Carl Thayer: Vấn đề hoà giải, hoà hợp 'vẫn còn nhức nhối' sau Cuộc chiến VN (BBC)

GS Carl Thayer chuyên nghiên cứu về bang giao quốc tế và tình hình Việt Nam. Ông chia sẻ về phản ứng của chính quyền CSVN đối với miền Nam sau ngày 30/4/1975 hoàn toàn trái ngược với hiệp định Paris đã nhấn mạnh việc hoà giải và hoà hợp dân tộc giữa hai bên. Kí ức về những trại tù cải tạo, xét lý lịch, áp đặt mô hình kinh tế tập thể, thảm kịch thuyền nhân…vẫn gợi lại vết thương trong lòng nhiều người và càng bị khoét sâu thêm trước những hô hào của hệ thống tuyên truyền đảng CSVN vào những dịp này. Ông bi quan cho rằng dân tộc Việt Nam cần hơn 50 năm nữa mới có thể chữa lành vết thương này và đảng CSVN đang dùng mặt trận văn hoá để hoà hợp những người Việt Nam với nhau dựa vào một căn cước tập thể chung từ quá khứ nối dài đến trước khi cuộc nội chiến diễn ra. Tuy nhiên, đây là một điều không thể. 

Những bài học trong lịch sử thường làm người ta tự hào thêm để cùng nhau chia sẻ một căn cước chung hoặc rút ra được những bài học để tránh trong tương lai. Những bài học lịch sử ở Việt Nam nằm hẳn ở vế hai. Hành xử của chế độ CSVN sau ngày 30-4 chỉ là một sự tiếp nối các hành động mà các chế độ quân quyền phong kiến ở Việt Nam đã hành xử sau khi thoán đoạt quyền cai trị với nhau. Văn hoá CSVN là một phản chiếu của văn hoá Khổng Giáo đã ăn sâu bén rễ trong hàng ngàn năm tạo lên tâm hồn và tính cách người Việt. Điều đáng tiếc là sự bao dung, tinh thần hoà giải, hoà hợp không hề có trong văn hoá Khổng Giáo. “Thắng làm vua, thua làm giặc” luôn là phản xạ của những người nắm quyền trong tay. Chúng ta cần cố gắng rất nhiều để đất nước Việt Nam có thể hoà giải với nhau trước khi hoà hợp, nhưng điều này không thể xảy dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN. Chỉ khi đất nước mở ra kỉ nguyên thứ 2, kỉ nguyên thực sự của dân chủ đa nguyên và tự do, một chính quyền lương thiện được bầu ra bởi lá phiếu và đại diện cho ý chí của người dân mới có đủ quyết tâm để thực tâm sòng phẳng với lịch sử, tiến hành hoà giải, hoà hợp dân tộc.


Vấn đề hoà giải, hoà hợp vẫn còn nhức nhối giữa những người Việt thuộc hai phe, Giáo sư Carl Thayer nói với BBC News Tiếng Việt.

Đây là khía cạnh của cuộc chiến mà, theo nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế từ Canberra, Úc, có lẽ dân tộc Việt Nam sẽ cần đến 50 năm nữa mới có thể chữa lành.

Trả lời phỏng vấn của Tina Hà Giang, BBC News Tiếng Việt, ông nói về thái độ đối xử của những người chiến thắng đối với những người bị coi là bại trận sau ngày 30/4/1975:

GS Carl Thayer: Hiệp định Hoà bình Paris hướng tới việc tổ chức bầu cử tại Việt Nam và thành lập Hội đồng Hoà giải, Hoà hợp Dân tộc.

Trong cuộc xung đột ở Campuchia, ông Bùi Tín là người cùng toán quân đầu tiên của quân đội cộng sản Việt Nam tiến vào Phnom-penh [hồi năm 1979].

Khi viết cuốn Hoa Xuyên Tuyết, ông nói một trong những lý do khiến ông rời bỏ chính thể là bởi ông thấy thay vì hoà giải, họ đã đối xử rất tàn nhẫn với cựu thù.

Từng là người cộng sản, phụ trách tờ báo cộng sản [báo Nhân dân], nhưng ông Bùi Tín đã bỏ đi. Lời kể của ông ấy có sự chân thực.

Tôi từng nói chuyện với những người phải đi trại cải tạo. Họ nghĩ là sẽ đi một thời gian ngắn, nhưng hoá ra là đi rất lâu. Nhiều người không được đối xử tử tế.

Thuyền nhân lênh đênh trên chiếc tàu vượt biên chờ được vớt tại cửa biển Đông gần Sài Gòn năm 1975 (minh họa)

'Không chấp nhận' và 'không được tin cậy'
Cho nên dù đã 45 năm trôi qua, vẫn có khía cạnh của Cuộc chiến Việt Nam chưa bao giờ được hoà giải.

Cộng đồng người Việt tị nạn chưa bao giờ chấp nhận chế độ hiện thời ở VN. Họ tiếp tục gặp nhau, mặc những bộ quân phục của mình, và có lẽ là tự hào - tôi chắc chắn là họ thấy tự hào - nhớ về quá khứ.

Nhưng họ chỉ là thiểu số, giống như bản thân tôi vậy, sẽ dần dần biến mất.

BBC News Tiếng Việt:Đó là ông nói tới cộng đồng người Việt đi tị nạn. Còn những người ở lại sau 1975 thì sao, thưa ông?

GS Carl Thayer: Tôi tin là trong một tài liệu của Việt Nam có phân chia, phân chia theo nguồn gốc gia đình.

Điều gì đã xảy ra với con trai, con gái họ, với thế hệ thứ ba của những người Việt có liên hệ với bất kỳ ai bị coi là phản động, cho dù đó là nhân viên chính phủ Việt Nam Cộng hoà, thành viên của một trong nhiều đảng phái chính trị khi đó, hay là người trong quân lực Việt Nam Cộng hoà?

Với những người Việt trẻ tuổi không bỏ nước ra đi, họ ở lại đó, và thấy bị chặn mọi ngả.

Đại tá Bùi Tín nói đến kẻ thù, nhưng mà đó là con cái, thế hệ con cái đang phải trả giá. Họ không được tin cậy do lý lịch,vì bị coi là con nhà phản động.

Vấn đề là thế này: quý vị có thể nói là họ đã chiến đấu quyết liệt để bảo vệ Việt Nam Cộng hoà. Nhưng cũng có nhiều người bị mắc kẹt trong cuộc chiến, mà đa số người Việt là thế.

Họ phải làm việc để kiếm sống. Họ là những nông dân được hưởng lợi từ chương trình cải cách ruộng đất kiểu Mỹ, theo đó cho người nông dân quyền kiểm soát đất ruộng.

Họ là những người sống nơi đô thị, những người do cuộc chiến mà buộc phải ly tán. Quý vị có thể nhìn thấy họ lang thang trên đường phố trong thời thập niên 1960.

Đột nhiên hệ thống chính trị thay đổi. Khi người cộng sản vào chiếm quyền, miền Nam trở thành kẻ thù.

Đã 45 năm trôi qua, Việt Nam vẫn cần nửa thế kỷ nữa những vết thương này mới lành được.

Tôi nghĩ tới ý tưởng ban đầu, đó là cần phải có một Hội đồng Hoà hợp, Hoà giải Dân tộc, và hai bên phải bằng cách nào đó thành lập ra một hệ thống chính trị có khả năng đưa mọi người xích lại bên nhau.

Ngày 30/4/1975

'Bắc thắng trận Nam thắng kinh tế'
GS Carl Thayer: Với chiến thắng bất ngờ, những người Cộng sản giành chiến thắng.

Những người thua cuộc hay những người bị kẹt trong cuộc chiến có xu hướng bị phân biệt đối xử trong những năm đầu.

Tôi có thể nói là điều đó diễn ra cho đến năm 1986 khi bắt đầu quá trình Đổi Mới.

Từ đó thì ta có 'Bắc thắng trận Nam thắng kinh tế'- đó là cách diễn tả mà tôi nghe được. Sức mạnh mới của miền Nam, kinh tế thị trường, đã có hiệu quả.

Và đúng là một khi các hạn chế được dỡ bỏ, Việt Nam trở thành một nhà xuất khẩu gạo đáng gờm, xuất gạo ra thế giới. Nhưng tôi cũng nói rằng còn có cả chuyện xuất khẩu gạo từ miền Nam ra miền Bắc nữa, bởi mô hình hợp tác xã nông nghiệp hoạt động không hiệu quả.

'Việt Nam mới đã biết cảm thông hơn so với thời Việt Nam 1975'
BBC News Tiếng Việt: Nhìn lại 45 năm qua, theo ông thì nay mỗi bên của cuộc chiến có thể làm gì để hoà giải, hoà hợp dân tộc thực sự?

GS Carl Thayer: Tôi đã nói về một phía của câu chuyện, và tôi đã nói mạnh mẽ.

Nhưng phải thấy là tuy người Cộng sản nắm quyền năm 1975 và người Cộng sản ngày nay vẫn cùng có hệ thống chính trị độc đảng, vẫn đàn áp, nhất là với những ai muốn cổ suý nhân quyền và tự do tôn giáo, nhưng Việt Nam đã trở nên đa nguyên hơn, nhiều cảm thông hơn.

Rất nhiều ý tưởng đã có thể được bày tỏ.

Tôi nghĩ về sự chia rẽ Bắc - Trung - Nam. Đảng Cộng sản cố tình chọn người lãnh đạo, tổng bí thư Đảng có lẽ luôn là người miền Bắc, nhưng người miền Nam đã giữ các vị trí chủ tịch nước, thủ tướng..., như ông Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn, hay ông Trương Tấn Sang.

Và bởi vì Việt Nam chuyển mình, cho nên đã có phong trào, tuy không phải luôn thế, lúc ban đầu là người miền Bắc, các viên chức hành chính miền Bắc, chuyển vào Nam, và nay thì cả các công việc khác, giáo dục, kinh tế tư nhân... mọi người dịch chuyển và nhiều hơn nhiều.

Nhưng trong nước Việt Nam mới này, mọi người vẫn muốn có thêm tự do, nhất là muốn nói trên Facebook về các vấn đề gây tranh cãi, về vụ Formosa gây ô nhiễm môi trường...

Họ muốn bày tỏ quan điểm về những chuyện đó và việc này không liên quan gì tới giai đoạn 1975 hết. Nó là chuyện của Việt Nam ngày nay.

Tuy vẫn chưa được chính thức nêu ra ở Việt Nam nhưng nhiều khía cạnh đã được thực hiện.

Điểm chung ở đây là quý vị có thể là người từng đi cải tạo, là đảng viên Cộng sản, là người chống Cộng, nhưng quý vị đều có thể trở về kỷ niệm các vị vua, các vị Chúa Nguyễn, những chương trong lịch sử Việt Nam, những phong tục, tập quán, những ca khúc cả hai bên có chung với nhau.

Tôi nghĩ là chế độ hiện nay đang thúc đẩy mặt trận văn hoá để bản sắc văn hoá Việt Nam mà cả hai bên có chung với nhau không bị chìm nghỉm, bị thất lạc tại Mỹ, Pháp hay Đức, khi người Việt hoà nhập vào những môi trường đó.

Nguồn tin: BBC Tiếng Việt