Những cơn sốt từ đại dịch Vũ Hán (Tường Huy)
Một bài viết khá đầy đủ về bệnh dịch do Covid-19 gây ra và cách phòng chữa nó. Tác giả là một bác sĩ đang hành nghề tại Mỹ.
Đại dịch Vũ Hán thổi qua địa cầu
mang theo nhiều cơn “sốt”, từ y tế đến chính trị qua đến ngoại giao lẫn kinh tế
và đã trở thành câu chuyện đầu môi của mọi cư dân khắp thế giới.
Cơn sốt y tế đang được bàn thảo rầm
rộ nhất trong suốt mấy tháng qua: Hoa Lục, ổ dịch đầu tiên và lớn nhất, đang
khoe khoang rằng họ đã tiểu trừ được siêu vi khuẩn Vũ Hán và đang trên đường hồi
sinh? Sau những lần dấu diếm và bóp nghẹt truyền thông báo chí, mấy ai tin lời
dân Tàu nhất là lời từ “lãnh tụ anh minh Tập Cận Bình”?
Ý đang lo sốt vó vì số dân nhiễm
bệnh mỗi ngày một cao và số tử vong mỗi ngày một lớn, kể cả ông bác sĩ chăm sóc
những bệnh nhân đau nặng cũng qua đời vì thiếu dụng cụ phòng ngừa. Cư dân lớn
tuổi (trên 60) chiếm 25% dân số tại Ý, và những người trong ngưỡng tuổi ấy phần
lớn đã và đang hút thuốc lá nên thuộc nhóm “compromised lung function” tạm dịch
là “yếu phổi mãn tính”, sức đề kháng yếu kém nên con số tử vong cao không là
một điều khó hiểu.
Vấn nạn đại dịch Vũ Hán (hay
Covid-19) tại Ý khiến Liên Âu (EU) tạm thời đóng cửa biên giới để ngăn ngừa sự
lan tràn của bệnh tật, nhưng cũng có nghĩa là dân ai nấy lo; mấy quốc gia khá
giả như: Đức, Pháp, Vương Quốc Anh, và Bắc Âu cũng khó lòng cáng đáng nổi việc
chăm sóc y tế cho công dân họ, sức [voi] đâu mà chữa trị bệnh nhân ngoại quốc
lỡ đường?
Ba Tư (Iran) là “ổ dịch” của Trung
Đông, số người nhiễm trùng và tử vong khá cao. Cư dân ở đó hút thuốc lá khá
nhiều, già cũng như trẻ nên ta cũng có thể đoán ra nguyên nhân dẫn đến tử vong
(morbidity). Vả lại quốc gia ấy chẳng cung cấp chi tiết gì về bệnh nhân (tuổi
tác, giới tính, tình trạng sức khỏe (tiếng Việt mới gọi là “bệnh nền”?) nên bá
tánh tha hồ mà phỏng đoán.
Ngược lại, Nam Hàn dù có số người
nhiễm bệnh khá cao nhưng mức tử vong lại thấp. Ở đó, tiêu chuẩn y tế khá cao,
phần lớn bệnh nhân là phụ nữ lại chẳng mấy ai hút thuốc và có lẽ đặc biệt nhất
là tinh thần xã hội rất kỷ luật của cư dân Nam Hàn. Họ lắng nghe lời khuyến cáo
của bộ Y Tế Cao Ly và tự cách ly nên dịch Vũ Hán xem ra đã từ từ giảm đi đáng
kể.
Gần đây các con số về bệnh tật tại
Huê Kỳ đã khiến bá tánh lo lắng hơn. Sự kinh hoảng lo âu đã bao trùm khắp nơi
ngoại trừ một số người trẻ tuổi vẫn nhởn nhơ và cứng đầu lo họp bạn, ăn uống,
bơi lội tại các bãi biển trong mùa Spring Break (chờ ngày đóng cửa?).
Bá tánh lo âu vì nhiều lý do: sức
khỏe rồi tiền bạc và tương lai con cái. Người chưa (cảm thấy) bệnh thì băn
khoăn về sức khỏe của họ và thân nhân, lỡ nhiễm bệnh thì nhà thương có…đủ người
hay đủ chỗ để chữa trị cho mình hay không. Các bậc cha mẹ trẻ thì băn khoăn về
công việc làm, nhất là những người sinh sống trong kỹ nghệ cung cấp dịch vụ
như: nhà hàng, quán rượu, tiệm cắt tóc, làm móng tay chân...tay làm hàm nhai,
lợi tức dựa trên mức tiêu xài của bá tánh. Dịch vụ nào cũng thu hẹp đến mức tối
thiểu kể cả văn phòng bác sĩ, nha sĩ. Đám học trò chịu trận ở nhà vì trường học
đóng cửa, thầy cô chỉ dạy dỗ trên liên mạng, được tới đâu hay đến đó…Mọi sinh
hoạt thường nhật (thường ngày) xem ra dừng lại hoặc chỉ vận hành với một tốc độ
chậm chạp, uể oải như thể đang chờ đợi, chờ đợi những gì thì chưa ai dám đoan
quyết!
Tháng trước, ông tổng thống Huê Kỳ
Donald Trump hay nói ẩu, lúc đầu thì lớn tiếng cổ võ “không có chi trầm trọng
cả, chúng ta đã sẵn sàng mọi thứ”. Kế đến việc thành lập một Ủy Ban (đối phó
với) dịch Vũ Hán và đưa ông Phó Tổng Thống Mike Pence ra đứng mũi chịu sào. Hai
tuần trước, ông Phó Tổng Thống và cả ông bộ trưởng bộ Y Tế liên bang đã công bố
trước công chúng rằng chỉ…48 tiếng nữa là ta có thể đưa ra một triệu (1.000.000)
bộ xét nghiệm (test kit) Covid-19 (siêu vi khuẩn Vũ Hán) và chỉ ba ngày là có
kết quả, cơ quan y tế nào cũng có thể xét nghiệm dễ dàng…Nói cứ như thật! Các
chuyên viên y tế ở trong chăn nên thấy đầy…rận.
Xét nghiệm Covid-19 mới được tìm ra
trên dưới hai tháng nay; người thực hành là các chuyên viên được huấn luyện và
kinh nghiệm đầy mình, đứng đầu trong nghề chuyên môn nên khả tín. NHƯNG loại
xét nghiệm nào cũng phải trải qua một tiến trình…xét nghiệm để xem cách áp dụng
có cho kết quả chính xác không, tỷ lệ chính xác là bao nhiêu theo cách tính
toán sau đây:
-“True positive” nghĩa là người
nhiễm bệnh có kết quả dương tính (1).
-“False positive” nghĩa là người không nhiễm bệnh nhưng kết quả dương tính (2).
-“False negative” nghĩa là người nhiễm bệnh nhưng có kết quả âm tính (3).
-"True negative" nghĩa là người không nhiễm bệnh và kết quả âm tính (4).
Nhóm (4) chẳng có chi đáng kể. Nhóm
(1) được cách ly và theo dõi đã đành nhưng nhóm (2) và (3) thì sao? Nhóm (2) bị
cách ly thì chỉ bất tiện và tốn kém tiền bạc nhưng nhóm (3) được phây phây ra
về rồi truyền bệnh lung tung thì sẽ là một đại họa!
Test kit Covid-19 “ra đời” trong
hoàn cảnh cấp kỳ nên chuyên viên không có thời giờ xét nghiệm mức chính xác
(test “design”) trước khi mang ra sử dụng rộng rãi chưa kể vấn nạn “kỹ thuật”
(technique). Người sử dụng đầu tiên là các chuyên viên lành nghề, ngày ngày làm
việc chuyên môn chưa kể kiến thức sâu rộng; nhưng cũng test kit này khi được
mang ra các phòng thí nghiệm khác, chuyên viên địa phương chỉ được huấn luyện
cấp tốc, làm sao tránh được các lỗi kỹ thuật và thiếu chuyên môn?
Ông Tổng rồi đến ông Phó và cả ông
bộ trưởng bộ Y Tế liên bang (im lặng là đồng lõa?) nói quá cỡ nên bá tánh cứ
tưởng thật, hễ ai muốn là cứ việc yêu cầu bác sĩ cho thử nghiệm (để mà an tâm)!
Các chuyên viên phòng thí nghiệm chỉ còn cách đưa hai tay lên trời mà gọi
Thượng Đế! Tính đến hôm nay ta chỉ có khoảng 60 ngàn + mẫu xét nghiệm; con số
một triệu test kit và 60 ngàn xem ra khác nhau hơi xa? Sử dụng một triệu test
kit thì ta cần bao nhiêu chuyên viên nhất là loại test kit vừa “vỡ lòng”, người
máy (automation) chưa biết xài? Chẳng lẽ ra đường níu áo mấy người rảnh rỗi và
mời họ về làm chuyên viên phòng thí nghiệm để có kết quả nhanh chóng? Trên mấy
diễn đàn riêng tư, các chuyên viên y tế trao đổi ý kiến và…chửi thề, chẳng lẽ
không có cách hành xử nào hiệu quả hơn trước đại nạn này? Nói dối, dấu diếm để
trấn an (kiếm phiếu) rao bán tài năng kinh bang tế thế … hay nói thẳng, nói
thật để bá tánh yên tâm mà tính toán, hoạch định chương riêng tư?
Chỉ có ông bác sĩ Anthony Fauci MD,
sếp lớn của ngành bệnh truyền nhiễm tại bộ Y Tế là dám lên tiếng nói thật! Ở
tuổi 79, danh tiếng lẫy lừng về kiến thức cũng như tài năng, ông ấy chẳng cần
chức tước và cứ nói thẳng thừng, kể cả … sửa chữa việc ông tổng thống quá lời
nói sảng! Khi lệnh cấm viên chức y tế phát biểu ý kiến trừ khi được phép từ cái
Task Force của ông Phó thì bác sĩ Fauci lên tiếng báo động về “lệnh kiểm duyệt”
và sau đó, ông bác sĩ khảng khái xuất hiện trên mọi đài truyền hình, truyền
thanh để làm công việc báo tin, nói sự thật để bá tánh biết mà sửa soạn.
Ngay từ lúc đầu, bác sĩ Fauci nói
rằng: trận dịch đang lan truyền nhanh chóng, chưa biết khi nào mới ngưng. Hãy
tự cô lập, giới hạn sự đi lại để phòng ngừa, để ngưng sự lan truyền bệnh tật
giữa con người. Ta chưa có thuốc chủng ngừa và cũng chẳng có thuốc chữa trị,
mọi thứ đều nằm trong vòng “thí nghiệm”, nghĩa là có hiệu quả không thì chưa ai
biết. Ông ấy tiếp tục lập lại những câu nói ấy bất cứ lúc nào được/bị hỏi ý
kiến. Bác sĩ Fauci cũng lên tiếng kêu gọi (gần như năn nỉ) những người trẻ vô
tâm hãy nghe lời khuyến cáo của bộ Y Tế mà ngừng tụ họp; giọng nói đã khàn đục
của ông ấy khiến các nhóm đồng nghiệp đều cảm kích và biết ơn. Ít ra đất nước
này cũng còn có những con người có tâm như thế…
Đến hôm nay thì lệnh “đóng cửa ở
nhà” (lock down) đã chính thức ban hành, bắt đầu từ San Francisco, cửa ngõ của
các chuyến bay từ Á Châu và cũng là nơi đông đảo nhất tụ họp những người vô gia
cư. Cứ nghĩ đến con số 150 ngàn + người sống chật hẹp trong các túp lều tạm bợ,
thiếu vệ sinh; phần lớn lại là những người mang bệnh mãn tính, nghiện ngập (và
tất nhiên là sức đề kháng không bao nhiêu) mà các chuyên viên y tế bủn rủn chân
tay. Nếu và khi căn bệnh viêm phổi Vũ Hán xuất hiện ở đó thì San Francisco sẽ
vô phương cứu chữa và đối phó; bệnh viện nào có đủ chỗ cho những con người kia
chưa kể việc thiếu thốn dụng cụ y khoa như máy trợ thở (ventilator)? Thị Trưởng
San Francisco là một phụ nữ nhìn xa và can đảm, dám đi trước đám đông mà ban
hành một đạo luật cấp thời. Los Angeles cũng trong hoàn cảnh tương tự, chưa
biết khi nào thì họ cũng có đạo luật “ở nhà” như thành phố New York?
Khi hàng quán các dịch vụ không khẩn
cấp đóng cửa thì tất nhiên là bá tánh hoang mang, không biết bao giờ trận dịch
mới ngừng lan tràn; cái “không biết” ấy đã trở thành nỗi ám ảnh triền miên
khiến nhiều người mất ăn mất ngủ vì hoảng hốt. Người “vô tâm” thì cho rằng sống
chết có số, tới số thì số sẽ…tới trước cửa, khỏi cần chờ đợi mà cứ phây phây
vui sống? Phe ta thuộc nhóm thứ nhì về nhân sinh quan nhưng vẫn nhất nhất theo
lệnh bộ Y Tế mà loanh quanh ở nhà, nơi nào có … người khác thì tránh xa. Tự
cách ly là cách phòng ngừa hiệu nghiệm nhất, dùng thư từ, điện thoại làm phương
tiện giao tiếp với thân nhân và bạn bè gần xa.
Cơn sốt thứ nhì cũng nóng hổi là cơn
sốt kinh tế. Thị trường chứng khoán đang lắc lư rồi tuột dốc vài lần suốt tuần
lễ qua. Những người có quỹ hưu trí (IRA) đầu tư vào chứng khoán thì mất ăn mất
ngủ vì lo âu nhất là những người đang sửa soạn về hưu trong một vài năm sắp
tới. Họ băn khoăn lắm, không biết khi nào thì thị trường chứng khoán hồi phục
để có đủ tiền sinh sống lúc hưu trí? Thị trường chứng khoán lên xuống và phải
5, 3 năm mới phục hồi sau khi tuột dốc? Thế rồi để cứu vãn, Ngân Khố Liên Bang
Huê Kỳ lại thả lỏng lãi xuất của công khố phiếu khiến bá tánh tạm an tâm mà vay
mượn để làm ăn, mức lãi xuất gần như 0% thì tại sao lại không vay mượn? Ông
tông tông vừa công bố việc sử dụng một trillion mỹ kim để trợ giúp các ngành kỹ
nghệ đang ngắc ngoải vì phí tổn. Công ty hàng không hô hoán việc sắp vỡ nợ vì
máy bay không ai dùng. Kỹ nghệ dịch vụ đang rầu rĩ vì hàng quán đóng cửa, không
còn tiền bạc để trả lương nhân công…
Chỉ có một số kỹ nghệ là ăn nên làm
ra nhờ đại dịch Vũ Hán. Đầu tiên là các công ty chế tạo dụng cụ y tế như máy
trợ thở. Trên thế giới hiện nay có khoảng năm (5) công ty lớn nhỏ đang chế tạo
các loại máy trợ thở theo đúng tiêu chuẩn của bộ Y Tế; và họ làm việc ngày đêm
để cung cấp loại máy móc ấy theo đơn đặt hàng khắp nơi. Kế đến là các hãng
xưởng chế tạo trang phục y tế từ áo choàng, mũ nón đến khăn bịt mặt (surgical
mask), họ sản xuất không kịp để dùng!
Kỹ nghệ chuyên chở cũng…đại thành
công nhờ phân phối, khuân vác các thùng hàng hóa cần thiết như thực phẩm, thuốc
men đến nơi cửa tiệm buôn bán. Costco, Sam's Club…kiếm bạc vô số kể và họ biết
điều nên giữ nguyên giá bán, không dám tăng giá bậy bạ kẻo bị bá tánh chửi bới
rân trời!
Cơn sốt chính trị thì có một nhiệt
độ thấp hơn. Chính khách băn khoăn về kỳ bầu cử nên làm đủ mọi cách để kiếm
phiếu; người ta chê bai nhau kịch liệt. Riêng ông tông tông Huê Kỳ nói sảng rồi
tự khen (đạt thành tích 10 điểm) không xong nên đành nói tránh rồi tiêu xài
tiền (của bá tánh) để xoa dịu cư dân đang lo lắng hoang mang. Cứ gửi cho ít
tiền là người ta vui lòng và an tâm, món ‘quà’ tâm lý khá hiệu quả, tiền trên
trời rơi xuống, ai không thích?!? Thế hệ sắp tới tha hồ còng lưng trả nợ!
Ở Iran chẳng thấy cư dân hó hé chi,
họ đang hớt hải lo âu về bệnh tật nên chẳng có thời giờ mà chê trách nhà cầm
quyền? Đức và Úc thì thẳng thừng hơn với lời công bố “sẽ có nhiều người nhiễm
bệnh và ta đang sửa soạn”. Hình như bà Angela Merkel không ra ứng cử nữa và còn
hơi lâu mới đến mùa bầu cử ở Úc?
Bên Hoa Lục thì “chủ tịch muôn đời”
vẫn giữ ghế nên ông Tập cứ phây phây mà đánh võ mồm với ông Trump khi Huê Kỳ
chỉ tay về phía Hoa Lục mà nói rằng Covid-19 là “Chinese virus”; oánh nhau bằng
kinh tế chưa xong, cả hai đang u đầu sứt trán vì đại dịch Vũ Hán nên họ đánh võ
mồm cho đỡ tức.
Nga Sô vẫn im lìm, ông Vladimir
Putin sẽ là tổng thống muôn đời, và cấm chỉ dân Tàu vào đất nước họ. Không biết
dịch Vũ Hán đang hành xử (hành hạ thì đúng hơn?) ra sao với cư dân Nga? Không
thấy bài tường trình nào chi tiết về Nga Sô từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới?
Cơn sốt ngoại giao cũng lúc ấm, lúc
nguội. Những quốc gia trong khối Liên Âu (EU) đóng cửa biên giới và họ không
còn khó chịu việc nước Áo (Austria) đòi đóng cửa như trước đây vì bây giờ ai
cũng thế? Liên Âu bực mình vì lệnh cấm vào không phận Huê Kỳ xuất hiện thình
lình nhưng rồi quen thuộc với tính nóng lạnh bất cần của tông tông Huê Kỳ nên
chỉ trách móc vài lời rồi thôi, ai rỗi hơi mà nói hoài một điều (kém xã giao)
xảy ra thường xuyên?
Nói chung, đại nạn Vũ Hán là cơn
hồng thủy toàn cầu, có nhiều điều con người chưa thấu hiểu và với số kiến thức
nhỏ nhoi, tài nguyên giới hạn, ta cần thực sự chia sẻ để bảo vệ lẫn nhau với hy
vọng là mọi người cùng bình an.
...
Hiện nay thế giới chưa có thuốc chủng ngừa (vaccine) mà cũng chẳng có thuốc chữa trị, ít ra theo định nghĩa của chuyên viên y tế là các “sản phẩm hiệu nghiệm cũng như an toàn khi sử dụng”. Chưa có thuốc chữa cũng như thuốc chủng ngừa nên các trung tâm y khoa, các bác sĩ mạnh ai nấy “thử” những món mà họ nghĩ rằng “có thể hiệu nghiệm”.
Hiện nay thế giới chưa có thuốc chủng ngừa (vaccine) mà cũng chẳng có thuốc chữa trị, ít ra theo định nghĩa của chuyên viên y tế là các “sản phẩm hiệu nghiệm cũng như an toàn khi sử dụng”. Chưa có thuốc chữa cũng như thuốc chủng ngừa nên các trung tâm y khoa, các bác sĩ mạnh ai nấy “thử” những món mà họ nghĩ rằng “có thể hiệu nghiệm”.
“Có thể hiệu nghiệm” và thực sự
“hiệu nghiệm” (sau khi trải qua tiến trình thử nghiệm (phase I-IV) và chứng
minh mức độ an toàn cũng như hiệu nghiệm của món thuốc ấy là hai thứ khác
nhau...hơi xa. Trong ngành y khoa chuyên môn về chữa trị ung thư, việc sử dụng
các loại thuốc chưa được chứng minh tính an toàn và hiệu nghiệm là điều khá phổ
thông qua các yếu tố sau đây:
1)Bệnh nhân trong tình trạng tuyệt
vọng, không có phương cách nào khác ngoại trừ việc “cầu may” như “thử” một loại
thuốc chưa được chứng minh là hiệu nghiệm và an toàn. Điều này cũng có nghĩa là
bệnh nhân chấp nhận các phản ứng phụ để đổi lấy một cơ hội sống sót. Bài toán
“hiệu quả và biến chứng” được thẩm định kỹ lưỡng trước khi chấp nhận.
2)Loại thuốc được đem ra “thử” có
thể là:
a) một sản phẩm mới (investigational drug) còn nằm trong vòng “thí nghiệm lâm sàng” (clinical trial) chưa được chứng thực; hoặc
b) một loại thuốc đã có mặt trên thị trường nhưng chỉ được (FDA cho phép) sử dụng để chữa trị các căn bệnh khác (đã chứng thực tính an toàn và hiệu nghiệm cho các chứng bệnh ấy). Cách sử dụng này được gọi là “Compassionate drug use”, hay nói gọn hơn là “compassionate use.”
3) Định nghĩa kể trên của cơ quan
Kiểm Soát Thực Phẩm và Dược Phẩm của liên bang Hoa Kỳ (US Food and Drug
Administration FDA) “compassionate use” hay “sử dụng vì nhân đạo” giúp bệnh
nhân hiểu rõ và chấp nhận mức rủi ro của việc trị liệu.
4) Yếu tố (3) cũng sẽ tiết giảm việc
thưa kiện của bệnh nhân hoặc người thân khi không vừa ý với kết quả hay hậu quả
của cách trị liệu. Ngoài ra dưới khía cạnh đạo đức, bệnh nhân hoàn toàn tự nguyện
dùng chính cơ thể họ làm (vật thể) thí nghiệm để “cầu may”. Nếu cuộc trị liệu
không thành công, ít ra trong tương lai, món thuốc ấy sẽ không được sử dụng
nữa, (negative proof).
Đại dịch Vũ Hán mang theo lo âu,
hoang mang từ người bệnh, thân nhân và cả cộng đồng thế giới. Sợ hãi những thứ
“chưa biết” ấy lan tràn nên đã có nhiều trận bão “ý kiến” xuất hiện. Dù chỉ là
“ý kiến”, đôi khi dựa trên vài dữ kiện (thật), đôi khi lại hoàn toàn dựa trên
sự mong ước, óc tưởng tượng phong phú (ảo), nhưng lúc phát biểu, người nói quên
rằng đó chỉ là “ý kiến” của riêng họ. Đây là trường hợp của ông tông tông
Donald Trump và mấy loại thuốc: Plaquanil, Z-Pak, và Redemclovir đang được
“thử” trong việc chữa trị chứng nhiễm trùng Covid-19 dưới danh xưng
“Compassionate use”.
Plaquenil (Hydroxychloroquine) là
một loại thuốc được chứng thực để chữa trị bệnh sốt rét (do vi khuẩn ký sinh (parasites)
trong họ Plasmodium, dùng loài muỗi anophele để lan chuyển) gây ra và cũng được
sử dụng để chữa trị các biến chứng từ bệnh viêm khớp xương. Sự liên hệ giữa các
vi khuẩn Plasmodium và siêu vi khuẩn Covid-19 là những gì ta chưa rõ.
Z-Pak là một loại thuốc trụ sinh tên
gọi azithromycin dùng để chữa các chứng nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính; có
sự liên hệ nào giữa các vi khuẩn gây nhiễm trùng khí quản / phổi và siêu vi
khuẩn Covid-19 hay không thì ta chưa rõ.
Remdesivir là một loại kháng sinh
chế tạo để chữa chứng nhiễm trùng Ebola, sự liên hệ giữa loại siêu vi khuẩn này
với siêu vi khuẩn covid-19 cũng đang được tìm hiểu. Nói giản dị, về cấu trúc
sinh học, Ebola là một loại siêu vi khuẩn trong nhóm Filoviruses, có vỏ bọc
(enveloped), dạng “non-segmented”, “negative-stranded RNA virus”. Để so sánh,
coronaviruses (CoVs) gom chung cũng là nhóm siêu vi khuẩn có vỏ bọc
(enveloped), nhưng thuộc loại “positive-stranded RNA viruses” với
“nucleocapsid”. Tạm hiểu là hai loại siêu vi khuẩn này khác nhau về cấu trúc
sinh học.
Sự hiểu biết về cấu trúc sinh học
(the genetic sequence hay bộ “di tính”) của siêu vi khuẩn giúp con người thẩm
định các chất đạm được siêu vi khuẩn sử dụng để tăng trưởng và qua các dữ kiện
ấy, chế tạo các loại thuốc men có thể ức chế, biến giải các chất đạm này, và
ngăn ngừa (thuốc chủng ngừa) hoặc chữa trị một cách hiệu quả các bệnh tật do
“chúng” gây ra.
CoVs mẫn cảm với tia cực tím
(ultraviolet rays - UV) và nhiệt độ. Họ siêu vi khuẩn này có thể bị “hóa giải”
(inactivated) bởi những hóa chất như ether (75%), cồn (ethanol), thuốc sát
trùng chứa chlorine, peroxyacetic acid và chloroform (ngoại trừ chlorhexidine).
Điều này có thể giải thích tại sao siêu vi khuẩn Vũ Hán ít sinh sôi trong vùng
nhiệt đới nơi khí hậu nắng và nóng (?) và cũng giải thích tại sao ta nên dùng
các loại thuốc sát trùng để rửa tay, lau rửa các mặt phẳng trong nhà cũng như
nắm cửa.
Nói chung, chưa có loại thuốc nào
được chứng thực là an toàn và hiệu nghiệm trong việc chữa trị chứng nhiễm trùng
từ Covid-19. Khi sử dụng “cầu may” và bệnh nhân thoát hiểm (?) sẽ khuyến khích
cách dùng ấy cho những bệnh nhân khác. Bệnh nhân và người thân cần hiểu rõ và
chấp nhận các bất toàn của việc thử nghiệm thuốc men.
Tường
Huy (5/4/2020)
*Tổng hợp tài liệu của NIH và FDA.