Chuyên gia cảnh báo về hình thức “chỉ định thầu” cao tốc Bắc-Nam (Cao Nguyên)

Việc ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước đấu thầu và thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam là một quyết định đúng. Tuy nhiên, có một lo ngại rất lớn là tình trạng tham nhũng tràn lan của chính quyền CSVN. 

Hình minh hoạ. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chạy dọc theo phía Đông của Việt Nam sát với biển Đông kéo dài từ tỉnh Lạng Sơn đến tỉnh Cà Mau, có chiều dài 2.109 km.


Bộ Xây dựng Việt Nam mới đây đã đề nghị Thủ tướng chính phủ giới thiệu Tổng công ty Sông Đà xây dựng một số đoạn trên đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, giai đoạn 2017- 2020 theo hình thức chỉ định thầu.

Đáng nói, Tổng công ty Sông Đà đang rơi vào tình trạng khó khăn về tài chính trong những năm gần đây, nợ hơn 11.000 tỷ đồng. Mạng báo Vietnamnet trích dẫn báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, hàng loạt công ty con của doanh nghiệp này thua lỗ, có nguy cơ mất trắng vốn nhà nước. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của công ty là khoảng 2,8 lần, xấp xỉ mức báo động rủi ro tài chính là 3 lần.

Chỉ định thầu là sai luật, không công bằng!

Bình luận với RFA về đề xuất này của Bộ Xây dựng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết việc chỉ định thầu cho một doanh nghiệp nhà nước đang thua lỗ là không đúng. Vì ba nguyên do chính:

Thứ nhất là sai với Luật đấu thầu năm 2017, điều 22 quy định rõ về các trường hợp đặc biệt được áp dụng chỉ định thầu. Theo bà Chi Lan, đường Cao tốc Bắc-Nam là một dự án xây đường bình thường, không phải trường hợp đặc biệt, cấp bách hay liên quan đến an ninh quốc gia thì không thể được áp dụng chỉ định nhà thầu:

“Bây giờ chuyển sang đầu tư công, chỉ có 3 dự án thôi thì đã có đề xuất của Bộ Xây dựng muốn giao cho tổng công ty xây dựng Sông Đà làm theo hình thức chỉ định thầu, chứ không phải là đấu thầu.

Như vậy, nó đã sai với nguyên tắc của nhà nước Việt Nam đề ra là các dự án đầu tư công đều phải thông qua đấu thầu cạnh tranh chứ không phải là chỉ định thầu. Phải hết sức tránh tình trạng chỉ định thầu, trừ khi nào gấp rút lắm, hoặc là những dự án đặc biệt nhạy cảm thì mới phải chỉ định thầu. Còn đây là một dự án xây dựng đường khá là bình thường mà cũng đã đề nghị chỉ định thầu thì cái đó đã là sai với các nguyên tắc, mà lẽ ra bộ xây dựng phải hiểu về các luật đấu thầu. Đó đã là một đề xuất không đúng.”

Thứ hai, giao dự án cho một công ty nhà nước mà năng lực tài chính đang thua lỗ là không công bằng đối với khu vực tư nhân:

Trên báo chí, người ta nói công ty này đang thua lỗ và đang nợ đến 11.000 tỷ. Tức là bản thân họ không có nguồn vốn.

Nếu bây giờ họ làm mà tất cả nguồn vốn là từ ngân sách hoặc vốn doanh nghiệp bắt buộc phải đóng góp vào lại đi huy động từ ngân hàng thì nó không hợp lý, vừa một cái điều bất công đối với các doanh nghiệp tư nhân.

Bởi vì, tư nhân họ cũng phải đi vay vốn ngân hàng, mà ngân hàng không sẵn sàng cho họ vay, cho nên họ không thể làm được như nhà nước yêu cầu. Đằng này, ngân hàng lại đứng ra thu xếp cho một doanh nghiệp nhà nước thua lỗ vay, thì như vậy nó lại rất là bất công, phân biệt đối xử rất tệ đối với khu vực tư nhân.

Cho nên, đề xuất của Bộ Xây dựng chứng tỏ là họ không thực sự hiểu luật của Nhà nước đã quy định về nguyên tắc phải đấu thầu.

Chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định tiếp chỉ định thầu cho doanh nghiệp kém cỏi là một tiền lệ xấu, gây ra nhiều gánh nặng và bất lợi chung là nền kinh tế cả nước:

Như thế là nó bất công đối với các doanh nghiệp khác, bất lợi chung cho kinh tế, tạo gánh nặng thêm cho ngân sách nhà nước.

Khi những doanh nghiệp thua lỗ vẫn có thể tham gia bằng tiền ngân sách nhà nước, tức là tiền thuế của người dân vô hình chung lại đi bù lỗ cho các doanh nghiệp. Tất cả những cái đó là không được.”

Tiến sỹ Nguyễn Quang A từ Hà Nội nói rằng nếu nghĩ theo chiều hướng tích cực thì có thể Nhà nước đang muốn tạo điều kiện để cứu các danh nghiệp của họ trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay:

“Đó (công ty Sông Đà-PV) là công ty thuộc sở hữu nhà nước chắc là họ muốn cứu công ty đấy thì họ chỉ định thầu để cho nó có công ăn việc làm, tạo lợi nhuận. Đó là một cách suy nghĩ, trong khi khủng hoảng thì người ta cũng thường có những gói cứu trợ. Ở thế giới đều như thế cả. Tôi nghĩ theo logic của Nhà nước thì có thể là họ muốn cứu các công ty của họ.

Trong khủng hoảng hay bị dịch bệnh như thế này thì khắp nơi trên thế giới cũng cứu các doanh nghiệp. Vấn đề là nó có minh bạch hay không, có đến đúng chỗ đáng để cần cứu hay không lại là một vấn đề đáng bàn cãi.”

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh trả lời báo chí nhà nước rằng “Trong việc chỉ định thầu luôn có biểu hiện không lường được là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm, lợi ích doanh nghiệp và đồng thời không dễ rà soát được đối tượng chỉ định thầu đó có đúng hay không”.

Nhiều dự án đầu tư công không hiệu quả

Về dự án đường Cao tốc Bắc-Nam, từ ngày 24/9/2019, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông công bố “Việt Nam sẽ không đấu thầu quốc tế với 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc-Nam do lo ngại về an ninh, quốc phòng và mức độ quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế không lớn. Thống nhất đấu thầu cạnh tranh để lựa chọn nhà đầu tư trong nước.” Từ đó, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia đấu thầu.

Tuy nhiên, hôm 14/5/2020, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể thừa quyền Thủ tướng trình Quốc hội về việc chuyển đổi hình thức đầu tư 8 dự án đường Cao tốc Bắc-Nam. Theo báo cáo, Chính phủ đã quyết định chuyển đổi 8 dự án này từ đầu tư PPP (hợp tác công-tư) sang hình thức đầu tư công, sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước.

Theo Bộ GTVT lý giải, việc sử dụng 100% vốn ngân sách nhà nước sẽ thuận lợi hơn về tiến độ và hiệu quả sử dụng vốn nếu đảm bảo được nguồn vốn.

Đến ngày 31/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội không đồng ý chuyển cả 8 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam sau đầu tư công, mà chỉ đồng ý chuyển 3 dự án.

Theo bà Phạm Chi Lan, việc chuyển sang đầu tư công là một điều đáng tiếc vì nếu để cho khối doanh nghiệp tư nhân làm dự án này thì sẽ bớt được gánh nặng ngân sách và rủi ro thất thoát:

“Lẽ ra, nếu để dành cho tư nhân tham gia thì tốt hơn rất nhiều. Vì nếu tư nhân tham gia sẽ đỡ phải dùng tiền đầu tư công, đỡ được gánh nặng về ngân sách, nhà nước cũng là gánh nặng về thuế mà người dân phải chịu để nhà nước có ngân sách mà làm.

Thứ hai, đầu tư công trên thực tế ở Việt Nam diễn ra không được có hiệu quả như là đầu tư của tư nhân. Bởi vì đầu tư công thường sẽ bị đội vốn cao lên, có nguy cơ thất thoát lãng phí, hoặc thậm chí có tham nhũng, khó kiểm soát hơn.

Nếu để cho tư nhân làm thì “đồng tiền đi liền khúc ruột”, tư nhân sẽ kiểm soát được tốt hơn. Nhà nước chỉ đứng ra kiểm soát về chất lượng để đảm bảo việc thực hiện đúng chất lượng và thời hạn mà nhà nước quy định thôi. Như vậy, đấu thầu tư nhân và đấu thầu cạnh tranh thì sẽ tốt hơn rất nhiều.”

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết hầu hết các dự án đầu tư của nhà nước, đầu tư công bị đội vốn cao lên, thời gian kéo dài ra, có tình trạng thất thoát, tham nhũng. Chất lượng của các dự án lại thấp kém so kỳ vọng hoặc so với yêu cầu của của các dự án:

“Trên thực tế đã có khá nhiều dự án đầu tư công ở Việt Nam, nhất là các dự án xây dựng đường xá vừa khánh thành xong đã hỏng.

Điển hình như con đường đại lộ Thăng Long nối từ Hà Nội lên Hòa Lạc được thực hiện vào lúc kỷ niệm 1000 năm Hà Nội, vào năm 2010. Sau khi làm xong một tháng đã có những đoạn bị hư hỏng, phải vá víu, sửa lại và chỉ sau một tháng nó trở thành một mảnh áo vá, rất nhiều chỗ phải vá đường hỏng. Đó cũng là điển hình của những cái đấu thầu không công khai minh bạch và chỉ định thầu.”

Đại lộ Thăng Long, tuyến đường cao tốc dài và được cho là hiện đại nhất Hà Nội, được đưa vào sử dụng từ năm 2010, nhân dịp 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Khi vừa khánh thành thì mặt đường đã có nhiều đoạn bong tróc, sụt lún, phải vá sửa tạm thời.

Đến 10/2019, thành phố Hà Nội chi tiếp 22 tỷ đồng để tu sửa toàn bộ đại lộ này do tình trạng xuống cấp nghiêm trọng.

Nguồn tin: RFA