Trung Quốc sẽ bành trướng ra hay co cụm lại? (Việt Hoàng)
Chắc chắn sự chèn ép và lấn chiếm từ
Trung Quốc sẽ giảm dần. Đe dọa thực sự là khi Trung Quốc tan rã trong hỗn loạn,
một điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong một tương lai trung hạn từ năm tới
mười năm nếu Tập Cận Bình hay người kế vị ông không có được sự khôn ngoan của
Gorbachev khi phải quản lý sự tan rã của Liên Xô, nghĩa là để cho một số tỉnh
như Quảng Tây, Vân Nam, Tây Tạng và Tân Cương trở thành những nước độc lập.
Chúng ta sẽ ở bên cạnh một đám cháy lớn. Nhưng vào lúc đó có nhiều triển vọng
là chúng ta đã có một chính quyền khác trách nhiệm và sáng suốt hơn. (Việt Hoàng)
Việc quốc hội Việt Nam, hôm
25/11/2019 thông qua dự luật “miễn visa
cho người nước ngoài đến các đặc khu kinh tế biển” trong thời hạn 30 ngày
đã khiến dư luận nổi sóng. Hầu hết trí thức nhân sĩ Việt Nam cho rằng quy định
mới chủ yếu nhắm tạo điều kiện thuận lợi để Trung Quốc gia tăng sự hiện diện và
ảnh hưởng tại nước ta. Dự án làm đường sắt tuyến Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng nối
với thành phố Côn Minh, Vân Nam, do Trung Quốc tài trợ kinh phí khảo sát và lập
kế hoạch cũng đã bị trí thức nhân sĩ Việt Nam phản đối khá gay gắt. Hình như
đối với nhiều người sự thực hiển nhiên là Trung Quốc đang bành trướng ra và
định thôn tính Việt Nam. Đây là một trong những trường hợp mà người ta cần ngờ
vực những sự thực hiển nhiên.
Trước hết hãy nhìn lại quy định miễn
visa cho người nước ngoài đến Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc. Điều này
không nghiêm trọng như nhiều người có thể nghĩ. Việt Nam đã miễn thị thực cho
công dân của rất nhiều quốc gia, ví dụ các nước trong khối ASEAN và một số nước
như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, Nga và Phần Lan (15 ngày).
Trước đó, từ tháng 7/2018, Việt Nam cũng đã miễn visa cho du khách năm nước
Đức, Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha trong 15 ngày trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Công dân Trung Quốc tới Việt Nam còn không được hưởng sự dễ dãi như Việt Nam dành
nhiều quốc gia khác. Sự lo lắng là chính đáng nhưng hơi quá đáng trong trường
hợp này, thực ra nó đến từ sự phẫn nộ đã kéo dài quá lâu trước thái độ quá khúm
núm của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với Trung Quốc, cụ thể như việc để
Trung Quốc biến Việt Nam thành một bãi rác công nghiệp, với Formosa, Đạm Ninh
Bình, các nhà máy điện than…Hay chỉ dám nói là đã có những "tàu lạ"
tấn công ngư dân Việt Nam trên Biển Đông. Sự phẫn nộ đã đạt tới đỉnh điểm với
các cuộc biểu tình chống Dự luật Đặc khu và An ninh mạng hồi tháng 6/2018 (với
gần một trăm người bị bắt và kết án tù) và mới đây là cuộc Hội thảo do các nhân
sĩ, trí thức tổ chức với chủ đề “Tọa đàm
khoa học: Vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế” tại Hà Nội hôm
6/10/2019. Sự việc gây được tiếng vang nhất trong buổi hội thảo này là những
lời chỉ trích mạnh mẽ của tướng về hưu Lê Mã Lương.
Quan tâm đến Trung Quốc, nghiên cứu,
tìm hiểu và tiên liệu chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Việt Nam và
thế giới là điều đương nhiên và cần thiết đối với mọi người và các tổ chức dân
chủ Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng chừng nào đảng
cộng sản Trung Quốc còn mạnh thì đảng cộng sản Việt Nam vẫn còn chỗ chống lưng.
Rất đúng và Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cũng đã dành nhiều thời gian và công sức
để tìm hiểu về Trung Quốc vì chúng tôi đồng ý rằng Trung Quốc có ảnh hưởng rất
lớn đến tiến trình dân chủ hóa đất nước. Tuy nhiên trái với nhận định của một
số người, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên cho rằng Trung Quốc không đáng sợ như như
nhiều người nghĩ và càng ngày chúng tôi càng tin vào nhận định đó.
Đối với bất cứ một tổ chức chính trị
đứng đắn nào thì việc dự báo tương lai là một việc không thể thiếu. Dù khó đến
mấy cũng phải làm. Nếu không có dự báo cho tương lai thì một tổ chức sẽ không
biết phải làm gì khi thời thế thay đổi. Nếu tổ chức đó là đảng cầm quyền thì
càng nguy hiểm, không khác gì một thuyền trưởng không có la bàn.
Trong các bài phân tích của anh em
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, cụ thể là các bài viết của ông Nguyễn Gia Kiểng từ
năm 2015, trước khi Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ và trước khi có cuộc
chiến thương mại Mỹ-Trung, chúng tôi đã dự báo là Trung Quốc sẽ không tránh
khỏi khủng hoảng kinh tế và trong trường hợp của Trung Quốc khủng hoảng kinh tế
đồng nghĩa với hỗn loạn chính trị. Dự báo này ngày càng thể hiện và bây giờ
kinh tế Trung Quốc đã thực sự đi vào giai đoạn suy thoái. Khủng hoảng và sụp đổ
chỉ còn là một vấn đề của một tương lai gần, có thể chỉ là một hay hai năm.
Nguyên nhân đến từ nội tại của mô hình kinh tế hoang dại đã tích lũy quá nhiều
mâu thuẫn. Các chỉ số kinh tế, dù là tiêu thụ nội địa, ngoại thương, hay khối
nợ của Trung Quốc đều đã đỏ rực. Vậy Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc
sẽ xoay sở như thế nào trong hoàn cảnh này?
Sai lầm cơ bản khi nói về Trung Quốc
là nhìn Trung Quốc như là một quốc gia trong khi nó là một đế quốc. Trung Quốc
là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử thế giới vì nó luôn luôn là một đế quốc,
từ suốt 2500 năm qua. Thế nào là một đế quốc? Có thể hiểu giản dị rằng đế quốc
là tập hợp của nhiều nước chịu sự khống chế của một chính quyền trung ương nắm
sức mạnh quân sự áp đảo đồng thời áp đặt một ý thức hệ hay một chủ nghĩa nào
đó. Trong trường hợp Trung Quốc ý thức hệ đó là Khổng giáo, rồi chủ nghĩa
Mác-Lênin từ 70 năm gần đây. Bắc Kinh nắm hoàn toàn quân đội và công an. Những
ai biết về lịch sử Trung Quốc đều có thể thấy Trung Quốc hết hợp rồi tan, nhưng
sự thống nhất luôn luôn được thực hiện và duy trì bằng bạo lực và tàn sát. Lần
cuối cùng là vào giữa thế kỷ 19 trong đó nhà Thanh đã tàn sát 70% dân chúng các
tỉnh Quang Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quý Châu để dẹp cuộc khởi nghĩa Thái
Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn.
Trung Quốc là một đế quốc rộng lớn
bao gồm nhiều sắc dân, mỗi tỉnh của Trung Quốc tương đương một quốc gia. Các
vùng miền của Trung Quốc rất khác nhau và chỉ sợ chứ không tâm phục Bắc Kinh.
Tinh thần ái quốc của người Trung Quốc rất thấp. Trung Quốc đã từng bị những
nước nhỏ như Mông Cổ, Mãn Thanh xâm chiếm và đô hộ trong nhiều thế kỷ. Để duy
trì tình trạng hiện nay, Trung Quốc phải chi cho Bộ Công an một ngân sách có
thể còn lớn hơn cả cho Bộ Quốc phòng và một đội quân hùng hậu gần 2,3 triệu
quân nhân đang tại ngũ. Cơ quan quyền lực lớn nhất của Trung Quốc không phải là
bộ chính trị Đảng cộng sản mà là Quân Ủy Trung Ương. Trong mười năm gần đây
Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỉ đô la xây dựng các xa lộ trên khắp lãnh thổ chủ
yếu để có thể nhanh chóng điều động tới bất cứ nơi nào một lực lượng đủ để đánh
tan mọi cuộc nổi dậy đòi ly khai.
Các đế quốc khác hẳn với quốc gia là
không bao giờ gây hấn với bên ngoài để làm quên đi những mâu thuẫn nội bộ. Các
đế quốc chỉ chinh phạt và khiêu khích với bên ngoài khi hùng mạnh, nhưng triệt
thoái và co cụm lại khi suy yếu. Lô-gic này cũng tự nhiên và dễ hiểu vì ngay
trong lòng các đế quốc đã có rất nhiều "nước ngoài" với rất nhiều vấn
đề cần giải quyết. Khi suy yếu họ không còn tâm trí đâu để chinh phạt và gây
hấn với bên ngoài nữa. Lịch sử các đế quốc như La Mã, Ottoman và gần đây nhất
là đế quốc Liên Xô đều như vậy. Một ví dụ, năm 1968, giữa lúc Liên Xô đang
mạnh, chính quyền cộng sản Tiệp Khắc lấy quyết định “đổi mới” theo hướng dân
chủ như cho phép tự do báo chí, tự do hội họp…Liên Xô lập tức đem 600.000 quân
thuộc Khối Hiệp ước Warsaw xâm chiếm Tiệp Khắc và bắt giam toàn bộ ban lãnh đạo
đương nhiệm và thay thế bằng một ban lãnh đạo bù nhìn mới. Tuy nhiên 20 năm sau
(1988), vì khốn đốn trong nội bộ, Liên Xô đã phải rút đội quân viễn chinh ở
Afghanistan về nước và sau đó bất lực nhìn bức tường Berlin và cả khối xã hội
chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ. (Sự co cụm này đã không cứu được Liên Xô vì ba năm
sau (1991) dù đã co cụm lại nhưng đế quốc Liên Xô cũng sụp đổ theo, 15 nước
cộng hòa thuộc Liên Xô tách ra và tuyên bố độc lập).
Tập Cận Bình và đảng cộng sản Trung
Quốc sẽ làm mọi cách để duy trì chế độ. Tên của Tập đã được đưa vào Điều Lệ của
Đảng và Hiến Pháp Trung Quốc vì sứ mạng đó. Nhưng bằng cách nào nếu không phải
rút về và co cụm lại để tử thủ như logic của mọi đế quốc? Nghĩa là Trung Quốc không
bành trướng ra bên ngoài nữa, giảm đầu tư ra nước ngoài và giảm ngoại thương,
để tập trung giải quyết các vấn đề nội bộ. Chính sách co cụm và cố thủ này sẽ
cho phép Tập Cận Bình đàn áp và tàn sát nếu cần bởi vì Mỹ và các nước dân chủ
sẽ không bao giờ tuyên chiến với Trung Quốc nhân danh dân chủ và nhân quyền.
Nếu quan sát kỹ chúng ta đã có thể thấy những dấu hiệu khá rõ ràng. Sáng kiến “Vành đai và Con đường” rầm rộ cách
đây hai năm ít còn được nhắc lại nữa, người ta hầu như không nghe nói đến các
dự án mới, đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài trong năm 2019 hầu như không còn
gì. Trung Quốc cũng không mặn mà với đề nghị đàm phán của Mỹ để chấm dứt chiến
tranh thương mại, điều mà chính Donald Trump đang muốn.
Có lẽ chúng ta đã xúc động hơi quá
trong vụ Bãi Tư Chính để nhìn thấy ý nghĩa thực sự của nó. Trung Quốc mang tàu
HD8 đến đây suốt hơn hai tháng trời, có lúc tới cách dàn khoan Việt Nam 30 hải
lý, chỉ để nhìn Việt Nam khoan dò dầu khí tại một địa điểm nằm trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc từng xấc xược coi là thuộc "chủ
quyền" của họ vì nằm trong đường lưỡi bò, sau đó lặng lẽ rút lui. Như vậy
Trung Quốc đã mặc nhiên nhìn nhận chủ quyền của Việt Nam ở vùng biển này. Đây
là một triệt thoái lớn.
Bắc Kinh có ít nhiều lý do để tin
rằng chính sách co cụm sẽ giúp kéo dài chế độ. Một mặt họ sẽ có thể dùng sức
mạnh quân sự để đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng, mặt khác Trung Quốc còn
tồn đọng hơn 70 triệu căn hộ đang bỏ không để bán rẻ hoặc cấp phát cho người dân
để giảm nhiệt sự chống đối. Và dù sao cuộc sống của người dân Trung Quốc cũng
đã khá hơn rất nhiều so với trước đây. Ngay cả nếu có đói khổ hơn thì cũng
không sao vì Bắc Triều Tiên vẫn tồn tại dù đói khổ hơn Trung Quốc cả trăm lần.
Các món nợ nước ngoài thì Trung Quốc sẽ trả dần theo khả năng và ngay cả nếu
không trả thì các quĩ đầu tư cũng đâu làm gì được Trung Quốc. Tất nhiên việc
rút lui và co cụm lại như vậy cũng không thể giúp Trung Quốc tồn tại lâu nhưng
với Tập Cận Bình thì được năm nào hay năm ấy. Trung Quốc là một đế quốc nên sự
sụp đổ không đến ngay một lúc mà sẽ suy tàn dần trong một thời gian khá dài.
Việc Trung Quốc rút lui và co cụm lại
sẽ ảnh hưởng đến thế giới và Việt Nam như thế nào? Rõ ràng là khi Trung Quốc
suy thoái sẽ làm kinh tế thế giới trì trệ theo, dù không gây khủng hoảng lớn
bởi vì ảnh hưởng của Trung Quốc sẽ giảm dần chứ không chấm dứt một cách đột
ngột. Các nước công nghiệp phát triển đều sẽ gặp khó khăn vì mất dần một thị
trường lớn. Dự báo tăng trưởng các nước đều đã giảm trong năm 2019 và các năm
tiếp theo.
Một “nạn nhân” đặc biệt của việc
Trung Quốc co cụm lại là Donald Trump, ông Trump và ban cố vấn đã không hiểu
rằng Bắc Kinh không cần và không có lý do để nhượng bộ Mỹ nữa. Hôm qua,
3/12/2019 trong cuộc họp báo tại London, Anh quốc trước thềm Hội nghị thượng
đỉnh NATO, Trump đã thừa nhận là thỏa thuận giải quyết tranh chấp thương mại
Mỹ-Trung phải đợi đến sau bầu cử Mỹ (2020).
Hậu quả đối với Việt Nam sẽ ra sao?
Chắc chắn sự chèn ép và lấn chiếm từ
Trung Quốc sẽ giảm dần. Đe dọa thực sự là khi Trung Quốc tan rã trong hỗn loạn,
một điều gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong một tương lai trung hạn từ năm tới
mười năm nếu Tập Cận Bình hay người kế vị ông không có được sự khôn ngoan của
Gorbachev khi phải quản lý sự tan rã của Liên Xô, nghĩa là để cho một số tỉnh
như Quảng Tây, Vân Nam, Tây Tạng và Tân Cương trở thành những nước độc lập.
Chúng ta sẽ ở bên cạnh một đám cháy lớn. Nhưng vào lúc đó có nhiều triển vọng
là chúng ta đã có một chính quyền khác trách nhiệm và sáng suốt hơn.
Hệ quả tức thời và cụ thể của việc
Trung Quốc co cụm lại là chế độ cộng sản Việt Nam không còn dựa vào Trung Quốc
được nữa. Không phải là Đảng cộng sản Việt Nam không muốn dựa vào Trung Quốc
nữa mà vì Trung Quốc không muốn và cũng không thể là một chỗ dựa cho Việt Nam.
Trước tình cảnh này, Đảng cộng sản Việt Nam không còn cách nào khác hơn là phải
“thoát Trung” để xoay trục sang Mỹ và các nước dân chủ. Họ không hề muốn nhưng bắt
buộc phải “xoay trục” vì kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc vào thế giới, với một tổng
số xuất nhập khẩu gần bằng 200% GDP.
Như vậy có thể tạm kết luận là kế
hoạch “thoát Trung” để xoay trục sang Mỹ và các nước dân chủ của Đảng cộng sản
là bắt buộc và không thể đảo ngược được nữa. Điều mà ban lãnh đạo cộng sản mong
ước là nó sẽ diễn ra một cách âm thầm với sự tiếp tay vô tình của trí thức và
dư luận Việt Nam, rồi sau đó còn được tuyên dương là đã có công đưa đất nước ra
khỏi quỹ đạo Trung Quốc. Phải khẳng định: Chính Đảng cộng sản đã đưa đất nước
vào thế lệ thuộc Trung Quốc với hậu quả là khiến chúng ta mất đất, mất biển và
mất đảo, họ đã chỉ thoát Trung vào lúc không muốn thoát Trung cũng không
được.
Điều mà phong trào dân chủ Việt Nam
cần là chuẩn bị cho một tương lai gần khi Đảng cộng sản Việt Nam bắt buộc phải
chấp nhận những nhượng bộ về nhân quyền như là cái giá phải trả cho sự hợp tác
với các nước dân chủ.
Việt Hoàng (5/12/2019)