Một cơ hội lớn cho đất nước và dân chủ (Nguyễn Gia Kiểng)
Điều mà những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam
hoàn toàn không muốn là hòa nhập với các nước dân chủ. Họ thừa biết như thế chế
độ sẽ bị đào thải. Điều mà họ muốn là thần phục Trung Quốc để có chỗ dựa và tiếp
tục kéo dài chế độ toàn trị. Tuy vậy họ vẫn bị bắt buộc phải tách khỏi ảnh hưởng
Trung Quốc và đứng hẳn về phía Mỹ và các nước dân chủ. Tại sao? (Nguyễn Gia Kiểng)
Đối
với những ai theo dõi sát tình hình đất nước và thế giới thì không còn gì để ngờ
vực nữa: ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã chọn ra khỏi thế lệ thuộc Trung Quốc
để sáp lại với Mỹ và các nước dân chủ. Nói một cách nôm na là "bỏ Tầu theo
Mỹ". Câu hỏi mà nhiều người có thể đặt ra là tại sao họ lại chọn con đường
mà từ hơn ba thập niên qua họ không ngừng khẳng định là sẽ khiến Đảng Cộng Sản
tiêu vong?
"Đi với Tầu thì mất nước, đi với Mỹ thì mất đảng"
là câu ngạn ngữ thời đại mà mọi đảng viên cộng sản Việt Nam đều biết. Dầu vậy
các ban lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam kế tiếp nhau từ 1985 đã chọn thà mất nước
chứ không để mất đảng. Họ chỉ bắt đầu nghĩ lại, có lẽ từ năm 2014, giữa nhiệm kỳ
khóa 11, khi Việt Nam đã trở thành một bãi rác công nghiệp của Trung Quốc khiến
họ nhận ra rằng lệ thuộc Trung Quốc chỉ mắc tội bán nước chứ không giữ được Đảng,
hơn thế nữa còn mất Đảng sớm hơn và bi đát hơn. Đây đã là chọn lựa nhức nhối nhất
trong lịch sử Đảng Cộng Sản.
Không thể tiếp tục đu dây nữa
Bối
cảnh thế giới đã bắt đầu thay đổi từ cuối năm 2012 khi Tập Cận Bình lên cầm quyền
tại Trung Quốc sau đại hội 18 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Lúc đó thế giới
đang dần dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng 2008 nhưng Trung Quốc lại đang cực kỳ
bối rối. Họ đã chọn giải pháp chạy trốn về phía trước trong suốt bốn năm. Thay
vì nhìn nhận thực tại khó khăn và đương đầu với nó một cách thận trọng như mọi
quốc gia khác họ đã gia tăng ồ ạt chi tiêu công cộng và đầu tư, chủ yếu vào xây
dựng. Chính sách này chẳng có gì là độc đáo. Nó chỉ chứng tỏ Hồ Cẩm Đào và bộ
tham mưu không dám thẳng thắn đương đầu với những thách đố quá lớn. Kết quả là
kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 8% mỗi năm sau 2008 trong khi mọi nước khác
đều suy trầm. Cái giá phải trả là nền tảng của kinh tế Trung Quốc trở thành bệnh
hoạn. Khối nợ tăng vọt, tồn kho ứ đọng, năng xuất giảm, khả năng và phương tiện
xây dựng quá dư thừa. Nói chung là nguy ngập. Vấn đề đặt ra cho Trung Quốc vào
năm 2012 là phải làm gì trong tình trạng nguy ngập này. Ngừng bơm tiền để duy
trì một mức độ tăng trưởng giả tạo thì chắc chắn là không được bởi vì nếu được
thì Hồ Cẩm Đào đã làm rồi. Lý do là vì từ năm 1978, khi Đặng Tiểu Bình bắt đầu
chính sách mở cửa, chế độ cộng sản Trung Quốc đặt nền tảng trên một hợp đồng bất
thành văn với xã hội Trung Quốc theo đó người dân Trung Quốc chấp nhận sự lãnh
đạo độc quyền và tuyệt đối của đảng cộng sản đổi lại với cam kết của đảng cộng
sản là cải thiện nhanh chóng mức sống với một tỷ lệ tăng trưởng cao. Ôn Gia Bảo,
thủ tướng Trung Quốc vào lúc đó, đã nhắc lại hợp đồng này khi nói rằng nếu tăng
trưởng kinh tế thụt xuống dưới 8% thì sẽ có bạo loạn.
Như
vậy vẫn phải tiếp tục bơm tiền vào kinh tế, vấn đề chỉ là bơm như thế nào để có
thể tiếp tục che giấu tình trạng tuyệt vọng và trì hoãn khủng hoảng. Trong hoàn
cảnh đó Tập Cận Bình đã xuất hiện như một thiên tài và một cứu tinh của chế độ.
Sáng kiến Vành Đai và Con Đường được đưa ra và trình bày như một sáng kiến không
những khiến Trung Quốc không suy sụp mà còn vươn lên mạnh mẽ và trở thành bá chủ
thế giới. Còn gì đẹp hơn? Chỉ cần một chút bình tĩnh cũng có thể thấy dự án này
chắc chắn thất bại vì nó chỉ làm mạnh hơn với một tên gọi hoành tráng những gì
mà Hồ Cẩm Đào đã làm và đưa Trung Quốc vào thế nguy. Sự khác biệt chỉ là tình
thế nguy kịch hơn buộc Tập Cận Bình phải cường điệu hơn. Chính Tập cũng ý thức
được như vậy nên người ta có thể thấy là ông luôn luôn cố gắng tỏ ra hòa hoãn với
thế giới bên ngoài sau khi đã bị bắt buộc phải cường điệu trong đảng. Một thí dụ
là bài diễn văn đầy thiện chí tại diễn đàn Davos tháng 01/2017. Điều mà Tập Cận
Bình có lẽ không ý thức được một cách đầy đủ là ngay cả một hành động điên rồ
cũng có logic riêng của nó và ông bị bắt buộc phải ngày một cường điệu hơn, cao
điểm là Đại Hội 19 của Đảng Cộng Sản Trung Quốc cuối năm 2017 trong đó ông công
khai nói ra tham vọng làm bá chủ thế giới của Trung Quốc cả về quân sự vào năm
2049. Cuộc tranh hùng Mỹ - Trung như vậy trở thành đương nhiên. Nghiêm trọng
hơn, đây không chỉ là tranh hùng với Mỹ mà còn là một thách thức với cả thế giới
dân chủ, Châu Âu, Nhật, Ấn Độ v.v. bởi vì Trung Quốc đồng thời cũng khẳng định
trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và lập các Viện Khổng Tử khắp nơi để truyền
bá chủ nghĩa này.
Sai
lầm lớn của nhiều người Việt Nam là cho rằng Donald Trump đã khởi xướng cuộc đối
đầu Mỹ - Trung. Sự thực trái hẳn. Cuộc đối đầu này đã manh nha ngay từ khi Hồ Cẩm
Đào chọn chính sách bung ra sau cuộc khủng hoảng 2008 và được tăng cường dồn dập
từ 2012 khi Tập Cận Bình chuẩn bị lên cầm quyền và bộc lộ tham vọng bành trướng.
Chính quyền Obama tuyên bố chuyển trục về Châu Á và đẩy mạnh sáng kiến thành lập
khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà mục đích công khai là cô lập Trung
Quốc. Obama quyết liệt đến độ yêu cầu quốc hội Mỹ biểu quyết thông qua TPP theo
thủ tục cấp tốc (fast track) năm
2015. Sau đó mời Nguyễn Phú Trọng qua bàn bạc. Có những chi tiết của cuộc thăm
viếng này cho phép kết luận chắc chắn rằng hai bên đã thỏa thuận. Cũng chính
Obama đã tươi cười tới Việt Nam ăn bún chả, uống bia Hà Nội và mượn câu thơ Kiều
"rằng trăm năm cũng là đây" để
cam kết Mỹ sẽ luôn luôn có mặt bên cạnh Việt Nam. Nếu TPP và chiến lược Obama
được thực hiện tới cùng thì chắc chắn Trung Quốc sẽ rất khốn đốn. Nhưng ngay
khi lên cầm quyền Donald Trump đã rút Mỹ khỏi TPP. Donald Trump chỉ quan tâm tới
ngoại thương và cũng chỉ muốn giải quyết khối thâm thủng mậu dịch cũng như vấn
đề quyền sở hữu trí tuệ qua thỏa hiệp song phương với Bắc Kinh. Donald Trump
không chống Trung Quốc như nhiều người nghĩ. Ông chỉ dần dần hiểu điều mà người
tiền nhiệm của ông đã hiểu và các nước dân chủ lớn cũng đều đã hiểu, đó là phải
ngăn chặn sự bành trướng của một chế độ độc tài khổng lồ đang phủ nhận những
giá trị phổ cập của nhân loại và lại còn muốn làm bá chủ thế giới.
Cuộc
đối đầu này hiện đã khá gay go và sẽ ngày càng gay go hơn. Chính sách đu dây vừa
phục tùng Trung Quốc vừa muốn lợi dụng các nước dân chủ của Đảng Cộng Sản Việt
Nam không còn tiếp tục được nữa. Phải chọn một trong hai bên.
Những lý do của một chọn lựa bắt buộc
Các
dự đoán chính trị thường có rủi ro là có thể sai, trừ khi người ta lý luận trên
những gì mà các tác nhân bắt buộc phải làm dù không muốn. Thí dụ như cả Hồ Cẩm
Đào và Tập Cận Bình đều muốn tiếp tục chính sách âm thầm phát triển của Đặng Tiểu
Bình nhưng vẫn bị bắt buộc phải chọn chính sách bành trướng và trên thực tế
khiêu khích thế giới. Lý do là họ phải cố duy trì một mức tăng trưởng giả tạo
vì nếu không Trung Quốc sẽ hỗn loạn.
Cũng
tương tự, điều mà những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn không
muốn là hòa nhập với các nước dân chủ. Họ thừa biết như thế chế độ sẽ bị đào thải.
Điều mà họ muốn là thần phục Trung Quốc để có chỗ dựa và tiếp tục kéo dài chế độ
toàn trị. Tuy vậy họ vẫn bị bắt buộc phải tách khỏi ảnh hưởng Trung Quốc và đứng
hẳn về phía Mỹ và các nước dân chủ. Tại sao?
Lý
do đầu tiên và quan trọng nhất là Biển Đông. Trung Quốc trong suốt dòng lịch sử
đã luôn luôn chỉ là một đế quốc lục địa không hề có một tham vọng đại dương nào
và do đó hầu như không có sức mạnh hải quân. Hậu quả là tuy có hơn 15.000 km bờ
biển nhưng Trung Quốc hoàn toàn bị vây bọc về phía Đông, bởi Hàn Quốc, Nhật và
dải Điếu Ngư, rồi Đài Loan và Philippines. Tất cả đều là những nước dân chủ đồng
minh của Mỹ. Trung Quốc sẽ lập tức bị cô lập trong trường hợp có xung đột. Lối
thoát duy nhất của Trung Quốc là Biển Đông (hay Biển Hoa Nam theo cách gọi của
họ). Hơn thế nữa nếu làm chủ được Biển Đông Trung Quốc còn có thế để mặc cả giải
tỏa thế bị vây bởi vì Biển Đông là đường vận chuyển của gần một nửa hàng hóa của
thế giới. Như vậy thế chiến lược buộc Trung Quốc phải chiếm Biển Đông. Đó là lý
do khiến họ đã vẽ ra Đường Chín Đoạn (hay Đường Lưỡi Bò) xấc xược tự cho mình
là chủ Biển Đông. Nhưng Biển Đông cũng là sự sống còn của Việt Nam. Đối với Việt
Nam mất Biển Đông là mất tất cả. Dù muốn hay không những người lãnh đạo cộng sản
Việt Nam cũng không thể và không dám nhượng bộ; họ sẽ bị lật đổ bởi một cuộc nổi
loạn ngay trong nội bộ đảng cộng sản trước sự phẫn nộ bốc lửa của nhân dân và số
phận họ sẽ rất bi đát. Một lý do Biển Đông cũng quá đủ để Đảng Cộng Sản Việt
Nam phải quyết định thoát Trung.
Một
lý do khác quan trọng không kém đến từ bản chất đế quốc của Trung Quốc. Cụm từ
"bản chất đế quốc" ở đây không có ý tố cáo mà chỉ là một nhận xét.
Trung Quốc có đặc tính duy nhất là từ ngày thành lập luôn luôn là một đế quốc
như chính nó tự gọi mình. Đế quốc hiểu theo nghĩa khách quan là một số nước phục
tùng một trung tâm; trung tâm này áp đặt một ý thức hệ chung và dành độc quyền
quân lực hoặc nắm một quân lực đủ mạnh để đập tan dễ dàng và nhanh chóng mọi ý
đồ bất phục tùng. Đối với Trung Quốc ý thức hệ đó là Khổng Giáo, ngày nay là chủ
nghĩa Mác-Lênin mà kẻ viết bài này đã nhiều lần giải thích rằng đó chỉ là một
văn bản cải tiến của Khổng Giáo. Sự thống nhất của Trung Quốc luôn luôn chỉ được
áp đặt và duy trì bằng bạo lực và tàn sát, lần cuối cùng là vào giữa thế kỷ 19
khi nhà Thanh tàn sát 70% dân chúng các tỉnh Vân Nam, Quý Châu, Quảng Đông và
Quảng Tây để dẹp tan cuộc khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn. Các
tỉnh của Trung Quốc trên thực tế là những quốc gia bị khuất phục. Gần đây trước
những ý đồ ly khai manh nha Bắc Kinh đã xây các xa lộ trên khắp lãnh thổ vừa để
duy trì một tỷ lệ tăng trưởng giả tạo vừa để có thể điều động nhanh chóng tới bất
cứ nơi nào một đội quân đủ mạnh để đập tan mọi cuộc nổi dậy đòi độc lập. Các tỉnh
tự trị của Trung Quốc như Quảng Tây, Vân Nam, Tân Cương và Tây Tạng…đều không
được quyền có lực lượng vũ trang. Công an và quân đội hoàn toàn thuộc Bắc Kinh.
Trong tinh thần và truyền thống đó Bắc Kinh không thể dung túng một chư hầu có
quân đội mạnh. Đối với Việt Nam họ lại càng cần nắm quân đội để bảo đảm quyền
kiểm soát Biển Đông. Họ phải khống chế được một cách tuyệt đối quân đội Việt
Nam để trong tương lai thay thế bằng một quân đội của Bắc Kinh khi cần. Điều
này ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng không thể chấp nhận nếu không muốn bị đảo
chính lật đổ. Lý do này, cũng như Biển Đông, tự nó cũng đủ để khiến họ phải tìm
cách thoát Trung.
Hai
lý do này khiến bất cứ một chính quyền Việt Nam nào cũng không thể chấp nhận lệ
thuộc Trung Quốc. Đảng Cộng Sản Việt Nam đã khá nhẫn nhục. Tuyên bố chung của
hai bên trong chuyến đi Trung Quốc năm 2013 của Trương Tấn Sang cho thấy là họ
đã chấp nhận tham khảo Bắc Kinh –trên thực tế là nhận chỉ thị- trong các quan hệ
đối ngoại, ngay cả trong khối ASEAN. Họ cũng đã chấp nhận để Trung Quốc huấn
luyện các sĩ quan Việt Nam. Nhưng Trung Quốc không thể hài lòng với mức độ phục
tùng này và còn đòi hơn thế. Họ muốn Việt Nam chấp nhận chủ quyền của họ trên
Biển Đông và đặt các lực lượng vũ trang dưới sự kiểm soát của họ. Ban lãnh đạo Cộng
Sản Việt Nam không thể chấp nhận vì chấp nhận đồng nghĩa với lãnh bản án tử
hình, theo nghĩa đen, cho chính họ. Sự ly dị là không tránh khỏi và chỉ chờ một
tình thế bắt buộc hoặc thuận lợi.
Và
một tình thế vừa bắt buộc vừa thuận lợi đã đến khi Trung Quốc trở thành một đe
dọa cho thế giới và một đối thủ thực sự của Hoa Kỳ và các nước dân chủ.
Bắt
buộc vì không thể đu dây được nữa. Phải chọn lựa và phải chọn đứng hẳn về phía
Hoa Kỳ và các nước dân chủ vì tương quan lực lượng quá chênh lệch cả về kinh tế
lẫn quân sự. Chọn Trung Quốc đồng nghĩa với chọn một thảm bại chắc chắn. Hơn nữa kinh tế Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc
vào Mỹ và các nước dân chủ. Xuất nhập khẩu của Việt Nam vào năm 2019 xấp xỉ bằng
250% GDP, nghĩa là gấp năm lần mức độ báo động về lệ thuộc kinh tế vào bên
ngoài, và xuất khẩu chủ yếu sang Mỹ và các nước dân chủ.
Thuận
lợi vì Việt Nam là nước có vị thế chiến lược quan trọng nhất trong cuộc đối đầu
này. Các nước dân chủ, trước hết là Mỹ, bắt buộc phải tận tình bảo vệ Việt Nam
và giúp Việt Nam mạnh lên để làm đối trọng với Trung Quốc. Một cách cụ thể xuất
khẩu của Việt Nam sang đã Mỹ tăng gần 40% trong năm 2019, từ khi sự thay đổi đồng
minh được coi là không thể đảo ngược. Rất nhiều công ty đã hoặc đang rời Trung
Quốc để sang Việt Nam. Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng vọt. Các công ty và
vốn đầu tư này chỉ rời Trung Quốc để tới Việt Nam khi được bảo đảm rằng Việt
Nam không còn nằm trong ảnh hưởng Trung Quốc. Một thuận lợi đồng thời cũng đòi
hỏi một cam kết thoát Trung. Cam kết này chẳng có gì là nhức nhối bởi vì Trung
Quốc là một gánh nặng ngoại thương cho Việt Nam, thâm thủng mậu dịch của Việt
Nam với Trung Quốc lên tới gần 40 tỷ USD năm nay.
Sự
thay đổi đồng minh không chỉ vừa bắt buộc vừa thuận lợi mà còn dễ dàng bởi vì Trung
Quốc là một đế quốc về bản chất. Các đế quốc đều muốn bành trướng, như Trung Quốc
đã chứng tỏ tại Việt Nam và qua Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường, nhưng đặc tính
của chúng là co cụm lại để cố giữ vững nội bộ chứ không cố bành trướng ra ngoài
khi gặp khó khăn. Và thực tế Trung Quốc đang gặp những khó khăn rất lớn, họ
không còn lòng dạ nào để chuốc thêm một khó khăn lớn khác tại Việt Nam. Họ sẽ
không phản ứng mạnh khi Việt Nam thay đổi đồng minh. Cùng lắm là một vài bài
báo chửi Đảng Cộng Sản Việt Nam là đồ lật lọng, điều mà họ đã bắt đầu làm trên Nhân Dân Nhật Báo và Toàn Cầu Thời Báo.
Một cơ hội lớn cho đất nước và dân chủ
Những
người lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam chắc chắn không đặt quyền lợi đất nước
trên tham vọng quyền lực của họ. Họ đã chọn lệ thuộc Trung Quốc dù đã gây thiệt
hại lớn cho đất nước. Họ đã chỉ thay đổi đồng minh khi không còn chọn lựa nào
khác. Họ cũng thừa hiểu là không thể duy trì chế độ độc tài đảng trị một khi đã
liên kết với Mỹ và các nước dân chủ.
Tuy
vậy lúc này họ đang cố tìm mọi lý do để tự trấn an. Họ lý luận rằng Mỹ và các
nước dân chủ đang rất cần họ và do đó vừa phải tận tình giúp đỡ họ vừa phải chấp
nhận để họ duy trì chế độ độc tài ít nhất trong một thời gian khá dài. Ngoài ra
với sự ưu ái của Mỹ và các nước dân chủ kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh, đời
sống người dân sẽ được cải thiện đáng kể và những lý do bất mãn cũng sẽ giảm xuống.
Hơn nữa họ cũng có lý do để không đánh giá cao đối lập dân chủ Việt Nam về khả
năng hình thành một tổ chức mạnh ngay cả nếu họ phải chấp nhận đa đảng. Hãy cứ
để cho họ tự khám phá ra rằng sự thực không phải như thế. Đàng nào thì tiến
trình thoát Trung cũng không thể đảo ngược được nữa.
Tình
hình mới này buộc Mỹ, Nhật, Châu Âu và nhiều nước dân chủ khác nâng đỡ và hợp
tác chặt chẽ với Việt Nam. Đây là một cơ hội có một không hai cho nước ta để trở
thành giầu mạnh. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể vừa giữ được trọn vẹn các quyền
lợi hợp pháp chính đáng trên Biển Đông vừa có một quan hệ hòa bình và hữu nghị
với Trung Quốc để bình tĩnh chờ đợi những diễn biến sẽ rất phức tạp tại đây
trong một tương lai không xa.
Cuộc
đấu tranh cho dân chủ sẽ đi vào một giai đoạn mới đầy triển vọng bởi vì chắc chắn
Đảng Cộng Sản sẽ phải làm những nhượng bộ quan trọng và ngày càng quan trọng
hơn về dân chủ và nhân quyền. Tiến trình dân chủ hóa có thể nhanh chóng hơn hẳn
dự đoán của Đảng Cộng Sản, với điều kiện là chúng ta có được một kết hợp dân chủ
mạnh với một dự án chính trị vừa đúng và khả thi vừa có thể động viên mọi khối ốc
và mọi bàn tay trong cố gắng xây dưng một đất nước Việt Nam dân chủ, hòa giải,
giầu mạnh, đáng yêu và đáng tự hào. Đảng Cộng Sản tin là sẽ không có kết hợp này,
chúng ta tin là sẽ có. Tương lai sẽ cho biết ai có lý.
Có thể nói gì với những người cộng sản vào lúc này?
Mặc
dù những điều kiện khách quan đặc biệt may mắn, sự chuyển hướng thoát Trung để
đến với các nước dân chủ đã chỉ có được vì đã có những người yêu nước và sáng
suốt ngay trong nội bộ Đảng Cộng Sản, kể cả ở những cấp cao. Điều này mọi người
Việt Nam phải ghi nhận với sự trân trọng. Nhưng các anh em này cũng cần đi thêm
một bước quả quyết nữa về tư tưởng và thái độ. Đó là thẳng thắn khẳng định lập trường
dân chủ. Để chủ động thay vì chỉ chịu đựng một thay đổi lịch sử phải có và sắp
đến.
Nguyễn Gia Kiểng (16/12/2019)