Đề xuất mở rộng Huế gấp 5 lần: tránh làm nửa vời! (RFA Tiếng Việt)
Người cộng sản ngồi không là đại phúc cho dân tộc. Bất cứ việc làm nào của họ cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến những giá trị văn hoá và cả đời sống của người dân. Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến nhiều di tích văn hoá, lịch sử bị huỷ hoại, nhiều cánh rừng bị tàn phá, và nhiều dân oan mới xuất hiện.
Bản đồ không gian mở rộng phát triển đô thị Huế (màu vàng) đến năm 2025.
Courtesy thuathienhue.gov.vn
Đề xuất mở rộng Huế gấp 5 lần vừa được Ủy ban Nhân dân (UBND) tỉnh Thừa Thiên Huế hoạch định trong đề án “Xây dựng, phát triển đô thị Huế đến năm 2030 và điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung TP Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Nâng cấp thành thị
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, đề án này đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện. Cụ thể, phạm vi mở rộng đô thị Huế gồm thành phố Huế hiện hữu với 70,67km² và một phần của các thị xã Hương Thủy, Hương Trà, huyện Phú Vang, với diện tích khoảng 348,54km², rộng gấp năm lần thành phố Huế hiện nay.
Từ thành phố Huế, Kỹ sư Nguyễn Hữu Lễ, nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp Thừa Thiên Huế, thành viên Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Thừa Thiên Huế, cho biết:
“Cái này rất là tuyệt vời, đầu tiên phải mở rộng thành phố Huế trước, thì mới lên được thành phố Huế trực thuộc Trung ương, tôi nghĩ ý đồ đó là rất tốt. Khi lên thành phố thì tất cả các xã sẽ thành phường, khi thành phường thì sẽ được đầu tư lớn hơn nhiều, và chắc chắn hoạt động cũng sẽ khác nhiều.”
Trước lo ngại, liệu việc đô thị hóa thành phố Huế sẽ tàn phá diện tích đất rừng ở Thừa Thiên Huế, một địa phương được cho là có nhiều diện tích rừng được gìn giữ, thì nguyên Giám đốc Sở Lâm nghiệp Thừa Thiên Huế cho rằng, không cần lo lắng về điều này:
“Phát triển cả vùng, cả phía Tây và phía Đông, nhưng không lo mất rừng, vì rừng trong thành phố cũng rất quan trọng, ví dụ đưa một xã vào, thì sẽ là một phường của thành phố nhưng có rừng. Tôi biết chủ trương của tỉnh là không bao giờ loại rừng ra, vì rừng mà quy hoạch làm cái khác thì nguy hiểm vô cùng. Huế mà không giữ được rừng là chết từ lâu rồi.”
Một cư dân Huế, ông Nguyễn Chơn Đức, nhận định:
“Tôi ở Huế năm mươi mấy năm rồi, mở rộng thì phải xem mở rộng như thế nào? Phía Nam đến đâu? Phía Bắc đến đâu? Thời gian bao lâu? Lộ trình như thế nào? Mọi cái chỉ mới nghe nói vậy thôi. ”
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, việc mở rộng Huế là tất yếu, do nhu cầu bức thiết hiện tại và tương lai, vì Huế đã quá chật chội. Mật độ dân số của Huế hiện rất cao, tới 5.029 người/km2, trong khi quy chuẩn là 2.000 người/km2. Bên cạnh đó, hạ tầng xã hội khu vực trung tâm lại đang quá tải, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên Huế, khi trả lời báo chí trong nước cũng đã cho rằng, mở rộng Huế là phát huy lợi thế của một vùng đất từng là kinh đô, nên việc phát triển đó phải đi liền với việc phát triển đô thị di sản. Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, đô thị không có nghĩa phải là một thành phố đông dân cư, có nhiều nhà cao tầng, đường sá chằng chịt.
Mất nét văn hóa đặc trưng
Bên cạnh những ý kiến tích cực ủng hộ đề xuất mở rộng Huế, thì cũng có nhiều người lo rằng rằng với việc mở rộng như vậy, ắt hẳn sẽ xảy ra xung đột giữa chính quyền và dân trong việc di dời dân. Ngoài ra, nếu không quy hoạch tốt sẽ mất đi cái hồn của Huế. Vì bao quanh Huế là một hệ thống làng quê, mang đậm bản sắc làng Việt ở Trung Bộ và vẫn còn khá nguyên vẹn.
Ảnh minh họa chụp một người nông dân tại ngoại thành Huế hôm 17/01/2018. AFP
Bàn về góc độ này, giới bảo tồn văn hóa còn lo lắng di sản này sẽ mất đi trong quá trình đô thị hóa.
Để nghe các tiếng nói chuyên môn của các nhà nghiên cứu, RFA đã liên lạc với Nhà nghiên cứu văn hóa, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, và được ông cho biết như sau:
“Tôi cũng đã nghe chuyện này, tôi cũng xem phản ứng dư luận cũng như những nhân sĩ trí thức của Huế như thế nào? Nhưng theo ý riêng của tôi, việc mớ rộng thành phố Huế lên 5 lần so với diện tích hiện nay là đã góp phần làm loãng đi vẻ đẹp đặc sắc của Huế đã được liên kết trong thuận thiên của thành phố Huế hiện nay. Vì vậy dưới góc độ văn hóa, và di sản thì việc mở rộng như thế là không cần thiết và nó sẽ làm phôi phai đi hình ảnh một Huế cô đọng về mặt văn hóa.”
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu muốn mở rộng Huế, nên rút bài học kinh nghiệm từ việc mở rộng các thành phố trước đây ở Việt Nam như việc mở rộng Hà Nội.
Sau gần 11 năm khi Hà Nội mở rộng, thì những khu vực trước đây, tỉnh cũ sáp nhập như Hà Tây, Hòa Bình, tuy diện mạo có thay đổi do hưởng được chính sách đầu tư của thành phố nhưng đâu đó vẫn còn những ta thán khi chính quyền chưa chuyển đổi đô thị đến nơi đến chốn.
Cụ thể, khi Hà Nội mới bắt đầu có chủ trương sáp nhập, chính quyền đã duyệt hàng loạt các dự án ở các khu đất nông nghiệp không phù hợp. Vì thế hiện nay còn nhiều dự án treo, dự án dang dở, nhiều đô thị ‘bỏ hoang’… Nhiều khu vực trước đây là đất nông nghiệp màu mỡ nhưng bị phân tán quy hoạch xây dựng thì nay trở nên hoang hóa, không có giá trị sử dụng. Trong khi nông dân khu vực đó thì lại thất nghiệp.
Và bây giờ để xử lý vấn đề ấy thì rất khó, bởi vì bây giờ đất nông nghiệp đã hoang hóa. Vì vậy, nhiều người lo ngại, khi mở rộng thành phố Huế, nếu làm không đến nơi đến chốn thành phố có thể trở thành “nông thôn mang mác thành thị”.
Khi đó, một bộ phận nông dân trở thành thị dân mà mỗi ngày vẫn ra đồng cấy lúa, trồng khoai, rất dễ tạo nên một kiểu đô thị ‘nửa làng, nửa phố’.
Cần phát triển đồng bộ
Cũng nhìn thấy rất nhiều khó khăn khi mở rộng đô thị Huế, nhưng kỹ sư Nguyễn Hữu Lễ, vẫn ủng hộ, ông lý giải:
“Theo ý kiến cá nhân tôi thì phải xem xét nhiều chiều, tất nhiên đô thị lớn thì cũng nhiều vấn đề phức tạp, nhưng dân ở đây ủng hộ như thế. Chẳng hạn người nông dân ở thành phố cũng sẽ khác, sẽ không còn manh mún nhỏ lẻ nữa, trồng trọt sẽ theo công nghệ cao hơn, nông dân họ không sợ đâu, họ cũng phấn khởi đó, vì lên thành phố cũng có tác động với họ.”
Theo Kỹ sư Nguyễn Hữu Lễ, khi mở rộng Huế, nghĩa là chính phủ sẽ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chắc chắn hơn và đưa khoa học kỹ thuật cao hơn về áp dụng. Và đó là điều ai cũng mong muốn.
Liên quan vấn đề này, RFA liên lạc Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển – IPSARD, và được ông cho biết như sau:
“Trường hợp của Huế có thể nói là tương đối nhỏ, nhưng có thể nói xu hướng tất yếu của cả nước Việt Nam, cũng như các nước đang phát triển, là kinh tế nông nghiệp chuyển dần sang kinh tế phi nông nghiệp, và cư dân nông thôn sẽ chuyển thành cư dân đô thị, và một phần đáng kể nông thôn sẽ chuyển thành thành phố. Tôi nghĩ đó là quy luật tất yếu của sự phát triển. Nhưng điều chúng ta băn khoăn là trong quá trình phát triển như thế, một là lao động rút ra khỏi nông thôn có tìm được việc làm ở các lĩnh vực phi nông nghiệp hay không? Thứ hai, những người dân nông thôn có thể có điều kiện sống, có sinh kế, để chuyển họ sang cuộc sống của người dân đô thị hay không?"
Với lập luận trên, Tiến sĩ Đặng Kim Sơn nhận xét: do đó quan trọng nhất là quá trình đô thị hóa phải đi liền và tiếp nối với quá trình phát triển nông thôn.
Nguồn: RFA Tiếng Việt