Gaël Giraud : Khủng hoảng corona xua tan các huyền thoại về kinh tế (Thụy My)
Thời đại của chủ nghĩa tân tự do phóng khoáng sắp kết thúc. Nhìn về khối các nước dân chủ, chính trị vốn đã bị tài chính hóa và đồng hóa dần với kinh tế đang xét lại, và sắp bị buộc phải trả lại vị trí vốn có của nó. Hiểu một cách đúng đắn chính trị là những cố gắng thể hiện những giá trị đạo đức trong xã hội.Kinh tế không phải là tất cả. Các nước phương Tây thận trọng hơn trong việc chi tiêu công, chú trọng hơn vào nền kinh tế nội địa và không thả nổi các dụng cụ đầu cơ tài chính như trước đây nữa. Bên cạnh đó, các nước đang dần hình thành một xu hướng "khu vực hóa" chuỗi cung ứng, sản xuất chứ không đem trứng bỏ hết vào một rổ ở Trung Quốc nữa. Đại dịch Covid19 càng làm tiến trình này được xét lại, dù đau nhức nhưng sẽ càng quả quyết hơn. Toàn cầu hóa trong tương lai gần sẽ được hiểu là sự hợp tác giữa các quốc gia với nhau trên nền tảng tôn trọng nhân quyền, chứ không thể để mặc các chế độ độc tài nắm quyền sản xuất hàng hóa giá rẻ nhờ việc khai thác và xuất khẩu sự nghèo khó của đa số người dân nữa.
Trả lời phỏng vấn tuần báo L’Obs, nhà kinh tế Gaël
Giraud nhận định từ nhiều năm qua người ta đã biết rằng hệ thống hiện
nay là dễ tổn thương. Nhưng tại sao lại không hành động gì ? Đó là do
những luận thuyết không căn cứ : tư nhân hóa, tự do mậu dịch, kỷ luật
ngân sách…
Gaël Giraud : Không, vì nó là duy nhất. Ngược với sự sụp đổ thị trường chứng khoán năm 1929 và khủng hoảng tín dụng thứ cấp (subprimes) năm 2008, nó đánh ngay và trước hết vào trung tâm nền kinh tế thực. Bộ máy sản xuất bị ngưng lại, các chuỗi giá trị toàn cầu chậm đi hoặc khựng lại, lao động bị đình công bất đắc dĩ. Đó không chỉ là một cuộc khủng hoảng theo như Keynes là cầu không đủ, mà còn khủng hoảng cả về cung.
Đại dịch đánh dấu việc bước vào một thời kỳ mới, xuyên qua các nguy cơ có liên quan đến hiện tượng hâm nóng khí hậu, và mở rộng thêm bởi một chủ nghĩa tư bản quá thiên về chứng khoán, làm chúng ta trở nên hết sức dễ tổn thương trước sự hữu hạn của thế giới.
Ông muốn nói về tính dễ tổn thương như thế nào ?
Không phải tất cả mọi người đều có thể làm việc ở nhà. Thế nhưng chúng ta đã cùng xây dựng một hệ thống, chẳng hạn trong đó một số thực phẩm đã đi hai vòng thế giới trước khi đến bàn ăn của chúng ta. Để đạt lợi nhuận tối đa trong ngắn hạn, chúng ta đã dựng lên các chuỗi cung ứng theo nguyên tắc giảm thiểu nguyên vật liệu và thành phẩm tồn trữ nhằm giảm chi phí, giao hàng trong thời gian ngắn nhất.
Luồng cung ứng này rất dễ tổn thương vì chỉ cần một công ty trong chuỗi ngưng làm việc – vì nhân viên bị bệnh hoặc từ chối làm do sợ rủi ro – sẽ làm cả chuỗi bị tắc. Một số thành phố trong những ngày, những tuần lễ tới có thể sẽ có kinh nghiệm cay đắng với việc cung ứng thực phẩm.
Trong hệ thống này, thị trường tài chính rất vô chừng vì bất chấp những cảnh báo từ hơn mười năm qua, vẫn chưa có biện pháp nghiêm túc để kìm lại các bong bóng và tình trạng hoảng loạn chứng khoán. Do theo giáo điều tân tự do mà không có cơ sở khoa học, bệnh viện thiếu phương tiện và một số dịch vụ công bị tư nhân hóa. Chúng ta đã biết những điều ấy từ nhiều năm, và nay thì sự dễ vỡ ấy nổ tung trước mắt chúng ta.
Đại dịch corona xảy ra trong một nền kinh tế toàn cầu hóa và thiên về tài chính. Tình trạng tài chính hóa này tiết lộ những gì ?
Các thị trường tài chính mà chúng ta cố gắng dựa vào để tạo ra thịnh vượng từ nhiều thập kỷ, không hề dự đoán được đại dịch. Tuy nhiên đó không phải là một sự kiện không thể tiên đoán, một « thiên nga đen » : Tổ chức Y tế Thế giới dự báo các chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc là những nguy cơ dịch tễ lớn. Vậy mà chúng ta vẫn tiếp tục duy trì ảo tưởng thị trường tài chính là kim chỉ nam cho xã hội ?
Ngoài ra từ 30 năm qua, toàn cầu hóa dựa vào năng lượng hóa thạch dồi dào, đặc biệt là dầu lửa. Năng lượng này làm cho Trái Đất nóng hẳn lên. Đồng thời giúp mở rộng các chuỗi sản xuất, làm phí vận chuyển trở nên không đáng kể, thúc đẩy chuyển dịch sản xuất sang những nước có giá lao động rẻ, trước hết là Trung Quốc. Ngày nay nền kinh tế thực bị ngưng đọng khiến giá dầu lao dốc. Sự sụt giá này không chỉ tác động lên các công ty dầu lửa mà cả vào lãnh vực tài chính. Có vô số cổ phiếu dựa vào năng lượng hóa thạch.
Sự kết thúc toàn cầu hóa về hàng hóa có thể gây sụp đổ giá trị những chứng khoán này. Cộng thêm sự hoảng loạn của các định chế tài chính đang nắm hàng núi nợ tư nhân, chỉ có thể hoàn trả khi GDP tiếp tục tăng trưởng. Thế nhưng năm 2020 sẽ là một năm suy thoái cho đa số nước. Nhiều nhà đầu tư đã hiểu ra rằng sẽ nhanh chóng mất khả năng thanh toán với các cổ phiếu này.
Như vậy cần phải chờ đợi điều gì ?
Một sự sụp đổ còn kinh khủng hơn cả năm 2008, trừ phi các Nhà nước hành động thật nhanh và mạnh để tránh cho nền kinh tế thực bị suy sụp hàng loạt. Chính quyền Trump đã loan báo hỗ trợ gần 1.000 tỉ đô la cho các hộ gia đình và doanh nghiệp. Ngân hàng Trung ương Châu Âu đưa ra kế hoạch 750 tỉ euro để mua lại nợ.
Đó là những quyết định đúng đắn ở cấp vĩ mô, nhưng tất cả còn tùy thuộc vào các sử dụng những khoản tiền này. Cần hướng về các công ty vừa và nhỏ, các gia đình, giảm lãi suất và tăng lượng tiền lưu thông (quantitative easing). Nếu không, một lần nữa số tiền này sẽ chỉ dùng để cứu các ngân hàng.
Những nước nào dám chi ra hàng loạt để cứu nền kinh tế thực của mình, sẽ sớm ra khỏi khủng hoảng. Chúng ta « đang trong tình trạng chiến tranh » ? Cần phải hiểu về thâm hụt ngân sách phải chịu đựng : đối với Hoa Kỳ là 12% GDP năm 1942, 26% năm 1943, 21% năm 1944 và 20% năm 1945. Những ai gắn bó với chủ thuyết ngân sách khắc khổ (không có căn cứ về kinh tế), sẽ phải chịu đựng suy thoái nặng nề cho đến nỗi cuộc khủng hoảng 2008 chỉ là một cuộc dạo mát.
Bây giờ là Nhà nước phúc lợi, quốc hữu hóa, tái thúc đẩy ngân sách…Phải chăng cuộc khủng hoảng virus corona đã làm sụp đổ các giáo điều kinh tế ?
Đúng vậy. Tôi rất vui khi nghe tổng thống Pháp trong cuộc họp nội các nói rằng từ nay không còn giới hạn nợ công. Hy vọng cuộc khủng hoảng này là dịp để làm xì hơi những huyền thoại kinh tế : trước mắt, Nhà nước cần tài trợ khẩn cấp cho các bệnh viện công và tái điều chỉnh hệ thống giá (ít nhất là tạm thời) để tránh nhu yếu phẩm bị tăng giá, cũng như thái độ trục lợi của một số người vô trách nhiệm.
Cũng mong cuộc khủng hoảng còn là cơ hội để từ bỏ tự do mậu dịch, đưa sản xuất trở về nước, tái kỹ nghệ hóa nước Pháp, bảo hộ sinh thái, xã hội và dịch tễ. Cơ hội để ngưng chạy theo ảo tưởng cạnh tranh đơn thuần và hoàn hảo, mà Ủy Ban Châu Âu đã nhân danh để cấm hỗ trợ cho những ngành công nghiệp và thương mại đặc thù. Nhất là, cơ hội để chấm dứt lệ thuộc vào việc chống lại thâm hụt ngân sách. Còn phải cần bao nhiêu người chết nữa tại khoa cấp cứu các bệnh viện để hiểu được điều ấy ?
Đại dịch này khiến người ta nghĩ đến phi toàn cầu hóa hoặc chủ nghĩa bảo hộ ?
Nó buộc chúng ta phải hiểu rằng chủ nghĩa tư bản không thể sống được nếu không có dịch vụ công mạnh, và phải xem lại tận gốc cung cách sản xuất, tiêu thụ. Đây không phải là đại dịch cuối cùng : nạn phá rừng cũng như chợ động vật hoang dã ở Vũ Hán khiến chúng ta tiếp xúc với thú vật cùng với các loại virus chưa hề biết đến. Tầng đất đóng băng vĩnh cửu (pergélisol) bị tan băng, có nguy cơ phát tán các dịch bệnh nguy hiểm : cúm « Tây Ban Nha » năm 1918, bệnh than…Chăn nuôi công nghiệp với những con vật cùng loài sống chen chúc, căng thẳng cũng tạo điều kiện cho nạn dịch lan tràn.
Ngày nay, chủ nghĩa tư bản biết được cái giá của mọi thứ, nhưng lại không biết về một giá trị gì. Nguồn gốc thực sự của giá trị là mối tương quan giữa người với người, và giữa con người với môi trường. Khi muốn tư hữu hóa, chúng ta phá hủy mối quan hệ này và khiến xã hội nguy ngập. Ngay đối với giới đặc quyền, tư nhân hóa hệ thống y tế là phi lý : họ không thể tách rời hoàn toàn với những người nghèo nhất, ít ra là cần có người mang thức ăn đến cho mình. Bệnh tật vẫn luôn đuổi theo họ. Y tế là tài sản chung của thế giới và phải được quản lý như thế.
Phải chăng chúng ta đang học cách giảm phát ?
Tôi nghĩ rằng một số người - đang mơ mộng theo chủ thuyết nền văn minh công nghiệp sẽ sụp đổ - họ sẽ nhanh chóng giảm nhiệt khi đối mặt với những gì đang diễn ra trong bối cảnh hiện nay, với sự chững lại thô bạo của nền kinh tế: thất nghiệp, phá sản, những cuộc đời tan vỡ, những cái chết, những đau đớn hàng ngày đối với những người gánh chịu suốt đời di chứng từ con virus.
Tiếp bước lá thư của Đức giáo hoàng Phanxicô gởi các giám mục « Laudato si’ » (Chúc tụng Chúa, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta), tôi muốn hy vọng rằng đại dịch này sẽ là cơ hội để định hướng lại cuộc sống và các định chế của chúng ta, về phía một mô hình tăng trưởng giản đơn và tôn trọng tính hữu hạn.
Nguồn tin: RFI Tiếng Việt