Vì sao tham nhũng vẫn tồn tại nhiều trong lĩnh vực công? (RFA)

Hiện tượng tham nhũng, chạy quyền, chạy chức đến từ nguyên nhân của chính chế độ độc tài đảng trị CSVN. Muốn duy trì một chế độ độc tài ra bên ngoài thì chế độ chính nó phải càng độc tài hơn đối với bên trong. Trong một đất nước mà quyền lực chính trị chiếm ngự tất cả, và quyền lực chính trị nằm trong tay một đảng tuyên bố thẳng thừng rằng họ sẽ giữ độc quyền chính trị bằng bạo lực trong một thời gian vô hạn định thì người dân, kể cả cá nhân mỗi người trong bộ máy chính quyền, còn có cách nào để tìm kiếm được một chút vinh quang cho mình ? Họ chỉ còn lại một vũ khí là đồng tiền. Ðồng tiền là vũ khí hiệu lực nhất để mua, và lấy lại, một phần quyền lực đã bị tịch thu. Như vậy tham nhũng cũng là hậu quả tự nhiên của chế độ độc tài toàn trị vì nó là phản ứng đề kháng trước bạo quyền chính trị. Muốn chống tham nhũng thì phải trả lại cho xã hội dân sự những quyền lực mà đáng lẽ nó phải có, nghĩa là phải quyền lực hóa (empower) người dân. Nghĩa là phải có dân chủ.

Ảnh minh họa. 63% người dân Việt Nam khẳng định phải lót tay để để vào làm việc trong khu vực nhà nước, theo Báo cáo PAPI 2019.

Tham nhũng vẫn tồn tại nhiều

Báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2019 vừa được công bố vào sáng ngày 28/4.

Theo kết quả khảo sát trong báo cáo này, người dân Việt Nam nhìn nhận tình trạng tham nhũng năm 2019 có xu hướng giảm khoảng 5% so với năm 2018 và sự kiểm soát tham nhũng trong khu vực công được cải thiện mạnh mẽ nhất hồi năm ngoái. Mặc dù vậy, vẫn còn khoảng 20 đến 40% người dân khẳng định tham nhũng vẫn tồn tại trong nhiều hoạt động của lĩnh vực công.

Bà Nguyễn Thị Ba, nhân viên quản lý của một công ty tư nhân tại TP.HCM cho biết bà ghi nhận tình trạng nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, nhân viên tại các cơ quan nhà nước có chiều hướng giảm bớt. Thế nhưng, tình trạng đó vẫn tồn tại trong lĩnh vực công mà người dân hàng ngày phải thường xuyên đối diện với những hình thức không đến đến mức “trắng trợn” như trước đây.

Bà Ba viện dẫn công ty của bà mỗi khi bán hàng vào khu chế xuất, vẫn phải kèm theo tiền (gọi là “tiền bồi dưỡng”) trong hồ sơ làm thủ tục hải quan.

“Nếu muốn bộ tờ khai được nhanh để hàng qua cổng hải quan thì trong tờ khai phải kèm theo 20-30 ngàn đồng, tùy theo giá trị lô hàng. Nhân viên hải quan họ sẽ lấy tiền kèm vô đó. Còn nếu muốn nhanh và không phải ngồi chờ đợi lâu theo thứ tự thì phải mướn (dịch vụ) người làm ‘cò’, chuyên nhận hồ sơ. Họ cũng bắt số thứ tự nhưng họ đưa một lần gồm một xấp nhiều hồ sơ và đưa cho Hải quan làm thủ tục luôn một lần. Người làm cò có thể chia (tiền) với Hải quan bên trong như thế nào thì mình không biết chính xác, nhưng thủ tục là vậy.”

Bà Ba còn khẳng định dịch vụ công khác cũng tương tự như vậy.

Báo cáo PAPI 2019 cho thấy 31% người dân phản ảnh phải chi thêm tiền khi đi khám chữa bệnh. 30% người dân cho rằng phụ huynh cũng phải chi thêm tiền cho giáo viên trong việc học hành của con cái. Trong khi đó, 31% người dân nói rằng phải chi thêm tiền trong việc làm giấy tờ về đất đai, như chứng nhận quyền sử dụng đất. Và, 21% người dân khẳng định chi thêm tiền khi làm giấy phép xây dựng.

Điều đáng lưu ý trong Báo cáo PAPI năm 2019, có đến 63% người dân cho rằng cần phải đưa lót tay để vào làm việc tại các cơ quan nhà nước.

Đút lót để xin việc trong cơ quan nhà nước
Đài RFA ghi nhận tình trạng nhờ vả, quen biết, đút lót để xin việc làm tại các cơ quan nhà nước được dân chúng ở Việt Nam cho là một việc hiển nhiên trong xã hội, qua câu nói như “nhất thân, nhì thế!” hay “thủ tục đầu tiên là tiền đâu?”. Điều này chẳng có gì là nghịch lý khi tiền lương không bao nhiêu, thậm chí không đủ sống nhưng là nhân viên, cán bộ trong hệ thống cơ quan nhà nước thì còn được những quyền lợi khác, mà trong đó là bổng lộc thậm chí rất nhiều.

Chúng tôi cũng từng được dịp nghe các giáo viên mới tốt nghiệp và xin việc ở các trường học, mà không phải dạy hợp đồng thì tùy theo trường học các cấp huyện, thị xã, thành phố khác nhau mà giá cả cho một suất giáo viên chính thức hưởng lương nhà nước giao động từ vài trăm triệu đồng.

Một bác sĩ ở Hà Nội, cho RFA biết trong ngành y tế cũng tương tự:
“Số tiền chạy việc được phân cấp qua hạng bệnh viện, vì bệnh viện nào có thu nhập cao hơn thì tiền ‘chi’ vào phải cao hơn. Vào bệnh viện hạng 1 như Bạch Mai, Việt Đức thì phải tiền tỷ. Bệnh viện hạng 2 thì phải khoảng từ 300 đến 500 triệu. Còn bệnh viện hạng thấp hơn thì phải 100 đến 200 triệu. Các bệnh viện ở miền núi được ưu đãi nhưng lại ít người về, vì chẳng được ưu đãi bao nhiêu.”

Mối tương quan không thể tách rời
Cô Nguyễn Trang Nhung, một người tự ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và theo dõi sát sao các báo cáo Chỉ số PAPI hàng năm, nói với RFA rằng có mối tương quan như là một mắc xích không thể tách rời giữa tình trạng đút lót xin việc trong cơ quan nhà nước và tham nhũng vẫn tồn tại nhiều.

“Theo tôi thì có một mối tương quan rõ rệt giữa hai điều đó. Những người cảm nhận hay trả lời khảo sát có thể không trực tiếp tham gia vào việc đút lót. Nhưng họ có thể thấy qua những người xung quanh họ. Ví dụ nếu như trong gia đình có một người làm việc trong cơ quan nhà nước thì ít nhiều người ta cũng biết được có tình trạng đút lót để có thể vào được trong cơ quan nhà nước. Như tôi vừa nói thì những người xung quanh tôi có thể nghe được những câu chuyện về điều đó. Và với hơn 60% người dân nhìn nhận có đút lót để vào cơ quan nhà nước thì có một tỷ lệ tương ứng với những người cảm nhận vẫn còn tình trạng tham nhũng phổ biến. Theo tôi, tỷ lệ 20% hay 40% đấy thì có lẽ vẫn còn thấp, lẽ ra có thể cao hơn thế.”

Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam từng nhận định với RFA về tình trạng này:

“Bộ máy hành chính của Đảng và hành chính của Nhà nước thì nhân viên bên cạnh lương thì còn bổng. Bổng đã lớn nhưng còn dựa vào quyền để đục khoét của dân thì tham nhũng này mới là khủng khiếp. Tham nhũng từ trên xuống dưới. Càng lên cao thì càng tham nhũng lớn. Trên chóp bu tham nhũng thì cấp dưới tội gì không tham nhũng và cứ thế tham nhũng xuống tận cơ sở. Thượng bất chính thì hạ tắc loạn. Cho nên cả bộ máy đó không phương cứu chữa.”

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong một bài viết liên quan công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng, vừa mới phổ biến trong những ngày hạ tuần tháng 4, yêu cầu kiên quyết không để lọt vào Ban Chấp hành TW khóa XIII những người tham nhũng, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản mà không giải trình được nguồn gốc…Tuy nhiên, giới quan sát chính trường Việt Nam khẳng định rằng yêu cầu của ông Trọng không phải là quyết tâm chống tham nhũng, mà chỉ là thể hiện sự đấu đá quyền lực, phe phái ngày càng nghiêm trọng hơn trong nội bộ giới lãnh đạo Việt Nam.

Cô Nguyễn Trang Nhung nhìn nhận vấn nạn tham nhũng tại Việt Nam có chiều hướng giảm, dù là tỷ lệ thấp nhưng có sự tham gia của người dân. Theo quan điểm cá nhân, cô Nguyễn Trang Nhung cho rằng sự đấu tranh đẩy lùi tham nhũng của người dân chưa đạt được hiệu quả cao là do một phần họ không ý thức được về các quyền của mình, cũng như thế lực tham nhũng mà họ chống lại rất mạnh và hơn nữa không có cơ quan hay tổ chức nào bảo vệ cho những tiếng nói chống tham nhũng đơn lẻ đó.

Nguồn bài: RFA