Pháp : Khủng hoảng khẩu trang y tế, « vết đứt gãy » cấp Nhà nước (Thuỳ Dương)

Lúc này Pháp cũng như nhiều nước phương Tây mới nhận ra rằng : không phải cứ có tiền là sẽ có mọi thứ. Thiếu chuẩn bị cũng như lệ thuộc vào công xưởng Trung Quốc đang khiến Pháp rơi vào khủng hoảng thiếu khẩu trang, một bảo hộ cá nhân đơn giản nhất.

27/03/2020 - 15:42
Nhiều hiệu thuốc trên toàn nước Pháp dán thông báo : Không còn khẩu trang và dung dịch cồn rửa tay. Ảnh chụp ngày 03/03/2020 tại một hiệu thuốc ở thành phố Nice, miền nam Pháp.
Nhiều hiệu thuốc trên toàn nước Pháp dán thông báo : Không còn khẩu trang và dung dịch cồn rửa tay. Ảnh chụp ngày 03/03/2020 tại một hiệu thuốc ở thành phố Nice, miền nam Pháp. REUTERS/Eric Gaillard

Bất chấp những nỗ lực để đối phó với Covid-19, chính quyền của tổng thống Emmanule Macron vẫn bị phe đối lập chỉ trích là thiếu sự chuẩn bị để đối phó với dịch bệnh. Một trong những biểu hiện là sự thiếu hụt, khan hiếm khẩu trang y tế nghiêm trọng. Báo chí Pháp thậm chí còn gọi đây là « một vụ tai tiếng cấp Nhà nước », một « vết đứt gãy » cấp Nhà nước.

Sự khan hiếm khác thường

Cho đến tuần trước, bộ trưởng Y Tế Pháp vẫn khuyến cáo dân thường không đeo khẩu trang y tế, các loại khẩu trang phẫu thuật và khẩu trang FFP2 có bộ lọc tốt hơn chỉ để dành cho giới y bác sĩ và người bệnh. Trước đó, vào ngày 04/03/2020, nguyên thủ Macron ban hành sắc lệnh trưng dụng toàn bộ khẩu trang y tế FFP2 của các công ty, tổ chức nhà nước và tư nhân, cũng như kho hàng khẩu trang y tế của các công ty sản xuất và phân phối khẩu trang y tế để cung cấp cho y bác sĩ và bệnh nhân.

Thế nhưng, cho đến nay, các y bác sĩ trong các bệnh viện, nhân viên chăm sóc người cao tuổi tại các trung tâm EHPAD dành cho người già yếu … đều than phiền là không có khẩu trang để đeo, trong khi hàng ngày đều phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm virus. Khẩu trang chỉ được phân phối theo kiểu « nhỏ giọt ».

Sự khan hiếm khẩu trang và nhu cầu tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh đã dẫn đến tình trạng khẩu trang y tế tại các bệnh viện, cơ quan y tế bị đánh cắp với số lượng lớn, điển hình là Cơ quan quản lý các bệnh viện công của Paris AP-HP bị mất trộm 8300 khẩu trang. Bệnh viện Conception ở thành phố Marseille, miền nam nước Pháp cũng mất 2000 khẩu trang. Ngoài ra, còn có một số vụ bán khẩu trang đã hết hạn sử dụng, nạn gian lận tuồn khẩu trang bán ra chợ đen.  

Ngày 23/03, báo Le Figaro cho biết trong tình hình hiện nay, mỗi tuần nước Pháp cần 24 triệu khẩu trang y tế, trong bối cảnh kho dự trữ quốc gia chỉ còn 86 triệu, trong đó chỉ có 5 triệu khẩu trang FFP2, loại khẩu trang hiệu quả để tránh bị lây nhiễm virus qua đường hô hấp. Tuy nhiên, số liệu 24 triệu cũng chỉ là con số do chính phủ đưa ra, nhu cầu khẩu trang trên thực tế có lẽ sẽ cao hơn nhiều lần. Tình hình khan hiếm khẩu trang y tế nghiêm trọng đến mức Pháp đã phải nhận 1 triệu khẩu trang do Trung Quốc trợ giúp. Bộ Quốc Phòng Pháp cũng phải huy động kho dự trữ của quân đội để tiếp tế cho bộ Y Tế.

Tại sao nước Pháp lại lâm vào cảnh thiếu thốn đến như vậy ? Từ khi nào ? Từ trước tới nay, nước Pháp dự trữ khẩu trang ở mức nào ? Ai là người phải chịu trách nhiệm về tình trạng hàng tỉ khẩu trang dự trữ trong kho chiến lược quốc gia « bốc hơi » nhanh đến như vậy ? … Hàng loạt câu hỏi được phe đối lập và công luận đặt ra trong những ngày qua. Báo chí Pháp cũng « nhập cuộc » hiểu cho rõ ngọn ngành.

Nguồn cơn ?

Môt trong những khẳng định đầu tiên của nhật báo Le Journal du dimanche hôm Chủ Nhật 22/03/2020 là trong những năm 2000, khẩu trang y tế chất đầy kho dự trữ chiến lược quốc gia Pháp. Ở những năm 2000, các cơ quan y tế nhận định khẩu trang giữ vai trò quan trọng để ngăn ngừa sự lây lan của virus. Lo sợ dịch cúm gà có khả năng làm 500.000 dân Pháp thiệt mạng, Kế hoạch quốc gia hồi tháng 01/2006 lấy khẩu trang y tế làm trọng điểm : khẩu trang FFP2, với khả năng bảo vệ cao khi xảy ra dịch bệnh, được dành cho các y bác sĩ hành nghề ở bệnh viện và các phòng khám tư nhân, cảnh sát và nhân viên bán hàng. Khẩu trang phẫu thuật dành cho những người chưa nhiễm virus.

Và điều quan trọng đối với bộ Y Tế Pháp dưới thời bộ trưởng Xavier Bertrand, là cơ quan y tế  biết họ có bao nhiêu khẩu trang, chủ động được về nguồn cung và biết khẩu trang được tích trữ ở đâu. Để tránh phụ thuộc vào hàng châu Á, chính phủ Pháp cũng thúc đẩy việc thành lập một dây chuyền sản xuất quy mô quốc gia gồm 4 doanh nghiệp với khả năng sản xuất tới 400 triệu khẩu trang/năm. Khẩu trang y tế, nhất là khẩu trang FFP2, được coi là mặt hàng dự trữ chiến lược quốc gia.

Trả lời phỏng vấn của đài France Inter ngày 23/03, cựu bộ trưởng Xavier Bertrand (2005-2007 và 2010-2012) hồi tưởng là trong chuyến công du châu Á, Trung Quốc, Việt Nam, ông đã được lãnh đạo y tế các nước này giải thích là họ coi khẩu trang sản xuất trong nước là phương tiện bảo vệ được ưu tiên. Trở về nước, ông đã trao đổi với tổng thống Jacques Chirac về nguy cơ Pháp không thể được cung ứng khẩu trang nếu xảy ra đại dịch. Tổng thống Jacques Chirac đã bật đèn xanh để bộ Y Tế đặt mua khẩu trang dự trữ cần thiết và cho phép các nhà máy tăng sản lượng nếu cần thiết.

Từ đó Pháp trở thành một trong các quốc gia có nhiều khẩu trang dự trữ nhất dựa vào tỉ lệ tính theo đầu người. 1/3 lượng khẩu trang sản xuất hàng năm trên thế giới nằm trong tay nước Pháp. Đến năm 2007, nhờ bộ trưởng Y Tế Bertrand, có một điều mới được ghi vào luật : Mỗi năm, bộ trưởng Y Tế phải xác định rõ trong dự trù ngân sách số khẩu trang đặt mua để bổ sung vào kho quốc gia.

Vào năm 2009, dưới thời tổng thống Nicolas Sarkozy, khi xảy ra dịch cúm H1N1, theo một báo cáo của Thượng Viện Pháp, kho dự trữ quốc gia của Pháp có gần 580 ngàn khẩu trang FFP2 và hơn 1 tỉ khẩu trang phẫu thuật.Trên thực tế, bộ trưởng Y Tế Pháp thời đó là bà Roselyne Bachelot (2007-2010) cũng rất chú ý đến công tác tích trữ khẩu trang đề phòng xảy ra dịch bệnh.

Đến năm 2010, bà bị chế giễu và chỉ trích là lãng phí tiền ngân sách vào kho khẩu trang. Thế nhưng, khi phải giải trình trước Nghị Viện, bộ trưởng Y Tế Bachelot nhấn mạnh kho dự trữ khẩu trang là để phòng ngừa, phòng ngừa cho mọi kiểu đại dịch, không phải đợi đến khi bùng phát đại dịch mới lập kho dự trữ khẩu trang, kho dự trữ phải luôn sẵn sàng để có thể bảo vệ nước Pháp.

Vào tháng Giêng 2010, khi ông Xavier Bertrand lên làm bộ trưởng thay bà Bachelot, Hội đồng Cao cấp về Y tế Công cộng của Pháp HCSP khuyến cáo lãnh đạo Y Tế duy trì kho khẩu trang FFP2 để dành cho những các nhân viên y tế phải trực tiếp đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao khi xảy ra khủng hoảng dịch bệnh nặng nề. Hôm thứ Sáu tuần trước 20/03, cựu lãnh đạo Y Tế Pháp, nay là chủ tịch vùng Haut de France phát biểu với báo giới là khi ông rời chức vụ vào năm 2012, có 1,4 tỉ khẩu trang trong kho quốc gia : 600 khẩu trang FFP2 và 800 triệu khẩu trang y tế thông thường. Giám đốc của các cơ quan y tế cấp vùng (ARS), nắm rõ số lượng khẩu trang dự trữ. Bộ Y Tế vẫn kiểm soát quyền mua khẩu trang cho kho dự trữ chiến lược quốc gia.

« Bước ngoặt » bắt đầu dưới thời bộ trưởng Y Tế Marisol Touraine, khi nước Pháp nằm dưới quyền lãnh đạo của tổng thống François Hollande (2012-2017). Gần 600 triệu khẩu trang FFP2 biến mất dần khỏi kho quốc gia. Trả lời báo Le Parisien, cựu lãnh đạo Y Tế Touraine thừa nhận vào năm 2013, chính bà đã quyết định không đặt hàng mới để bổ sung khẩu trang đầy kho quốc gia, sau khi tham khảo ý kiến được đưa ra trong một báo báo của Cơ quan Quốc phòng và An ninh quốc gia (SGDSN). Báo cáo 2013 của SGDSN lại dựa theo một báo cáo khác có từ hồi năm 2011, nhưng ngày càng ngả theo hướng không cần thiết tích trữ khẩu trang.

Và kết quả là khi khẩu trang tồn kho dần dần hết hạn sử dụng (5 năm), bộ Y Tế, cơ quan chịu trách nhiệm về kho khẩu trang, không đặt mua hàng mới để bổ sung. Số lượng khẩu trang cứ dần hao hụt từ năm này sang năm khác. Từ 600 triệu chiếc, đến năm 2015, lượng khẩu trang FFP2 đã giảm xuống chỉ còn « vài chục triệu ». Cựu bộ trưởng Marisol Touraine không nêu con số cụ thể của năm 2017, thời điểm bà hết nhiệm kỳ. Nhưng theo Le Figaro, dường như lượng khẩu trang FFP2 trong kho dự trữ của Pháp gần như « biến mất tăm » từ thời điểm đó.

Nhưng tại sao bộ Y Tế lại theo quan điểm không cần tích trữ nhiều khẩu trang ? Một cố vấn trong chính quyền thời đó xin ẩn danh lý giải trên nhật báo JDD hôm 22/03 theo đó, chính sách thời bộ trưởng Tourraine được đưa ra dựa trên quan điểm không cần có lượng hàng tích trữ khổng lồ nhưng điều quan trọng là trong trường hợp cần thiết, có thể nhanh chóng đặt hàng từ châu Á, nhất là từ Trung Quốc, công xưởng thế giới. Nhưng điều bất ngờ là Trung Quốc, nhà sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới lại trở thành ổ dịch Covid-19 đầu tiên, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu ngay tại nước này. Chính sách không dự trữ nhiều mà chỉ đặt mua từ châu Á đã khiến nước Pháp « trở tay không kịp ».

Một lý do khác là việc Nhà nước chuyển trách nhiệm lập kho dự trữ một số sản phẩm y tế, trong đó có khẩu trang, cho các bệnh viện. Bệnh viện có quyền quyết định có lập kho dự trữ hay không. Chính điều này đã góp phần khiến quy mô kho quốc gia về khẩu trang FFP2 bị thu hẹp. Trong khi đó, do ngân sách bị cắt giảm, nhiều bệnh viện không dự trữ nhiều trong kho, chỉ đặt mua khẩu trang với số lượng đủ dùng.

Liên quan đến khẩu trang phẫu thuật, các nhà báo điều tra của Le Figaro cho biết năm 2017, năm Emanuel Macron đắc cử tổng thống Pháp, chính là thời điểm đánh dấu « sự bốc hơi » nhanh chóng số lượng khẩu trang này. Ông Jérôme Salomon, giám đốc Tổng cục Y Tế Pháp, khi đó là cố vấn đặc biệt về an ninh y tế, trong một lá thư gửi ứng viên tổng thống Macron, đã nhấn mạnh đến việc nước Pháp có ít kinh nghiệm trong việc chuẩn bị và xử lý thảm họa y tế và kêu gọi phải chuẩn bị đối phó với nguy cơ xảy ra khủng hoảng y tế. Thế nhưng, theo Le Figaro, quan chức y tế Salomon cũng không hề nói tới việc cần thiết tạo lập lại một kho hàng dự trữ khẩu trang, mà chỉ quan tâm tới việc quản lý hành chính trong trường hợp khủng hoảng y tế quy mô lớn xảy ra.

Trở lại với cựu bộ trưởng Y Tế Marisol Touraine (thời tổng thống François Hollande), bà khẳng định năm 2017 kho dự trữ vẫn còn 754 triệu khẩu trang phẩu thuật. Khi ông Olivier Veran lên nắm quyền bộ trưởng Y Tế thay người tiền nhiệm Agnès Buzyn khi dịch bệnh mới bùng phát hồi đầu năm 2020, kho quốc gia có 145 triệu khẩu trang phẫu thuật. Điều này có nghĩa là dưới thời bộ trưởng Y Tế Agnès Buzyn kể từ năm 2017, bộ Y Tế Pháp đã làm « bốc hơi » 600 triệu khẩu trang phẫu thuật trong kho dự trữ quốc gia. Cho đến nay, bà Agnès Buzyn vẫn chưa bình luận về vấn đề này.

Dù trách nhiệm có thuộc về bộ trưởng nào, dưới thời tổng thống nào, thì theo công luận, cuộc khủng hoảng khẩu trang như hiện nay vẫn là « chưa từng có », « không thể lý giải nổi ». Một bài học đắt giá cho công tác quản lý thảm họa y tế của Pháp !