Mạng 5G: Liên Âu hé cửa cho Hoa Vi, với nhiều quy định nghiêm ngặt (Trọng Thành)
Khối Liên - Âu đưa ra một quyết định có tính thỏa hiệp trước sức ép của Mĩ và nhu cầu phát triển mạng 5G, cũng như quan hệ với Trung Cộng. Huawei sẽ không bị cấm hoàn toàn, nhưng bị hạn chế phát triển phần lõi của hệ thống mạng 5G trong khối.
06/02/2020 - 16:25
Tập đoàn Hoa Vi : Bài toán nhức đầu với châu Âu. Ảnh minh họa REUTERS/Dado Ruvic/Illustration
Cuộc chạy đua phát triển hệ thống mạng viễn thông 5G tiếp tục làm nổi rõ bài toán khó mà các nước châu Âu phải đối mặt trong việc cho phép hay không tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi (Huawei), vốn bị nghi ngờ là bàn tay nối dài của chính quyền Bắc Kinh. Ngày 29/01/2020, Ủy Ban Châu Âu ra thông báo chính thức về vấn đề này.
Ủy Ban Châu Âu ra quyết định ra sao về quy chế đầu tư vào mạng viễn thông 5G ?
Bất chấp nhiều sức ép nội bộ cũng như từ bên ngoài, đặc biệt từ phía Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định không công khai loại trừ tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi ra khỏi các hợp đồng xây dựng mạng viễn thông 5G tại châu Âu (điều mà Washington và một số đồng minh như Nhật Bản, Úc… đã tiến hành, do lo ngại an ninh quốc gia bị đe dọa), tuy nhiên, Bruxelles cũng đặc biệt nhấn mạnh đến các nguy cơ đối với an ninh quốc gia, và đặt ra nhiều rào cản cho sự tham gia của các tập đoàn bị nghi ngờ. Dĩ nhiên là Hoa Vi không bị nêu tên đích danh, nhưng ai cũng hiểu tập đoàn Trung Quốc là đối tượng chủ yếu của mối nghi ngờ này.
Ủy Ban Châu Âu không đưa ra các quy định bắt buộc đối với các nước thành viên, nhưng cung cấp một ''tập hợp các biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ về an ninh gắn liền với việc triển khai mạng 5G'' và khuyến cáo các quốc gia thành viên ''đánh giá một cách khách quan các nguy cơ'' và sử dụng ''các biện pháp giảm nhẹ nguy cơ một cách đúng mức''.
Thách thức kép đối với Liên Âu là : vừa mở cửa thị trường nội địa của khối, để tận dụng tối đa các lợi thế của mạng viễn thông 5G, được coi là đóng ''một vai trò quyết định trong sự phát triển tương lai của nền kinh tế và xã hội kỹ thuật số của châu Âu'', nhưng đồng thời cũng phải bảo đảm giảm thiểu tối đa các nguy cơ đối với an ninh mỗi nước và an ninh toàn khối. Dựa trên ''tập hợp các biện pháp giảm thiểu nguy cơ về an ninh'' được Bruxelles cung cấp, mà mỗi quốc gia sẽ tự đưa ra các quyết định, từ ''giới hạn'' cho đến ''loại trừ hoàn toàn'' một nhà cung cấp ra khỏi thị trường 5G, vì lý do an ninh. Bruxelles đặc biệt nhấn mạnh đến việc, trong trường hợp cần thiết, cần loại trừ một số nhà cung cấp bị coi là ''có nguy cơ cao'', ra khỏi các thành phần căn bản được coi là nhạy cảm, dễ bị tổn thương, như ''các chức năng thuộc về phần trung tâm của mạng 5G'', thường được gọi là ''phần lõi của mạng''.
Cùng với các quy định về bảo đảm giảm thiểu nguy cơ về an ninh, Bruxelles cũng lưu ý các quốc gia thành viên cần xác lập chiến lược để bảo đảm có được đông đảo nhà cung cấp trang thiết bị tham gia vào thị trường mạng viễn thông 5G.
Theo yêu cầu của Bruxelles, các quốc gia thành viên sẽ phải có các biện pháp để thực thi khuyến nghị của Liên Âu trước ngày 20/04/2020.
Tập đoàn Hoa Vi phản ứng ra sao sau quyết định của Ủy Ban Châu Âu ?
Lẽ dĩ nhiên là Hoa Vi hoan nghênh quyết định của Ủy Ban Châu Âu. Sau khi Bruxelles chính thức có văn bản thông báo về vấn đề này, tập đoàn Trung Quốc ra thông điệp ca ngợi Liên Hiệp Châu Âu và trước đó là nước Anh đã hoàn toàn tin tưởng vào Hoa Vi trong việc phát triển mạng viễn thông 5G. Trả lời AFP, phó chủ tịch Hoa Vi Victor Zhang đánh giá là quyết định này cho phép châu Âu phát triển được ''một cơ sở hạ tầng viễn thông tân tiến hơn, an toàn hơn và hiệu quả hơn, thích ứng với tương lai''. Trên thực tế, quyết định của Bruxelles không phải là điều bất ngờ với tập đoàn Trung Quốc.
Trong một cuộc trả lời báo Bỉ L’Echo trước khi Liên Âu ra quyết định, ông Walter Ji, lãnh đạo của Huawei Europe, đã khẳng định tập đoàn này không thể bị loại trừ khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Người đứng đầu Huawei Europe khẳng định với đầy vẻ tự tin : ''Chúng tôi đã có được các quan hệ chặt chẽ và đặt được các nền tảng vững chắc với các đối tác công nghệ khu vực. Công nghệ của chúng tôi rất tân tiến và mang lại nhiều lợi thế về thương mại cho các nhà mạng địa phương. Điều đó (tức quyết định loại trừ) sẽ không xảy ra''.
Tại sao Hoa Vi rất tự tin vào việc châu Âu phải chấp nhận để tập đoàn này tham gia vào thị trường 5G ?
Lợi thế về kinh tế mà Hoa Vi có thể mang lại cho các nước châu Âu là đáng kể, khi để cho Hoa Vi tham gia vào thị trường 5G này. Theo ước tính của GSMA (Hiệp hội các đối tác lớn về điện thoại viễn thông – Le Figaro ngày 7/6/2019), nếu không có Hoa Vi, Liên Âu sẽ phải tốn thêm 55 tỉ euro cho mạng 5G. Hoa Vi cùng với hai tập đoàn cung cấp thiết bị 5G lớn nhất, là Nokia và Ericsson, chiếm đến 80% thị phần châu Âu. Không có sự tham gia của Hoa Vi cũng có thể làm chậm lại việc triển khai mạng 5G tại châu Âu khoảng 18 tháng. Ngoài ra, thiệt hại do việc chậm triển khai 5G có thể khiến châu Âu thiệt hại khoảng 15 tỉ euro vào năm 2025. Tình hình càng thêm phức tạp với châu Âu là có đến 200 nhà cung cấp dịch vụ mạng cho thị trường 300 triệu dân của khối, so với Hoa Kỳ chỉ có 4 nhà cung cấp dịch vụ.
Phản ứng của các tập đoàn cạnh tranh với Hoa Vi sau quyết định của Bruxelles ?
Việc châu Âu ra quyết định về hàng loạt các biện pháp nhằm bảo đảm an ninh đối với mạng 5G cũng ngay lập tức được các tập đoàn cạnh tranh với Hoa Vi hoan nghênh. Hôm thứ Sáu 31/01, Ericsson ra thông báo ca ngợi ''tiếp cận tổng thể'' của Liên Âu về mạng 5G, và khẳng định ủng hộ tiến trình của châu Âu, nhằm bảo đảm một mức độ an ninh cao cho các công dân và doanh nghiệp châu Âu. Nokia cũng ra một thông điệp tương tự.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo là việc Hoa Vi bị giới hạn trong việc tham gia vào thị trường 5G sẽ đặt gánh nặng rất lớn lên hai tập đoàn cung cấp trang thiết bị 5G chủ chốt còn lại. Nokia và Ericsson không dễ đáp ứng được các đòi hỏi của thị trường, như nhận định của nhà phân tích của Assembly Research, ông Matthew Howett. Một số nhà quan sát nói đến một ''món quà tẩm thuốc độc'' của châu Âu với Nokia và Ericsson.
Triển vọng cuộc chiến 5G tại châu Âu sẽ ra sao ?
Cuộc chiến giành giật thị trường tại châu Âu giữa Hoa Vi và hai tập đoàn viễn thông châu Âu, Nokia và Ericsson, hiện đang rất cam go. Giữa tháng Giêng 2020, Ericsson cho AFP biết là đã có 79 hợp đồng 5G tại châu Âu, Nokia có được 63. Hồi tháng 12/2020, tập đoàn Trung Quốc cho biết đã có được 65 đơn đặt hàng.
Cuộc chiến giành giật các hợp đồng 5G tại châu Âu hứa hẹn sẽ vẫn quyết liệt trong thời gian tới. Trong lúc Hoa Vi phải đối mặt với nhiều rào cản tại Liên Âu, tập đoàn Trung Quốc - bị nghi ngờ là tay trong của chính quyền Bắc Kinh này – có được nhiều lợi thế về tài chính. Theo một điều tra, do báo Mỹ Wall Street Journal thực hiện, tập đoàn Trung Quốc, trong thời gian từ năm 2013 đến 2018, nhận được tài trợ từ Nhà nước số tiền gấp đến 17 lần so với tập đoàn đa quốc gia Phần Lan Nokia. Ericsson không hề được tài trợ.
Trong thời gian chờ đợi quyết định của nhiều quốc gia thành viên châu Âu về mạng 5G, tập đoàn Hoa Vi tiếp tục chiến dịch quyến rũ châu Âu. Hôm 04/02, Hoa Vi tuyên bố sẽ bố trí ''nhiều nhà máy'' sản xuất các thiết bị 5G trên lãnh thổ châu Âu.
Về phía nhiều nước châu Âu, cuộc cờ 5G với Hoa Vi rõ ràng là chỉ mới bắt đầu. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước khi Ủy Ban Châu Âu ra thông báo chính thức, ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa châu Âu, chính trị gia Pháp Thierry Breton, nhấn mạnh là châu Âu không hề chậm trễ về 5G, về mặt công nghệ, cũng như về phương diện triển khai. Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội địa cũng lưu ý là châu Âu phải bảo đảm được ''chủ quyền về công nghệ'' đối với các mạng viễn thông 5G cũng như về các dữ liệu sẽ lưu hành trên các mạng 5G.
Nguồn: RFI Tiếng Việt