế độ biết thích nghi một cách rất nhanh chóng mới tồn tại được. Đây là một qui luật chính trị và xã hội rất ít ngoại lệ. Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã có nhờ một đợt sinh đẻ mạnh trước đó. Những người gây ra cuộc chấn động mùa hè 1968 tại Châu Âu đã sinh ra trong đợt baby boom sau Thế Chiến II. Tại Liên Xô đợt baby boom đã đến trễ hơn gần hai thập niên do sự áp đặt các chế độ cộng sản và bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Tại Việt Nam đợt sinh đẻ mạnh có thể coi là bắt đầu với thập niên 1980, sau khi sự kinh hoàng do việc thống nhất đất nước dưới chế độ chuyên chính đã dịu xuống.

Sức mạnh đổi đời cũng đã dần dần hình thành. Tại hải ngoại, những phẫn nộ và căm thù đã nhường chỗ cho ý chí dân chủ hóa đất nước, các tổ chức kháng chiến và kêu gọi kháng chiến nhường chỗ cho những kết hợp dân chủ. Phẫn nộ vẫn còn và còn mạnh, nhưng là một phẫn nộ tích cực, không còn là phẫn nộ trong sự căm thù trộn lẫn với ghê sợ mà là phẫn nộ trước sự tồi dở, đi cùng với quyết tâm làm lại đất nước và đưa đất nước đi lên.

Trong nước sự chống đối dần dần thành tổ chức. Dân rủ nhu đi khiếu kiện tập thể. Những người dân chủ tìm đến với nhau, bênh vực nhau, ký chung với nhau những kháng thư và những tuyên ngôn đòi dân chủ. Trong và ngoài nước phối hợp chặt chẽ. Trong là tiền phương, ngoài là hậu phương an toàn. Những bộ phận rời của một động cơ đang được ráp lại.

Và một yếu tố quan trọng khác. Đại đa số những người lãnh đạo trong guồng máy đảng và nhà nước hiện nay ở lứa tuổi 50. Tuyệt đại đa số các cán bộ chỉ huy ở lứa tuổi 40. Những người này hiểu rằng họ còn sống 30 hoặc 40 năm nữa trong khi chế độ này không hy vọng gì tồn tại được quá một thập niên. Tương lai của họ như vậy không thể có trong chế độ này, mà với một chế độ khác. Họ sẽ phải hoặc chủ động hoặc tham gia cuộc vận động dân chủ. Một khi ý thức này thành hình nó sẽ tức khắc làm nổ tung chế độ.
Ngay trong tình trạng hiện nay, cám dỗ đối với một đại tá, hay một thiếu tướng, 40 tuổi, để đi vào lịch sử bằng một cuộc đảo chính cũng có thể đã là rất lớn, và ngày càng khả thi vì chế độ ngày càng không kiểm soát được tình thế.

Nhưng...

Một cảnh mà cả thế giới đều thấy sau vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 tại New York là các nhà tâm lý và các bác sĩ tâm thần được điều tới tại chỗ để săn sóc và trấn an dân chúng có mặt gần khu World Trade Center. Họ bị chấn động thần kinh mạnh vì đã chứng kiến những cảnh hãi hùng. Những người bị bắt làm con tin trong vài tuần lễ sau khi được giải thoát cũng được điều trị về tâm thần trước khi trở lại cuộc sống bình thường. Trí não con người rất dễ bị giao động, tâm lý chúng ta có rất nhiều nguy cơ bị trở thành bất bình thường. Người Việt Nam chúng ta có lẽ ít ý thức được như vậy.
Nhưng chúng ta cũng là người như mọi ''sinh vật người'' thôi. Chúng ta đã chịu 30 năm chiến tranh, bom đạn, khủng bố ; biết bao nhiêu là mất mát và nước mắt ; biết bao nhiêu là đày đọa, lo âu, kinh hoàng. Chúng ta bị chấn động nhiều lần lớn hơn những người bị coi là có tai biến thần kinh.

Cách suy nghĩ và hành động của chúng ta chắc chắn là không bình thường. Vì vậy có những sự kiện hầu như hiển nhiên bắt buộc phải đến lại không đến. Ngược lại cũng có những sự kiện trên nguyên tắc không thể xảy ra mà vẫn xảy ra. Trong bối cảnh tâm lý tập thể này một nhận định chính trị - và hơn thế nữa, một tiên liệu chính trị - bình thường, nghĩa là không kể đến tình trạng bất bình thường của dân tộc ta rất có thể bị thực tế phủ nhận. Tất cả những cái phải đến nói trên vẫn có thể không đến.
Điều rất bất bình thường là một đảng cầm quyền tồi dở như đảng cộng sản, đã thất bại trên tất cả mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt, đem dâng cả đất đai của cha ông để lại cho ngoại bang mà vẫn không gặp một chống đối nào đáng kể. Nhưng đó là một sự thực.

Điều còn bất bình thường hơn nữa là hầu như ai cũng thù ghét chế độ này mà, sau 26 năm dưới chế độ độc tài toàn trị, chúng ta vẫn chưa có nổi một tổ chức đối lập dân chủ có tầm vóc. Nhưng đó cũng là một sự thực.

Chúng ta đã mất mát rất nhiều do những thảm kịch mà chúng ta đã và đang phải chịu đựng, nhưng mất mát lớn nhất có lẽ là khả năng suy luận bình thường. Chúng ta có thể có hàng trăm lý do để không tham gia một tổ chức đấu tranh nào hay để rời bỏ một tổ chức mà chúng ta đã tham gia, nhưng có một lý do để chúng ta phải tham gia hoặc tiếp tục tham gia là nếu không có tổ chức chúng ta sẽ không thay đổi được chế độ này. Lý do đó phải đủ, phải nặng hơn tất cả trăm nghìn lý do khác cộng lại. Dầu vậy, chúng ta vẫn lý luận loanh quanh và ẩn nấp sau đủ thứ lý do để né tránh sự dấn thân thực sự, nghĩa là đóng góp hình thành một lực lượng dân chủ có tổ chức và tầm vóc. Chúng ta đã mất khả năng lý luận một cách đơn giản hay chúng ta thiếu ý chí và quyết tâm ?
Chế độ này không mạnh, nó vẫn đứng được chỉ vì chúng ta quá yếu, và chúng ta quá yếu vì chúng ta không có tổ chức. Chế độ này cũng không quyết tâm, nó xấc xược chỉ vì chúng ta nhu nhược, và chúng ta nhu nhược vì chúng ta bất lực. Chúng ta vẫn chỉ là một đám đông cô đơn, dù rất bất mãn.

Đất nước vẫn còn chờ đợi một biến chuyển tâm lý đột phá đủ mạnh để khiến một số đông người lấy quyết định nhập cuộc một cách quả quyết. Thiếu biến chuyển tâm lý này thì dù có bao nhiêu yếu tố thuận lợi cho thay đổi, chế độ này vẫn còn đó và Việt Nam vẫn bế tắc. Ngược lại, nếu tạo được biến chuyển đó thì thay đổi có thể đến rất nhanh chóng. Tình hình đã chín muồi và cả một khối tuổi trẻ đang chờ để được động viên.

  Nguyễn Gia Kiểng
(Thông Luận 156, tháng 2-2002)