Nước Anh chờ dịch lên đỉnh với ba lãnh đạo chống virus corona cùng dương tính (Nguyễn Giang)

Thủ tướng Anh Boris Johnson và hai lãnh đạo đứng đầu cuộc chiến chống dịch đã dính covid - 19. Ông Johnson thường tỏ ra mạnh mẽ, tự tin đến bất cẩn, và ông đã phải trả giá vì con virus corona rất " thích " những người như vậy.

Boris Johnson
Getty Images
Tin thủ tướng Anh Boris Johnson mắc virus corona gây choáng cho cả nước Anh

Tin Thủ tướng Anh Boris Johnson nhiễm virus corona là 'news' hàng đầu trên tất cả các phương tiện truyền thông Anh Quốc từ trưa thứ Sáu 27/03.

Dù nhiều nhân vật cao cấp ở Anh, gồm Thái tử Charles đã dính Covid-19, tin thủ tướng mắc virus vẫn gây choáng cho cả nước.

Điều đáng chú ý là ông Johnson và Bộ trưởng Y tế Matt Hancock (sinh năm 1978) hay cùng nhau chủ trì họp báo truyền hình trực tuyến hàng ngày lúc 5 giờ chiều về cuộc chiến chống Covid-19 của Anh.

Cạnh họ thường có Giám đốc Y tế England, giáo sư Chris Whitty, nhà tư vấn hàng đầu cho chính phủ Anh chống dịch bệnh.

Đến chiều thứ Sáu thì rõ ra là hai ông Johnson và Hancock bị dương tính, còn giáo sư, bác sĩ Whitty “có triệu chứng” và sẽ tự cách ly bảy ngày.


Boris 'bất cẩn' bị chê trách

Tờ HuffPost viết: “Ba nhân vật lãnh đạo công tác chống virus corona của Anh bị đánh gục chỉ trong một ngày”.

Tựa đề đó không làm vẻ tự tin của ông Johnson giảm đi khi ông lên Twitter nhắn gửi người dân về tình trạng của mình.

Có vẻ ông tự quay video từ phòng riêng nên hình rất là 'amateur', trần nhà nhiều hơn đầu trong khuôn hình.

Boris Johnson vẫn tỏ ra không sợ gì như thường lệ, và tỏ quyết tâm chiến thắng dịch bệnh.

Nhưng người ta cũng hỏi ngay có phải thái độ bất cẩn ngạo nghễ (nonchalant) của thủ tướng Anh khiến ông ta dính virus.

Chưa kể không thể loại trừ khả năng ông Jonson đã làm lây lan dịch bệnh, dù chính ông luôn nhắc người dân tuân thủ các nguyên tắc giãn cách giao tiếp, rửa tay...

Báo Anh nhắc lại hồi dịch nổ ra, ông Boris Johnson còn thăm bệnh viện, bắt tay một số bệnh nhân virus corona.

Tuần trước ông vẫn trả lời chất vấn trong quốc hội, và tờ The Guardian “khoanh vùng” ra ít nhất 10 người trong nội các, và nghị viện đã thường xuyên gặp ông.

Khi ra họp báo, thường Boris Johnson đứng ở bục có micro riêng, cách hai quan chức chính quyền và ngành y tế Anh 2 mét mỗi bên.

Thật là hình ảnh tiêu chuẩn cho 'social distancing' – giãn cách giao tiếp.

Mục tiêu của Anh Quốc, như ông Boris Johnson nhắc đi nhắc lại trên truyền hình, là 'Stay home, Protect NHS, Save lives' – Ở trong nhà, Bảo vệ Hệ thống Y tế công và Cứu mạng sống.


Nhưng một số báo Anh lại tìm ra tấm hình ông Boris Johnson, cùng ba bốn vị sau khi trả lời báo chí đã đi sát nhau và trao đổi gì đó sôi nổi khi xuống cầu thang.

Ôi thôi, tấm gương 'nói và làm' hết sáng choang như tuyên truyền.

Boris Johnson nay tự cách ly trong phòng riêng, cơm sẽ có người mang vào để ở cửa và rút lui ra khoảng cách an toàn, để ông ăn.

Thật may là người phụ nữ trẻ của đời ông, Carrie Symonds, đang có mang, hiện sống ở nơi khác.

Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab
Dominic Raab
Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab

Thế nhưng mọi nhân viên của Phủ đầu rồng ở số 10 Downing Street đã phải tuân theo quy định của y tế, tức là cách ly, kiểm tra sức khoẻ gấp.

Trong họp báo chiều thứ Sáu, Bộ trưởng Michael Gove chủ trì đã bị hỏi ngay là nếu thủ tướng Boris Johnson (55 tuổi) không làm việc được thì ai sẽ thay thế.

Người giữ quyền phó thủ tướng nay là Bộ trưởng Ngoại giao Dominic Raab (sinh năm 1974), sẽ thay ông Johnson nếu cần.

Nếu Bộ trưởng Ngoại giao Raab cũng nghỉ vì virus thì ai thay?

Chính phủ Anh chưa có câu trả lời mà cố nhấn mạnh rằng các vị lãnh đạo đang tự cách ly “đều không có triệu chứng nghiêm trọng, vẫn làm việc”.

Điều này không làm niềm tin vào họ tăng lên một inch nào cả.

Trước mắt thì ai cũng đành thông cảm cho ông Boris Johnson và chia sẻ quan điểm của ông rằng chống dịch virus giống như cuộc chiến chống kẻ thù vô hình, ai cũng có thể trúng đạn.

Nhưng Anh Quốc mùa chống Covid-19 , với hơn một tuần sau lệnh phong tỏa mềm Boris tung ra có gì khác lạ?


Xin kể từ góc độ cá nhân.

Chính phủ yêu cầu làm việc từ nhà nếu có thể nên tôi đã tuân thủ. Working from Home, hay WFH thành khẩu hiệu, thành tiếu lâm, thành meme, GIF bà con chia sẻ qua các chat app liên tục. Cũng vui.

Mỗi ngày người ta được ra ngoài một lần, đi dạo, thể dục, tối đa là hai người, hoặc “chỉ các thành viên gia đình với nhau” - chỗ này tranh cãi mạnh, các báo đua nhau giải thích.

Ra công viên, đi trên vỉa hè thì 'alright', nhưng tránh dừng lại tụ tập, tán chuyện.

Công viên Hesketh ở Dartfort, Kent
Giang Nguyen
Công viên Hesketh ở Dartfort, Kent

Công viên Hesketh cách nhà tôi 50 mét có một vườn hoa, sân chơi trẻ em, câu lạc bộ bowling, sân tennis và sân chơi cricket khá rộng.

Nay thì cả bowling và tennis đều nghỉ, sân chơi trẻ em còn khóa lại để không ai vào.

Riêng sân cricket - một trong những cơ sở thể thao lâu đời nhất ở Anh, với trận Kent gặp Surrey diễn ra năm 1709 - thì dọn cột, bảng điểm đi để thành bãi cỏ cho mọi người đi dạo.

Hai vợ chồng tôi sáng nào cũng ra đó đi hai vòng, gặp hàng xóm láng giềng chỉ vẫy chào từ xa để giữ khoảng cách đúng luật – social distancing.

Khổ nỗi bọn chó của bạn bè, xóng giềng không biết luật nên cứ thấy người quen là lao tới.

Hôm qua, chú Ronnie, chó shih-tzu của nhà Sharon cứ kéo dây của chủ để chạy đến chân tôi khi chúng tôi đứng cách nhau tới 4-5 mét để chào hỏi, nói chuyện chớp nhoáng trong công viên.

Ronnie từng được gửi ở nhà tôi khi vợ chồng Sharon lên Leicester dự đám cưới.

Chỉ một ngày ở với 'bác Giang' mà nó đã biết khẩu lệnh tiếng Việt 'ngồi, đi, ăn' nhưng nay thì đành đứng cách xa ngước mắt nhìn, rất thương.

Nói thể để thấy người dân dần dần quen với lệnh 'giãn cách giao tiếp'.

Tiếc là Boris đã chủ quan, không làm được như dân thường chúng tôi.

Sân cricket địa phương, có từ thế kỷ thứ 18
Giang Nguyen
Sân cricket địa phương, có từ thế kỷ thứ 18

Xa nhau lại quý nhau hơn

Thời buổi lạ kỳ, người dân Anh tránh nhau như lại hóa ra thân nhau hơn.

Một mặt ai cũng lịch sự tránh lối để không va vào nhau, và người quen cũng đứng xa quá hai mét để trao đổi nhanh.

Mặt khác, người ta cởi mở hơn, không cần hỏi cũng muốn chia sẻ, thông cảm.

Bà hàng xóm đối diện nhà tôi nướng bánh butter cookies, nhắn tin và mang sang để vào trong porch cho bọn trẻ con.
Vợ tôi có làm bánh tráng pancake tặng lại cho hai vợ chồng bà, vẫn qua hình thức 'distanced delivery': để thức ăn ở cửa, bấm chuông rồ̀i về.


Cô Charlotte cách hai số nhà ngồi trong xe đỗ cạnh nhà, hạ cửa sổ nói chuyện với chúng tôi khá lâu khi bọn tôi đi dạo về.

Nào chuyện trường học – cả hai vợ chồng cô là giáo viên nay đã tạm nghỉ – nào chuyện đặt mua thịt bò loại rumsteak ở đâu. Cô chia sẻ số Whatsapp của một tiệm thịt tư nhân (private butcher, chắc mở ngay trong chuồng bò ở nông trại nào đó), loại bán cho dân, không cung cấp cho siêu thị, không có cả trang web, chắc là hoạt động từ trước thời có Internet. Tôi tra Google Map thì thấy địa chỉ tồn tại bí hiểm đâu đó ở Kent Downs, cách nhà phải 30 miles, ở vùng nhiều đồng cỏ, rừng cây.

Không khí 'mua hàng bí mật' có vẻ hồi hộp như thời chiến.

Xin nhắc lại, năm 1940, Winston Churchill đã có mật lệnh (Official Secrets Act) để dân Anh rút lên các vùng núi lập chiến khu nếu Đức đổ bộ thành công.

Người Anh cũng đã sẵn sàng trồng rau, nuôi bò trong các trại bí mật ở Scotland, Wales, West country, nếu vùng đô thị Đông Nam bị Đức chiếm, để rồi từ “bưng biền” đánh ra giành lại tổ quốc.

Memorial stone từ Thế chiến 2 tưởng niệm phi công Trevor Oldfield
Giang Nguyen
Phiến đá tưởng niệm từ Thế chiến 2 tưởng niệm phi công Trevor Oldfield

Thật may là khi đó, Không quân Luftwaffe của tay bụng bự phù phiếm Hermann Goering đã thất bại không diệt được Royal Air Force nên Operation Sea Lion của Hitler chiếm đảo Anh bất thành.

Tuy thế, Kent là nơi diễn ra không chiến Battle of Britain, hứng chịu mưa bom Blitzkrieg vì ở tuyến đầu bảo vệ London trước không quân phát-xít Đức từ Pháp bay sang.

Ngay trong công viên gần nhà tôi vẫn còn khối đá (memorial stone) khắc dòng chữ tưởng niệm phi công Trevor Oldfied bị Đức bắn rơi, tử nạn ngày 27/09 năm 1940.

Trung đoàn Royal East Kent Regiment (the Buffs) còn có thành tích lớn, đẩy lui một sư đoàn Nhật trong trận Kohima ở vùng núi Miến Điện năm 1944, khiế̃n Đế quốc Nhật phải bỏ mộng chiếm Ấn Độ.

Nếu ngày nay, chỉ vì con virus từ Vũ Hán mà dân Anh phải trống cấy, bán hàng chợ đen 'bí mật' thì quả lạ chuyện không thể tin nổi.

Nhưng cá nhân tôi tin là chống virus corona chỉ giống như chiến tranh ở một vài điểm.

Sân của Câu lạc bộ bowling địa phương
Giang Nguyen
Sân của Câu lạc bộ bowling địa phương

Đầu tiên là vấn đề tâm lý

Khi gặp khủng hoảng chung, quần thể người đã có sẵn bản năng sinh tồn, và tình đồng bào, đồng loại để vượt khó. Người ta dễ nghe lời chính phủ hơn, bỏ qua các khác biệt thường ngày.

Không ai thấy khó chịu với message “Ở trong nhà, bảo vệ y tế, cứu người” không hỏi mà hiện lên trong tin nhắn của các nhà mạng.

Truyền hình quốc gia cũng có luôn cái logo mang khẩu hiệu đó ở góc trái màn hình.

Hơn nửa triệu dân Anh đã hưởng ứng kêu gọi của chính phủ, đăng ký làm tình nguyện viên giúp hệ thống y tế và trợ cấp xã hội, đông gấp đôi nhà nước cần là 250 nghìn người.

Họ sẽ lo việc chuyển lương thực, thực phẩm, thuốc men đến các cụ già sống độc thân, hoặc trợ giúp

Tối thứ Năm, đúng giờ hẹn 20:00 giờ cả phố ra cửa vỗ tay cảm ơn y bác sĩ của Hệ thống Y tế Công Anh Quốc (National Health Service – NHS).

Lần đầu tiên tôi thấy các bà các cô cùng phố trình làng 100% trong bộ đồ ở nhà, chao ôi là 'homely', các ông thì quần ngắn, dép lê, bọn trẻ có đứa đeo headphone, chắc chưa dứt phim trên Netflix....

Sau hai phút ai lại vào nhà nấy, lặng lẽ.

Khu sân chơi trẻ em trong công viên bị khóa cửa
Giang Nguyen
Khu sân chơi trẻ em trong công viên bị khóa cửa

Lý do thứ hai khiến chống dịch giống đánh giặc là khi cơ thể quốc gia bị tấn công, bị va đập nên làm lộ ra các vết nứt về tổ chức, về bất công xã hội.

Chiến tranh có người ra tiền tuyến, có người ấm chỗ ở nhà, khẩu phần ăn cũng có hơn có kém.

Nay người ta hỏi tại sao thủ tướng Boris Johnson và bộ trưởng Matt Hancock được làm xét nghiệm “chen hàng” trước dân và trước cả các nhân viên y tế của hệ thống NHS?

Vì cho đến nay, vô số người có triệu chứng gọi đến số 111 chỉ được khuyên ngồi nhà, tự cách ly, còn bệnh viện không có chỗ làm xét nghiệm.

Mặt khác, như SkyNews hỏi, phải chăng nên bỏ sự đóng kịch “bình đẳng” để xét nghiệm toàn bộ chính phủ Anh, nhằm làm rõ ai khoẻ, ai bệnh khi quốc gia cần người điều hành, giúp dân yên tâm hơn?

Giống thời chiến, câu hỏi về người lãnh đạo, tính cách, phẩm chất của họ trong cuộc khủng hoảng luôn là quan trọng nhất.

Còn lại thì đây không phải là chiến tranh.

Nói đến tình hình ở Anh với số tử vong vì Covid-19 tăng chóng mặt, một tờ báo viết đây là “a badly managed epidemic” - 'trận dịch bị xử lý tệ'.

Tôi không có chuyên môn y tế cộng đồng nên không dám bình luận thêm.

Nhưng quan sát về tác động xã hội của vụ virus này thì thấy có nhiều điều thú vị.

Nhiều người làm việc tại nhà trong mùa dịch virus corona
Getty Images
Nhiều người làm việc tại nhà trong mùa dịch virus corona

WFH – working from home: nghe thì hay nhưng để làm tốt, người ta cần tăng trao đổi thông tin rất nhiều.

Vì để nhân viên làm việc từ nhà thì phải trông cậy nhiều vào tính tự giác của họ.

Ngược lại, làm từ nhà, từ xa cũng bộc lộ ra sự vô dụng của nhiều cơ chế chỉ huy, quản lý.

Đã có các giám đốc công ty bị trầm cảm vì thấy hụt hẫng, mất đi quyền giám sát tận mặt.
Họp hành trong văn phòng lâu nay hóa ra chỉ tốn mặt bằng, điện nước. Nay chuyển tất cả lên mạng vẫn không hề thấy chất lượng giảm đi.

Nhiều lãnh đạo bỗng lộ ra là chẳng làm gì cụ thể, chỉ hô hào chung chung, đọc email, tái chế thông điệp từ trên xuống, thêm bớt cho có phần của mình.

Nhiều dịch vụ, kể cả một số nội dung tin bài của báo chí, hóa ra chỉ là thừa thãi, 'có thì vui' (nice to have) nhưng bỏ đi cũng chẳng làm sao, không ai lưu luyến.

Bội thực thông tin, hàng hóa, ẩm thực đều không tốt, không cần thiết.

Có mặt hàng ta tưởng là 'không có thì chết' hoàn toàn có thể loại khỏi menu.

Tóm lại, con virus này xem ra có sức mạnh thanh lọc thế giới loài người rất ghê gớm.

Điều chỉnh lại lối sống

Lenin từng viết “Có những thập niên trôi qua không xảy ra điều gì, và có những tuần mấy thập niên cùng xảy đến.” (There are decades when nothing happens, and there are weeks where decades happen).

Đây có lẽ là thời khắc như vậy.

Xét cho cùng ở Anh, Mỹ, hay ở Việt Nam, Trung Quốc thì cũng giống nhau ở điểm này.
Các tín điều, chuẩn mực cũ về xã hội, về kinh tế, về quan hệ bỗng nhiễm Covid và lên cơn sốt hết cả.

Họp hành, thăm hỏi nhau qua mạng tăng đáng kể khi nhiều người ở nhà để giữ khoảng cách xã hội
Getty Images
Họp hành, thăm hỏi nhau qua mạng tăng đáng kể khi nhiều người ở nhà để giữ khoảng cách xã hội

Đọng lại, điều tôi thấy cần nhất là sự chia sẻ, là tình bạn, là sự quan tâm của gia đình.

Một buổi chiều tối, tôi và gần 10 bạn Việt Nam ở London nối mạng video, gọi là 'online pub' uống bia 'từ xa'.

Tất cả đều là dân 'professionals', hoặc làm doanh nghiệp, công ty, thành đạt và hiểu biết.

Thông tin từ các bạn chia sẻ từ công ty, ngành nghề của mình vẽ ra bức tranh nhiều lo ngại về những điều nhan chóng làm thay đổi cuộc sống ở Anh tới chóng mặt chỉ chưa đầy một tuần qua..

Nỗi lo chung là không rõ cuộc khủng hoảng này kéo dài đến đâu.

Sau Tây Ban Nha, Ý, cơn bão đang ập đến Anh.

Cái giá bảo vệ nền kinh tế Anh là thâm hụt ngân sách quốc gia lên mức kỷ lục: 200 tỷ bảng trong năm tài khóa 2020-21, theo tính toán mới nhất của Carl Emmerson và Isabel Stockton vừa công bố.

Trên thị trường tài chính, Anh sẽ phải vay thêm 177 tỷ bảng (217 tỷ USD) để chống virus corona.

Khoản nợ bằng 8% thu nhập quốc dân này sẽ là gánh nặng đè lên vai tất cả người đóng thuế như chúng tôi vào những năm tới.

Hoa vẫn nở tưng bừng sắc xuân ngoài công viên Hesketh
Giang Nguyen
Hoa vẫn nở tưng bừng sắc xuân ngoài công viên Hesketh

Tới thời điểm này, cuộc tranh cãi nước nào xử lý giỏi hơn đã trở nên vô nghĩa.

Ngoài chuyện đau buồn hàng ngày về số tử vong nhảy nhanh thì thực tế là nước nào cũng đang rất khó khăn.

Nghĩ tới Việt Nam, tôi lo rằng đến cả các nền kinh tế Phương Tây hàng đầu thế giới mà còn liêu xiêu thì những nước nghèo hơn sẽ gặp nguy cơ chìm đắm, loạn lạc nếu dịch kéo dài.

Vấn đề là sự sống còn của loài người và năng lực tái thiết sau dịch, là tính sáng tạo, khả năng xây dựng ra mô hình xã hội mới, cách làm ăn, sinh hoạt mới.

Ngoài công viên, nắng vẫn vàng rực và hoa anh đào vẫn cứ nở với sắc trắng, hồng miên man.

Trời đẹp lạ kỳ vì bắt đầu vào xuân.

Có phải thiên nhiên đang trêu ngươi chúng ta?