Đại dịch corona - vũ khí để Nga, Trung bóp méo thông tin chống lại EU (Thuỵ My)
Châu Âu và Mỹ vừa đang phải vật lộn chống lại sự lây lan nhanh chóng của covid - 19, vừa phải gồng lên đối phó với tin giả có chủ đích chính trị phát tán trên mạng được cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc và Nga.
03/04/2020 - 17:28
Mạng xã hội Facebook, một trong những kênh thông tin lớn bị lợi dụng để lan truyền những tin tức giả tạo. © REUTERS/Dado Ruvic
Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại trước những trang web, đặc biệt có liên quan đến Nga và Trung Quốc, liên tục lan truyền những tin đồn và « fake news » (tin vịt), kêu gọi các mạng xã hội « dọn dẹp » nội dung.
Theo Le Monde, việc bóp méo thông tin về đại dịch virus corona đã trở thành vũ khí thực sự cho những thế lực muốn gây bất ổn cho Liên Hiệp Châu Âu (EU), tìm cách thuyết phục rằng EU đang sụp đổ.
Tràn ngập trên các mạng xã hội khác nhau bởi những cơ quan tự xưng là « phi chính phủ » nhưng thực tế có liên hệ với một số Nhà nước, hay phổ biến thông qua các kênh thông tin trực thuộc các Nhà nước này, các thông tin trên nay đã bị nhận diện trên trang web euvsdisinfo.eu, do cơ quan SEAE (chuyên về các hành động bên ngoài) của EU phụ trách.
Ngày 01/04/2020, có 215 bằng cớ cụ thể về bóp méo thông tin đã được Bruxelles ghi nhận. Ví dụ mới nhất là trong cùng một ngày, người ta có thể đọc thấy : « CIA đã tạo ra con virus corona và USAID là một nhóm khủng bố có liên quan », « Cáo buộc Trung Quốc về đại dịch là chiến lược vu khống, cũng giống như tố cáo Nga đã bắn rơi MH-17 ». Hoặc « Quốc Hội Ý đã cho hạ xuống lá cờ Liên Hiệp Châu Âu », « Những người bảo vệ môi trường vô cùng vui mừng coi đại dịch là cơ hội ». Vân vân…
Lan tràn những tin vịt với toan tính chính trị
Tất cả những « tin » này được phổ biến tại nhiều nước kể cả các nước châu Âu, tạo thành một luồng thông tin liên tục và « ngày càng mãnh liệt » - theo nhận xét của Peter Stano, phát ngôn viên của cao ủy đối ngoại Josep Borrell.
Và các « tin tức » rõ ràng mang tính chính trị trên, cộng với các thông tin được cho là phương pháp để chữa trị Covid-19 - như uống nước Javel hay cồn nguyên chất, uống thật nhiều vitamine C - đã khiến chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen phải công khai tố cáo « các thông tin bóp méo có thể làm chết người ».
Chi nhánh tiếng Đức của hãng tin Nga Sputnik, mới đây thông qua Facebook và Twitter đã khẳng định, rửa tay chẳng có tác dụng gì cả !
Sau hai tháng nghiên cứu các nội dung, SEAE nhận thấy mục tiêu chính của những kẻ bóp méo thông tin vẫn là Hoa Kỳ. Mỹ bị buộc tội « tổ chức lan truyền con virus ». Ngay sau đó là chủ đề Liên Hiệp Châu Âu sắp sụp đổ, Châu Âu bất lực không thể giúp đỡ các thành viên…đi kèm với việc nhấn mạnh viện trợ nhân đạo của Nga đối với Ý.
Hướng tuyên truyền thứ ba : con virus có thể được tung ra để ngăn chận sự phát triển của Trung Quốc. Chủ đề thứ tư : Cuộc khủng hoảng dịch tễ nằm trong kế hoạch bí mật của một « giới tinh hoa toàn cầu hóa ». Cuối cùng là vô số tin đồn nhằm làm mất ổn định Ukraina, đặc biệt hồi tháng Hai đã gây ra bạo động tại một thành phố nhỏ ở miền trung, khi lan truyền tin vịt nhiều người bị bệnh đã được đưa về từ Vũ Hán.
Thường xuyên được cho là thủ phạm dù châu Âu tránh nêu tên trực tiếp, Nga bác bỏ mọi liên quan đến những chiến dịch tuyên truyền trên đây. Một phát ngôn viên điện Kremlin cho là « vô căn cứ và phi lý ».
Những « nguồn tin Trung Quốc » cũng rất tích cực hoạt động, vừa để chống lại những chỉ trích về xử lý khủng hoảng của Bắc Kinh, vừa củng cố hình ảnh Trung Quốc trên trường quốc tế đồng thời nhằm ổn định nội bộ. Nhiều tài khoản Twitter giả mạo được người Trung Quốc sử dụng để xỏ xiên vai trò các mạnh thường quân châu Âu ở châu Phi.
Một số nhân tố khác : Syria tố cáo châu Âu duy trì trừng phạt trong thời kỳ đại dịch, Thổ Nhĩ Kỳ lan truyền rộng rãi các luận điệu chống EU, hoặc từ một số nước Balkan để dọa rằng EU sẽ « xâm lăng » bằng vũ khí sinh học.
Xóa các thông tin có hại
Làm thế nào để đáp trả ? Phát ngôn viên Stano nói : « Chúng ta sẽ không trả đũa bằng các chiến dịch phản tuyên truyền, nhưng qua việc nêu ra các sự kiện, thức tỉnh lương tâm, giúp công chúng tránh các nguồn bất minh ». Bà Von der Leyen thì muốn dựa vào vai trò của các phương tiện truyền thông « uy tín, đáng tin cậy ».
Tổng thư ký Jens Stoltenberg, hôm 01/04/2020 khi được hỏi về cách trả đũa của NATO, cũng nhấn mạnh « vai trò vẫn còn rất quan trọng của truyền thông tự do trong thời kỳ khủng hoảng ». NATO cũng là nạn nhân bị « fake news » chiếu cố, chẳng hạn một kênh thông tin Nga khẳng định một quân nhân Mỹ tại Litva bị dương tính.
Về phần các nghị sĩ châu Âu gần đây đã gởi thư cho chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel và bà Ursula von der Leyen để đòi hỏi cần phải có hành động mạnh mẽ hơn đối với Nga và Trung Quốc.
Ủy Ban Châu Âu khẳng định đang làm việc với các trang mạng. Phó chủ tịch Vera Jourova hôm 27/3 gặp gỡ với các « đại gia » đã ký kết hợp tác chống bóp méo thông tin (Google, Facebook, Twitter…), các tập đoàn này cho biết đã gỡ bỏ rất nhiều nội dung độc hại. Tuy nhiên Le Monde cho rằng không phải tất cả, như các « tin » quy cho quân đội Mỹ đã gieo rắc con virus ở Vũ Hán vẫn đang còn lan truyền.
Facebook khẳng định đã tăng gấp đôi nỗ lực nhằm loại đi những thông tin độc hại, và hứa lập ra một bộ phận chuyên theo dõi các nội dung. Twitter thì muốn xóa tất cả những phương thức giả hiệu chống Covid-19. Tuy vậy các mạng xã hội cũng cho biết trước quy mô của hiện tượng tin giả, cần phải cầu viện đến trí tuệ nhân tạo để thay cho nhiều nhân viên đang bị cách ly hoặc nhiễm bệnh.
Bà Jourova tỏ ra không bị thuyết phục mấy, cho rằng các mạng xã hội lớn cần phải gia tăng nỗ lực và chứng tỏ kết quả. Cao ủy nhấn mạnh đến lợi ích của EU khi chống lại nạn bóp méo thông tin trong thời kỳ đại dịch. Đây là một lời cảnh báo lịch sự, vào lúc EU đang chuẩn bị « Kế hoạch hành động vì nền dân chủ châu Âu », trong đó chú trọng đến tính minh bạch và trách nhiệm của các nhân tố chính trên internet.
Nguồn: RFI Tiếng Việt