Nhà thờ và Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thành di tích cấp thành phố: Mừng hay lo? (RFA Tiếng Việt)
Khi mà chính quyền đã mất hoàn toàn lòng tin từ người dân thì làm gì, người dân cũng sẽ nghi ngờ, thậm chí chống đối.
Bí thư thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Thiện Nhân, vào sáng ngày 31/12/19 trao bằng xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố cho Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm. Courtesy: sggp.org.vn
Lên hạng di tích cấp thành phố: lo lắng!
Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm ở quận 2 cùng với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1), Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) và Lăng Võ Tánh (quận Phú Nhuận) là 5 công trình vừa được Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), vào ngày cuối năm 2019 trao bằng xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa cấp thành phố.
Tại buổi lễ trao bằng diễn ra vào sáng ngày 31/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân (UBND) TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm phát biểu rằng việc công nhận 5 di tích lịch sử-văn hóa mới này là thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Vào tối cùng ngày 31/12, Soeur Maria Nguyễn Thị Hậu, thuộc Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, chia sẻ với RFA cảm nhận trước thông tin vừa nêu:
“Chúng tôi nghe nói được xếp cho là di tích, tức là chúng tôi được ở lại thì chúng tôi rất mừng. Nhưng khi nói rằng mọi sự ở trong nhà dòng hay trong nhà thờ đều do nhà nước và chính phủ quyết định thì chúng tôi lại lo ngại vì chúng tôi cũng không hiểu lắm về vấn đề của nhà nước muốn thế nào. Chúng tôi chưa hiểu được.”
Soeur Maria Nguyễn Thị Hậu cho biết thêm rằng trước đó Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã nhận được thông báo quyết định về xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa từ Chính quyền TP.HCM, được ký hôm 24/12/19. Tuy nhiên với các điều quy định trong quyết định xếp hạng di tích lịch sử-văn hóa 2 cở sở tôn giáo này khiến cho cộng đoàn giáo dân ở Thủ Thiêm lo ngại.
Một giáo dân, ông Hoàng Đức Nhuận lên tiếng với Đài Á Châu Tự Do:
“Từ khi có quy hoạch đầu tiên thành lập Khu đô thị mới Thủ Thiêm thời ông Thủ tướng Võ Văn Kiệt thì đã có văn bản quyết định Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm không giải tỏa. Còn bây giờ xếp vào di tích lịch sử-văn hóa như vậy thì nhà thờ và nhà dòng muốn làm gì cũng khó. Chính quyền làm thế để nói rằng là giữ lại, nhưng thực chất thì những ai không biết mới nghĩ như vậy thôi. Chẳng qua chính quyền quận 2 muốn lấy, muốn chiếm nên mới ra quyết định đưa vào di tích lịch sử-văn hóa.”
Đài RFA ghi nhận nỗi lo ngại của cộng đoàn giáo dân ở Thủ Thiêm liên quan đến Điều 2 trong Quyết định số 5386 của UBND TP.HCM ghi rõ rằng “Nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ. Trường hợp đặc biệt sử dụng đất đai ở khu vực di tích phải được phép của Chủ tịch UBND thành phố”.
Từng trong tầm ngắm ‘di dời’
Qua tìm hiểu và tiếp xúc với đại diện các soeur trong Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và một số giáo dân ở Thủ Thiêm, chúng tôi được biết Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm không bị giải tỏa theo quy hoạch ban đầu Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kể cả sau này theo Quyết định 6565, Quyết định 6566. Tuy nhiên, chính quyền địa phương đã vận động nhà thờ và nhà dòng tự nguyện di dời.
Hồi đầu tháng 5 năm 2018, truyền thông trong nước loan tin UBND TP.HCM cho biết Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm bị di dời vì thuộc trong 9 lô đất ở trung tâm khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ được bán đấu giá, đồng thời yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo tại khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó có Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm và thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm, để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông và công viên bờ sông đúng tiến độ.
Thông báo này của Chính quyền TP.HCM đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ trong cộng đồng Công giáo và cả dư luận tại Việt Nam vào thời điểm đó.
Nhà thờ Thủ Thiêm Courtesy: tinmungchonguoingheo.com
Thắc mắc và quan ngại
Trước quyết định mới nhất của Chính quyền TP.HCM xếp Nhà thờ Thủ Thiêm cùng Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là di tích lịch sử-văn hóa thì những giáo dân Đài RFA trao đổi đều cho rằng Chính quyền TP.HCM chỉ là “mượn cớ”. Giáo dân Giuse Cao Thăng Ca trình bày:
“Trong luật về di sản, văn hóa thì không có điều khoản nào quy định nhà thờ và nhà dòng có đủ điều kiện để được xếp vào di tích văn hóa-lịch sử hết. Tại vì để đáp ứng điều kiện được xếp vào di tích văn hóa-lịch sử thì địa điểm đó phải gắn liền với một địa điểm cách mạng, hoặc gắn liền với một nhà cách mạng nào đó. Nhà thờ Thủ Thiêm và Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm làm gì có điều đó? Và tại sao họ lại ép đưa vào di tích lịch sử-văn hóa? Điều này cho thấy rất rõ rằng họ muốn giải tỏa mà không được nên họ quản lý bằng cách khác. Việc này có rất nhiều rủi ro và rất gây bức xúc cho giáo dân. Chúng tôi cũng đã nhiều lần thẳng thắn trao đổi với Đức giám quản cũng như Linh mục Tổng đại diện như cả hai vị không nghe tiếng nói của giáo dân và các Ngài đã đưa đến quyết định cho nhà thờ và nhà dòng trở thành di tích lịch sử-văn hóa nên chúng tôi rất bức xúc với chính và cả giáo quyền.”
Giáo dân Giuse Cao Thăng Ca nhấn mạnh rằng với Điều 3 trong Quyết định 5386 của UBND TP.HCM là Sở Văn hóa-Thể thao và Chính quyền quận 2 quản lý hai cở sở nhà thờ và nhà dòng Thủ Thiêm sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, mà ông nói rằng “nhà của mình nhưng do người khác quản lý”:
“Là di tích văn hóa-lịch sử thì phải có ban quản lý và đại diện ban quản lý của chính quyền phải là trưởng ban và muốn làm điều gì đều phải thông qua ban quản lý. Tất cả các vấn đề như sửa chữa, tiền bạc…đều phải qua ban quản lý đó quản lý hết và thậm chí kể cả như linh mục hay tổng phụ trách…đều phải thông qua ban quản lý này.”
Soeur cựu Bề trên Agatha Trần Thị Sanh còn đề cập đến lo ngại trước mắt của các nữ tu trong Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm:
“Hôm nọ người ta (chính quyền) có tới, chúng tôi dẫn họ đi tham quan chỗ chị em chúng tôi ngủ. Nhà dòng có đến mấy trăm người mà tất cả chị em chúng tôi ngủ tập thể mà chúng tôi phải chấp nhận trong bao nhiêu năm qua. Chúng tôi có đến 500-600 người mà không cho chúng tôi xây dựng nhà cửa thì chúng tôi lấy gì mà ở? Cho nên, ước ao của chúng tôi bây giờ là khi được xếp vào di tích lịch sử thì chúng tôi phải xây dựng nhà mới để cho chị em chúng tôi được ở rộng rãi hơn, bởi vì đất của chúng tôi còn. Là di tích, mà ở quận 2 thì phát triển nên chúng tôi phải xây dựng thêm cái mới. Việc này chính quyền phải cho phép chúng tôi làm, chứ di tích mà để như ‘cái chùa bà đanh’ thì vô di tích làm chi?”
Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là hai cơ sở tồn tại hơn một thế kỷ tại Thủ Thiêm. Sau ngày 30/04/75, một số ngôi trường của nhà dòng bị nhà nước trưng thu làm cơ sở giáo dục. Một trường được sử dụng làm trường tiểu học đã bị đập phá và Chính quyền TP.HCM thương lượng bồi thường 50 tỷ đồng cho nhà dòng. Tuy nhiên, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cho biết nếu ngôi trường không được chính quyền tiếp tục dùng vào mục đích giáo dục thì hãy trả lại cho nhà dòng và nhà dòng từ chối nhận số tiền bồi thường đó. Một ngôi trường khác bị đập phá hồi hạ tuần tháng 10 năm 2015, nhưng phải tạm dừng do gặp phải sự phản đối của nhà dòng và dư luận.
Thêm vào đó, nghĩa trang của giáo xứ Thủ Thiêm, rộng hơn 2 héc-ta cũng bị giải tỏa vào năm 2016, tuy nhiên Chính quyền TP.HCM đã không đền bù gì cho nhà thờ.
Nguồn: RFA Tiếng Việt