Bao giờ các dự án xây dựng đầu tư công không còn bị hoang phế? (RFA Tiếng Việt)

Các quan chức cộng sản dùng tiền để thăng tiến, nên khi có chức, họ phải nghĩ ra các dự án  để "thu hồi vốn". Đây là lý do các dự án, công trình xây dựng vô tích sự vẫn được phê duyệt liên tục.

Nhiều người hỏi : làm cái gì thì chúng cũng ăn, sao chúng không làm những cái có ích như đường xá, cầu cống, v.v... mà lại đi làm những cái vớ vẫn như tượng đài, bảo tàng để không. Thật ra rất dễ hiểu, đảng cộng sản là một băng đảng cướp bóc, và như mọi băng nhóm khác, trong nội bộ chúng phải có luật lệ riêng để chia chác sao cho giảm bớt xung đột nội bộ. Chức bộ trưởng giao thông, giám đốc sở giao thông cũng phải mua, bên ngành giao thông có đường xá, cầu cống để ăn bớt. Chức bộ trưởng văn hóa, giám đốc sở văn hóa cũng phải mua thì phải nghĩ ra cái để làm mà "thu hồi vốn" chứ. Và tượng đài, bảo tàng là hợp "văn hóa" rồi.

Bảo tàng Hà Nội được gọi là 'ngôi nhà hoang' giữa lòng thủ đô Việt Nam.Courtesy: infonet.vn

Dự án bạc tỷ xây hoài không xong

Theo tin từ báo giới trong nước, dự án Bến xe Miền Đông mới, có tổng vốn đầu tư khoảng 4000 tỷ đồng, được khởi công hồi tháng 4 năm 2017 ở thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) và dự kiến sẽ hoàn thành các công trình xây dựng xung quanh như hầm chui, cầu vượt, mở rộng quốc lộ 1 vào năm 2020; tuy nhiên hiện tại cỏ dại mọc um tùm bên trong bến xe được quy hoạch không những là bến xe lớn nhất nước mà còn là bến xe hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á.

Báo mạng vietnamnet.vn, ngày 13/11, dẫn nguồn từ Sở Giao thông-Vận tải TP.HCM cho biết Bộ Xây dựng đã chấp thuận nghiệm thu đưa công trình vào hoạt động nhưng Chính quyền TP.HCM ra quyết định hoãn lại hồi giữa tháng 8 vì còn bị vướng mắc trong việc thẩm định giá cho chủ đầu tư thuê đất xây dựng bến xe.

Cùng trong tháng 11, trước đó, Báo mạng Thanh Niên Online loan tin về Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM, được xem là một biểu tượng của thành phố-trung tâm kinh tế-thương mạnh lớn nhất Việt Nam, có tổng mức đầu tư 800 tỷ đồng, đã khởi công hơn 6 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Dự án vừa nêu được quy hoạch xây dựng trên khu đất rộng 18 ngàn m2, ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, TP.HCM, nằm liền kê khu đất được dự kiến xây dựng nhà hát giao hưởng (có vốn đầu tư 1500 tỷ đồng), khởi công vào Quý 1 năm 2013 và hoàn thành vào năm 2015. Thế nhưng, phóng viên của Báo Thanh Niên Online ghi nhận trong những ngày đầu tháng 11 năm 2019 thì công trình này chỉ có bảo vệ trông coi và là nơi nuôi gà, vịt của những hộ xung quanh đó.

Báo Thanh Niên Online dẫn lời của một nhà thầu tham gia xây dựng dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM cho biết công trình này có hơn 40 nhà thầu tham gia trực tiếp và trong quá trình xây dựng xảy ra tình trạng các nhà thầu bị chồng chéo đan xen, giẫm chân lên nhau nên dự án bị chậm gần 7 năm.

Một điều đáng lưu ý là Chính quyền TP.HCM lại chuẩn bị mời thầu cho một dự án khác, là dự án Khu phức hợp Trung tâm hội nghị triển lãm, khách sạn và thương mại dịch vụ, cũng ở tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, với tổng vốn đầu tư gần 1700 tỷ đồng.

Hai dự án Bến xe Miền Đông mới và Trung lâm triển lãm quy hoạch TP.HCM chỉ là hai dự án lãng phí mới vừa được truyền thông trong nước nêu danh.

Theo số liệu báo cáo Chính phủ về công tác giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư năm 2018, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết hiện Việt Nam có rất nhiều dự án sử dụng vốn nhà nước gây thất thoát, lãng phí với số liệu ghi nhận lên đến 422 dự án. Một trường hợp điển hình là Bảo tàng Hà Nội, có tổng mức đầu tư lên tới 2400 tỷ đồng, cho đến tháng 10 năm 2018 được báo giới gọi là ‘ngôi nhà hoang’ giữa lòng thủ đô, mặc dù đây là công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Tại Hà Nội, còn có một dự án gây bức xúc trong dư luận cả nước suốt gần một thập niên là dự án Đường sắt Cát Linh-Hà Đông, với mức đầu tư ban đầu là 8.800 tỷ đồng, khởi công vào tháng 10/2011 và đến cuối năm 2018 đã đội vốn lên 18.000 tỷ đồng; thế nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành để đưa vào vận hành thương mại.

Liên quan vấn đề các công trình xây dựng đầu tư công lớn ở Việt Nam hiện nay, Kiến trúc sư Duy Black, ở Sài Gòn lên tiếng với RFA rằng thủ tục xét duyệt không hề đơn giản, tuy nhiên hàng loạt các dự án này vẫn được quy hoạch và triển khai là do:

“Theo góc độ chuyên môn thì tất cả các bước, từ bắt đầu bước nghiên cứu dự án, báo cáo, đánh giá tính khả thi của dự án…đều được xem xét và thông qua rất kỹ lưỡng. Nhưng cũng nên biết một điều là tất cả những dự án ở Việt Nam hiện tại, nhất là những dự án lớn khi tiến hành đầu tư xây dựng thì không phải vì mục đích chung. Có thể tôi tương đối cực đoan, nhưng đó là thực trạng ở Việt Nam. Cho dù đánh giá mức độ nào đi chăng nữa thì các dự án đó đều vì mục đích riêng của từng cá nhân và theo từng giai đoạn của các nhà lãnh đạo. Đó là vì mục đích riêng hết, vì mục đích của từng nhóm người.”

Đồng quan điểm, Kỹ sư Xây dựng Trần Bang nói về ghi nhận cá nhân của ông:

“Tôi có thể vạch ra hàng trăm cái dự án lãng phí và bất cập. Dự án ở Việt Nam không căn cứ vào vấn đề nhu cầu mà căn cứ vào vấn đề giải ngân. Dự án là lý do để được giải ngân, lấy được công trình, thi công được công trình là có cái để rút tiền trong ngân sách ra và cấp lãnh đạo tại thời điểm ấy là có phần trăm ăn. Tức là không đồng bộ, không căn cứ vào nhu cầu, không khảo sát thiết kế kỹ mà cứ vẽ dự án cho bằng được.

Thực trạng vẫn tiếp diễn?

Trong báo cáo năm 2018 trình Chính phủ, Bộ Kế hoạch-Đầu tư cho biết các dự án có thất thoát, lãng phí chủ yếu là các chi phí không hợp lý, được phát hiện trong giai đoạn thanh toán, quyết toán và kiểm toán. Đồng thời, những nguyên nhân của việc thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng là do chủ trương đầu tư sai nên dẫn đến hậu quả như công tác đền bù giải phóng mặt bằng không đảm bảo tiến độ, công tác lựa chọn nhà thầu, công tác thi công công trình…

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, từ Hà Nội nhận định rằng Chính phủ Việt Nam không nhận thấy được sự quản lý yếu kém trong các dự án xây dựng đầu tư công của quốc gia và đây không phải là một vấn đề nan giải:

“Đúng là những dự án rất cần thiết cho quốc kế dân sinh mà là dự án thật lớn thì tại sao không thuê người nếu bị thiếu người? Những người có kỹ năng trong lãnh vực này trên thế giới là có để Việt Nam có thể thuê và hiệu quả hơn rất nhiều. Đồng thời cho người của mình kèm vào đấy để học.”

Mặc dù vậy, Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhấn mạnh tình trạng thất thoát lãng phí trong các dự án xây dựng đầu tư công vẫn tiếp diễn:

“Tuy nhiên tình trạng tham nhũng ở Việt Nam có thể dẫn đến chuyện vừa tham nhũng vừa kỹ năng quản trị kém và việc hoạch định các dự án cũng lại không đâu vào đâu cả. Bởi vì có những dự án trên giấy rất là hay, nhưng không sát với thực tiễn và chuyện ấy làm thất thoát nguồn lực của quốc gia.”

Kiến trúc sư Duy Black thì cho rằng dù chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam tuy là nhiều vụ đại án bị phanh phui trong thời gian gần đây, nhưng ông tin là tình trạng “tham nhũng” trong dự án xây dựng đầu tư công sẽ không có xu hướng giảm, bởi vì nếu bị ‘tóm” và bị đưa ra tòa xét xử chăng nữa thì số tiền tham nhũng phải trả lại cho Nhà nước chẳng la bao. Kiến trúc sư Duy Black khẳng định:

“Khi họ nghĩ ra những cái gì có thể thu lợi cho họ, cho nhóm người của họ thì họ sẽ tiếp tục ‘đẻ’ ra những dự án như vậy. Họ không cần biết nó có khả thi hay không, hay có phục vụ lợi ích cộng đồng hay không, mà họ cứ tiếp tục vẽ ra những dự án như thế từ vài trăm tỷ cho tới hàng ngàn tỷ.”

Mới đây nhất, vào hôm 15 tháng 11, truyền thông quốc nội loan tin Bộ Giao thông-Vận tải vừa họp bàn cùng 8 tỉnh, thành phố về dự án quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng với vốn đầu tư đến 100.000 tỷ đồng, đi qua Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.

Trong cùng ngày, VTC News dẫn lời của Chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng việc xây dựng dự án đường sắt Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng tại thời điểm này là chưa cần thiết, thậm chí là lãng phí.

Facebooker Ngo Thu, một người theo dõi sát sao những thông tin liên quan các công trình xây dựng đầu tư công thất thoát và lãng phí tại Việt Nam cũng lên tiếng với RFA, qua ứng dụng messenger rằng:

“Hầu như mỗi tỉnh đều có công trình để đó không hoàn thành. Tiếc nhất là trường học và bệnh viện. Lãng phí kinh khủng. Dường như chính quyền không biết phải làm sao: bỏ thì không được, mà làm tiếp cũng không xong. Như vậy là hỏng!”

Đài Á Châu Tự Do tạm khép lại bài ghi nhận hạn hẹp này, qua lời nhận xét của Facebooker Ngo Thu rằng “Quốc gia Việt Nam nghèo vì không biết xài tiền, chứ không phải vì không có tiền”.