Những người thầy xã hội chủ nghĩa (Việt Nghĩa)
Nhà dột từ nóc
Ngôi trường giáo dục Việt Nam đang dột từ nóc khi hàng loạt các vị thầy đáng kính, từ thầy giáo đến thầy tu đang bị khinh miệt, tẩy chay vì những hành vi, phát ngôn phản giáo dục, xem thường lẽ phải, cổ xuý lối sống thực dụng, sa đoạ, và cuồng vật chất.
Nếu như thầy trụ trì của chùa Địa Ngục chịu khó tu thân, sống khắc khổ, làm gương cho phật tử…chắc chắn phật giáo Việt Nam sẽ có thêm một vị chân tu đáng kính, hàng ngàn tín đồ ngoan đạo. Nhưng ngược lại, vị thầy này lại mải mê đầu tư công sức vào các dự án phá rừng, tàn phá hệ sinh thái quí hiếm, ít ỏi của một nước Việt tang thương.
Chưa dừng lại ở đó, vị trụ trì này còn thể hiện lối sống phản tu hành, ở mức cao độ, khi không ngần ngại dùng những lời lẽ thô tục, cử chỉ bệnh hoạn để gạ tình phụ nữ. Hành vi này sẽ còn tiếp diễn nếu như những bằng chứng không thể chối cãi (băng ghi âm) không được tung ra. Nó như một vết nhơ không thể tẩy rửa trên khuôn mặt đầy những bê bối bẩn thỉu của giáo hội phật giáo quốc doanh.
Dư luận chưa hết bàng hoàng về sư thầy Thích Thanh Toàn, thì đến lượt thầy giáo có cái tên rất hay, rất có tính giáo dục: Vũ Khắc Ngọc. Người viết hiểu từ “khắc” có nghĩa là nghiêm khắc rèn luyện, tu dưỡng và gọt giũa để sáng đẹp như “ngọc.” Cái tên này trở nên cao quí khi thầy có hành động dũng cảm tố giác và vạch trần những gian dối trong công tác chấm thi ở Hà Giang.
Nhưng dư luận đã một phen ngã ngửa khi thầy giới thiệu với không chỉ Việt Nam, mà cả thế giới một “chân lý mới”: tranh đấu cho lẽ phải, tự do, dân chủ chỉ là trò cười, là gây rối, phá hoại, và không đáng gì so với điều quan trọng nhất “nồi cơm”, khi thầy quyết liệt chống lại cả thể giới dân chủ văn minh bằng cách kết án phong trào biểu tình ở Hồng Kông. Càng đáng trách hơn, khi thầy Ngọc cảnh báo giới trẻ Việt Nam đừng dại dột bắt chước Hồng Kông.
Nhưng “thần tượng” Vũ Khắc Ngọc cảm thấy như thế vẫn chưa tương xứng với “tình yêu” mãnh liệt mà ông dành cho nồi cơm, mà ông đánh tráo khái niệm thành quê hương. Nên ngay khi có thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới, ông đã tổ chức một cuộc tấn công làm rung chuyển cả làng truyền thông quốc tế, khi trong nháy mắt đã hạ gục một trong những ứng dụng ăn khách nhất Việt Nam: Air Visual.
Chỉ bằng lời kêu gọi cộng đồng, những người chưa có nhận thức đúng về chính trị, xã hội, hiện thực đời sống, đồng loạt chấm điểm thấp nhất (1 sao), hòng tẩy chay công cụ đo ô nhiễm không khí đình đám này, dù thầy không trưng ra bất cứ một bằng chứng thuyết phục nào.
Kết quả như thế nào chúng ta đã biết, Air Visual phải rời khỏi Việt Nam không kèn, không trống. Vũ Khắc Ngọc đã tự bôi bẩn không chỉ cái tên rất đẹp, mà còn cả thanh danh và lương tâm của chính mình, khi thể hiện một bản chất rất đặc trưng của giáo dục Việt Nam: gian dối, chụp mũ và xu nịnh.
Sám hối và lời xin lỗi muộn màng
Sau những tội lỗi và bằng chứng quá rõ ràng, thầy Thích Thanh Toàn phải sám hối đại tăng và xin hoàn tục. Nhưng thầy vẫn không chịu dừng việc bôi bẩn cửa phật, khi đòi chia tài sản nhà chùa một cách quyết liệt như lúc đòi tình nữ phóng viên.
Đến đây, chúng ta không thể tưởng tượng nổi sự băng hoại của một chốn từng là nơi con người tìm đến để buông bỏ buồn phiền, tìm kiếm sự tịnh tâm.
Thầy Vũ Khắc Ngọc cũng cho thấy mình không thua kém thầy Thích Thanh Toàn là bao, khi chỉ nỗ lực cứu vớt thanh danh của mình bằng cách xin lỗi nhà phát triển ứng dụng Air Visual một cách giả tạo và nguỵ biện. Còn hàng triệu người Việt bị ảnh hưởng, chịu thiệt thòi khi mất đi công cụ bảo vệ sức khoẻ đắc lực, thì thầy không thèm đếm xỉa.
Tại sao?
Hai người thầy trên là những “viên ngọc quí” của ngôi trường xã hội chủ nghĩa. Nơi đã biến từ “giáo dục” trở thành thô tục. Vì ở đâu có “giáo dục” ở đó có những con người hành xử như kẻ vô học.
Ở đâu có khẩu hiệu “tiên học lễ” ở đó có những phát ngôn tục tĩu như thầy Ngọc đã minh chứng. Ở đâu có những ông thầy ở đó có những kẻ tiểu nhân, biến thái. Ở đâu rêu rao “học theo tấm gương cần, kiệm,liêm, chính,…ở đó có tham nhũng, lãng phí, gian trá, nịnh bợ,…
Nền giáo dục của chúng ta không phải tự nhiên trở nên đáng xấu hổ, mà nó có sự đóng góp hàng ngày, hàng giờ của thói quen luồn lách, tư duy khôn lỏi, xem thường lẽ phải.
Chúng ta chỉ gặt hái được “trái ngọt” nếu chúng ta chịu gieo mầm niềm tin, sự thật, công lý và hoà bình.
Việt Nghĩa 09/10/2019