Nghìn tỷ bị chiếm dụng, kiến nghị không giao chủ đầu tư thu phí bảo trì (Phương Anh Linh – Hồ Văn)

Quy định chủ đầu tư giữ 2% kinh phí bảo trì chung của chung cư, trước khi bàn giao lại cho ban quản trị do cư dân bầu ra...đã dẫn tới rất nhiều khiếu nại, tranh chấp bởi vì rất nhiều chủ đầu tư chiếm dụng khoản này, hay kéo dài thời gian bàn giao. Hệ quả lớn hơn là dẫn đến việc quy hoạch thiếu đồng bộ, các dự án nhà ở một thời gian bị xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn và mỹ quan xung quanh. Mảng kinh doanh trong ngành dự án xây dựng ở Việt Nam gắn chặt với nhiều nhóm lợi ích, tư bản đỏ...nên sau bao nhiều năm, nó vẫn không thể thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn.





Trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 1.400 nhà chung cư, hầu hết tập trung ở quận 5, quận 1 và quận Bình Thạnh. Tuy nhiên có hai huyện vùng ven không có nhà chung cư nào. 

Ngày 21/5, Sở Xây dựng TP.HCM đã có báo cáo Bộ Xây dựng và UBND TP.HCM về tình hình quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư trên địa bàn thành phố trong năm qua. 
Trước đó, ngày 23/12/2019 Sở Xây dựng đã có công văn đề nghị UBND 24 quận huyện báo cáo, tổng hợp tình hình khiếu nại, tranh chấp phát sinh tại nhà chung cư trên địa bàn cũng như những khó khăn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước. Tuy nhiên đến nay có 3 địa phương không báo cáo, đó là UBND quận 3, UBND quận 8 và UBND huyện Bình Chánh. 

Hiện trên địa bàn TP.HCM có 1.401 nhà chung cư. Quận 5 chiếm đa số với 245 chung cư, tiếp đó là quận 1 với 192 chung cư, quận Bình Thạnh có 155 chung cư… Hai địa phương không có chung cư là huyện Cần Giờ và huyện Củ Chi. 

Toàn thành phố hiện có 474 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975. Trong đó có 15 chung cư cấp D (cấp nguy hiểm) và đã tháo dỡ 9 chung cư cũ. Đa số là chung cư cũ được xây dựng thấp tầng, số lượng căn hộ ít và không có thang máy nên hầu hết không thành lập ban quản trị mà chỉ hoạt động theo mô hình tự quản.

Nghìn tỷ bị chiếm dụng, kiến nghị không giao chủ đầu tư thu phí bảo trì
Trên địa bàn TP.HCM đã có 15 chung cư cũ xây dựng trước năm 1975 được tháo dỡ.

Về bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, Sở Xây dựng cho biết trên địa bàn thành phố hiện có 194 chủ đầu tư đã và đang thực hiện bàn giao. Một số chung cư chung chưa có ban quản trị vì chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư để quản lý vận hành chung cư; để quản lý kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; để sử dụng diện tích sở hữu chung. 

Những tranh chấp, khiếu nại chủ yếu xảy ra tại các chung cư, đó là tranh chấp quyền sở hữu, quyền sử dụng chung – riêng; bàn giao phí bảo trì; bàn giao hồ sơ nhà chung cư; chủ đầu tư xây dựng không phép, tự ý chuyển đổi công năng một số hạng mục, chậm lập thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua căn hộ.
Theo ông Lê Trần Kiên – Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, việc quản lý các chung cư trên địa bàn có khó khăn là một số chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị. Không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung, gây khó khăn cho việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình dẫn đến các ban quản trị gửi đơn khiếu kiện, khiếu nại nhiều nơi.

Ngoài ra, việc tranh chấp quyền sở hữu đối với phần sở hữu chung của nhà chung cư vẫn diễn biến phức tạp. Một số chủ đầu tư chưa nghiệm thu hoàn thành công trình nhưng đã bàn giao căn hộ đưa cư dân vào ở. 

Về nội dung cưỡng chế những chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư cho ban quản trị, Sở Xây dựng kiến nghị điều chỉnh quy định pháp luật theo hướng các bên khởi kiện tại toà án theo pháp luật về tố tụng dân sự. Về lâu dài, nên bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay. 
“Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu nhà chung cư trong quá trình quản lý, sử dụng theo tỷ lệ phần trăm do hội nghị nhà chung cư quyết định” Sở Xây dựng TP.HCM kiến nghị. 

Nguồn tin: Vietnamnet