Covid-19: Chiến tranh lạnh giữa hai kẻ thâm hiểm (Tú Anh)

Giữa lúc bệnh dịch Covid-19, Trung Quốc đang ra sức tuyên truyền để chối bỏ trách nhiệm cốt yếu của họ về việc thiếu minh bạch thông tin làm bùng lên đại dịch trên toàn cầu, trong khi ở phía đối diện, tổng thống Mỹ Donald Trump và nội các khai thác mạnh mẽ một thái độ bài Trung và chỉ đích danh Trung Quốc là nguyên nhân của mọi vấn đề. Nhiều người lo sợ về một kịch bản chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường sẽ đẩy thể giới vào một tương lai bất định. Tuy nhiên, chúng ta có cơ sở để trấn an mối lo này. Bối cảnh thế giới đã rất khác thập niên 60s, các nước dân chủ chiếm một trọng lượng áp đảo trên mọi địa hạt. Sự từ nhiệm của Hoa Kỳ khỏi vai trò lãnh đạo thế giới để theo đuổi chính sách America first, thì nay cũng mở đường cho một liên minh dân chủ lãnh đạo thế giới với sự tham gia, phối hợp của nhiều nước, trong đó nước Mỹ vẫn sẽ đóng một vai trò tối quan trọng sau nhiệm kì của Donald Trump. Sự lúng túng ban đầu của các nước Tây Âu trong việc phòng chống dịch, càng làm cho họ nhận diện rõ hơn một mối nguy chung từ Trung Quốc - Vốn mạnh lên về kinh tế nhưng vẫn giữ mô hình độc tài và thể hiện rõ tham vọng bá quyền. Tiến trình cô lập chế độ CSTQ sẽ chỉ có thể mạnh hơn sau cú sốc này. Ngược lại, Trung Quốc đang rất khốn đốn vì dịch Covid-19 bao trùm lên cả xã hội, kinh tế và quyền lực mềm trên trường quốc tế. Một đế quốc khi gặp bất ổn bao giờ cũng co cụm lại để xử lý những vấn đề nội bộ của nó, thay vì khiêu khích ra bên ngoài. Trung Quốc cũng nằm trong kịch bản này.


Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương bên lề thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản, 29/06/2019.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc gặp song phương bên lề thượng đỉnh G20, Osaka, Nhật Bản, 29/06/2019. REUTERS - Kevin Lamarque
Nhiều nước trên thế giới sắp dỡ biện pháp phong tỏa cho dù khủng hoảng y tế chưa có dấu hiệu sắp kết thúc. Sau bốn tháng đương đầu với Covid-19, chúng ta biết được gì và... chưa biết gì về SARS-CoV-2, thủ phạm làm hơn 250 ngàn người chết? Nhưng tìm thuốc trị liệu và vác-xin chống kẻ thù chung đang biến thành cuộc đua vì lợi nhuận lồng trong bầu không khí tiền chiến tranh lạnh Mỹ-Trung. Đó là chủ đề của các tạp chí Pháp cuối tuần. 

Trump-Tập đều muốn căng thẳng?                                                               

Với tựa "Trận đụng độ giữa hai kẻ thâm hiểm" Donald Trump-Tập Cận Bình, bài xã luận của tuần báo L'Obs nhắc lại là vào năm 1949, khi Cộng sản Mao chiến thắng ở Hoa Lục, thì tại Mỹ nổ ra một cuộc tranh cãi gay gắt : Ai làm mất Trung Hoa? Bây giờ, 70 năm sau, Trung Quốc lại trở thành trung tâm điểm của cuộc tranh luận tại Mỹ nhưng với một câu hỏi khác : Ai đủ cứng rắn đối đầu với Trung Quốc? Bởi vì chế độ độc tài Cộng sản vẫn còn đó nhưng Trung Quốc hiện đang là đại cường thứ hai, sau Hoa Kỳ.

Trong bối cảnh toàn thế giới đương đầu với đại dịch siêu vi corona, với những hệ lụy kinh tế khốc liệt nhất, Donald Trump đã tìm ra thủ phạm lý tưởng, đó là Tập Cận Bình. Chủ nhân Nhà Trắng thâm hiểm mà Tập Cận Bình cũng chơi trò ma giáo, gian dối để tranh thủ thời gian, sau đó tung ra một chiến dịch tuyên truyền thô bạo chuyển cuộc khủng hoảng thành cơ hội giành lợi thế ngoại giao.

Donald Trump và Tập Cận Bình, mỗi người đều có lý do để mở lại chiến tranh lạnh, một cuộc chiến không thể tránh khỏi vì hai bên đều cần nó để tồn tại.
Kết quả bầu cử tháng 11 có thể làm thay đổi giọng điệu của mỗi bên nhưng quỹ đạo vẫn cố định. Bởi vì ở Washington, dù là Cộng Hòa hay Dân Chủ, không một phe nào muốn bị mang tiếng nhu nhược, không khống chế được Trung Quốc. Trong cuộc chiến này, châu Âu ít cơ may có chỗ đứng, tuần báo thiên tả kết luận.

Vũ Hán: Mê hồn trận virus corona        

Tiếp tục đề tài Trung Quốc và Covid-19, tuần báo L'Obs đưa độc giả đến Vũ Hán, nơi những phòng thí nghiệm, nghiên cứu siêu vi bị nghi ngờ là cội nguồn gây đại họa.
L'Obs tổng hợp các nghi vấn, các giả thuyết, suy đoán, những phân tích ít nhiều có cơ sở cho đến những "fake news" chiếm ngự các trang truyền thông quốc tế. Giả thuyết cho rằng siêu vi lây lan từ thiên nhiên được nhiều khoa học gia chấp thuận nhất. Tuy nhiên, nếu thế, thì nó truyền nhiễm bằng cách nào?

Lúc đầu, giáo sư Thạch Chính Lệ, chuyên gia "sư tổ" siêu vi của Trung Quốc tự hỏi có phải siêu vi thoát ra từ phòng thí nghiệm hay không. Nhưng sau đó bà "thề bán sống bán chết" là không thể xảy ra được.

Sự kiện Bắc Kinh khẩn cấp đưa một viên tướng quân đội xuống nắm viện nghiên cứu P4 là dấu hiệu có quân đội sau lưng. Để làm gì?

Theo tuần báo Pháp, để xóa hết các nghi vấn, giải pháp tối ưu là để cho một ủy ban khoa học gia độc lập đến tận nơi điều tra. Thế nhưng, Trung Quốc, nhân danh nguyên tắc không để nước ngoài can dự, từ chối hợp tác quốc tế. Mọi dấu tích lúc siêu vi corona mới bắt đầu lây lan cũng bị xóa sạch theo lệnh của chính quyền trung ương.

Tương lai đầy bất trắc hay ganh đua lành mạnh?

Tuần báo Le Point với hai câu hỏi trên trang bìa : Liệu Macron có đưa chúng ta ra khỏi khủng hoảng y tế và kinh tế? Phải chăng khủng hoảng địa ốc đang chờ trước mặtTheo kinh nghiệm quá khứ, khi xảy ra khủng hoảng tài chính thế giới trong thập niên 1990, giá một mét vuông  nhà ở Pháp sụt giảm 42%.

Trong chiều hướng "ôn cố tri tân", mượn kinh nghiệm lịch sử để tìm hiểu chuyện ngày nay, Le Point đặt câu hỏi với sử gia Niall Ferguson qua một bài phỏng vấn dài.
Về chuyện xung khắc Washington và Bắc Kinh, theo ý tác giả, có lý do để không bi quan: cuộc chiến tranh lạnh mới này có thể  sẽ tạo ra một cuộc "tranh đua lành mạnh" giữa Mỹ và Trung Quốc.

Bởi lẽ, chế độ độc tài cho phép Trung Quốc che mắt thế giới về dịch bệnh trong một thời gian và tranh thủ thời giờ khống chế dịch trong nước. Trong khi đó, các chế độ dân chủ Tây phương chậm phát hiện nguy cơ và chậm đối phó.

Nhưng nói đến Trung Hoa thì phải nói rõ Trung Hoa nào? Bởi vì Trung Hoa Dân Quốc, tức là chế độ dân chủ ở Đài Loan mới là chế độ ngăn dịch hiệu quả nhất, chứ không phải chính quyền Hoa lục.

Cũng theo sử gia Niall Ferguson, liệu Hoa Kỳ có qua được năm 2020 một cách an toàn hay không? Đó mới là câu hỏi then chốt. Trong điều kiện bình thường thì không có gì nguy hiểm nhưng cuộc khủng hoảng này xảy ra đúng vào năm bầu cử mà nội bộ Mỹ thì đang bị chia rẽ. 

Nếu Mỹ qua được năm 2020, không bị khủng hoảng chính trị nghiêm trọng, thì tương lai sẽ tốt đẹp. Ngược lại thì sẽ đáng lo. Tuy nhiên, Hoa Kỳ có hệ thống chính trị tự do, tản quyền nên hiệu năng cao hơn chế độ độc tài Trung Quốc: 2020 là năm quyết định cho cả hai nước.

Cũng không kém tính thời sự, Le Point tìm hiểu giới nhà hàng, quán giải khát có "công thức nào để tồn tại" một  khi mà ai nấy đều phải đeo khẩu trang, ngồi xa nhau trong trạng thái cảnh giác? Thành phần doanh nghiệp này rất nhạy bén, cho biết tôn chỉ hậu phong tỏa như sau : tiệm cà phê không phải chỉ là nơi bán cà phê mà sẽ là một tụ điểm tạo ra mối dây quan hệ trong xã hội thời hậu Covid-19. Chờ xem khả năng thích nghi của khách hàng.

Đừng tin quảng cáo                                                 

Courrier International dành 10 trang báo để tổng hợp tài liệu kiến thức nghiên cứu dịch Covid-19 cho đến cuối tháng 04 gồm những điều đã biết, biết lầm và chưa biết và những nghi vấn.  
                             
Trước tiên, người ta đã sai lầm khi so sánh Covid-19 với cúm. Một khi xâm nhập, nhất là qua đường hô hấp, mắt, miệng, siêu vi corona chủng mới tấn công vào mọi bộ phận cơ thể từ phổi, tim, gan, thận, bộ máy tiêu hóa, não, mạch máu. Mỗi lần sinh sôi nẩy nở là mỗi lần có biến thể ít nhiều làm gia tăng xác suất tái diễn đợt hai.

Nếu mỗi ngày có viện bào chế này, nhóm nghiên cứu kia loan báo tìm ra một hướng trị liệu đầy hứa hẹn hay đạt tiến bộ trong nghiên cứu vác-xin, thì phải biết chưa có gì chắc chắn. Những loại thuốc được quảng cáo đều là hoạt chất trị bệnh khác như Hydroxy Cloroquine chống sốt rét (bác sĩ  Raoult, Pháp), Remdesivir trị dịch Ebola (Mỹ) và Tocilizumab trị viêm khớp (Pháp) được "tái định vị" để thí nghiệm chống Covid-19. Điều chắc chắn là còn lâu lắm mới có thuốc ngừa, dù Mỹ và Trung Quốc tuyên bố này nọ.

Trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung và xu hướng mạnh được - yếu thua hiện nay, tinh thần hợp tác quốc tế chống kẻ thù chung đang lui bước, nhường chỗ cho lợi nhuận riêng. Để tránh chiến tranh vác-xin, Liên Hiệp Châu Âu và tổ chức thiện nguyện Bill Gates tung ra sáng kiến lập quỹ nghiên cứu chung với mục tiêu là tìm kiếm và chế tạo thuốc ngừa cho cả nhân loại. Hy vọng họ sẽ thành công.

Với tỷ lệ tử vong 3%, dịch siêu vi corona chủng mới có thể để lại tàn tích lâu dài với  một dịch khác là "suy nhược kinh niên". Nhiều bác sĩ đã nghĩ đến hiện tượng này. Chưa hết, phổi bị tác hại còn có thể biến chứng thành suyễn mạn tính, thiếu dưỡng khí tác hại đến não bộ...

Jacinda Ardern: sức mạnh đồng cảm của nữ thủ tướng  New Zealand

Về các khuôn mặt tiêu biểu chống  dịch Covid-19, Courrier International dành một bài cho nữ thủ tướng New Zealand, Jacinda Ardern, qua ngòi bút của nhà báo Mỹ Uri Friedman.

Ưu điểm của Jacinda Ardern là không bao giờ lên giọng dạy bảo dân chúng. Trái lại, bà đặt mình vào vị trí của người dân. Chẳng hạn, để khuyến khích dân tôn trọng biện pháp cách ly, phong tỏa, nữ thủ tướng New Zealand chỉ nói "bạn đi tìm nơi xa xôi để làm gì nếu trên đường xe bị hỏng thì làm sao? "

Cá tính của nhà lãnh đạo này là có tinh thần đồng cảm để tạo điều kiện cho người dân phát huy sáng kiến của chính họ. Trước làn sóng ngưỡng mộ quốc tế, trang mạng Stuffen ở New Zealand phải cảnh báo: "Không phải bà ấy là thủ tướng có tài mà lúc nào cũng có lý đâu nhé".

Van Jackson, giáo sư đại học Wellington, nguyên là cố vấn của tổng thống Mỹ Barack Obama, cũng thận trọng: Trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế toàn cầu không tránh được, nữ thủ tướng New Zealand sẽ đối phó ra sao? Quản lý giỏi cuộc khủng hoảng virus corona là một chuyện nhưng thế hệ trẻ lãnh đạo quốc gia có đủ bản lĩnh đối phó với tình thế hậu Covid-19 hay không, đó là chuyện khác.

Bởi lẽ, theo giáo sư Van Jackson, chiến lược cơ hội chủ nghĩa của Tập Cận Bình không có giới hạn. Những kẻ độc tài trên địa cầu sẽ khai thác tối đa đại dịch Covid-19 để khống chế mọi xã hội. Thế giới sẽ biến chuyển một cách tồi tệ hơn khi các tổ chức đa quốc gia (Liên Hiệp Quốc) không giữ được cam kết. Thoát ra khỏi đại dịch an toàn chỉ là bước khởi đầu, trên con đường xa tắp, tiến về một tương lai tốt đẹp hơn.

Nguồn tin: RFI Tiếng Việt