Một đất nước xăm trổ (Viết từ Sài Gòn )

"Các nhóm xã hội đen hay cả dân đen, giả sử có xăm trổ, có vác dao đi đâm thuê chém mướn gây náo loạn cả khu phố thì cũng chỉ là tép riu, là muỗi so với các nhóm xăm trổ tâm hồn. Bởi họ không cần ồn ào, nhưng họ có thể giết vài thế hệ hoặc lũng đoạn một giai đoạn kinh tế, giai đoạn lịch sử và tẩm thuốc mê vào mũi tên giáo dục để bắn vài thế hệ mà chả ai có thể làm gì họ. Cái đó mới đáng sợ. Và nói cho cùng thì Việt Nam cho đến hôm nay là một đất nước xăm trổ. Và đã xăm trổ thì phải đợi thế hệ khác, đợi một điều kì diệu nào đó để xóa nó đi chứ có xóa bằng kĩ nghệ cũng để lại những vết thẹo mưng đau ! Đáng buồn nhưng cũng đáng để nhìn nhận sự thật này, sự thật của một đất nước đầy rẫy kẻ xăm trổ, từ thân thể cho đến tâm hồn !"





Trong vòng năm năm trở lại, trào lưu xăm trổ nở rộ, bùng phát đến độ nếu có một cuộc thống kê nghiêm túc, có thể nói rằng thợ xăm trổ Việt Nam đắt khách gấp nhiều lần so với các đồng nghiệp phương Tây và không chừng là nghề xăm trổ tại Việt Nam ăn nên làm ra vào bậc nhất thế giới. Có lẽ cũng do vậy mà hầu hết các thành phố du lịch Việt Nam đều có những cao thủ xăm trổ phương Tây sang đây làm ăn theo đường du lịch dài hạn, chẳng khác gì người Việt sang Mỹ du lịch dài hạng để kiếm việc làm thuê. Nhưng tại sao Việt Nam lại nở rộ trào lưu xăm trổ ? Xăm trổ có tự bao giờ ? Xăm trổ nói lên điều gì ?
xamtro1
Một nghệ sĩ xăm trổ đang thao tác tại Sài Gòn - Ảnh Courrier du Vietnam
Nói tới xăm trổ, có lẽ những người đầu tiên xăm trổ không phải là dân ăn chơi, dân anh chị hay những giáo phái nào đó xăm trổ ký hiệu, thứ bậc… Mà là những cư dân cổ, những người bộ lạc đã xăm trổ để chống thú dữ. Việc xăm trổ những hình thù quái dị hay những chân dung thần linh lên trán, mặt, lưng, ngực và cả bụng, chân của người các bộ lạc không mang tính ham vui, cũng không phải thể hiện số má như bây giờ. Đơn giản đó là nỗi sợ hãi. Vì sợ hãi trước thế lực thiên nhiên, trước rừng già, thú dữ… Người ta phải xăm trổ lên thân thể để đóng giả thú vật, đóng giả quái vật mà chống lại thú dữ hoặc chống lại nỗi sợ hãi mơ hồ về thế lực siêu nhiên nào đó.
Việc xăm trổ trên cơ thể người, về mặt bản chất cũng giống với truyền thống vẽ mắt trên thuyền của các ngư dân. Họ tạo cho con thuyền một đôi mắt, để các loài thủy quái nhầm rằng con thuyền cũng là một loài quái vật và chường mặt, bỏ chạy. Ước mơ và cả nỗi lo sợ của người xưa chỉ đơn giản là giữ mạng sống trước những sức mạnh không phải là con người. Và muốn giữ được mạng sống, người ta phải xăm trổ. Xăm trổ như một mặc cảm về sự nhỏ nhoi của thân phận con người.
Và việc xăm trổ vì mặc cảm, vì lo sợ sự bất toàn của mạng sống ấy là một thứ mặc cảm bản thể tự cổ chí kim. Đến bây giờ, các giang hồ, đàn anh đàn chị, dân đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê, gái đứng đường… Vẫn giữ thói quen xăm trổ. Nếu nhìn bên ngoài, một con người nặng chừng 55kg, tới hùng hồn hù dọa, đòi nợ một món nợ mà bạn không có khả năng trả thì không chừng, đợi hắn lớn tiếng bạn "quạt" luôn. Thế nhưng trước một tay xăm trổ rồng rắn, nhìn quái dị, bạn đâm ra e ngại, thậm chí bạn đâm ra sợ sệt nếu bạn đang vướng nợ, cái lý thuộc về kẻ đòi nợ thuê. Ở đây, xăm trổ đóng đúng vai trò che cái sợ và đe dọa người khác giống y thời tối cổ của nó.
Và bản thân người xăm trổ, trong họ cũng có những sợ hãi mơ hồ, nếu không muốn nói là họ rất sợ chết, họ xăm trổ để hù dọa người khác, để người khác nhìn thấy họ quái dị, đáng sợ… Và cái khái niệm để đánh dấu số má, thực ra đó chỉ là thứ khái niệm ảo, tự đánh tráo, không có thật. Hầu hết những kẻ xăm trổ đều có nỗi sợ hãi rất lớn, vô cùng lớn. Vì sợ chết nên họ chọn sống, giả sử có đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê thì họ chơi thuốc kích thích và nhắm mắt nhắm mũi sát hại đồng loại để… giữ cái mạng. Đối phương chết thì ta sống, đó là nguyên tắc hành xử của kẻ đâm thuê chém mướn, đòi nợ thuê.
Nói như vậy để thấy rằng chưa bao giờ xã hội Việt Nam lại bất an và đáng sợ như bây giờ. Bởi bất an nên con người trở nên hoang mang, vô minh, lo sợ tương lai và dễ làm liều. Chọn đánh đổi sức khỏe, mạng sống để lấy số lấy má, để kiếm cơm, để có tiền rủng rẻng và có thể mất mạng bất kì giờ nào là lựa chọn hạ đẳng. Thế nhưng người ta buộc lòng phải lựa chọn bởi cơ hội thơm tho đã dành cho những con ông cháu cha (khi xét trên bình diện lợi ích nhóm, lợi ích bất nhân). Làm giang hồ, cho vay nặng lãi hay đâm thuê chém mướn thời bây giờ là một việc bất nhân của bất nhân chứ không đơn thuần là việc làm liều hay hoang mang trước tương lai.
Và nếu như xăm trổ trên thân thể để lấy số lấy má là đáng sợ, là một kiểu phản ứng sinh tồn trong một cuộc chơi sinh tồn vặn vẹo theo chiều hướng rủi ro và nguy hiểm thì chí ít, nó chỉ là xăm trổ bên ngoài, nó vẫn có những khoảng trắng hoặc khoảng lặng nào đó của tâm hồn. Bởi tâm hồn cũng như thân thể, lúc cha sinh mẹ đẻ, mọi thứ đều là tờ giấy trắng, theo thời gian, người ta tự xăm trổ hoặc bị xăm trổ lên đó nhiều thứ. Nếu như xăm trổ hổ báo trên thân thể đáng sợ thì xăm trổ chủ nghĩa lên tâm hồn mới đáng sợ gấp bội lần !
Nhìn lại lịch sử, các lực lượng khủng bố như ISIS, al-Qaeda, Pôn Pốt, và cả hồng vệ binh cộng sản… Tất cả họ không xăm trổ bên ngoài, nhưng tâm hồn họ đã được xăm trổ một thứ chủ nghĩa mà ở đó, mạng người không mảy may có chút giá trị nào nếu như con người đó không đồng dấu, nghĩa là tâm hồn của người đó không xăm trổ một thứ chủ nghĩa giống họ. Ở đây, thứ chủ nghĩa và niềm tin mù quáng đã được xăm trổ lên tâm hồn của kẻ khủng bố, họ tin chắc một điều những gì trái dấu hoặc không đồng bọn đều là kẻ thù. Thậm chí những tâm hồn khác, cũng trong lực lượng khủng bố nhưng nếu bề trên chỉ định giết đi thì họ sẵn sàng mặc định sự xăm trổ của kẻ sắp bị giết đã phai màu và cái chết đến với họ là do Thượng Đế phán quyết.
xamtro2
Hình ảnh phản cảm của nhóm thanh niên cầm đao tự chế giương oai (ảnh lấy từ trang mạng xã hội Facebook của Quy Tran).
Nói cho cùng thì thân thể xăm trổ đã đáng sợ, nhưng tâm hồ xăm trổ mới đáng sợ hơn. Trong tình trạng Việt Nam, nếu như trước đây, do chiến tranh giữa hai miền Nam–Bắc, những trí thức, những thanh niên miền Nam cảm thấy đây là cuộc chiến vô nghĩa và họ xăm trổ, thác loạn hoặc không cầu ngày mai… Thì hành động này như một sự khước từ cái ác, khước trừ sự phi lý của cuộc chiến nồi da xáo thịt. Ngược lại, khi đất nước không còn chiến tranh, khi cái ăn không còn thao thức giấc ngủ nhưng người ta vẫn xăm trổ để kiếm sống bằng chính sự xăm trổ này thì chứng tỏ rằng có một lớp người đã ngược về thời thủy tổ về mặt tâm thức. Nghĩa là họ luôn sợ hãi trước xã hội, trước thế giới chung quanh.
Nhưng, đối tượng để họ sợ hãi là ai ? Có thể không nói ra hoặc không nhìn thấy, nhưng chắc chắn một điều trong cuộc kiếm cơm đầy máu và nước mắt của những kẻ xăm trổ, số má, chắc chắn họ có nỗi lo sợ trước những kẻ đã xăm trổ đầy tâm hồn, họ thấy được cái chết của họ khi gặp những tâm hồn xăm trổ và đâu đó, họ qui phục những kẻ này để kiếm sống, họ chịu dùng mạng sống để mở rộng địa hạt quyền lực của kẻ xăm trổ tâm hồn. Cụ thể ở đây, những kẻ đã xăm trổ vào tâm hồn của họ thứ chủ nghĩa cộng sản và nó mãi mãi thành một thứ hình thù gây di truyền, nó được nuôi dưỡng, đánh bóng bằng lợi ích nhóm, quyền lực đen và chủ trương đỏ.
Các nhóm xã hội đen hay cả dân đen, giả sử có xăm trổ, có vác dao đi đâm thuê chém mướn gây náo loạn cả khu phố thì cũng chỉ là tép riu, là muỗi so với các nhóm xăm trổ tâm hồn. Bởi họ không cần ồn ào, nhưng họ có thể giết vài thế hệ hoặc lũng đoạn một giai đoạn kinh tế, giai đoạn lịch sử và tẩm thuốc mê vào mũi tên giáo dục để bắn vài thế hệ mà chả ai có thể làm gì họ. Cái đó mới đáng sợ. Và nói cho cùng thì Việt Nam cho đến hôm nay là một đất nước xăm trổ. Và đã xăm trổ thì phải đợi thế hệ khác, đợi một điều kì diệu nào đó để xóa nó đi chứ có xóa bằng kĩ nghệ cũng để lại những vết thẹo mưng đau ! Đáng buồn nhưng cũng đáng để nhìn nhận sự thật này, sự thật của một đất nước đầy rẫy kẻ xăm trổ, từ thân thể cho đến tâm hồn !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 27/05/2020 (VietTuSaiGon's blog)