Nông nghiệp bị tổn hại nặng do dịch virus corona (RFA Tiếng Việt)
Nông nghiệp vốn là ngành dễ bị tổn thương bởi thời tiết, sâu bệnh, dịch bệnh... nông nghiệp Việt Nam càng dễ tổn thương vì phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Tình trạng khi có biến động đột xuất ở thị trường Trung Quốc thì nông sản Việt Nam lao đao đã lặp đi lặp lại nhiều lần, nhưng chính quyền cộng sản không có giải pháp.
Trái cây Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường khó tính bằng đường chính ngạch. AFP
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam vào ngày 3/2 phát biểu rằng “Nông nghiệp là ngành tổn hại nặng nhất bởi dịch virus corona”.
Thực tế & nguyên nhân
Theo dự đoán của Bộ NN&PTNT, thương mại nông lâm thủy sản của Việt Nam và Trung Quốc sẽ bị tác động theo hướng tiêu cực trước diễn biến phức tạp và khó lường của dịch viêm phổ cấp. Cả hai nước sẽ diễn ra tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ do hạn chế giao dịch tại các chợ biên giới hai nước.
Hiện tại, theo kết quả báo cáo của Bộ NN&PTNT, ngành hàng đầu tiên chịu tác động là sản phẩm hoa quả, cụ thể hiện nay quả thanh long và dưa hấu.
Ngoài ra, trong lĩnh vực chăn nuôi, việc xuất khẩu các sản phẩm sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn khi thông thương nội địa và quốc tế của Trung Quốc bị đình trệ.
Xác nhận thực trạng này với Đài Á Châu Tự Do, một người trồng sầu riêng ở Tiền Giang chuyên bán hàng cho hợp tác xã để xuất sang Trung Quốc cho biết:
“Anh thấy đóng cửa khẩu nông sản nằm lại hết, bây giờ không xuất đi được thì hầu như ai cũng bị ảnh hưởng chung, mấy vựa xuất đi Trung Quốc ngưng hết rồi, nông dân phải chấp nhận thôi.”
Không chỉ riêng Tiền Giang, mà ngay ở Long An, nơi có dưa hấu Long Trì nổi tiếng cũng chịu chung tình cảnh ảm đạm, như lời anh Nguyễn Thành Lê trong Liên minh Hợp tác xã Long An bày tỏ:
“Tình hình khó khăn nhiều vì không mua bán gì được, mua bán nông sản mình đưa cho Trung Quốc nhiều mà giờ bị hạn chế, đóng cửa khẩu, ảnh hưởng nhiều.”
Chúng tôi có trao đổi với ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn về tình mức độ ảnh hưởng đối với ngành nông nghiệp mà virus corona gây ra, nhưng nhận được câu trả lời:
“Không, tôi không có quan ngại.”
Dưới góc nhìn chuyên môn, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế trình bày về những thiệt hại kinh tế mà dịch bệnh corona gây nên cho ngành nông nghiệp Việt Nam:
“Rất nhiều rau củ quả, hàng nông sản của Việt Nam bán sang Trung Quốc đang bị ảnh hưởng, cả chiều ngược lại cũng vậy, những hàng của Trung Quốc cũng bị hạn chế rất nhiều khi nhập vào Việt Nam. Nói chung ngoại thương của Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi Corona và nước hiện tại mình có ngoại thương rất lớn là Trung Quốc là trường hợp điển hình. Nhưng có thể sẽ lan tỏa sang những quốc gia khác vì mình không chỉ bán nông sản sang Trung Quốc mà nhiều nước khác nữa.”
Hình minh họa. Nhân viên y tế vào khu vực cách ly nơi có hai bệnh nhân nhiễm corona virus ở bệnh viện Chợ Rẫy, thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/1/2020 AFP
Vẫn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, không chỉ riêng Việt Nam mà nền kinh tế thế giới sẽ chịu tác động trong thời gian sắp tới do dịch virus corona; nhưng hiện tại còn quá sớm để đưa ra nhận xét:
“Chúng ta phải chờ xem liệu dịch bệnh có kiểm soát trong vòng tháng 2 hay không. Nếu được kiểm soát, nền kinh tế thế giới sẽ trở lại bình thường, Việt Nam qua những hiệp định thương mại sẽ tiếp tục phát triển ngoại thương. Nhưng trong trường hợp dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trong tháng 2 ảnh hưởng cả thế giới thì dĩ nhiên kinh tế Việt Nam cũng bị tác động mạnh bởi dịch bệnh này. Những ngành nghề như du lịch, giao thông vận tải, nông nghiệp, nông sản, kể cả người lao động vì hiện tại Việt Nam tiếp nhận rất nhiều người lao động Trung Quốc đồng thời là người lao động Việt Nam làm ở các nước khác. Nếu dịch bệnh này lan tỏa sẽ ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.”
Dù theo lời người đứng đầu Bộ NN&PTNT, nông nghiệp là ngành bị ảnh hưởng nặng nhất do virus corona gây ra, nhưng những người nông dân đến nay lại chưa được hỗ trợ gì, như lời người trồng sầu riêng ở Tiền Giang:
“Chưa thấy có hỗ trợ vì nó mới quá.”
Còn ở Long An, anh Nguyễn Thành Lê cho biết tình trạng cũng tương tự:
“Trước mắt chưa nghe thông báo gì về hỗ trợ, không biết lâu dài sao chứ hiện tại chưa thấy.”
Lối ra
Vẫn theo anh Nguyễn Thành Lê, trước tình hình lưu thông hàng hóa đình trệ hiện nay, người dân cần tự thân vận động để giảm tình trạng tồn hàng:
“Bây giờ chính phủ, cơ quan ban ngành đâu đưa ra biện pháp gì trong lúc này, chỉ lo tập trung chống dịch nên hiện giờ rất khó. Chỉ xoay xở trong nội địa hoặc chỉ bán những chợ, mối chứ có thông lệ rồi nên giờ hàng xuất khẩu khó lắm.”
Nói trong buổi hội nghị ngày 3/2, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết nếu dịch bùng phát nhiều tháng, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các ban ngành thúc đẩy đưa hàng hóa nông sản vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn, ưu tiên thị trường nội địa.
Đồng ý với phương pháp Bộ NN&PTNT vừa nêu, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu còn bổ sung thêm những giải pháp sau:
“Trước nhất là chính phủ nên đi tìm những thị trường khác ngoài Trung Quốc để có thể bán nông sản của mình, có thể thay thế thị trường Trung Quốc. Điều thứ hai quan trọng là tất cả thông tin về dịch bệnh cần chính xác và minh bạch để tất cả mọi người trong nền kinh tế biết được dịch bệnh đang tác động thế nào ở Việt Nam cũng như trên thế giới, từ đó các nhà kinh doanh có phương án đối phó với dịch bệnh. Điều thứ ba tất cả chính sách tiền tệ cần phải có sự hỗ trợ nông nghiệp một cách mạnh mẽ hơn chẳng hạn cho vay lãi xuất thấp, dồn lực vào vấn đề hỗ trợ nhà nông, nông nghiệp để vượt qua khó khăn trong lúc này.”
Ngoài đối phó với virus corona, hiện Cục bảo vệ thực vật, Cục Thú y cùng các lực lượng chức năng tại biên giới còn phải tăng cường kiểm dịch động thực vật chống H5N1…
Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ chỉ đạo địa phương nghiên cứu điều chỉnh một số cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ và lợi thế của từng địa phương.
Nguồn: RFA Tiếng Việt