Kinh tế Việt Nam bắt đầu ngấm đòn Covid-19 (Việt Hoàng)

Một trật tự dân chủ mới đã hình thành với sự li dị dứt khoát giữa các nước dân chủ và độc tài. Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và vươn lên nếu có dân chủ. Chỉ có một Việt Nam dân chủ mới có thể làm bạn với các nước dân chủ và hội nhập được với thế giới. Đảng cộng sản Việt Nam không muốn và cũng không có khả năng dân chủ hóa đất nước. Chế độ này phải thay đổi để đất nước có tương lai. Chỉ có một kết hợp mới, một lực lượng chính trị mới với một giải pháp mới…mới có thể cứu nguy cho đất nước. (Việt Hoàng)


Đại dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến khó lường. Mặc dù mùa hè nắng nóng nhưng coronavirus không hề biến mất mà vẫn lây lan mạnh trong các cộng đồng dân cư. Tính đến hôm nay đã có gần 11,5 triệu người bị nhiễm bệnh trên toàn thế giới với hơn nửa triệu người tử vong. Mỹ vẫn đứng đầu với gần 3 triệu ca nhiễm và 130.000 người chết. Nhiều chuyên gia cảnh báo một làn sóng lây nhiễm thứ hai sẽ xuất hiện với hậu quả nghiêm trọng hơn nhiều so với hồi đầu năm.

Thiệt hại mà Covid-19 gây ra cho thế giới là rất lớn và chưa dừng lại. Việt Nam là một nước may mắn vì đã khống chế được sự lây lan của Covid-19. Dù vậy những thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam do Covid-19 gây ra là vô cùng lớn. 

kinhtevn-1

Những thiệt hại của nền kinh tế Việt Nam do Covid-19 gây ra là vô cùng lớn.

Như chúng tôi đã phân tích trong các bài viết trước, kinh tế Việt Nam quá phụ thuộc vào ngoại thương (xuất nhập khẩu). Trong một nền kinh tế bình thường thì xuất nhập khẩu bằng 50% GDP là an toàn. Chỉ số đó của Việt Nam hiện nay là 200% - 250% của ngưỡng an toàn. (Xuất nhập khẩu Việt Nam trong năm 2019 là 517 tỉ USD trên GDP hơn 200 tỉ USD). Khi nền kinh tế phụ thuộc quá nặng vào bên ngoài như vậy thì Việt Nam phải gánh chịu những tai họa và rủi ro không do mình gây ra. Tai họa đó là Covid-19. Các kế hoạch và mục tiêu kinh tế của Việt Nam hoàn toàn bị đảo lộn. 

Hoang tưởng là căn bệnh không thuốc chữa của Đảng cộng sản Việt Nam. Đúng là trước khi xảy ra đại dịch Covid-19 thì Việt Nam có mọi triển vọng là một quốc gia phát triển mạnh nhất trong năm 2020. Lý do: Thế giới bắt đầu rút lui và tiến tới ngừng hợp tác với Trung Quốc vì Trung Quốc là một quốc gia độc tài, đồng nghĩa sẽ là một mối nguy cho hòa bình thế giới. Các công ty, nhà máy sẽ rút khỏi Trung Quốc và sẽ chuyển sang các nước trong khu vực trong đó có Việt Nam. Sỡ dĩ thế giới ưu ái cho Việt Nam là vì muốn lôi kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo của Trung Quốc. 

CTL-0

Sự li dị giữa thế giới và Trung Quốc là dứt khoát và không thể đảo ngược.

Đảng cộng sản Việt Nam không hiểu điều đó và cũng có thể họ toan tính rằng thế giới sẽ còn phải đối đầu lâu dài với Trung Quốc nên sẽ o bế, chiều chuộng Việt Nam. Covid-19 làm thay đổi tất cả. Thế giới sẽ triệt thoái khỏi Trung Quốc nhanh hơn và Trung Quốc sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế sớm hơn. Đảng cộng sản Việt Nam tính không bằng trời tính, nên dù đã “xoay trục” sang Mỹ và các nước dân chủ nhưng vẫn không chịu thay đổi đất nước về hướng dân chủ, họ vẫn ngoan cố duy trì chế độ độc tài bằng cách tăng cường đàn áp, bắt bớ các tiếng nói bất đồng chính kiến, hậu quả là nền kinh tế Việt Nam sẽ sớm rơi vào suy thoái. 

Tính đến cuối tháng 6/2020 đã có đến 7,8 triệu người lao động mất việc. 40 triệu người bị ảnh hưởng do Covid-19. 35.000 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường và 75% doanh nghiệp phải thu hẹp qui mô sản xuất trong quí 1 năm 2020. Trên 12 tỉnh thành tăng trưởng âm trong đó có Đà Nẵng, thủ phủ miền Trung. Một báo hiệu xấu, công ty PouYuen, chuyên gia công giày thể thao xuất khẩu ở thành phố Hồ Chí Minh có quy mô lên tới 62.000 công nhân đã cắt giảm 2.800 lao động và sẽ tiếp tục cho nghỉ việc khoảng 6.000 lao động từ ngày 1 tháng 7 đến hết ngày 31 tháng 7 năm 2020 do không còn việc làm. 

kinhtevn-3

Công ty PouYuen đã cắt giảm 2.800 lao động và sẽ tiếp tục cho nghỉ việc khoảng 6.000 lao động…

Chính quyền Việt Nam đã bắt đầu nhận ra sự nghiêm trọng của vấn đề. Hôm 2/7/2020, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống suy thoái kinh tế sau đại dịch Covid-19. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo: Nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế cấp bách hơn bao giờ hết. 

Liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thay đổi được tình thế nguy nan của nền kinh tế Việt Nam hay không? Chúng tôi cho là không. Bản chất của các chế độ độc tài luôn mâu thuẫn với dân chủ. Sẽ không có chuyện vừa hợp tác và làm ăn với các nước dân chủ vừa có thể duy trì chế độ độc tài. Trung Quốc là một minh chứng. Thế giới đã thu được rất nhiều lợi ích trong việc hợp tác làm ăn với Trung Quốc nhưng cuộc tình “đồng sàng dị mộng” này cũng đến lúc phải kết thúc. Sự li dị lần này giữa các nước dân chủ với Trung Quốc là dứt khoát và không thể đảo ngược.

Cuộc thư hùng giữa phương Tây và Trung Quốc sẽ sớm chấm dứt với sự co cụm lại của Trung Quốc trước khi tan vỡ. Không có lý do gì để thế giới hợp tác chặt chẽ với một “tiểu Trung Quốc” là Việt Nam. Sự hứa hẹn và giúp đỡ của thế giới dành cho Việt Nam chỉ được thực hiện với một điều kiện là Việt Nam phải dân chủ hóa. Việt Nam phải khác Trung Quốc. Thế giới đã cho Việt Nam rất nhiều thời gian và cơ hội nhưng Đảng cộng sản Việt Nam đã không biết để nắm bắt lấy cơ hội ngàn năm có một đó. 27 công ty lớn của Mỹ đã chọn chuyển sang Indonesia thay vì Việt Nam là một báo hiệu xấu cho nền kinh tế Việt Nam. 

Khi các công ty lớn của Mỹ và thế giới không đến Việt Nam thì các công ty từ Trung Quốc sẽ tràn sang Việt Nam mang theo công nghệ lạc hậu và ô nhiễm môi trường. Hàng Trung Quốc sẽ bị đánh thuế cao khi vào Mỹ và EU nên họ sẽ tìm cách bắt tay với các doanh nghiệp Việt Nam để gian lận xuất xứ (hàng Trung Quốc gắn mác Việt Nam). Việc này sớm muộn cũng bại lộ và hàng hóa Việt Nam sẽ ảnh hưởng theo. Cuối năm 2019 Mỹ đã áp thuế 456% lên thép Việt Nam là một ví dụ.

Chúng ta đều biết sau 30 năm “đổi mới” kinh tế Việt Nam đã có những thay đổi tích cực nhưng vẫn chỉ là bề nổi thay vì chiều sâu. Kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài (FDI). Các ngành nghề trong nước được ưu tiên là bất động sản, xây dựng, du lịch, nông nghiệp, thủy hải sản, may mặc, da giầy…đều là những ngành nghề cần nhiều lao động chân tay và không cần nhiều kỹ thuật cao. Lợi nhuận và thành quả của kinh tế Việt Nam vì vậy thấp và không bền vững. Mọi chuyện vẫn tốt đẹp cho đến khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Cuộc khủng hoảng này là vô cùng nghiêm trọng đối với thế giới, đặc biệt là các nước nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Việt Nam như Mỹ, Châu Âu (EU), Nhật…

Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa trên thế giới sẽ giảm mạnh vì khó khăn kinh tế và sự thay đổi về tâm lý. Người dân sẽ sống chậm lại thay vì mua sắm và chi tiêu tràn lan như trước Covid-19. Các ngành nghề về dịch vụ sẽ rất khốn đốn. Hàng chục nghìn lao động Việt Nam trên khắp thế giới bị mất việc và đang tìm cách trở về Việt Nam. Sẽ không có thuốc chữa cho nền kinh tế thế giới dù có bơm bao nhiêu tiền đi chăng nữa. Thế giới chỉ có thể hồi phục dần dần sau những cố gắng kiên trì trong nhiều năm. Sự kiện này sẽ khiến nhiều quốc gia thay đổi các dự định mang tầm quốc tế và khu vực. Ảnh hưởng mà Việt Nam bắt đầu thấy được là nguồn tài trợ ODA (Official Development Assistance: Tài trợ Phát triển Chính thức) từ các quốc gia giàu có dành cho những nước đang phát triển như Việt Nam đang giảm sút.

Việt Nam cho biết là 6 tháng đầu năm 2020 chỉ giải ngân được 30% vốn đầu tư công và 10% vốn ODA. Chính phủ đang thúc giục các tỉnh thành nhanh chóng giải ngân nếu không sẽ chuyển sang cho các tỉnh khác. Vì sao có chuyện lạ lùng đó? Bất cứ địa phương nào của Việt Nam cũng cần rất nhiều tiền để đầu tư phát triển kinh tế. Tuy nhiên tham nhũng khiến cho các dự án đầu tư công rất khó giải ngân vì hoa hồng (%) của dự án quá lớn, các địa phương không dám triển khai vì khi thanh tra sẽ không thể giải trình sự thất thoát vì phải “lại quả” cho người ký duyệt vay vốn. Khả năng bị “vào lò” rất cao, nhất là trước kỳ đại hội đảng. Luật pháp chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bộ ngành cũng là một lý do khiến các dự án đầu tư công khó giải ngân. Với sự khó khăn về kinh tế của các nước cung cấp ODA (do Covid-19) thì việc giải ngân vốn ODA sẽ ngày càng khó vì họ giám sát chặt chẽ từ lúc phê duyệt dự án đến quá trình thi công.

kinhtevn-4

Việc dồn mọi nguồn lực cho bất động sản là một sai lầm và đang phải trả giá…

Để cứu nền kinh tế Việt Nam thì chính quyền phải hy sinh và chấp nhận sút giảm một số ngành nghề như bất động sản, du lịch…để dành nguồn lực cho các ngành nghề khác như sản xuất, thương mại. Tuy nhiên có thể thấy được là chính quyền không thể để ngành bất động sản đổ bể vì sẽ khiến cho nhiều ngân hàng phá sản theo. Việc dồn mọi nguồn lực và tài chính cho bất động sản đang phải trả giá. Dù muốn hay không thì bong bóng bất động sản cũng sẽ vỡ sau một thời gian, cuối năm nay là sẽ thấy rõ. Hầu hết những người đầu tư vào bất động sản là người có tiền, sau cơn chấn động vì Covid-19 họ sẽ sống chậm lại, bớt tham lam và ham muốn làm giàu để dành thời gian cho sức khỏe và bản thân. Bữa tiệc nào cũng đến lúc phải tàn.

Đảng cộng sản Việt Nam không thể thay đổi và lấy bất cứ một quyết định quan trọng nào vì họ không còn đồng thuận để làm bất cứ việc gì. Thế giới đã thất vọng khi Việt Nam “kiên quyết giữ vững chủ nghĩa Mác-Lênin và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa”. Việt Nam không thể nào hòa cùng dòng chảy của thời đại. 

Một trật tự dân chủ mới đã hình thành với sự li dị dứt khoát giữa các nước dân chủ và độc tài. Việt Nam chỉ có thể thoát khỏi khủng hoảng kinh tế và vươn lên nếu có dân chủ. Chỉ có một Việt Nam dân chủ mới có thể làm bạn với các nước dân chủ và hội nhập được với thế giới. Đảng cộng sản Việt Nam không muốn và cũng không có khả năng dân chủ hóa đất nước. Chế độ này phải thay đổi để đất nước có tương lai. Chỉ có một kết hợp mới, một lực lượng chính trị mới với một giải pháp mới…mới có thể cứu nguy cho đất nước. 

Việt Hoàng

(07/07/2020)