Sau đại dịch Covid-19, phương Tây đối mặt với những « núi » nợ khổng lồ (Minh Anh)

Sau cuộc khủng hoảng nợ công 2008, hầu hết các nước phương Tây đều phải thực hiện chính sách " thắt lưng buộc bụng ", núi nợ chưa giảm bao nhiêu thì đại dịch covid - 19 ập đến. Kế hoạch giảm nợ coi như đã phá sản, các chính phủ phải  bơm tiền với khối lượng lớn chưa từng có để cứu trợ khẩn cấp. Hậu quả của biện pháp bất đắc dĩ vẫn chưa thể lường hết.

03/04/2020 - 14:22
Chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu Christine Lagarde. Ảnh chụp trên màn hình, tại thị trường chứng khoán Frankfurt, Đức, ngày 12/03/2020
Chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu Christine Lagarde. Ảnh chụp trên màn hình, tại thị trường chứng khoán Frankfurt, Đức, ngày 12/03/2020 REUTERS - Ralph Orlowski

Nước Pháp 45 tỷ euro, Ý 50 tỷ euro, Anh Quốc 34 tỷ bảng Anh,… và ấn tượng nhất là Hoa Kỳ 2.000 tỷ đô la. Những kế hoạch hỗ trợ kinh tế này sẽ đẩy các nước phương Tây vào một thời kỳ mắc những khoản nợ to lớn chưa từng có. Làm thế nào để đối phó ?

Theo thẩm định của công ty dịch vụ tài chính Thụy Sĩ UBS, tổng giá trị các kế hoạch tái thiết kinh tế chiếm đến 2,6% tổng thu nhập toàn cầu (GDP), vượt xa con số 1,7% hồi xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008. Tỷ lệ này sẽ còn tăng cao hơn tại một số nước như Hoa Kỳ (10%), Anh Quốc (8%)…

Ở châu Âu, viễn cảnh này sẽ còn đen tối hơn. Tại nhiều nước, nợ công vốn dĩ đã nặng giờ sẽ còn tăng vọt với các khoản hỗ trợ kinh tế được đề ra. Chẳng hạn như tại Ý, nợ công hiện nay chiếm đến 135% của GDP, có nguy cơ tăng đến mức 181% từ đây đến cuối năm 2020. Nước Pháp cũng không sáng sủa hơn khi mức nợ công có thể tăng từ 101% lên 141% của GDP, hay Tây Ban Nha là 133%. Với những rủi ro này, mục tiêu chính thức của Liên Hiệp Châu Âu đặt ra là ở mức 60% của GDP xem như tan thành mây khói.

Làm thế nào để đối phó với tình trạng bùng phát nợ ? Trả lời báo Le Monde, nhà kinh tế học Marchel Alexandrovich tại Jefferies cho rằng tình hình không có gì đáng lo ngại trong ngắn hạn : Nếu lãi suất vẫn thấp, thậm chí là âm như hiện nay, việc hoàn nợ và lãi sẽ không đè nặng lên ngân sách Nhà nước. Hoặc nếu tăng trưởng mạnh, tức là GDP tăng thì tỷ lệ nợ so với GDP sẽ giảm đi. Kịch bản thứ hai này đã từng xảy ra sau khi Đệ Nhị Thế Chiến kết thúc.

Tuy nhiên, bà Helene Rey, trường London Business School lưu ý là « chiếc chìa khóa » để có được kết quả thần kỳ này là lòng tin đối với các Nhà nước, tính khả tín của các nước đi vay, nếu không, các chủ nợ có thể đòi mức lãi suất rất cao, khiến cho việc hoàn nợ còn thêm khó khăn, và có thể dẫn đến nguy cơ giá trị đồng tiền bị sụp đổ, dòng vốn bị thất thoát và Nhà nước bị phá sản.

Chỉ có điều tình hình ngày nay khác xa so với châu Âu thời hậu chiến. Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 buộc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu (BCE) phải ra tay cứu giúp các nước thành viên bằng cách mua trái phiếu của các nước thành viên. Trong khối đồng tiền chung euro, BCE hiện nắm giữ đến 1/4 nợ các nước.

Vậy châu Âu sẽ phải đối phó thế nào với đống « núi nợ » khổng lồ đó sau trận đại dịch ? Kinh tế gia trưởng Gilles Moec tại Axa cho rằng châu Âu có hai giải pháp. Thứ nhất là xóa nợ cho các nước thành viên. Điều này chắc chắn không thể xảy ra vì với BCE đây là một giải pháp « không chính thống » (heterodoxe).

Giải pháp thứ hai là « hãm không để cho nợ phình ra ». BCE có thể « triệt sản » số nợ đang nắm giữ bằng cách cho « tái đầu tư trong vòng 30 hay 50 năm tại những nước mắc nợ ».

Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, phương thức « tiền tệ hóa » nợ công (các ngân hành trung ương tài trợ trực tiếp cho các chính phủ) cũng có những hạn chế. Việc nợ được chuyển thành tiền đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo ra một khối lượng lớn tiền tệ trên thị trường, có thể làm sụp đổ giá trị đồng nội tệ, dẫn đến tình trạng thất thoát dòng vốn.

Đó cũng là những gì từng xảy ra cho nước Pháp trong những năm 1950 sau một chuỗi chính sách hạ giá đồng tiền và hải quan buộc phải kiểm soát nghiêm ngặt nhằm ngăn chận việc tuồn vàng sang Thụy Sỹ.