Vụ phi cơ Ukraina trúng tên lửa Iran: Biểu tình phản đối chế độ tại Teheran (Trọng Thành)

Sau cuộc không kích của Mĩ giết chết tướng Soleimani, chính quyền cũng như giáo chủ Khamenei muốn dùng nó như một chiêu bài để tập hợp sự ủng hộ của dân chúng. Họ đã ít nhiều thành công, nhưng những sai lầm sau đó đã khiến chính quyền Iran đang trở thành đối tượng bị chống đối.

Chế độ chính trị ở Iran là một chế độ Hồi giáo toàn nguyên, nhưng đối lập của họ rất mạnh, các cuộc bầu cử ở Iran tương đối tự do và công bằng, có tranh cử công khai.

Chính sinh hoạt chịnh trị này đã tạo cho Iran có một tầng lớp có ý thức chính trị rất cao. Chính quyền Iran không thể dắt mũi tầng lớp này, đây cũng là thành phần có tư tưởng dân chủ. Nếu Mĩ và phương Tây khôn khéo, sẽ rất dễ đưa Iran vào quỹ đạo dân chủ.

12/01/2020 - 14:14
Sinh viên biểu tình ngày 11 tháng Giêng 2020 tại Téhéran (Iran) lên án chính phủ trong vụ bắn nhầm máy bay của hàng không Ukraina..
Sinh viên biểu tình ngày 11 tháng Giêng 2020 tại Téhéran (Iran) lên án chính phủ trong vụ bắn nhầm máy bay của hàng không Ukraina.. Atta KENARE / AFP

Việc chính quyền Teheran chậm trễ thừa nhận tên lửa Iran bắn hạ một phi cơ dân dụng Ukraina bị lên án mạnh mẽ trong nước. Hàng nghìn người tập hợp tại thủ đô Teheran tối hôm qua, 11/01/2020, để bày tỏ bất bình.

Người biểu tình kêu gọi truy tố các thủ phạm của thảm kịch này. Nhiều người thậm chí hô vang các khẩu hiệu đả đảo giáo chủ Khamenei, lãnh tụ tối cao Iran. Trong lúc biểu tình diễn ra, tổng thống Mỹ đưa ra lời cảnh cáo chế độ Hồi Giáo là không được phép để diễn ra một cuộc thảm sát những người biểu tình ôn hòa, không được ngăn chặn internet. Ông Donald Trump gửi lên Twitter thông điệp bằng tiếng Anh và tiếng Ba Tư : ''Chúng tôi theo dõi sát các cuộc biểu tình của các bạn, sự dũng cảm của các bạn là nguồn cảm hứng của chúng tôi''.

Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi cho biết thêm chi tiết :

'Nhiều nhóm thanh niên xuống đường tối hôm qua, thứ Bảy, tại nhiều khu phố ở trung tâm thủ đô Teheran, đặc biệt trước cửa trường Đại học Sharif và Amir-Kabir, để bày tỏ nỗi bất bình.

Trong số 145 người Iran bị chết trong tai nạn, có khoảng 15 sinh viên của hai trường đại học, nằm trong số các đại học nổi tiếng nhất Iran. Rất nhanh chóng các cuộc tập hợp này đã chuyển sang mục tiêu chính trị, với các khẩu hiệu chống chính quyền. Tuy nhiên, cảnh sát chống bạo động cũng đã nhanh chóng can thiệp, giải tán người biểu tình.

Trong số những người bị câu lưu có đại sứ Anh, có mặt tại chỗ. Đại sứ Anh sẽ phải bị bộ Ngoại Giao Iran triệu mời để trao công hàm phản đối.

Nhiều người Iran chỉ trích chính quyền đã không đóng không lưu, sau các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nhắm vào căn cứ Mỹ ở Irak. Quyết định như vậy lẽ ra đã có thể ngăn được sai lầm chết người này. Dân chúng cũng nổi giận trước việc chính quyền đã khăng khăng phủ nhận, trong vòng 72 giờ, trách nhiệm của Iran, với việc tung ra thông báo đây chỉ là một tai nạn máy bay thông thường.

Cuối cùng thì mọi người không ai hiểu tại sao, ngoài tướng Hadjizadeh, lãnh đạo lực lượng Không quân của Vệ Binh Cách Mạng, đã nhận toàn bộ trách nhiệm về sai lầm này, không có một giới chức nào giải thích về vụ việc trước công chúng, đặc biệt là trên truyền hình Nhà nước, và chính quyền đã không thông báo quốc tang'.

Có 57 công dân Canada bị thiệt mạng trong chuyến bay bất hạnh nói trên của hãng hàng không Ukraina. Hôm qua, thủ tướng Canada đã đòi hỏi chính quyền Teheran phải làm sáng tỏ hoàn toàn về tấn thảm kịch này, và Iran phải chịu hoàn toàn trách nhiệm, kể cả về đền bù tài chính. Thủ tướng Justin Trudeau cho biết trong cuộc điện đàm hôm qua với tổng thống Iran, ông một lần nữa nhắc lại yêu cầu của chính quyền Canada.