Covid-19: "Đại dịch" tin giả hoành hành trên mạng (Thanh Phương)

Thế giới vừa phải vật lộn để ngăn chặn dịch covid - 19, vừa phải chống chọi với nạn tin giả liên quan đến đại dịch này trên không gian mạng do những kẻ bất lương gây ra.

26/02/2020 - 13:21
Một phụ nữ tại Thượng Hải (Trung Quốc) đeo khẩu trang, đang kiểm tra điện thoại của mình. Ảnh chụp ngày 29/01/2020.
Một phụ nữ tại Thượng Hải (Trung Quốc) đeo khẩu trang, đang kiểm tra điện thoại của mình. Ảnh chụp ngày 29/01/2020. REUTERS/Aly Song/File Photo

Từ những thần dược cho đến những thuyết âm mưu, các tin giả về virus corona mới hiện đang lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội, một « đại dịch » mà các tập đoàn Internet đang cố chống đỡ, nhưng không dễ ngăn chận.

Theo lời giáo sư Carl Bergstrom, đại học Washington, một chuyên gia về tin giả trên mạng, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, 26/02/2020, đa số những người phao tin giả chẳng thèm biết là người đọc có tin hay không. Họ chỉ dùng dịch bệnh này như là một phương tiện lý tưởng để đạt được mục đích của họ, hoặc để kiếm tiền, hoặc để gây hoang mang dư luận.

Một số người tìm cách bán hàng, chẳng hạn như bảo đảm với mọi người là cần sa có thể giúp ngừa virus dịch Covid-19. Những người khác thì cố thu hút người xem càng nhiều càng tốt để nhận tiền quảng cáo trên mạng.

Ấy là chưa kể những chiến dịch tuyên truyền nhằm làm suy yếu các nền dân chủ, tạo cảm tưởng là không thể tin vào ai được. Theo giáo sư Bergstrom, đó là chiến lược tuyên truyền ồ ạt, thường được nước Nga sử dụng.

Hôm 22/02, các quan chức Hoa Kỳ cho hãng tin AFP biết là hàng ngàn tài khoản với tên giả có liên hệ với Nga trên các mạng xã hội Facebook, Twitter, Instagram đang phao những tin thất thiệt có nội dung chống Mỹ về virus corona mới. Cụ thể, chiến dịch thông tin này để lan truyền các thuyết âm mưu, lúc thì cho rằng virus Covid-19 là do Mỹ tạo ra để gây chiến tranh thương mại với Trung Quốc, lúc thì khẳng định đây là một vũ khí sinh học do CIA chế tạo, hoặc đây là một phần trong chiến lược của phương Tây tuyên truyền chống Trung Quốc.

Matxcơva, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Nga, đã bác bỏ những cáo buộc nói trên của Mỹ. Nhưng các cáo buộc đó không phải là không có cơ sở, vì trước đây, trong thời kỳ chiến tranh lạnh, cơ quan mật vụ Liên Xô đã từng nhiều lần tuyên truyền rằng bệnh SIDA chính là do các nhà khoa học Mỹ tạo ra.

Rất nhiều người tin vào những thuyết âm mưu đó, đơn giản chỉ là vì cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguồn gốc của dịch Covid-19, nên công chúng phải tự đi tìm hiểu, và hầu như ai cũng lên các mạng xã hội để tìm lời giải đáp.

Ngay từ đầu tháng 2, Tổ Chức Y Tế Thế giới WHO đã cảnh báo về « đại dịch » tin giả này, bởi vì có quá nhiều thông tin sai lạc về dịch virus corona mới, gây thêm khó khăn cho công việc của họ và của các cơ quan y tế các nước.

Vì nghe theo các tin giả, nên người dân càng thêm hoảng loạn, và thế là mọi người đổ xô đi mua khẩu trang bảo hộ y tế, hay bị sốt một chút cũng chạy đến khoa cấp cứu của bệnh viện, vốn đã bị quá tải, hoặc ngược có những triệu chứng bị nhiễm Covid-19, nhưng giấu nhẹm vì nghe đồn là những người bệnh sẽ bị thế này thế kia.

Để phối hợp chống « đại dịch » tin giả, cách đây 10 ngày, WHO đã họp với đại diện các tập đoàn công nghệ tin học (Facebook, Twitter, Google - bao gồm cả YouTube - ngay tại trụ sở của Facebook ở khu Silicon Valley.

Các tập đoàn này đã tăng cường các chính sách hiện có, tức là gỡ bỏ mọi nội dung có thể gây phương hại cho công chúng, những quảng cáo về các phương thức điều trị nguy hiểm, và thay vào đó là những thông tin đáng tin cậy, trong đó có những thông tin đến từ WHO.

Riêng Facebook còn dựa vào chương trình "Third party fact-checking", tức là nhờ một bên thứ ba thẩm tra thông tin, một chương trình được phát triển từ năm 2016.

Trong khi đó, theo đài truyền hình Mỹ CNBC, tập đoàn thương mại trực tuyến Amazon đã rút khỏi trang mạng những sản phẩm được quảng cáo là « thần dược » chống virus corona.

Nhưng đối với giáo sư Carl Bergstrom và Jevin West, hai đồng tác giả một cuốn sách về tin giả sắp được phát hành, những biện pháp nói trên chẳng có tác dụng gì đáng kể, lý do là vì cơ cấu của các mạng xã hội vẫn tạo điều kiện dễ dàng cho sự lan truyền của những tin « giật gân » hoặc sai lạc. Các học giả khác ở Mỹ thì cho rằng những nỗ lực thẩm tra thông tin có thể chẳng có tác dụng gì, thậm chí còn phản tác dụng.

Tóm lại, chưa biết thế giới có sẽ chặn đứng được dịch Covid-19 hay không, nhưng rõ ràng là không dễ gì dẹp được « đại dịch » tin giả trên mạng.